Tiếng hát Nguyên Phượng & giấc mơ thấp thoáng

1905

13.10.2017-19:45

Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và ca sĩ Nguyên Phượng

 

Tiếng hát Nguyên Phượng

& giấc mơ thấp thoáng

 

NGÔ ĐÌNH HẢI

 

NVTPHCM- Lâu lắm, mới có dịp hội tụ đông đủ bạn bè nghe “đàn ca sáo thổi”. Đêm11.10.2017 ở Quán Cây – Phú Nhuận, buổi ra mắt CD “Tiếng hát Nguyên Phượng” gần như là một cái cớ để ngồi lại với nhau.

 

Những ly rượu vang chuyền tay. Những bài hát xưa cũ. Hình như chưa có lần nào nghe hay và tê tái đến vậy. Vẫn tiếng guitar bạo liệt của Kiều Anh Tuấn, mượt mà của Thanh Phong. Vẫn một Nguyên Phượng trầm ấm và thanh thoát, một Tiến Long sâu lắng, một Hoàng Nam mạnh mẽ. Bấy nhiêu thôi mà chơi dậy sóng, bất chấp những trường ca Hội Trùng Dương, Hòn Vọng Phu… vốn dĩ đã quen được nghe với một ban nhạc hùng hậu và nhóm đông ca sĩ! Những kỷ niệm lúc dồn dập, gấp gáp. Lúc ngọt ngào giăng ngang, nhẹ nhàng và êm ái như cơn mưa chiều trước đó!

 

Một Châu Đăng Khoa với tiếng đàn guitar đầy bản lĩnh và điêu luyện, với hai tình khúc độc đáo của mình: Mưa và nỗi nhớ, Chiêu Quân (phổ thơ Quang Dũng) trong tiếng hát đầy tự sự và quyến rũ của Nguyên Phượng làm tê tái người nghe.

 

Ai đó nói rằng: “Nhạc sĩ Phạm Duy có ca sĩ Thái Thanh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca sĩ Khánh Ly, giữa họ với nhau ai là người may mắn?”. Tôi không muốn lp lại câu hỏi này với nhạc sĩ Châu Đăng Khoa ca sĩ Nguyên Phượng, bởi đơn giản cái thân thiết giữa tình bạn lâu đời, với tôi, những ca khúc đó, giọng ca đó đã hòa quyện, gắn chặt với nhau, khó mà thay thế!

 

Biết và chơi với Châu Đăng Khoa mấy mươi năm, từ ngày hai thằng còn…”con gái”! May cho tôi là dạo đó ít đi chung, chứ giữa đám đông, đầy thiếu nữ mơ mộng, mà ở gần chàng guitar classic thủ khoa nhạc viện này, thì coi như… “con đường tán gái” của tôi mịt mờ là cái chắc!

 

Bạn bè có người còn cắc cớ hỏi: “Thân cỡ đó, sao không học lấy một ít của Khoa, để chơi với đời”… Trời đất! Tài năng như hắn, mà còn “khổ luyện” tới ‪14 giờ một ngày chỉ để… chơi, thì tôi là cái đinh gì mà đòi học. Chưa nói tới, chỉ cần ngồi nghe Khoa đàn, nhìn bàn tay nhởn nhơ mà gắn chặt từng âm thanh của hắn trên mấy sợi dây, là đủ bị hớp hồn, đủ ngơ ngẩn tới nhức đầu, chóng mặt. Theo cho đứt hơi à!

Ca sĩ Nguyên Phượng ra mắt CD “Tiếng hát Nguyên Phượng”

 

Nguyên Phượng thì khác. Lúc đầu là ngạc nhiên, rồi thích thú, rồi mê mẩn. Nhạc của Châu Đăng Khoa, phần lớn là khó hát, lạ lẫm từ tiết tấu tới ngôn từ. Khoảng cách của những âm vực biến ảo và xa nhau! Nó hay, rất hay nhưng lại khó phổ biến. Phải có một số vốn thanh nhạc vững chắc, một chất giọng thiên phú để diễn đạt. Nguyên Phượng đã làm được điều này. Tôi vốn dốt âm nhạc, dốt bẩm sinh, tới Soprano hay Contralto còn không phân biệt nổi, nghe Nguyên Phượng hát thấy ngây ngất, thấy say. Rồi sướng, rồi khen hay, mà hay chỗ nào thì xin tha cho tôi, không giải thích được.

 

Có những lần nghe Nguyên Phượng hát, tôi quên mình, quên mất cái thực tại đầy ắp những nỗi lo chồng chất! Tôi thấy mình trên những con đường đã đi qua. Thấy một Đà Lạt mù sương xưa cũ. Đà Lạt của những buổi tối thưa vắng, người lữ khách lầm lũi leo từng con dốc. Mà sương Đà Lạt lạ lắm. Sương rơi trên áo, mơ hồ như làm quen, như vỗ về. Đợi đến khi sương thấm qua áo nghe lạnh, lạnh run người. Rồi sương đọng lại thành giọt, sương chui vào người, lẫn vào trong thân, mà ấm áp dần, mà không muốn rời xa. Nghe Phượng hát cũng vậy, thoạt đầu nó hơi xa cách, rồi thấm dần, thấm sâu vào hơi thở, không quên được, in hệt sương mù Đà Lạt, những “giọt sương ấm áp”!

 

Lần nào cũng vậy. Cứ rời khỏi tiếng đàn, giọng ca đó, tôi lại hụt hẫng, lại luyến tiếc. Những giấc mơ vừa tìm lại được, thấp thoáng ẩn hiện. Lại tự nhủ, biết đâu nó vẫn còn ở đâu đó trong những đêm như thế này. Và tôi chờ đợi, chờ để được nghe lại, để nhìn thấy những “giấc mơ thấp thoáng” trong đêm thứ Bảy 4.11.2017 sắp tới với “Tí tách ngày xưa” của Nguyên Phượng ở Nhạc viện Thành phố. Thì đành chờ vậy…

 

Sài Gòn, 12.10.2017

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…