Nguyễn Thị Việt Nga
(Đọc “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque, NXB Văn học 2017)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiến tranh là đề tài không mới của văn học, nhưng nó vẫn là đề tài muôn thuở và hấp dẫn. Bởi lẽ, tự ngàn xưa đến nay, thế giới chưa khi nào tắt lửa chiến tranh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng ngày, hàng giờ, lúc nào cũng có những số phận phải chấm dứt tức tưởi, những con người phải ngã xuống oan uổng, những cuộc đời dang dở một cách phi lý bởi chiến tranh. Dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa, chiến tranh luôn vô nhân đạo với cuộc sống con người.
Tác phẩm “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque
“Phía Tây không có gì lạ” là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thế giới thứ nhất của nhà văn Erich Maria Remarque (Đức). Cuốn sách viết bằng trải nghiệm, bằng hồi ức chân thực của một chàng thanh niên từng lăn lộn trong thế chiến thứ nhất, khi chưa kịp hết tuổi thơ đã bị gọi thẳng ra mặt trận. Nhập ngũ khi vừa 18 tuổi, cuốn sách ra đời năm Remarque tròn 31 tuổi, với độ lùi thời gian chưa nhiều đó, những ký ức chiến trường vẫn tươi nguyên. Điều đó lý giải vì sao “Phía Tây không có gì lạ” hoàn toàn “không có gì lạ” trong nội dung: không có những tình tiết ly kỳ, không có cốt truyện giật gân, nghẹt thở… cũng “không có gì lạ” trong thủ pháp nghệ thuật: vẫn là lối viết tuyến tính quen thuộc, nhân vật chính đứng ở ngôi kể chuyện thứ nhất, xưng “tôi”, không có những tìm tòi, cách tân trong bố cục, kết cấu, hành văn… lại hấp dẫn người đọc đến thế. Bởi lẽ nó là tiếng nói trung thực nhất của người trong cuộc về chiến tranh. Cái Thật, tự bản thân nó đã mang giá trị thẩm mĩ rất thiêng liêng. Sự thật về bộ mặt trần trụi, khốc liệt của chiến tranh đã chạm đến những vấn đề quan trọng nhất của nhân sinh, nhất là đối với những người chỉ biết đến “những lời hào nhoáng về chiến tranh” (chữ của Lưu Quang Vũ) qua sách vở.
Nói đến chiến tranh thế giới thứ nhất mà Đức là một trong các quốc gia tham chiến, có lẽ không cần nói nhiều thêm về quy mô, độ khốc liệt cũng như những tàn phá của nó lên cuộc sống của những người dân vô tội. “Phía Tây” được nhắc đến trong tác phẩm là mặt trận phía Tây do quân đội Đức mở ra, khi tràn qua Luxembourg và Bỉ để giành quyền kiểm soát quân sự tại những vùng công nghiệp quan trọng của nước Pháp. Chiến đấu tại mặt trận phía Tây, chàng lính trẻ Paul Baumer cùng đồng đội đã trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc đời. Bộ mặt thật của chiến tranh hiện lên thật ám ảnh trong mỗi mẩu hồi ức của Paul.
Đầu tiên là sự vô nhân đạo khủng khiếp khi chiến tranh tước đoạt tuổi trẻ và toàn bộ đời sống tinh thần của cả một thế hệ. Những tàn phá về mặt vật chất vẫn còn thống kê và khắc phục được, còn những tàn phá tinh thần thì vô phương cứu chữa, và để lại những ám ảnh khôn nguôi tận khi chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Paul và bè bạn “từ một lớp học đi thẳng vào cuộc chiến”. Ném những đứa trẻ chưa qua tuổi 18, đang ngồi trên ghế nhà trường vào lò lửa chiến tranh là đất nước đã phải dốc đến cái vốn cuối cùng vào cuộc chiến. Những đứa trẻ – người lính đó đột ngột đối mặt với cái chết, đột ngột phải trưởng thành nhanh chóng để sinh tồn. Chiến tranh đã dạy cho họ những điều chưa từng được nhà trường, mẹ cha dạy dỗ. Và ngược lại, tất cả những điều họ được dạy đều trở nên vô dụng tại chốn đạn bom này. Và thật đau xót khi họ, chưa chớm tuổi đôi mươi đã nhận thấy: “Tuổi trẻ sao? Cái đó qua từ lâu rồi. Chúng tôi là những ông già” (trang 30). Sự già nua trong tâm hồn mới khủng khiếp làm sao. Bởi vì trước mắt họ không có hoài bão, không khát vọng, ước mơ, không tương lai. Chỉ có cái chết.
Sự hủy diệt của chiến tranh lên sự sống không kinh khủng bằng sự hủy diệt tâm hồn. Những chàng lính trẻ sớm chai lỳ trước cái chết hiện diện hàng ngày, bởi đó là cách duy nhất khiến họ tồn tại được trên mặt trận. Không có chỗ cho run sợ, đau xót viển vông. Vào trận đánh là 150 lính trẻ, trận đánh kết thúc còn 80. Những người sống sót hân hoan trước 150 suất ăn đã được chuẩn bị sẵn, giờ chia cho 80 người. Chi tiết đau đớn đến lặng người. Khi cái chết hiện diện ngay bên cạnh, người ta không thể suy nghĩ lan man nhiều ngoài những bản năng sinh tồn mãnh liệt. Tưởng chừng tâm hồn những người lính đang vào sinh ra tử kia đã chết. Đó là sự vô nhân đạo nhất của chiến tranh. Có những con người không chết vì bom đạn, nhưng cuộc đời họ đã vĩnh viễn bị chôn vùi.
Anh lính Paul, nhân vật chính của truyện là một người như vậy. Trong khi bạn bè, đồng đội ngã xuống rất nhiều, Paul chỉ bị thương, thần chết chưa gọi đến tên. Tuy nhiên, cuộc đời anh đã vĩnh viễn chết, không thể hồi sinh. Ra khỏi mặt trận, về nghỉ phép với gia đình, chính Paul không thể quay lại nhịp sống cũ, không thể nào hòa nhập với cuộc đời. Anh thấy mình bị thừa ra. Thừa ra giữa căn phòng quen thuộc của mình. Thừa ra giữa gia đình. Thừa ra giữa cộng đồng, giữa vô vàn ký ức sống động của quãng đời trước khi vào quân ngũ, vốn vẫn rất gần thôi. Chiến tranh như con quái vật, thò bàn tay gớm ghiếc vào khuấy đảo cuộc sống bình lặng của con người, và thế là cuộc sống ấy vĩnh viễn không thể trở lại bình yên. Chiến tranh đã giết chết cả một thế hệ theo cách ấy, chứ không chỉ đơn thuần là cảnh đầu rơi máu chảy.
Không chỉ là những lời miêu tả trung thực nhất về chiến tranh tàn khốc, “Phía Tây không có gì lạ” còn là nỗi day dứt lớn về căn nguyên và ý nghĩa đích thực của chiến tranh, và đây mới là giá trị lớn nhất của tác phẩm. Buộc phải cầm súng ra trận, nhưng Paul và đồng đội dù đổ máu hàng giờ, vẫn không hiểu tại sao lại phải chiến đấu, tại sao phải có chiến tranh. Câu chuyện phiếm của cánh lính trẻ trong những phút giây yên tĩnh hiếm hoi ngoài mặt trận tưởng chỉ tếu táo cho vui, lại để lại những dư vị đắng cay không thể nào gột rửa: “…Kropp lại là một nhà tư tưởng. Cậu ta đề xuất nghi thức tuyên chiến nên là một lễ hội của dân chúng, có vé vào cửa và âm nhạc đàng hoàng, giống như thi đấu bò tót. Sau đó trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước sẽ mặc quần bơi, cầm gậy xông vào phang nhau. Vị nào trụ được thì nước của vị ấy thắng trận. Được thế sẽ đơn giản và tốt hơn là ở đây, nơi toàn những người chả thù oán gì cứ phải choảng nhau” (trang 49). Cũng bởi “chả thù oán gì cứ phải choảng nhau” nên khi Paul đâm chết một “kẻ địch” dưới chiến hào, anh đã rơi vào tâm trạng kinh khủng: hoang mang, day dứt, hối hận, đau xót đến cùng cực: “Này anh bạn, tôi không muốn giết cậu (…) Hãy tha thứ cho tôi bạn ơi (…) Các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như chúng tôi, rằng những bà mẹ của các cậu cũng sợ hãi cho con mình như những bà mẹ của chúng tôi, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau và chịu đựng những nỗi đau đớn như nhau… Hãy tha thứ cho tôi, bạn ơi, làm sao cậu có thể từng là kẻ thù của tôi được chứ. Nếu chúng ta ném bỏ vũ khí này, tháo bỏ bộ quân phục này, thì cậu hoàn toàn có thể là người anh em của tôi” (trang 207, 208). Đó không phải cảm giác của người chiến thắng vừa tiêu diệt kẻ thù mà là cảm giác của một con người vừa nhẫn tâm tước đoạt sự sống của một con người khác, mà chính bản thân mình không muốn. Còn gì vô lý hơn chuyện “chả thù oán gì cứ phải choảng nhau”?
Lý lẽ nào cho chiến tranh? Cánh lính trẻ không ngừng tranh luận về việc đó: “Càng nghĩ càng thấy kỳ cục, Kropp nói tiếp “Bọn mình ở đây để bảo vệ tổ quốc mình. Nhưng bọn Pháp cũng đang ở đây để bảo vệ tổ quốc của bọn chúng. Vậy ai đúng?” (trang 190) “Nhưng các giáo sư, các linh mục và báo chí của phe ta đều nói rằng chỉ có phe ta mới có chính nghĩa, và tớ cũng mong sẽ là như thế. Trong khi đó bọn giáo sư, linh mục và báo chí Pháp cũng lại quả quyết rằng chỉ chúng nó mới có chính nghĩa, vậy nên hiểu thế nào đây hả” (trang 191) . “Tớ không hiểu. Một quả núi ở nước Đức thì sao có thể xúc phạm một quả núi ở nước Pháp được. Hay một con sông, hay một cánh rừng, hay một cánh đồng lúa mì cũng thế thôi (…) Thế thì tớ chẳng có việc gì ở chiến trường này cả (…) tớ không cảm thấy bị ai xúc phạm” (trang 191).
Câu hỏi day dứt nhất vang lên trong cuốn sách: “Vậy tựu trung có chiến tranh để làm gì? Tjaden hỏi. Kat nhún vai: “Hẳn phải có kẻ kiếm chác được trong chiến tranh” (trang 192). Và chân lý giản dị được các chàng lính trẻ rút ra: “nhưng không hề có chiến tranh thì còn tốt hơn nữa” (trang 193). Giản dị vậy nhưng thật xa vời!
Paul đã đi qua những năm tháng quân ngũ may mắn (theo cách nhìn thông thường): “Tôi là người cuối cùng trong đám bảy thằng bạn cùng lớp đăng lính một ngày còn có mặt ở đây” (trang 264). Nhưng anh không lấy làm hạnh phúc, kể cả khi có tin đình chiến và hòa bình sẽ đến trong nay mai, vì anh biết cuộc đời mình đã bị chiến tranh hủy diệt hoàn toàn, chỉ còn lại một thứ tài sản duy nhất là “đơn độc và vô hy vọng”. Phần xác còn lại chẳng để làm gì khi chiến tranh đã giết chết tất cả phần hồn: ước mơ, cảm xúc, hy vọng, khát vọng… Không còn phần hồn nữa, con người không thể nào sống tiếp. Tuổi trẻ của Paul đã chết giữa chiến trường, chết theo những cái chết của bạn bè, đồng đội và cả những cái chết của kẻ thù – những người lính vô tội phía bên kia chiến tuyến…
Kết thúc tác phẩm có chút “lạ” trong thủ pháp nghệ thuật: “Anh ta chết vào tháng 10 năm 1918, trong một ngày khắp mặt trận yên tĩnh và êm đềm đến nỗi bản báo cáo về tình hình chiến sự hôm đó chỉ gói gọn trong một câu: “Phía Tây không có gì lạ”. Anh ta ngã chúi về phía trước và nằm dài dưới đất như đang ngủ. Khi lật anh ta lên, người ta thấy rõ anh ta đã không phải chịu đau đớn gì nhiều; gương mặt anh ta toát lên một vẻ bình thản đến mức có thể nghĩ anh ta gần như hài lòng về cái kết cục như vậy”.
Nhân vật chuyển từ “tôi” sang “anh ta”, từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ chủ thể sang khách thể. Sau những dằn vặt trong bình thản về chiến tranh và cuộc sống, Paul đã chọn cho mình một con đường tốt nhất: Cái chết! Có vẻ vô lý khi trong cuộc chiến, người lính ấy tìm mọi cách để sinh tồn giữa đạn bom và hơi ngạt thì trước ngưỡng cửa hòa bình, anh lại tự tìm đến cái chết, chết trong một ngày “khắp mặt trận yên tĩnh và êm đềm”. Nhưng đó là con đường duy nhất đúng mà anh lựa chọn. Bởi vì tất cả bạn bè đã chết trong cuộc chiến, anh còn sống chỉ là “đơn độc”. Bởi vì chiến tranh đã tước đoạt và dập tắt mọi ước mơ và khát vọng, cho nên chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng vô bờ. Hậu họa của chiến tranh còn khốc liệt đến tận ngày hậu chiến. Điều đó cũng lý giải vì sao sau thế chiến thứ nhất lại xuất hiện một thế hệ hoang mang, nổi loạn và chán chường đến cùng cực. Bóng đen khủng khiếp của chiến tranh đã ôm trùm lên cả những tháng ngày hòa bình hậu chiến và tiếp tục tàn phá cuộc sống con người.
“Bản báo cáo về tình hình chiến sự hôm đó chỉ gói gọn trong một câu: phía Tây không có gì lạ”. Không có gì lạ vì “khắp mặt trận yên tĩnh và êm đềm”. Không có gì lạ ngay cả khi một chàng trai vừa chớm tuổi đôi mươi ngã xuống. Đúng là “không có gì lạ” bởi ở mặt trận, trong chiến tranh, những cái chết hàng phút, hàng giờ là điều phổ biến và quen thuộc. Những điều không lạ ấy gieo day dứt thật nhiều cho những người cầm cuốn sách trên tay…
Gấp lại cuốn sách, trong đầu tôi cứ vang lên bài thơ “Những bông hoa không chết” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Có sự trùng hợp lạ lùng giữa Lưu Quang Vũ và Erich Maria Remarque trong cảm nhận về chiến tranh. Bởi họ đều là những người lính trẻ đã lăn lộn trong lửa đạn và đều mang trái tim nghệ sỹ nhạy cảm, nặng lòng trước những đau đớn nhân sinh:
… ”Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim
Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp
*
Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Ta kịp biết gì đâu
Vừa hết trẻ con đã là người lính
(…)
Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh
Tuổi trẻ ta đã qua bao bạn bè ta đã chết
Ta đã vượt bao đèo cao chót vót
Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta
Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ
Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng
Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt
Mà xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông…”
(Những bông hoa không chết, 1971)
“Xoáy ngầm” đó là những dằn vặt, đớn đau cho thân phận con người trong chiến tranh bật lên từ sự chai sạn, thản nhiên của những chàng trai sống giữa cái chết ở chiến trường!
N.T.V.N