Tình yêu quê hương của Hồng Mão qua trường ca “Tình quê đất Quảng”

919

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau một thời gian thai nghén, tháng 12 năm 2019, nhà thơ Hồng Mão đã ra mắt bạn đọc tập trường ca “Tình quê đất Quảng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đọc trường ca “Tình quê đất Quảng” của Hồng Mão ta nhận thấy thơ ông giản dị, chân thực, giọng điệu có lúc tha thiết, ngậm ngùi, có lúc phẫn nộ mang khí chất của một người trung thực đầy nghĩa khí.

Nhà thơ Hồng Mão

Mở đầu trường ca là những câu thơ lục bát uyển chuyển thể hiện nỗi nhớ quê da diết: “Tôi về tìm lại dấu xưa/ Nước Trà Giang vẫn hai mùa đục trong/ Nửa thế kỷ sống xa sông/ Tim tôi lỗi nhịp chờ mong ngày về…”. Đọc những câu thơ trên ta không thể không nôn nao một nỗi nhớ quê hương khởi lên từ hồn thơ của ông. Nỗi nhớ ấy như được chưng cất từ tâm cảm tan chảy vào thơ ông để tạo nên những câu thơ làm rung động trái tim người đọc: “Bao năm sống ở quê người/ Tôi nguyện cuối đời về thắp hương quê”. Vâng đúng như ý nguyện của ông, mặc dù tuổi đã cao, nhưng khi về hưu, ông và vợ cùng trở về quê chứ không ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh với con. Đọc những câu thơ tiếp theo ta thấy tâm trạng nhớ quê của ông không chỉ quyện chặt với những kỷ niệm khôn nguôi về tên đất, tên làng, tên sông, tên núi mà còn quyện chặt với những câu ca dao từ thuở nằm nôi: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên/ Biển nguồn – trước lạ, sau quen/ Thương nhau gởi tặng một thiên cá mòi”.

Không chỉ thế thơ ông còn thể hiện nỗi nhớ những món ăn dân dã: “Lót lòng bánh tráng, bánh xèo/ Nhớ con cá bống kho tiêu mẹ chờ”. Tình yêu quê hương còn thể hiện ở lòng tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Ngãi: “Vùng lên xóa bỏ bất công/ Núi Cà Đam – lửa Diên Hồng can qua/ Ngọn cờ đồng khởi bay xa/ Minh Long dậy sóng… Sơn Hà vùng lên/ Phố phường nổi dậy khắp miền/ Dậy mà đi đất Cẩm Thành cờ bay”. Ông tự hào về những danh nhân văn hóa và lịch sử: “Từ Đức Phổ đến Bình Sơn/ Đất lành chim đậu anh hùng nảy sinh/ Trương Đăng Quế, Nguyễn Cư Trinh/ Dinh Ông Lê Văn Duyệt rạng danh quê mình/ Bích Khê, Nguyễn Vĩ, Tế Hanh/ Những giọt thơ tình… ướt đậm dòng sông/ Đất nghèo nở rộ chiến công/ Nhiều viên tướng giỏi – non sông kỳ tài”.

Trường ca Tình quê đất Quảng của nhà thơ Hồng Mão

Tình yêu quê hương khiến ông đau đáu về chủ quyền đất nước, biển đảo. Những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa luôn được nhắc đến như một niềm nhức nhối tâm can: “Kia Trường Sa… đó Hoàng Sa/ Hai đầu đòn gánh… giữa là Lý Sơn/ …Nằm nghe đảo hát câu thề/ Vì Hoàng Sa… ta đâu hề tiếc thân/ Hoàng Sa cùng với Lý Sơn/ Là hai đảo ngọc con Rồng cháu Tiên/ Gái trai – xin giữ lời nguyền/ “Khao lề  thế lính” giữ gìn Hoàng Sa/ …Hoàng Sa đảo của Việt Nam/ Là giọt máu hồng chảy thẳng về tim”…

Như đã nói ở trên, trong trường ca “Tình quê đất Quảng” của Hồng Mão, ngoài những câu thơ tha thiết, ngậm ngùi còn có những câu thơ mạnh mẽ, phẫn nộ khá sắc sảo chạm đến sâu thẳm của nhân tình thế thái để người đọc phải chạnh lòng mà suy ngẫm: “Nỗi buồn cửa trước vườn sau/ Vẫn còn rắn chuột to đầu… bủa vây/ …Kẻ nào tham nhũng tội đồ/ Sẽ bị nước bẩn tràn mồ ngâm xương

Trường ca “Tình quê đất Quảng” của Hồng Mão được viết theo nghệ thuật dân gian miền Trung như hô bài chói, hát hò khoan, nói vè, đọc thơ, lô tô, hát ru, kể chuyện nên người đọc dễ tiếp nhận. Ông viết rất thoải mái, câu chữ cứ vô tư chảy, không theo niêm luật, không gò bó, nhưng vẫn có những câu thơ hay, phá cách, phá thể đủ sức lay động tâm hồn người đọc.

P.V.H