Trước mùa nước dâng – thơ Quang Hoài

538

26.11.2017-10:35

 Tập thơ Trước mùa nước dâng của Quang Hoài, Nxb Hội Nhà văn, tháng 11-2017

 

Cuộc đời là cuộc đời đi…

 

ĐẶNG HUY GIANG

 

NVTPHCM- Cách nay quãng một thế kỷ rưỡi, “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu, 1799 – 1872), từng viết: “Lời nói càng khéo thì càng xa sự thật. Văn chương càng kỳ dị thì càng sa vào tính trau dồi bên ngoài”. Đây là một lời dạy giản dị mà sâu sắc, mang giá trị trường tồn, nhất là đối với những người cầm bút. Nếu nói theo cách nói nôm na hiện nay thì “Gia công, gia cố bên ngoài/ Để che đậy cái sơ sài bên trong”.

 

Nêu thế để thấy: Ở bất kỳ thời nào, văn chương kỵ nhất là ở sự nói khéo và sự kỳ dị. Dường như càng “khéo”, càng “kỳ dị” thì hình thức chắc chắn sẽ lấn át nội dung, trong khi trên thực tế, nội dung tự nó thường đẻ ra hình thức, chọn được hình thức phù hợp.

 

Và thế mạnh của một bài thơ chính là ý tưởng. Hay nói một cách khác: Ý tưởng chính là cái trụ, là cái xương sống của bài thơ. Không có cái trụ, cái xương sống này, người viết như người cứ đi mãi, đi mãi mà không biết mình sẽ đi đến đâu.

 

Chẳng hiểu tại sao, khi đọc “Trước mùa nước dâng” (Nxb. Hội Nhà văn, tháng 11 – 2017) của Quang Hoài, tôi sực nhớ đến lời Nguyễn Văn Siêu và suy nghĩ như vậy.

 

Hơn ai hết, Quang Hoài nhận biết quy luật của đời sống, quy luật của cuộc đời. Bởi thế mà trong “Như một cánh hoa”, ông mới hạ bút: Có cánh hoa nào không tàn lụi?… Cánh hoa nào không bóng cánh hoa xưa?

 

Hơn ai hết, Quang Hoài nhận biết cái bi kịch không gặp thời hoặc không hợp thời của số đông. Bởi thế trong “Trước mùa nước dâng” (cũng là tên gọi của tập thơ), ông mới hạ bút: Gió buồn không thổi nữa/ Nằm khàn giữa bến sông/ Có con thuyền mắc cạn/ Chết trước mùa nước dâng!

 

Hơn ai hết, Quang Hoài nhận biết chất “diễn”, đã trở thành bản chất, như là bộ mặt thứ hai của con người. Bởi thế trong “Diễn”, ông mới hạ bút: Ngoài đời diễn rồi/ Về nhà còn diễn/ Diễn đã tàn đêm/ Diễn đã lụi ngày… Mà quá trình “diễn” này cũng là quá trình mang (hay đeo) mặt nạ mà F. Nietztche (triết gia người Đức, 1879 – 1888) từng viết trong “Zarathustar đã nói như thế”: “Hỡi các người! Các người đã đeo mặt nạ nhiều đến nỗi cứ tưởng đấy là mặt thật của mình”.

 

Hơn ai hết, Quang Hoài nhận biết cái khoảng cách cần phải có, dù cả với tình yêu, dù cả với chính bản thân mình. Đó cũng là cảm giác nhậy bén cần thiết. Bởi thế trong “E một ngày kia…”, ông mới hạ bút: Có người bảo ta gần nhau quá/ Anh sợ nhanh dần lại chóng xa/ Xin em đừng nhích thêm chút nữa/ E một này kia…ta cách ta!

 

Không phải không có lúc Quang Hoài đã nhớ Ký ức gọi về nhún nhẩy (“Đêm Đồng Châu”) và có lúc đã Tiếc buổi cành xanh nhựa ứaThương thời nõn nẩy mầm cây (“Những chiếc lá rơi”). Có lúc, nhớ hai người bạn xưa, ông có những câu thơ trong “Xóm Chiếu”, mới đọc lên đã thấy buồn thấu ruột:

 

Xóm Chiếu ngày xưa thiếu chiếu

Đêm buồn mơ giấc chiếu manh

Cám cảnh màn trời chiều đất

Sương buông lạnh lẽo năm canh.

 

Tâm lý ấy là tâm lý của một người cao tuổi, tâm lý của một người nhiều trải nghiệm, ưa “quay đầu nhìn lại dấu chân”.

 

Nhưng dường như ông đã vượt lên tất cả bằng một lời cầu mong nhân bản trước cả cái chết: Xin người về chốn bình yên/ Cho hoa cùng nụ nở trên mộ người! Nhưng dường như ông đã vượt lên tất cả bằng những khoảnh khắc tỉnh thức: Bắc phương mây kéo sầm sì/ Biển Đông chớp loé ầm ì sấm ran/ Ơi người đứng tựa lan can/ Thấy chẳng một mảnh trăng tàn cuối thu?/ Mảnh trăng lặn dưới đáy hồ/ Nước xưa trong, nước bây giờ còn trong? (“Gửi người đứng tựa lan can Tây Hồ”) và như ngộ ra một lẽ gì đấy thuộc về đổi thay khác lạ cũng trong những khoảnh khắc tỉnh thức: Bỗng một đêm lòng ta vỡ sáng/ Sáng loang ra xoá sạch ánh nhìn!

 

Người vượt lên tất cả được như thế, hẳn phải là một người đang sống với hôm nay và đang còn muốn nói với hôm nay?

 

Trong “Trước mùa nước dâng”, Quang Hoài có hai tứ thơ được triển khai khá tài tình. Tứ thứ nhất thuộc về “Bắt chước đồng dao”:

 

Này thì gió

Này thì mưa

Này thì vừa

Này thì đủ…

Lúc la lúc lác

Thằng Vừa cái Đủ

Cái Đủ thằng Vừa

Có nhà hay không?

 

Nếu thưởng thức trọn vẹn tứ thơ này, ta thấy về hình thức thật thấm nhuần chất đồng dao truyền thống, còn về nội dung lại rất bao hàm, chất chứa.

 

Tứ thơ thứ hai thuộc về “Hữu tình và vô tình”:

 

Bỗng dưng ngọn gió vô tình

Thổi tung tà váy từ mình sang ta

 

Thế là từ ấy… Thế là

Vô tình trời đất cho ta hữu hình

 

Mình Ai-phôn Chín một mình

Ta Ai-phôn Bảy một mình mình ta

 

Thế là từ ấy… Thành ra

Hai con di động làm ta vô tình!

 

Nếu thưởng thức trọn vẹn tứ thơ này, ta thấy về mặt hình thức sự biến ảo qua lại không dễ lường hết được giữa “phạm trù” hữu hình và “phạm trù” vô hình, còn về nội dung lại rất bất ngờ, thú vị.

Đọc “Trước mùa nước dâng”, tôi càng tin thơ Quang Hoài là thứ thơ ưa suy ngẫm, ưa lật xoay theo cách của riêng ông, đặng đem đến cho độc giả những giá trị hữu ích, thiết thực.

 

Bằng thế mạnh của cảm xúc và sự thành thật đáng quý, Quang Hoài là người luôn trải lòng mình lên trang giấy mà viết, hướng tới tinh thần của hai câu ca dao cổ:

 

Cuộc đời là cuộc đời đi

Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời.

 

 Phố Khuất Duy Tiến – Hà Nội, đêm 18.11.2017

 

                                                                                        

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…