(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Phương Phương 65 tuổi, tên thật Uông Phương. Bà sinh ở Nam Kinh, theo cha mẹ tới Vũ Hán, Trung Quốc sống từ năm hai tuổi. Năm 1978, bà học khoa Văn Đại học Vũ Hán, trở thành phóng viên, biên tập viên ở Đài truyền hình Hồ Bắc sau khi tốt nghiệp. Phương Phương còn từng làm tổng biên tập tạp chí Contemporary Celebrities (Kim Nhật Danh Lưu). Bà sáng tác tiểu thuyết, tản văn từ cuối thập niên 1980. Năm 2012, tiểu thuyết Vạn kiếm xuyên tâm của bà được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, kể về cuộc đời một người phụ nữ Vũ Hán. Phương Phương nguyên Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, hiện là ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc. Dưới đây là nhật ký của Nhà văn Phương Phương viết về tình người lẫn hiện thực tàn khốc ở tâm dịch từ khi Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1.
Nhà văn Phương Phương – Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Trung Quốc
Ngày 28/1
Không thể ra ngoài, người nhà có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhưng những trận cãi vã cũng không ít, đặc biệt là những nhà chật chội. Dù sao, người già trẻ nhỏ, chưa từng có đợt ngày nào họ cũng dính nhau như sam thế này… Bất luận thế nào, cũng phải kiên trì ở trong nhà đủ 14 ngày. Có bác sĩ dặn dò: Chỉ cần trong nhà có gạo, ăn cơm trắng cũng được, không nên ra ngoài. Ừ thì, nghe lời bác sĩ.
Ngày 2/2
Hôm nay mùng chín, chúng tôi đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi? Tôi cũng lười tính. Hôm nay thứ mấy? Khó mà nói ngay được. Ai còn nhớ hôm nay là thứ mấy.
Thời tiết Vũ Hán bắt đầu âm u, buổi chiều, trời mưa. Những bệnh nhân đang lê lết ngoài kia sẽ càng đáng thương. Đường phố Vũ Hán, người ít đèn sáng, mọi thứ vẫn có trật tự. Về cơ bản, nhu yếu phẩm hàng ngày không thiếu. Chỉ cần gia đình không ai mắc bệnh, cả nhà sẽ yên ổn chứ không phải địa ngục như người ngoài tưởng tượng. Nhưng nếu gia đình có người bị bệnh, mọi thứ sẽ hỗn loạn.
Điều làm tôi đau lòng nhất hôm nay là khi xem video cô con gái gào khóc sau xe chở thi thể của mẹ. Mẹ cô ấy chết, cô ấy chẳng thể đưa tang.
Buổi chiều, trò chuyện với một phóng viên, cậu ấy nói bất lực. Mọi người chỉ nhìn thấy những con số nhưng đằng sau các con số đó là gì? Những người trẻ đang trải qua giai đoạn không dễ dàng. Họ phải đối diện sự thật tàn khốc: sự giằng xé, chết chóc và cả những chỉ thị của cấp trên.
Ngày 12/2
Phong thành ngày thứ 21. Tôi có chút hoảng hốt, chúng tôi đã bị phong tỏa lâu đến thế?
Mỗi tiểu khu đều căn cứ tình hình khu vực, cho phép mỗi hộ cách ba đến năm ngày được một người ra ngoài mua sắm. Anh cả tôi bảo, ở khu của anh ấy chỉ mở một lối đi. Mỗi hộ cách ba ngày được một người ra ngoài. Người anh thứ của tôi bảo khu anh ấy có người chuyên ra ngoài mua đồ cho các hộ. Mỗi nhà ghi vật cần dùng, anh ấy sẽ mua rồi vận chuyển đến từng nhà. Anh bảo: “Kiên nhẫn chịu đựng, mong cuối tháng 2 tình hình khá hơn”.
Ở Vũ Hán, hầu như ai cũng bị tổn thương tâm lý, bất luận là người khỏe mạnh, ở trong nhà hơn 20 ngày (kể cả trẻ nhỏ) hay những bệnh nhân đang bôn ba ngoài kia. Cả những người chỉ có thể tiễn đưa người thân bằng ánh mắt, khi thi thể người thân đặt trong túi đựng xác chết, được xe chở đến nơi hỏa táng. Hay những y tá bất lực nhìn bệnh nhân này tới bệnh nhân khác trút hơi thở cuối cùng. Vết thương đó, có thể còn rỉ máu trong thời gian dài. Dịch bệnh qua đi, có lẽ cần số lượng lớn bác sĩ tâm lý tới Vũ Hán. Người ta cần trút bỏ, cần khóc to, cần chia sẻ, cần an ủi. Nỗi đau của người Vũ Hán, không phải chỉ cần hô khẩu hiệu là có thể chữa lành.
Ngày 13/2
Tin tức hôm nay làm tôi đau lòng: Họa sĩ Lưu Thọ Tường qua đời lúc sáng sớm. Vốn biết anh ấy nhiễm virus corona nhưng tôi chưa từng nghĩ anh ấy không thể qua được kiếp này.
Ngày 14/2
Sáng nay mở Weixin, thấy một người bạn là doanh nhân của tôi bận bịu với công tác quyên góp tiền, vật chất. Mấy ngày nay, cô ấy dồn tâm sức cho việc này, được nhiều doanh nhân ủng hộ. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy tiều tụy như thế.
Hiện dịch bệnh là đại sự, những bệnh nhân khác đều cần nhượng bộ. Nhưng, tình hình kéo dài, một số bệnh nhân nhượng bộ tức là đi vào tử lộ. Số lượng bệnh nhân viêm phổi cấp quá lớn, nhiều bệnh viện phải dành giường cho họ, dẫn đến người mắc bệnh khác không còn chỗ để thăm khám, chữa trị. Mấy hôm nay tôi nghe chuyện một bệnh nhân chạy thận nhảy lầu. Hôm qua nhìn thấy một bệnh nhân ung thư đang khóc.
Ngày 16/2
Tôi học tập, sinh sống ở Vũ Hán, bạn bè, hàng xóm của tôi ở đây. Các bài viết của tôi đều công khai, nếu tôi thêu dệt, họ không biết ư? Gia đình đạo diễn Thường Khải của xưởng phim Hồ Bắc, hết người này đến người khác qua đời. Những lời của ông lúc lâm chung, thê lương và bi thảm, khiến người ta đau xé ruột. Chẳng lẽ đó cũng là những tin tức bịa đặt?
Vũ Hán đang trong tai họa. Tai họa là gì? Không phải là bắt bạn đeo khẩu trang, bắt bạn không được ra ngoài hoặc bắt bạn ra ngoài phải có giấy thông hành. Tai họa là quyển giấy chứng tử ở bệnh viện, trước đây vài tháng hết một quyển còn bây giờ vài hôm là hết một quyển. Tai họa là cái xe chở thi thể tới nơi hỏa táng, trước đây một xe chỉ chở một thi thể, và có quan tài. Còn bây giờ là đưa thi thể vào chiếc bao, một xe chở mấy thi thể. Tai họa là không phải cả nhà chỉ một người chết, mà là chết toàn bộ chỉ trong vài ngày hoặc nửa tháng. Tai họa là bạn mang cơ thể đau đớn vì bệnh tật gõ cửa các bệnh viện trong trời mưa lạnh giá, mong có một chiếc giường bệnh để nằm xuống, nhưng chẳng nơi nào tiếp nhận. Tai họa là khi bạn ở nhà chờ thông báo của bệnh viện nhưng khi thông báo đến, bạn đã ngừng thở.
Tai họa là người bệnh nặng vào viện, nếu chết, lúc vào viện chính là lúc vĩnh biệt người nhà, chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại. Bạn nghĩ rằng người chết còn được thân nhân tiễn đưa ở nhà tang lễ? Người chết còn được hưởng tôn nghiêm? Không còn. Chết là chết, lập tức được mang đi hỏa thiêu. Giai đoạn đầu của dịch bệnh, thiếu người, thiếu giường, nhân viên y tế không được bảo hộ đầy đủ dẫn đến lây bệnh diện rộng. Nhân viên hỏa táng không đủ, xe chở thi thể không đủ. Thi thể có virus, buộc sớm hỏa thiêu. Các bạn biết điều đó không? Không phải người ta không tận tụy với công việc mà là tai họa ập đến, họ đã dốc hết sức thậm chí làm việc quá giới hạn… Trong tai họa, không có phút nào yên ả. Chỉ có người nhắm mắt không cam tâm, chỉ có người thân ruột đau như cắt…
Sự hỗn loạn của thời kỳ đầu đã đỡ. Theo tôi biết, đã có những báo cáo nhằm quan tâm hơn, nhân văn hơn với người chết vì viêm phổi lẫn thân nhân của họ. Trong đó có việc gìn giữ di vật của người chết, đặc biệt là điện thoại di động. Các báo cáo kiến nghị thu gom điện thoại, sau đó sát khuẩn. Giới chức sẽ căn cứ thông tin trên điện thoại để tìm cách liên hệ thân nhân người chết.
Thế giới này, điều làm tôi còn nuôi hy vọng, chính là nhờ những người lương thiện, sáng suốt đang nỗ lực, bận rộn mỗi ngày.
Nhật ký của nhà văn Phương Phương đăng trên chuyên trang blog của trang tin tài chính Caixin, thu hút nhiều bình luận của khán giả. Theo hãng thông tấn CNA, nhật ký này mở cánh cửa để người ngoài tìm hiểu cuộc sống ở Vũ Hán.
Toàn thế giới hiện ghi nhận hơn 73.300 ca nhiễm nCoV và 1.873 người chết vì dịch bệnh này, trong đó có 5 người ngoài Trung Quốc đại lục. Dịch xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối năm 2019, trong đó Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc là tâm dịch.
Theo vnExpress