Tình bạn trong hoạn nạn giữa hai thi nhân Nga

699

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cũng như bao người đương thời của mình, tin tưởng rằng, hoặc chí ít thì cũng hy vọng rằng sự mất mát khổng lồ mà nhân dân Liên Xô phải gánh chịu, hàng triệu triệu người chết trong cuộc chiến tranh với chủ nghĩa Phát xít sẽ không cho phép đất nước quay trở lại thời kỳ “Thanh trừng và khủng bố” diễn ra vào những năm trước đại chiến thế giới II. Nhưng rồi, cảm quan của người nghệ sĩ đã không cho phép ông xao nhãng đi. Ông nhìn thấy bầu không khí tự do thoải mái ít nhiều sau chiến tranh đã dần dần u ám lại cùng với mức độ đối đầu với thế giới phương Tây. Cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu.

Hai nhà thơ nổi tiếng ở Nga Akhmatova và Pasternak 

Tháng 6 năm 1946, ông viết thư cho chị gái của mình: “Em đang đi trên lưỡi dao… thật thú vị, thật hồi hộp và chắc hẳn cũng thật nguy hiểm…”. Cuộc tấn công vào giới trí thức được khai hỏa vào tháng 8 năm 1946 với nạn nhân đầu tiên là nhà thơ Anna Akhmatova. Bà bị buộc tội là một trong những kẻ cầm đầu trường phái thi ca thính phòng “quí tộc và rỗng tuếch”, hoàn toàn xa lạ với văn học Xô Viết. Bà cổ súy cho phong trào “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong một bài phát biểu nảy lửa của Zdanov, chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tại điện Xmonyh (Xanh-Peterburg), ông đã thóa mạ nữ sĩ: “chủ đề xuyên suốt thơ ca của Akhmatova chỉ bó gọn trong chủ nghĩa cá nhân, thơ ca của bà ta hạn hẹp đến thảm hại. Chủ đề chính là gì? Đấy là tình yêu thể xác, xào xáo với nỗi buồn, cái chết, tuyệt vọng và định mệnh…”.

Cuộc tấn công vào giới trí thức do Zdanov phát hỏa lan nhanh sang các lĩnh vực nghệ thuật khác như phim ảnh, nhà hát, âm nhạc và giới khoa học. Tất cả những trí thức nào dù  dưới bất cứ hình thức nào bày tỏ sự tôn trọng đối với văn hóa phương Tây hoặc khen ngợi nền dân chủ Mỹ, đều phải chịu tai họa.

Pasternak không thể tránh khỏi trở thành nạn nhân của chiến dịch này. Tổng thư ký mới của Hội nhà văn Liên Xô Aleksandr Fadeev đã buộc tội nhà thơ, người đoạt giải thưởng Nobel tương lai, là xa rời quần chúng. Khi người ta yêu cầu ông viết bài thóa mạ Akhmatova trên báo chí, Pasternak đã thẳng thừng từ chối và nói rằng ông quá yêu mến và cảm phục bà. Hơn thế nữa, ông đã nhiều lần giúp đỡ bà tiền nong để có cái sinh nhai vì bà bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và không còn phương tiện sinh sống. Rồi tiếp sau đó, chính ông bị khai trừ khỏi hội vì không chịu tham dự buổi đấu tố bà.

“Tuyết rơi” –  Thi phẩm về niềm hạnh phúc được viết nên từ nỗi đau.

“Trong những giây phút tưởng như là cuối cùng trên đời, hơn bao giờ hết, tôi khao khát được thỉnh cầu lên Thượng Đế, khao khát tôn vinh những điều được chứng kiến, tóm bắt và ghi khắc chúng lại. “Thượng Đế ơi – Tôi thầm thì – Cảm ơn Người vì  Người đã ban phát tràn trề màu sắc, đã làm cho cả cuộc sống lẫn cái chết trở nên lung linh vĩ đại đầy nhạc tính, vì Người đã cho con trở thành một nghệ sĩ và sự sáng tạo là trường học của Người. Suốt cả cuộc đời, Người đã dẫn dắt và hướng con đến đêm hôm nay. Và, tôi đã hân hoan sung sướng, nước mắt rơi lã chã vì hạnh phúc”.

Ông đã viết những dòng trên vào năm 1952 sau khi trải qua một cơn suy tim nặng. Ở đây, chúng ta cảm nhận được hơi thở của thời gian, đồng thời cũng có sự hiện diện của một giao diện khác nơi mà thời gian biến mất.

Hai bài thơ dưới đây được xếp vào tuyển tập “50 bài thơ vĩ đại” của nền thi ca Nga.

Vũ Tuấn Hoàng giới thiệu và dịch

 Tuyết rơi

Tuyết rơi, rơi mãi, rơi hoài

Giò hoa phong lữ bên ngoài cửa song

Sao trời lấp lánh mắt trong

Nhành hoa trong bão khát mong tú cầu.

Tuyết rơi, vạn vật xoay ngầu

Dường như tất cả bắt đầu bay bay

Cầu thang bóng tối phủ dày

Ngã ba ngã bảy cũng quay lòng vòng.

Tuyết rơi, rơi mỏi, rơi mong

Dường như không phải từng bông mượt dày

Mà cả bầu trời ngất ngây

Choàng lên mặt đất áo may điệu đàng

Giống như vẻ mặt gã gàn

Bầu trời lăn xuống cầu thang tầng lầu

Chơi trò tìm trốn nơi đâu

Lén la lén lút trên đầu mái hiên.

Cuộc đời chẳng đợi, tất nhiên

Ngoảnh đi ngoảnh lại, đến liền Giáng Sinh

Thời gian khoảnh khắc vô hình

Thoắt trông mới đó, thình lình Tết tây.

Tuyết rơi, đậm đặc, rất dày

Bước chân cùng tuyết vui say nhịp nhàng

Lúc uể oải khi mau màng

Hình như thời khắc chuyển sang mất rồi?

Tháng năm hết đến lại trôi

Tuần tự như thể tuyết rơi ngoài trời

Hay như câu chữ đầy vơi

Dệt nên thi phẩm để đời – Trường ca?

Tuyết rơi, rơi thật thiết tha

Làm cho vạn vật đâm ra cuống cuồng:

Dòng người đi bộ trắng luồng

Cỏ cây ngơ ngác xem tuồng ngạc nhiên

Ngã ba ngã bảy rẽ nghiêng.

Снег идет

Снег идет, снег идет.
К белым звездочкам в буране
Тянутся цветы герани
За оконный переплет.

Снег идет, и все в смятеньи,
Bсе пускается в полет, —
Черной лестницы ступени,
Перекрестка поворот.

Снег идет, снег идет,
Словно падают не хлопья,
А в заплатанном салопе
Сходит наземь небосвод.

Словно с видом чудака,
С верхней лестничной площадки,
Крадучись, играя в прятки,
Сходит небо с чердака.

Потому что жизнь не ждет.

Не оглянешься — и Святки.

Только промежуток краткий,

Смотришь, там и новый год.

 

Снег идет, густой-густой.
В ногу с ним, стопами теми,
В том же темпе, с ленью той
Или с той же быстротой,

Может быть, проходит время?

Может быть, за годом год
Следуют, как снег идет,
Или как слова в поэме?

Снег идет, снег идет,
Снег идет, и все в смятеньи:
Убеленный пешеход,
Удивленные растенья,
Перекрестка поворот.

1957 

Boris Pasternak

Giã từ những ly rượu vang

Những bình nước mát môi mang hai mình.

Những nụ hôn lúc bình minh

Những ô cửa sổ chung tình nhìn ra.

Anh lướt trên vầng dương xa

Em tìm hơi thở ánh ngà trăng treo

Trái tim trong ngực mang theo

Hòa chung một nhịp một phao sinh tồn

Đôi khi đắng trong nụ hôn

Bạn anh nhí nhảnh, mê hồn bạn em

Hãi hùng mắt xám đã quen

Trầm kha căn bệnh, anh là tội nhân.

Gặp chớp nhoáng, chỉ mệt thân

Không gian yên ắng rất cần hai ta.

Chỉ mong trong mỗi lời ca

Thơ em thấm đẫm ngân nga giọng chàng

Vấn vương hương sắc mơ màng                  

Anh tìm cảm hứng từ làn môi em.

Lung linh ngọn lửa êm đềm

Xua đi sợ hãi, lãng quên lụi dần

Ước chi có một phép thần

Em được hôn nhẹ môi thân, khô hồng.

Не будем пить из одного стакана 
Ни воду мы, ни сладкое вино, 
Не поцелуемся мы утром рано, 
А ввечеру не поглядим в окно.

 
Ты дышишь солнцем, я дышу луною, 
Но живы мы любовию одною.

Со мной всегда мой верный, нежный друг, 
С тобой твоя веселая подруга.

 
Но мне понятен серых глаз испуг, 
И ты виновник моего недуга. 
Коротких мы не учащаем встреч. 
Так наш покой нам суждено беречь.

Лишь голос твой поет в моих стихах, 
В твоих стихах мое дыханье веет.
О, есть костер, которого не смеет 
Коснуться ни забвение, ни страх.

 
И если б знал ты, как сейчас мне любы 
Твои сухие розовые губы!

А.Ахматова, 1913

 V.T.H dịch