(Vanchuongphuongnam.vn) – Một cuộc hội ngộ văn học đã diễn ra. Thuần các nhà văn. Già nhất cỡ Y Ban, Phạm Thanh Khương, Vũ Tuấn Anh. Thau tháu những Uông Triều, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Phạm Vân Anh, Trần Đức Tĩnh… Thẳng thắn. Chân thành. Thoải mái. Nhưng không khí học thuật thấm đẫm khi bàn về tiểu thuyết lịch sử. Cụ thể là Nam Đế Vạn Xuân mới ra lò của nhà văn Phùng Văn Khai.
Nhà văn Phạm Thanh Khương.
Nhà văn Y Ban
Nhà văn Uông Triều
Nguyễn Thế Hùng với vẻ thâm trầm thường nhật cộng với cá tính của người xứ Nghệ đã khái quát rành mạch quãng đường nhập môn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai. Thậm chí là những bàn bạc từ trước đó, trước khi cầm bút viết trong lúc trà dư tửu hậu hai nhà văn đã trình bày bằng miệng những sáng tác còn chưa ở trên giấy. Khi bản thảo còn dang dở, hai nhà văn đã in cho nhau đọc. Cái cách băn khoăn về văn học, về tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Hùng khá rộng lớn. Chúng ta có bị ngàn năm Bắc thuộc không? Văn học của chúng ta viết về vài ngàn năm lịch sử như thế nào? Tiểu thuyết lịch sử chú trọng hư cấu văn chương hay sự thực lịch sử? Đặc biệt, Nguyễn Thế Hùng đã vô cùng thẳng thắn khi cho rằng tại sao những cuộc sinh hoạt học thuật như thế này Hội Nhà văn lại ít làm? Hội phải chủ động tổ chức chứ? Phải dẫn dụ và lắng nghe những người đang viết. Đã từ lâu dường như có sự khác thường, phó mặc vô trách nhiệm trong sinh hoạt văn nghệ, trong đời sống văn chương.
Riết róng hơn. Lần đầu tiên thấy Y Ban tỏ ra ngẫm ngợi. Nhà văn thường không đọc nhau và đừng hòng trông chờ những điều thiết yếu về động viên sáng tác ở hội đoàn. Nhà văn là tự thân và tự vệ với chính mình. Hễ sai sót gì là rơi vào trường văn trận bút, không đầu rơi máu chảy cũng xây xẩm mặt mày. Động đến lịch sử là dễ dẫn lên đoạn đầu đài sống không bằng chết văn chương nỗi gì. Cũng đừng bao giờ tưởng cấp trên hoặc chúng bạn sẽ bênh vực nhà văn. Rồi Y Ban văng tục. Rồi Y Ban tha thiết nói về nghề, những đắng cay cơ cực, khốn khổ khốn nạn của những người viết chạm đến sự thật, mà mới chỉ một phần sự thật thôi nhé.
Uông Triều đanh đá chua cay nhắc ra những vấp váp chẳng đâu vào đâu của những nhà văn viết về lịch sử, bao gồm tiểu thuyết lịch sử. Thì đấy, ngay như truyện ngắn ở mức tầm tầm như Mở đầu và kết thúc in trên báo Văn nghệ viết về tình ái vợ chồng Thoát Hoan làm quái gì phải ầm ĩ thái quá. Những bậc trưởng lão viết lách chẳng chú trọng chỉ ưa thích thò ra những cây gậy tư tưởng, tuyên giáo, đạo đức, luân lý khiến mọi thứ đã ốm yếu càng thêm ọp ẹp. Nhà văn đã cô đơn ngày càng trở thành cô độc, cô hồn, cầu bất cầu bơ. Trong khi phải dốc sức làm ra những cái mới thì lại chẳng ai làm.
Phạm Thanh Khương thủng thẳng chín chắn như thường lệ. Ông có nói quá không khi khẳng định cả nhà đã mất quá nhiều thời gian đọc Phùng Văn Khai. Hết Phùng Vương, Ngô Vương, nay lại Nam Đế Vạn Xuân, toàn cục gạch bốn năm trăm trang mà vợ chồng con cái còn cả cháu đều khoái đọc là sao? Ông Khai có gì mới không? Các ngài nên nhớ đây là tiểu thuyết lịch sử chứ đừng soi nhau ở góc độ văn bản chính sử. Đánh nhau là đánh nhau trong tiểu thuyết chứ không phải định lượng đúng sai trong chính sử. Mà chính sử ở ta lắm lúc cũng năm bè bảy mối, cũng hư hư thực thực dựa vào cái lừ mắt của quân vương mà chép ra cả thôi. Có không ít sự kiện sờ sờ trước mắt mà sử quan im thin thít có dám động bút vào đâu? Nhà văn động bút là tai bay vạ gió. Ông Khai viết tiểu thuyết lịch sử có cái gì mới. Có cái gì hay thì hãy ghi nhận ông ấy. Có sao mừng vậy chớ đòi hỏi những siêu phẩm trong buổi đầy rẫy thị phi này.
Phạm Vân Anh tâm sự những buổi đầu đọc tiểu thuyết lịch sử của mọi người, của Phùng Văn Khai. Đặc biệt thích Ngô Vương vì những ngày lăn lóc hát văn, hát ả đào các đình đền thờ cụ Ngô Quyền ở Hải Phòng đã khát khao ngưỡng mộ vị anh hùng dân tộc đánh quân Nam Hán. Dân gian lập đền thờ đã nghìn năm mà các tác phẩm văn học còn chưa ra tấm món. Đến tiểu thuyết Ngô Vương ra đời đánh dấu một bước trưởng thành mới không riêng của Phùng Văn Khai mà phải là một sự khẳng định của dòng tiểu thuyết lịch sử. Những trang viết về Bạch Đằng giang cắt ra in thành truyện ngắn được tức là văn chương đai đẳng rồi. Nguyễn Thế Hùng nói luôn nhiều truyện ngắn về lịch sử ông Khai cắt ở tiểu thuyết ra cũng tròn vành rõ chữ lắm. In trên báo các nhà văn già rất khen. Phạm Vân Anh cho rằng lịch sử còn quá nhiều khoảng trống cần đến Phùng Văn Khai lắm lắm.
Nam Đế Vạn Xuân là cuốn mở đầu của Bộ tiểu thuyết lịch sử về thời tiền Lý dự kiến bốn cuốn: Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương Phục quốc; Đào Lang Vương; Bá thuật vong quốc. Nhà văn Phùng Văn Khai mười mấy năm nay rất mê đi đình đền chùa miếu. Viết Phùng Vương, ông Khai đi ngót trăm đình đền của bảy tỉnh có điểm thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. May mắn thay, ông toàn đi với các nhà nghiên cứu lịch sử cỡ Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, nhà nghiên cứu Tạ Đức, nhà nghiên cứu Trương Sĩ Hùng, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Đặng Văn Sinh, Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, Giáo sư Trần Ngọc Vương, nhà sử học Vương Duy Miên… thành thử những gì cần ngọn ngành bia bảng cả một đội ngũ đầu ngành khơi khơi trao đổi bàn luận ông Khai cứ thế ghi vào trong trí óc nên thuận tiện về tư liệu lắm. Chưa kể là, hễ chỗ nào tồn nghi, ông Khai mời bạn bè bất chấp nắng mưa lên đường khảo cứu. Khi viết Nam Đế Vạn Xuân, có một vị Thiếu tướng công an rất giỏi lịch sử đã về hưu nhất quyết bảo ông Khai rằng quê cụ Lý Bí phải là ở Thái Bình. Ông Khai phản biện bằng cách lên đường đi tìm chùa Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên theo kết luận của Hội thảo Khoa học về Vương triều tiền Lý và quê hương Lý Bí. Nơi đồi gò hoang hóa tiêu điều, ngôi chùa cũng nhỏ nằm nép dưới những tầng cây cổ thủ tưởng như chính quyền đã bỏ quên chẳng có sư trụ trì chỉ loáng thoáng một bà vãi và hai người đàn ông phiêu bạt từ miền Trung quét dọn trông coi. Chẳng hiểu sao nơi sinh thành dưỡng dục cũng là nơi tụ tập của vị vua lừng danh Lý Nam Đế, người dám xưng đế hiệu đầu tiên ở phương Nam đối chọi với Bắc đế mà đằng đẵng tháng năm mái chùa sắp sập đến nơi chẳng thấy ai ngó ngàng tôn tạo? Kể cũng là một sự lạ trong lúc khắp nơi chỉ nhăm nhe xây chùa kỷ lục đầy tai tiếng, tiền bạc dẫu có hốt về nhưng xói mòn đạo đức không hề nhỏ đang là một nỗi đau nhức nhối.
Rồi chuyện ông Khai trong Nam Đế Vạn Xuân đưa hàng trăm chiến thuyền của hai vị tướng lừng danh thuộc quyền Lý Bí là Tả tướng quân Triệu Quang Phục và Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa sang tận Hợp Phố đất Trung Nguyên đốt giết thủy quân của Lương Vũ Đế khiến vị hoàng đế lừng danh Trung Quốc hạ chỉ bắt hai viên đô đốc Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng phải tự vẫn còn lập tức triệu hồi Vũ lâm hầu Tiêu Tư vốn dòng dõi Tiêu thị con cháu Thừa tướng Tiêu Hà đời Hán về nước thì là sự mới mẻ của tiểu thuyết lịch sử quá đi chứ. Lại cũng trong Nam Đế Vạn Xuân, lần đầu tiên tác giả xác quyết bằng văn tự rằng người Việt chúng ta từng có dòng thiền Luy Lâu từ trên 1500 năm trước. Dòng thiền này mạnh đến mức tham gia lập quốc xưng đế, chế định triều nghi và ngôi chùa Trấn Quốc chính là do Lý Nam Đế hưng công xây dựng coi là quốc đạo của một quốc gia khiến phương Bắc phải nể phục còn đến hôm nay.
Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai có gì mới? Trả lời câu hỏi này một cách gõ vào Google cũng ra rất nhiều cách khẳng định, chia sẻ, khơi dẫn của các giáo sư tiến sĩ tới bạn đọc phổ thông. Đã có những luận văn đại học làm về tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai thì rõ ràng là mới mẻ. Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trâm luôn khẳng định văn chương của Phùng Văn Khai, nhất là mảng tiểu thuyết lịch sử không chỉ mới mẻ mà còn đằm đẵm kiến thức tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đặc biệt chất dân gian với những phong tục tập quán rất cần được nghiên cứu, ghi nhận thích đáng.
Một cuộc tọa đàm văn chương và lịch sử hữu ích rất cần được nhân rộng, đặc biệt nếu nó được diễn ra ở những hội trường lớn có truyền thông.
Dẫu là còn khiêm tốn nhưng câu hỏi tiểu thuyết lịch sử trong đó có tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai có gì mới rất mong được các nhà nghiên cứu, nhất là các độc giả bằng cách đọc của mình hãy tìm lấy câu trả lời cho chính mình.
Phong Sương