Tình yêu người lính trong ‘Vẫn là binh nhất’

518

“Vẫn là binh nhất” của Trần Văn Tuấn mang thông điệp sâu sắc về chiến tranh và hòa bình, về tình người… sau những trang văn bi tráng, đầy lay động.

Trong những ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đọc lại tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn (NXB Văn hóa – Văn nghệ), người đọc càng thấu hiểu về những hy sinh, mất mát, để thêm quý cái vô giá của hòa bình và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Hy sinh tuổi thanh xuân

Sách dày 416 trang, chia làm 3 phần: Mưa nắng và đạn bom; Bom đạn và nắng mưa; Độc thoại của người đàn bà. Cách chia của tác giả với chủ ý “bom đạn” và “nắng mưa” là không gian và thời gian chính của tiểu thuyết, là sự dữ dội của chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết, ở đó người lính sống, chiến đấu, hy sinh cả tuổi thanh xuân. Ở đó, câu chuyện mở ra, lôi cuốn người đọc dõi theo, khó rời trang sách.

Nhân vật chính là Hải, có thể xem cũng là nguyên mẫu của tác giả, cùng Cỏn “cối xay”, người bạn lính mới từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ. Vừa đến nơi đã đụng trận, Hải dũng cảm chiến đấu rồi lạc đơn vị. Giữa chập chờn sống chết vì sốt rét rừng, Hải được Phong, người lính đặc công cứu sống, đưa về trạm xá quân y. Anh gặp lại Cỏn, gặp Cường – một lính trinh sát dày dặn kinh nghiệm và cùng chiến đấu với Cường, chứng kiến cảnh Cường bị thương và nỗi đau của Cường với vết thương quá hiểm (mất cơ quan sinh dục)… Trong những ngày ở trạm xá, Hải gặp và nảy sinh tình yêu với Đào, cô sinh viên Sài Gòn tham gia cách mạng.

Cuộc chiến đưa đẩy Hải qua nhiều đơn vị, được sống và chiến đấu với những người gan góc, đầy cá tính như ông Chín – lãnh đạo tỉnh ủy, bác sĩ Mạnh, bác sĩ Nhân, Hai Sắt, Ba Hoa, ông Ngọc, Thành “Năm mươi” cùng những người giữ kho Sơn, Nam, Trấn và những con người miền Nam chơn chất: Ba Búa, Ba Đẹt, Năm Cánh, Xuân, Út… Mỗi người một vẻ, tâm tính khác nhau, được khắc họa sống động trong những ngày gian khổ, hào hùng…

Sự ác liệt của chiến tranh, những giằng xé tâm trạng con người trong nguy nan, nơi ranh giới sống chết mong manh như sợi tóc. Trong tàn khốc càng ngời lên vẻ đẹp của tình yêu nước, tình đồng đội, tình yêu lứa đôi. Những trận đánh trên khắp các chiến trường, từ vùng biên giới Việt Nam – Campuchia đến Bình Long, Hớn Quản, Củ Chi, Trảng Bàng… được Trần Văn Tuấn đặc tả với bút pháp sinh động, dữ dội khiến người đọc thót tim. Những người lính giải phóng, du kích đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quên mình. Người đọc đã rơi nước mắt khi ông “Bảy Tám” và Thành “Năm mươi” hy sinh hay cái cách cô y tá Ba Hoa giữ chồng khi biết anh mất khả năng đàn ông, cấp trên cho ra Bắc điều trị. “Anh ấy là của tôi. Anh ấy chết, tôi chết theo… Phải ghi rõ về C16 để đoàn tụ vợ con và công tác”.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất”

Tình yêu mang theo suốt đời người

Những tình yêu trong chiến tranh luôn đẹp đến nao lòng. Tình yêu của Ba Đẹt dành cho bác sĩ Nhân, tình yêu của Phong và Xuân, Cỏn và Cánh, của Đào và Hải đều đẹp và đẫm chất bi hùng. Lọn tóc của Đào tặng Hải giúp anh đi qua những dằn vặt nhớ nhung… Hải đã xin phép đơn vị đạp xe hàng trăm cây số lên Lộc Ninh tìm Đào rồi trở về vô vọng, cũng như Đào tìm ra Hải sau ngày đất nước thống nhất, để chôn chặt một tình yêu theo suốt đời người.

Qua từng trang sách, qua quá khứ đau thương, những bi kịch và hào quang, điều đọng lại là mong ước, khát khao hòa bình cháy bỏng trong mỗi con người. Đó là Cỏn “cối xay” vượt qua dao động những tháng ngày đầu nhập ngũ, anh dần trưởng thành rồi yêu đất, yêu người miền Nam. Anh tình nguyện ở lại chiến đấu với đội du kích ở Trảng Bàng, lấy vợ sinh con, được gia đình, đồng đội yêu thương. Anh muốn được làm nông dân và xử sự như một nông dân khi đi tìm con bò lạc trong trận bom và hy sinh bởi bom, được gia đình vợ chôn cất ngay trong vườn nhà, thân xác nằm lại trong đất miền Nam.

Đó là Hải, sau khi giải phóng miền Nam, đã trở lại giảng đường, ra làm thầy giáo, chấp nhận sống cảnh đời thanh đạm, không bon chen công lao, chức phận, không dài dòng biện giải vì sao vẫn là binh nhất, dù chiến đấu cực kỳ dũng cảm, từng được phong làm đại đội phó và khảng khái chối từ.

Anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, mất mát tình yêu, song với lòng yêu nước và tình yêu của đời người đã vực anh dậy. Đi qua cuộc chiến, được và mất đều đã nếm trải, anh xem chuyện thiên hạ đua chen là tầm thường để biết tránh ra, sống nhẹ nhõm trong đời. Bởi chính anh nhìn ra cái giá của hòa bình và hạnh phúc trong đời sống, là thứ mà ngày còn đi học ở miền Bắc anh đã từng cắn bút khi viết bài luận văn bởi còn mơ hồ do còn trẻ dại, chưa thấu hiểu hết lẽ đời.

Theo Báo Người lao động