Thưa dần tiếng chim hót ở Sài thành

868

Bao năm sống nương nhờ ở thành phố, giữa cái bộn bề ngột ngạt thi thoảng nghe thấy tiếng chim ríu rít chuyền cành, thấy lòng nhẹ tênh như được trút bỏ cái gì đó…

Nghe tiếng chim ríu rít như được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình và như được bước ra khỏi cái nặng nề cuộc sống cơm áo.

Nhờ thời đi lấy tổ chim

Nhử chim, lấy tổ chim… là những trò tiêu khiển không chỉ của đám trẻ chăn bò quê tôi ngày ấy mà còn là thú vui của người lớn. Dân nhử chim chuyên nghiệp thì có đủ các loại chim mồi, nghe đâu có tiếng chim là đến đặt bẫy, quen nẳm bụi bờ. Sáng sớm xách bẫy đi, thế nào cuối ngày cũng có chim mang về.


Tổ chim cúm núm đang chờ ấp trứng.

Cũng có không ít người nhử chim kiểu “cơm gạo”, thiếu kiên nhẫn, khi phát hiện tổ có trứng, cố tình bắt cả chim chống và mái thì lấy tổ bỏ vào bẫy để… dụ. Ấy gọi vui là “tóm trọn ổ” nhưng chơi kiểu này thường bị chê là “dân chơi nửa mùa”, không đáng mặt dân nhử chim.

Mùa lúa chín ươm đồng, từng vạt lúa vừa cắt rạp xuống cũng là lúc lũ chim kéo đến nhảy nhót ríu rít sau chân người. Người lớn bảo, phần vì chúng dạn dĩ phần để canh giữ “tổ ấm” của mình.

Lúc bấy giờ tổ chim dày đặc, nhất là chim sẻ, cúm núm được kết bằng rơm rạ gá giữa thân lúa. Thi thoảng gặp tổ dòng dọc trong bụi lau sậy, trên hàng rào cao phủ đầy dây bình bát leo men theo nương nước dẫn về cánh đồng phía hạ nguồn.

Đám trẻ quê tôi, tí tuổi thôi đã biết phân biệt tổ chim gì, của trống hay mái. Như chim dòng dọc mái có tổ riêng hình túi, đoạn phồng lên như cánh tay áo, buông thõng xuống lơ lửng. Đặc biệt, cửa tổ nằm bên dưới không giống bất kỳ loại tổ chim nào, đó là một công trình kiến trúc độc đáo, cầu kỳ và rất duyên. Riêng tổ chim trống thì thiếu sự chăm chút, trông thô hơn.

Nắng lên quá ngọn tre già, đám trẻ chúng tôi hí hửng mang tổ chim về, xem như chiến lợi phẩm sau hơn hai giờ băng đồng mà ngây thơ đâu biết rằng lũ chim non phải xa mẹ sống chết ra sao, rồi chim mẹ phải đau đớn vì mất con thế nào?

Lần thấy đám trẻ mang tổ chim về ngang gò mả, ông Hai gọi lại, vén tổ thấy bốn con chim non yếu ớt, há mõm kêu đòi ăn. Ông Hai nhẹ nhàng hỏi tụi con lấy ở ruộng nào để ông mang ra lại chỗ ấy để được mẹ chăm sóc, nếu không chim non sẽ chết.

Nghe vậy, cả đám đứa nào cũng đồng ý. Chúng tôi lại đưa ông Hai đi qua mấy bờ cái, rồi mới đến bờ con nơi dẫn vào tổ chim lúc nãy, ông cẩn thận đặt tổ chim vào vị trí cũ. Chúng tôi vừa quay đi, chim mẹ liền bay về tổ móm cho con ăn, dùng miệng và chân sắp xếp lại mớ rạ cho tổ được đầy đặn hơn.

Ông Hai nhìn chúng tôi, ánh mắt ân cần: Có thể cái tổ ấy sẽ được chim mẹ dời đi nơi khác để tránh bị săn bắt nhưng nếu tụi con không lui tới nữa, tổ vẫn ở đó đến khi chim non đủ lông đủ cánh tự bay đi kiếm ăn. Rồi đến mùa sau lại có đàn chim khác kéo về làm tổ.

Có còn mùa sau?

Nhiều mùa sau, chim cũng thưa dần, năm thì mười họa mới bắt gặp tổ chim. Ấy là chim đã đi xa, tìm nơi làm tổ an toàn hơn. Thi thoảng bạn bè thăm hỏi, thường nhắc lại quãng cùng nhau đi lấy tổ chim mỗi sáng. Bạn bảo dạo này chim hiếm lắm, do người ta săn bắt kiểu tận diệt bằng lưới, bằng keo…


Ở thành phố, mảng xanh ngày một nghèo nàn đi, rồi mai này cũng sẽ không còn được nghe tiếng chim ríu rít vào mỗi sớm mai.

Bao năm sống nương nhờ ở thành phố này, giữa cái bộn bề ngột ngạt thi thoảng nghe thấy tiếng chim ríu rít chuyền cành, thấy lòng nhẹ tênh như được trút bỏ cái gì đó.

Lũ chim kia cũng thế, muốn được bình yên trong thế giới của chúng nhưng không thể sau sự cố cây xanh ngã đổ, cây cối chặt trụi, chim chóc phải dạt về nơi khác.


Chim non dáo dác tìm mẹ.

Trường học kế bên nhà cũng vậy, mảng xanh phủ chưa khắp nhưng cũng tạm là chốn yên bình để chim kéo về làm tổ nay đã trơ trọi trông như chốn này vừa có cơn bão dữ quét qua.

Tiếng máy cưa rầm gú càng lúc càng ầm ào, tổ chim tan tành theo thân cây đổ rạp xuống đất. Những chú chim sẻ non dáo dác bay nhưng không đủ sức cũng lộn nhào xuống đất. Như một phản xạ tự nhiên, chim mẹ từ trên nhánh cây còn sót lại bổ nhào xuống giành con ra khỏi bàn tay của anh thợ cưa.

Nhớ lời ông Hai ngày ấy, đại ý vầy: Có mẹ nào ngồi yên khi chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ. Dù có đánh đổi cả mạng sống, dù không còn tia hy vọng nào cũng lao vào cứu con. Dù là những đứa trẻ nhưng chúng tôi hiểu được câu chuyện ông Hai muốn răn dạy.

Từ đó về sau, đám trẻ chúng tôi không còn đứa nào nghĩ tới trò lấy tổ chim nữa.


Chim bày bán công khai tại vùng ven Sài Gòn.

Ở thành phố, nghe tiếng chim ríu rít là lòng nao nao, vui sướng như được trở về với quãng tuổi thơ gắn với ruộng đồng, về với vòng tay yêu thương của gia đình và như được bước ra khỏi cái nặng nề cuộc sống cơm áo.

Mà nay không dễ để được nghe, được thấy, kể cả ở vùng ven khi thiên nhiên không còn “cưu mang” chim chóc nữa, chưa kể bàn tay con người chọc phá và săn bắt.

Tri Trần/PLO