Trao đổi với GS Trần Đình Sử về nguyên nhân và giải pháp chống văn mẫu trong nhà trường phổ thông

447

Nguyễn Trọng Bình

Giáo sư Trần Đình Sử vừa có 2 bài viết liên quan đến vấn đề truy tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp chống văn mẫu trong nhà trường phổ thông sau lời phát động mang tính chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Đó là bài Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông và Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay đăng trên Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nếu như ở bài đầu, GS Trần Đình Sử chủ yếu phân tích, lý giải nhằm chỉ ra căn nguyên, nguồn gốc của vấn nạn văn mẫu trong nhà trường trong khoảng “30 năm qua” thì ở bài thứ hai, GS Trần Đình Sử đề ra 5 giải pháp cơ bản mà theo ông là sẽ giúp “chấn chỉnh tệ nạn văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Chúng tôi xin có trao đổi lại quan điểm của GS Trần Đình Sử xung quanh những vấn đề mà ông trình bày trong hai viết trên.

GS Trần Đình Sử.

Đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn “văn mẫu” trong nhà trường?

Trong bài viết đầu tiên và một phần bài viết thứ hai, GS Trần Đình Sử đã có những phân tích, chứng minh và đi đến kết luận về nguyên nhân của vấn nạn văn mẫu trong nhà trường phổ thông Việt Nam hơn “30 năm qua” đó là: do sự “buông lỏng quản lý trong việc dạy văn trong nhà trường”.

Cụ thể, khi truy tầm vấn nạn này, GS Trần Đình Sử đã phát hiện ra dấu vết đầu tiên là “Bộ đề thi và đáp án môn văn do GS Phan Cự Đệ chủ biên với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành hồi ấy do Bộ Giáo dục chỉ đạo, vào khoảng năm 1989 – 1990”.[1]

Dẫu vậy, theo ông đây mới là chỉ là dấu hiệu khởi phát của nạn văn mẫu trong nhà trường. Vấn nạn này chỉ chỉ thực sự thành bệnh là từ khi có trào lưu ôn thi, luyện thi nói chung. Ông viết:

“Nhưng rồi từ đó nảy sinh trào lưu luyện thi, các thầy cô luyện thi đã cụ thể hóa các nội dung đáp án thành các bài mẫu cho học sinh chép. Các đầu nậu sách còn tổ chức viết các bài văn hoàn chỉnh và đặt tên là “văn mẫu” do một số nhà giáo nổi tiếng đứng tên. Nhưng “văn mẫu” chính thức trở thành nạn sao chép học thuộc là khi ai đó quy định (chắc chắn là trên Bộ) giới hạn bài thi tốt nghiệp hoặc thi đại học vào các bài văn học ở lớp 11 và 12 trung học phổ thông (THPT), quanh đi quẩn lại chỉ một số bài thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh, Đây thôn Vỹ Dạ, Đây mùa thu tới, Tống biệt hành, Tây tiến, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Đất nước, Vợ nhặtSóng,…”[2]

Ngoài vấn đề trên, GS Trần Đình Sử cũng cho rằng chính cách dạy và ra đề thi môn ngữ văn thời gian qua cũng là một nguyên nhân quan trọng làm nẩy sinh nạn văn mẫu. Ông cho rằng, cách ra đề nhằm khuyến khích lối học thuộc lòng từ đó việc biên soạn các bộ đề, các loại sách văn mẫu phục vụ cho các kì thi của học sinh bùng nổ.

Những phân tích và chứng minh về các nguyên nhân gây ra nạn văn mẫu trong nhà trường hiện nay của GS Trần Đình Sử là không sai. Tuy vậy, theo chúng tôi là chưa thật đầy đủ. Quan trọng hơn là vẫn chưa đi vào bản chất cốt lõi của vấn nạn văn mẫu hiện nay.

Trước hết, sở dĩ chúng tôi cho rằng GS Trần Đình Sử nói “chưa thật đầy đủ” là vì nếu chỉ thuần túy xem nguyên nhân của nạn văn mẫu từ việc rập khuôn trong cách ra đề thi, từ đó tạo điều kiện cho các GS, TS đầu ngành biên soạn sách mẫu, sách tham khảo, tôi nghĩ GS Trần Đình Sử phải kể thêm hàng loạt đầu sách mà chính ông cũng từng tham gia đứng tên chủ biên thời gian qua. Bởi như ông nói, từ năm 2000 ông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa ngữ văn trung học phổ thông nhằm chống lại vấn nạn này.

Chúng tôi xin đơn cử quyển “Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam” cho chính GS Trần Đình Sử chủ biên dày 658 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2003. Ngoài ra, là hàng loạt quyển sách tương tự do GS Trần Đình Sử, GS Nguyễn Đăng Mạnh, PGS Đỗ Ngọc Thống… tuyển chọn và biên soạn dưới tên gọi sách tham khảo phục vụ cho việc ôn thi tốt nghiệp các cấp hay các kỳ thi giỏi văn quốc gia từ đó đến nay.

Ở một phương diện khác, theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội đặt trong cái nhìn về mục tiêu của nền giáo dục nói chung; mục tiêu và quan niệm của việc dạy học văn trong nhà trường nói riêng.

Chính sự “đồng phục” và “rập khuôn” này đã tác động và chi phối toàn bộ quá trình từ việc thiết kế chương trình, biên soạn nội dung các bộ sách giáo khoa ngữ văn cho đến cách thức, phương pháp dạy và ra đề môn văn của thầy cô giáo trong trường phổ thông hiện nay.

Cụ thể hơn nữa, chính quan điểm và mục tiêu dạy học ở phổ thông thời gian qua chủ yếu “phục vụ” cho các kỳ thi (chuyển cấp, thi học sinh giỏi địa phương, quốc gia…) là căn nguyên làm cho vấn nạn văn mẫu trầm trọng hơn.

Hay nói chính xác hơn, đây chính là “căn bệnh thành tích” trong giáo dục. Chính căn “bệnh thành tích” này đã bị một số người lợi dụng và khai thác, từ đó biên soạn ra hàng loạt sách văn mẫu, sách tham khảo dưới danh nghĩa “chuẩn hóa” kiến thức môn văn ở tất các cấp.

Điều đáng nói là những người biên soạn văn mẫu này lại cùng lúc kiêm luôn vai trò của người biên soạn chương trình sách giáo khoa môn văn; hay thậm chí là thành viên trong các ban ra đề thi, trực tiếp tham gia ôn thi, luyện thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT và đại học…

Không thể chống văn mẫu bằng giải pháp cơ học thuần túy và mang tính “hớt ngọn”

Vì không đi sâu vào bản chất sâu xa để lý giải căn nguyên gốc rễ của nạn văn mẫu nên có thể thấy, 5 giải pháp mà GS Trần Đình Sử đề ra trong bài viết “Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay” thực ra chỉ là những giải pháp thuần túy cơ học và mang tính “hớt ngọn”. Có thể tóm tắt 5 giải pháp mà GS Trần Đình Sử đề xuất trong bài viết trên của ông như sau:

Một là, tuyên truyền, phát động phong trào thi đua chống văn mẫu trong toàn ngành giáo dục; hai là, lấy chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn năm 2018 làm cơ sở và “pháp lệnh”; ba là, đề nghị giáo viên nghiên cứu kỹ nội dung chương trình môn ngữ văn; bốn là, thay đổi tận gốc phương pháp dạy văn trong nhà trường; và năm là, thay đổi cách ra đề thi môn ngữ văn.

Phải nói rằng, chúng tôi khá bất ngờ về những giải pháp chống văn mẫu mà GS Trần Đình Sử đã nêu ra. Trong mối quan hệ với mục tiêu và quan niệm của việc dạy học ngữ văn trong nhà trường, chúng tôi cho rằng, trong 5 giải pháp mà GS Trần Đình Sử đề xuất chỉ 2 giải pháp sau là có cơ sở khoa học dù chưa phải căn cơ và toàn diện. Còn lại, những giải pháp đầu, theo chúng tôi là khá chủ quan và nhất là chỉ thuần túy là những giải pháp cơ học.

Thật lòng, tôi không nghĩ, ngành giáo dục lại phải phát động “phong trào thi đua chống văn mẫu” như thế đề xuất của GS Trần Đình Sử. Chúng tôi cũng rất hoài nghi và không thấy có một cơ sở khoa học nào để GS Trần Đình Sử cho rằng:

Cở sở để khắc phục tệ nạn dạy văn mẫu là chương trình giáo dục ngữ văn phổ thông đã công bố năm 2018. Đó là chương trình tuy còn có ít nhiều hạn chế mặt này, mặt khác, song thực sự đó là chương trình giáo dục chống văn mẫu, nâng cao năng lực ngữ văn cho học sinh các cấp. Theo đúng chương trình này thì mọi “sách mẫu” chẳng bao lâu sẽ trở thành rác rưởi hết. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lãnh đạo toàn ngành thực hiện chương trình này như một pháp lệnh”.[3]

Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018, đương nhiên là “pháp lệnh” vì đã được Chính phủ phê duyệt rồi nên không cần đến GS Trần Đình Sử phải “lưu ý” với Bộ Giáo dục và Đào tạo hay bất cứ ai. Xin thưa với Thầy Sử, chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn trước hết là cơ sở pháp lý để Chính phủ và ngành giáo dục triển khai thực hiện mục tiêu chung của đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà hiện nay.

Dẫu vậy, thật lòng chúng tôi không biết dựa trên cơ sở khoa học nào để GS Trần Đình Sử xác quyết đây là “chương trình giáo dục chống văn mẫu” hay nếu “theo đúng chương trình này thì mọi “sách mẫu” chẳng bao lâu sẽ trở thành rác rưởi hết”?

“Nhà em có nuôi… một ông ngoại”. Câu văn mẫu rập khuôn, lâu nay đã trở thành chuyện cười này cho chúng ta thấy, chuyện chống văn mẫu là vấn đề không đơn giản nếu chúng ta không thật sự quan tâm đến mục tiêu chung của nền giáo dục và mục tiêu cụ thể của việc dạy học môn văn trong nhà trường qua từng cấp học. Nếu không xác định rõ và rốt ráo vấn đề này thì mọi giải pháp khác chỉ là “hớt ngọn” mà thôi.

Thế nên, về phương diện nhận thức, tôi xin phép dẫn lại đây quan điểm của TS Giáp Văn Dương về mục tiêu chung của giáo dục đó là, chúng ta muốn tạo ra những “con người tự do” hay “con con người công cụ” để xây dựng và phát triển quốc gia, dân tộc trong tương lai?[3]. Hay nói khác đi, trong giáo dục anh muốn tạo ra một đứa trẻ như nó vốn là, đang là hay nên là theo ý muốn của anh?

Xin nêu một ví dụ. Có thể thấy, khi thiết kế và biên soạn chương trình, sách giáo khoa nói chung, môn ngữ văn nói riêng, các nhà biên soạn luôn đặt ra mục tiêu giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Điều này là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là “yêu nước là gì, như thế nào là yêu nước”?

Lâu nay, chúng ta chỉ đưa vào những tác phẩm văn học mà nội hàm yêu nước chỉ thuần túy là tinh thần chống ngoại xâm, hay “sự chiến đấu anh dũng, kiên cường, sẵn dàng hy sinh của một cá nhân nào đó để giành quyền độc lập tự do cho dân tộc”. Đây một khía cạnh của chủ đề /tinh thần yêu nước nhưng nếu chỉ có thế rõ ràng chúng ta chỉ mới bàn ở một phương diện. Đất nước đã hòa bình, thống nhất thì yêu nước rất nên được nhìn nhận ở các phương diện khác, đa dạng và đa chiều hơn. Cần có những tác phẩm văn học mà nội dung của nó sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ nhưng không nên quanh quẩn trong chủ đề “căm, yêu, chiến, lạc” của thời chiến tranh.

Chúng tôi cho rằng, chương trình giáo dục môn ngữ văn năm 2018 về cơ bản cũng vẫn là sự lặp lại cái khuôn mẫu của chương trình trước đây cả về nhận thức lẫn mục tiêu đào tạo con người.

Trong bài viết của mình, GS Trần Đình Sử cho rằng muốn chống văn mẫu thì người giáo viên phải thay đổi tận gốc phương pháp dạy học môn văn. Ông đề nghị phải chú trọng đến việc dạy cho học sinh “đọc hiểu văn bản”, tránh lối dạy giảng văn “nhá chữ”… Tôi đồng ý. Tuy nhiên, vấn đề là, có nhiều cách để “đọc hiểu” văn bản. Các thầy cô giáo có chấp nhận “cách đọc, hiểu” tác phẩm văn học của học trò khác với mình không? Theo tôi, đây mới là vấn đề quan trọng, đáng bàn.

GS Trần Đình Sử hướng dẫn giáo viên “đọc hiểu” văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu dựa trên nền tảng lý thuyết về thi pháp học, người khác lại đứng ở phương diện xã hội học hay phân tâm học… để “đọc, hiểu” chắc chắn sẽ cho ra những kết quả tiếp nhận khác nhau.

Thực tế dạy học cũng cho thấy, có không ít giáo viên ngoài miệng thì khuyến khích học sinh suy nghĩa khác với mình, đặt câu hỏi và phản biện lại mình nhưng trong thâm tâm lại rất bảo thủ, khi học sinh trao đổi lại, trình bày cách hiểu khác thì tỏ vẻ khó chịu, không hài lòng. Thâm chí không ít người còn cho rằng hỏi giáo viên như thế là “hỗn”, là “trả treo”…

Điều này đã vô tình gây nên sự ức chế và sợ hãi cho học sinh. Hệ quả là các em dù không đồng tình quan điểm của thầy cô nhưng khi làm bài lại không dám nói khác. Lại tiếp tục nói theo ý của thầy cô để an toàn, an tâm về điểm số.

Như vậy, chống văn mẫu ở đây không chỉ thuần túy chỉ thay đổi phương pháp dạy học văn một cách cơ học là bỏ lối giảng văn “nhá chữ” chuyển sang đọc hiểu văn bản…như GS Trần Đình Sử đề xuất mà quan trọng hơn là thay đổi tận gốc quan niệm và nhất là cái “định kiến” của người giáo viên trong mối quan hệ với học sinh trong suốt quá trình dạy học.

Hay nói khác đi, giáo viên cần tôn trọng và chấp nhận suy nghĩ riêng của học sinh để cùng các em tìm một giải pháp hài hòa, khả dĩ nhất trong việc đọc hiểu văn bản. Vấn đề này, hiểu rộng ra, lại liên quan đến việc tổ chức không gian học tập – vấn đề thực hành “dân chủ trong trường học”. Dân chủ trong trường học để các thầy cô giáo không áp đặt suy nghĩ của mình lên học trò; để học trò không sợ hãi thầy cô khi khi trình bày suy nghĩ bản thân; và để hoạt động dạy học trong nhà trường thật sự “lấy học sinh làm trung tâm”.

Nhưng muốn có sự dân chủ giữa thầy cô giáo với các em học sinh thì cần có sự dân chủ giữa lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường với các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp. Một khi thầy cô giáo cảm thấy sợ hãi những người lãnh đạo và cấp trên mình thì đến lượt họ, họ sẽ làm cho học sinh sợ hãi. Mà sợ hãi tất yếu sẽ đưa đến sự tuân phục vô điều kiện; sự máy móc và rập khuôn; đồng nghĩa với triệt tiêu tư duy độc lập và sáng tạo của mỗi cá nhân.

Cuối cùng, theo logic thông thường, khi đã chỉ ra nguyên nhân của vấn nạn văn mẫu từ việc buông lỏng quản lý thị trường sách văn mẫu – hệ quả của căn bệnh thành tích trong giáo dục thì khi đề xuất giải pháp phải bám vào cái thực trạng này.

Vậy nên, muốn chống nạn văn mẫu, thiết nghĩ ngành giáo dục không nên tuyên truyền và phát phát động phong trào thi đua chống văn mẫu như kiến nghị của GS Trần Đình Sử mà thay vào đó là chống căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay; đồng thời chấn chỉnh dạy học chi nhằm mục đích phục vụ co các kỳ thi.

Thay lời kết

Ngôn ngữ là nhận thức, là tư duy. Văn mẫu không đơn giản chỉ là chuyện học sinh khi làm bài kiểm tra sao chép lại nguyên văn lời dạy của thầy cô dạy trên lớp hay trong sách văn mẫu bán trên thị trường. Hiểu văn mẫu như thế không sai nhưng không toàn diện. Hơn nữa, nếu chỉ như thế cũng không đáng lo, đáng sợ bằng sự “đồng phục” rập khuôn trong nhận thức và tư duy.

Lẽ thường, vì không có suy nghĩ gì mới nên người ta buộc lòng phải sao chép và bắt chước người khác. Hay dù có suy nghĩ mới nhưng vì sợ hãi và không tự tin vào bản thân mình nên người ta cũng không dám nói ra suy nghĩ thật của mình. Và thế là để an toàn cho bản thân, người ta buộc phải lặp đi lặp lại những điều người khác đã nói dù biết sáo rỗng hoặc thậm chí là sai lầm.

Nói tóm lại, về phương diện nhận thức, muốn chống văn mẫu điều quan trọng nhất là cần xem lại mục tiêu chung của nền giáo dục và những mục tiêu cụ thể liên quan đến quan niệm về dạy học môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay như thế nào. Vì mục tiêu của nền giáo dục như thế nào sẽ tạo ra con người như thế ấy. Liên quan đến vấn đề này, triết gia J. Krishnamurti (1895-1986) trong “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” có nói rằng:

“Giáo dục đúng nghĩa của nó là giúp cá thể trưởng thành và tự do phát triển trọn vẹn trong tình yêu và tình người. Đấy là điều ta nên quan tâm chứ không tìm cách định hình đứa trẻ theo một khuôn mẫu lý tưởng nào (…) Khi người thầy mong muốn hiện thực hóa chính mình nơi học trò, khi sự thành công của chúng là thành công của anh ta thì việc giảng dạy là một hình thức tiếp nối bản thân mình, lối giảng dạy ấy có hại cho việc nhận biết chính mình và cho tự do. Nhà giáo dục chân chính phải ý thức về tất cả những trở ngại  này để giúp học trò thoát khỏi không chỉ uy quyền của anh ta mà còn những dạng thức theo đuổi khiến cho các em tự vây bọc mình lại”. [5]

Về phương diện giải pháp “kỹ thuật”: Để chống nạn văn mẫu, ngành giáo dục cần kiến quyết chống “bệnh thành tích” đặc biệt là sự hơn thua, ganh đua nhau về thành tích dạy và học ở các địa phương; giữa các trường học trên cả nước hiện nay thông qua số liệu thống kê về tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao ở các kỳ thi.

Cuối cùng, cần kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản các bộ sách “ăn theo” chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn nhằm phục vụ và đối phó với các kỳ thi của học sinh để kiếm thành tích. Đặc biệt, đã đến lúc cần nghiêm cấm những người vừa là tham gia vào việc biên soạn chương trình và SGK nói chung nhưng đồng thời lại chủ trương biên soạn các loại sách mẫu nấp dưới danh nghĩa sách tham khảo hay “hệ thống kiến thức môn văn” cho học sinh ở tất cả các cấp học.

Theo Vanvn

Chú thích nguồn:

[1], [2]: Trần Đình Sử – “Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông”. https://vanvn.vn/cau-chuyen-van-mau-va-su-quan-li-viec-day-hoc-van-trong-nha-truong/

[3]: Trần Đình Sử – “Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay”. https://vanvn.vn/giai-phap-chan-chinh-te-nan-day-van-mau-trong-nha-truong-pho-thong-hien-nay/

[4]: Giáp Văn Dương – “Con người tự do hay con người công cụ?” https://tuoitre.vn/con-nguoi-tu-do-hay-con-nguoi-cong-cu-575369.htm

[5]: J Krishnamurti – “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” (Đinh Hồng Phúc dịch). Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.