Vấn đề cốt lõi trong “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng: Mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống

580

Vai trò quan trọng của dịch giả trong việc kết nối với thi ca, văn học thế giới và tình hình thơ Châu Âu. Vấn đề cốt lõi trong tập thơ “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng vừa được trao tặng Giải thưởng Nghệ thuật Danube. Đó là nội dung chủ yếu của cuộc giao lưu giữa 2 nhà thơ Attila F Balázs và Sándor Halmosi của Hungary với đồng nghiệp Việt Nam ở TPHCM ngày 8/2/2023.

Tham gia cuộc toạ đàm giao lưu ngoài nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn – dịch giả Kiều Bích Hậu từ Hà Nội còn có nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh từ Phú Thọ, PGS-TS Bùi Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà báo các thế hệ của TPHCM: Hoài Vũ, Phạm Sỹ Sáu, Trần Hữu Dũng, Cao Chiến, Trầm Hương, Trần Thị Khánh Hội, Nguyễn Minh Ngọc, Xuân Trường, Nguyễn Vân Thiên, Bùi Phan Thảo, Nguyễn Vũ Quỳnh, Nguyên Trân, Nguyễn Trung, Nhật Quỳnh, Phạm Thanh Bình, Phan Phương Loan,…

Bên cạnh đó là các cây bút trẻ hơn: Trương Anh Quốc, Phùng Hiệu, Chu Quang Mạnh Thắng, Phạm Phương Lan, La Mai Thi Gia, Phương Huyền, Hồ Khánh Vân, Doãn Thuỵ Như, Đặng Tường Vy, Hồ Huy Sơn, Đức Bình, Văn Lê Tám, Huỳnh Khang,… cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng, hoạ sĩ Lê Sa Long và các bạn sinh viên yêu văn học.


Giao lưu văn học với 2 nhà thơ Attila F Balázs và Sándor Halmosi diễn ra trong không khí thân mật, ấm áp tình hữu nghị.

“Nếu không có dịch văn học thì sẽ không có nền thi ca thế giới, các dân tộc sẽ mãi khép vào khuôn khổ của mình và sẽ không có sự giao lưu và phát triển, kết nối thành cộng đồng thơ thế giới”. Đó là nhận định của nhà thơ Attila F. Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube tại buổi giao lưu.

Theo nhà thơ Attila F. Balázs, dịch văn học là chiếc cầu nối lý tưởng để các dân tộc xích lại gần nhau hơn, qua đó thấu hiểu, hòa nhập tâm hồn cùng nhau. Trong vấn đề dịch văn học, chúng ta cần quan tâm đến các dịch giả, bởi những dịch giả văn học có vai trò rất quan trọng, họ như những chú ngựa thồ để chở văn chương đến các quốc gia khác nhau. “Chúng ta cần quan tâm đến chất lượng dịch. Những dịch giả tốt sẽ mang đến cho bạn đọc những bản dịch với những từ ngữ đẹp đẽ hơn và ngược lại”, nhà thơ Attila F. Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube nhấn mạnh.

Trong không khí giao lưu thân mật, các nhà văn, nhà thơ và nhà báo cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến văn học của 2 nước cùng những giá trị thơ ca trong thời đại hiện nay, qua đó góp phần định hướng và phát triển thơ ca Việt Nam trong thời điểm hiện nay. 

Nhà thơ Attila F Balázs hiện là Giám đốc Nhà xuất bản AB-ART, thành viên của Học viện Khoa học và nghệ thuật châu Âu tại Paris, đã được nhận nhiều giải thưởng văn học quốc tế.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, nhà thơ Attila F. Balázs thổ lộ, ông và nhà thơ Halmosi Sándor đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2019. Chuyến đi đó đã mang đến cho ông cảm tình với Việt Nam, giúp ông yêu con người, yêu văn hóa cũng như văn học Việt Nam.

“Kể từ đó cho đến nay, chúng tôi đã xuất bản một số tập thơ đương đại cũng như tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 để độc giả Hungary có được một cái nhìn tổng quát về thơ ca cũng như đất nước Việt Nam”, nhà thơ Attila F. Balázs cho biết. 

Nhà thơ Sándor Halmosi là dịch giả văn học, Nhà sáng lập và Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Echivox (Stuttgart, Đức), Nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật, Giám đốc sáng tạo của Hội Văn hóa – Mỹ thuật và Di sản Csontváry

Bàn về sự phát triển của thơ văn hiện đại ngày nay, nhà thơ Sándor Halmosi cho rằng, sứ mệnh của nhà văn hay nhà thơ không chỉ phục vụ cho đất nước mình mà còn là cho toàn thế giới, lấy đó làm trách nhiệm của bản thân đối với sự đóng góp của văn học thế giới. Chính bản thân nhà văn các tác giả hãy có thế giới riêng, giá trị và trí tuệ của riêng mình.

Riêng đối với việc chọn tập thơ “Chất vấn thói quen” của tác giả Phan Hoàng để trao giải quốc tế lần này, nhà thơ Halmosi Sándor nhìn nhận, tác giả đã đưa ra những vấn đề cốt lõi và quan trọng trong cuộc sống đương đại, đó là mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống.


Nhà thơ Phan Hoàng với Giải thưởng Nghệ thuật Danube

“Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, chúng ta cũng đều rất trân trọng những giá trị truyền thống, vì đó là những giá trị cha ông để lại nhưng chúng ta sống ở thời hiện đại, chúng ta cũng cần chất vấn những thói quen, chất vấn truyền thống để chúng ta tìm ra những điều mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn để cống hiến cho đời”, nhà thơ Halmosi Sándor nhấn mạnh.

Nhà thơ Phan Hoàng nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Thơ; hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn. Bày tỏ sự xúc động khi được nhận Giải thưởng Nghệ thuật Danube, nhà thơ Phan Hoàng cảm ơn sự kết nối của đồng nghiệp hai nước để tập thơ “Chất vấn thói quen” được chia sẻ đến bạn đọc Hungary.

Ông cũng cho rằng, có nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam xứng đáng hơn, tác phẩm hay hơn mình để chuyển ngữ và trao giải. Niềm vui bất ngờ này là một điều may mắn, như một nguồn động viên cho nỗ lực sáng tạo trong năm mới.


Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đến chia vui cùng nhà thơ Phan Hoàng và trao tặng bó hoa tươi thắm cho hai nhà thơ Hungary. Hoạ sĩ Lê Sa Long tặng tranh chân dung cho hai nhà thơ Hungary

Trước đó, vào ngày 4/2/2023 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube, Attila F. Balázs đã trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube cho nhà thơ Phan Hoàng với tập thơ “Chất vấn thói quen”.

Tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012 và NXB Văn hóa – Văn nghệ tái bản năm 2015, đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Vào năm 2022, tập thơ đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Canada.

Đươc biết, trước nhà thơ Phan Hoàng đã có ba nhà văn, nhà thơ Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng Nghệ thuật Danube của Hungary. Đó là nhà văn Bảo Ninh với tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn”, nhà thơ Trần Quang Đạo với tập thơ “Bay trong mơ” và nhà văn Kiều Bích Hậu được trao vì những đóng góp của chị trong việc kết nối, thúc đẩy phát triển văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Hungary.


Đồng nghiệp chúc mừng nhà thơ Phan Hoàng

Theo PGS-TS Văn học Trần Hoài Anh, đọc “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng, ta thấy những trăn trở về sự thay đổi thói quen trong tư duy thơ là một tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh hành trình sáng tạo thơ của anh. Và những cảm hứng sáng tạo này được thể hiện qua sự kiến tạo thế giới thi ca của tác giả từ việc chọn lựa thi đề, giọng điệu, ngữ ngôn, ảnh hình, cấu trúc mỗi bài thơ và của toàn bộ tập thơ.

“Chất vấn thói quen” là một diễn ngôn có tính đa nghĩa, là một “văn bản dở dang” nhằm đối thoại với người đọc về những vấn đề của đời sống để tìm sự sẻ chia, để cho những con chữ vô hồn kia trở thành một tín hiệu thẩm mỹ kết nối thi nhân và độc giả.


Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh chia sẻ về tính hiện đại và truyền thống trong thi ca Việt Nam.

Đây cũng là ý thức về vai trò của người đọc trong tiếp nhận văn học, một điều mà không phải người cầm bút nào cũng nghĩ đến. Điều này cho thấy sự thay đổi hệ hình trong tư duy thơ của Phan Hoàng mà những bài thơ như: Chữ nghĩa thị trường, Cơn bão ký tự mới, Văn bản dở dang, Chất vấn thói quen, “Tình yêu tiếng mẹ dở dang… là một minh chứng cho sự đổi thay này.

Theo Hà Bình/Văn học Sài Gòn