Tiếp nhận văn học luôn là bình diện quan trọng của đời sống văn học và văn hóa. Trong phạm vi thực hành văn hóa, tiếp nhận văn học không chỉ là đọc, hiểu, diễn giải, mà còn là các hoạt động sản xuất, điều hành, phân phối, tiêu thụ, dịch thuật, cải biên, quảng bá, trưng dụng văn học… Vì thế, việc tiếp cận và nghiên cứu tiếp nhận văn học ngày càng đòi hỏi sự phối hợp đa dạng hơn về phương pháp và góc nhìn trong tầm nhìn nghiên cứu liên ngành. Trên tinh thần đó, sáng ngày 19/1/2021, tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tạp chí Nghiên cứu văn học đã tổ chức tọa đàm Tiếp nhận văn học: hướng tới tiếp cận liên ngành.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Cuộc tọa đàm lần này đặt ra mục tiêu cập nhật thông tin về một số lí thuyết tiếp nhận đương đại và sự tương tác của lí thuyết tiếp nhận với các lí thuyết văn học khác trong nghiên cứu văn học, thảo luận về vấn đề liên ngành trong tiếp nhận văn học thông qua việc phân tích một số vấn đề và hiện tượng văn học Việt Nam. Tọa đàm đã thu hút nhiều học giả đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn trong nước với các tham luận có tính học thuật cao và khả năng gợi mở nhiều vấn đề thú vị trong nghiên cứu tiếp nhận văn học nói riêng và nghiên cứu văn học, văn hóa nói chung.
TS. Nguyễn Duy Bình tại tọa đàm
Tại cuộc tọa đàm, cử tọa đã được nghe TS. Nguyễn Duy Bình (Đại học Vinh) trình bày những kết quả nghiên cứu chính trong tham luận Dịch văn học từ góc nhìn thông diễn học. Từ quan điểm của Eric Donal Hirsch đòi hỏi một khả thể khách quan trong tiếp nhận và thông diễn, nhấn mạnh đến ý hướng chủ quan của tác giả trong văn bản, Nguyễn Duy Bình đặt ra vấn đề: có sự sáng tạo trong diễn giải hay không? Tham chiếu từ các quan điểm khác của H. G. Gadamer về sự hòa trộn (những) chân trời hay Paul Ricoeur về bản thể học số nhiều, Nguyễn Duy Bình đi đến kết luận về tính trung thành và sáng tạo, hướng nguồn và hướng đích, chính mình và người khác, tường minh và ẩn tàng trong thông diễn học. Đồng thời tác giả tham luận cũng nhấn mạnh việc thông diễn học chống lại những ý hướng có tính chủ quan, võ đoán, tương đối trong lý giải và các thiên kiến trong quá trình tiếp nhận văn học.
TS. Nguyễn Thị Minh tại tọa đàm
Liên quan đến vấn đề tiếp nhận văn học mà rộng hơn là các diễn giải văn hóa, TS. Nguyễn Thị Minh (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày tham luận Về một cách đọc queer: Judith Butter đọc “Antigone” của Sophocles. Vấn đề chính của tham luận này là từ cách đọc queer (những biểu hiện lệch chuẩn) thông qua trường hợp Antigone, chúng ta có cơ hội nhìn về thế giới một cách rộng lượng hơn, đa dạng hơn, vì thế nhân văn hơn.
TS. Hoàng Cẩm Giang tại tọa đàm
Như đã nói, tiếp nhận văn học trong xu hướng liên ngành không chỉ là đọc, hiểu, diễn giải, mà còn nhiều hoạt động khác liên quan đến hiện tượng văn học. Chính vì thế, tham luận Để chống lại chủ nghĩa so sánh: phóng tác/ cải biên và kí ức văn bản qua phim chuyển thể truyện của Hồ Biểu Chánh (trường hợp Chúa tàu Kim Quy) của TS Hoàng Cẩm Giang (Đại học KHXH & NV Hà Nội) đã thu hút được sự quan tâm từ cử tọa. Thông qua báo cáo của Hoàng Cẩm Giang, người nghe đã có được những hình dung về các lớp văn bản, liên văn bản chồng lên nhau trong quá trình dịch, phóng tác, cải biên tác phẩm văn học. Từ Chúa tàu Kim Quy của Hồ Biểu Chánh đến bộ phim Chúa tàu Kim Quy của đạo diễn Châu Huế hay tác phẩm Bá tước Monte Cristo của A. Dumas và các văn bản trước đó nữa, tác giả tham luận đi đến kết luận về những “tinh vân tiếp xúc” giữa các nền văn hóa, đôi khi nó như một dạng kí ức vô thức. Đồng thời, qua các thời điểm khác nhau, ở từng chủ thể tiếp cận, trong các nền văn hóa, với những bối cảnh khác nhau, người ta đã trưng dụng tác phẩm theo những cách không giống nhau, đem lại đời sống phong phú, bất tận cho diễn giải văn học, văn hóa.
TS Hoàng Phong Tuấn tại tọa đàm
Cũng trong buổi tọa đàm, các báo cáo khác của TS Hoàng Phong Tuấn (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh): Viễn tượng mới về lịch sử văn học ở Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945 – 1946; TS Ngô Viết Hoàn (Viện Văn học): Lược khảo văn bản “Mao Trạch Đông bàn về văn nghệ” và tình hình tiếp nhận tại Việt Nam giai đoạn 1950 – 1960 cũng tạo nên những tranh luận sôi nổi, thú vị. Đáng chú ý, từ hai tham luận này, soi chiếu lại lịch sử văn học Việt Nam, vấn đề định chế văn học, quyền lực và trật tự của các diễn ngôn được hình dung một cách rõ nét hơn.
Bước sang phần thảo luận, các ý kiến của PGS.TS Trương Đăng Dung về nguồn gốc của thông diễn học, đặc trưng bản thể của tác phẩm văn học, bản chất của ngôn ngữ, tác phẩm mở, giới hạn của sự mở… đã giải đáp một số hoài nghi về tính tùy tiện của diễn giải. Từ ý kiến của Trương Đăng Dung và tiếp theo là PGS.TS Đỗ Hải Phong (Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học), TS Hoàng Phong Tuấn, TS. Nguyễn Duy Bình… cử tọa có được nhận thức về khả năng của thông diễn, căn cứ và cơ sở của diễn giải. Mọi thông diễn sẽ trở nên vô giá trị hoặc không thuyết phục nếu nó rời xa cơ sở văn bản.
Ngoài các tham luận đã được trình bày, ban tổ chức còn nhận được các báo cáo khoa học của TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học): Lựa chọn cách tân trong tình thế cách mạng (trường hợp Nguyễn Tuân và Nguyễn Đình Thi); PGS.TS Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học): Quá trình tích tụ tư bản văn hóa của trường văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX; Ths Quách Thu Hiền (Viện Văn học): Ảnh hưởng của Văn tuyển và sự hình thành tổng tập ở Việt Nam thế kỉ XV. Tuy nhiên, do thời gian của tọa đàm chỉ diễn ra một buổi, nên các báo cáo này sẽ được công bố hoàn chỉnh trên tạp chí Nghiên cứu văn học trong thời gian sắp tới.
Có thể nói, tọa đàm Tiếp nhận văn học: hướng tới tiếp cận liên ngành là một sự kiện khoa học ý nghĩa, quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu trẻ, uy tín trong cả nước. Đây thực sự là một cơ hội để nhìn nhận lại lí thuyết tiếp nhận, những khả năng của việc tiếp nhận/ tiếp cận văn học trong không gian nghiên cứu liên ngành.
Theo Nguyễn Thanh Tâm/VNQĐ