Xuân về, nhớ nhạc sĩ Lam Phương – Vị đắng của tài hoa

407

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nỗi nghiệt ngã của chiến tranh ngót phần tư thế kỷ trên đất nước có thể coi là may mắn, khi đã hình thành nên một đại ngàn nghệ thuật âm nhạc dân tộc mênh mông và khởi sắc rất đáng tự hào cho người Việt Nam. Bên cạnh dòng nhạc kháng chiến đã có vị trí xứng đáng của những nhạc sĩ như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Kiết Tường, Xuân Hồng, Phan Nhân,… quần chúng yêu giai điệu âm nhạc trong nước và cả hải ngoại cũng không thể nào quên được những nhạc sĩ có thực tài vùng tạm chiếm ở phương Nam trước đây. Điển hình là các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939- 2001); Thanh Sơn (),Trúc Phương (1933-1996), Trần Thiện Thanh… và Lam Phương (1937-2020). Ở dòng nhạc xưa – có người gọi là nhạc vàng – mang số phận trớ trêu này, nhạc sĩ Lam Phương là một nhạc sĩ lớn, có thực tài và rất đỗi đào hoa nhưng cuộc đời tình ái của ông cũng gặp nhiều sóng gió.  


Nhạc sĩ Lam Phương.

Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020), tên thật là Lâm Đình Phùng. Lam Phương sinh trưởng tại Kiên Giang (nay  là Phường Vĩnh Thanh Vân – Rạch Giá) một tỉnh duyên hải Tây Nam bộ được coi là miền đất màu của văn chương và nghệ thuật. Tuổi thơ ấu, Lam Phương cùng 5 người em sống cùng mẹ, đã phải chịu cảnh bất hạnh vì gia đình quá nghèo túng, khi cha ông đã bỏ đi theo người đàn bà khác. Lên 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn sống nhờ vào người bác ruột. Yêu âm nhạc, có ý chí may mắn gặp được các nhạc sĩ Lê Thương () và Hoàng Lang () tận tình chỉ dẫn. Nghệ danh Lam Phương do ông lấy họ và tên sắp xếp, ghép lại theo kiểu người phương Tây (anagramme) có nghĩa là hướng về hương trời màu xanh hy vọng.

Sáng tác đầu tiên của ông là bản Chiều thu ấy ra đời khi Lam Phương chỉ mới 15 tuổi. Ông phải vay tiền của bạn bè để in nhạc bướm rồi lúc phát hành lại thuê xe chịu khó chở nhạc rong ruổi đi bán khắp Sài Gòn. Sự thành công ở tác phẩm đầu tay khiến Lam Phương cảm thấy phấn khởi, tự tin hơn trên con đường nghệ thuật. Chỉ ba năm sau, chàng nhạc sĩ trẻ đã tung ra hàng loạt những nhạc phẩm giá trị mang chủ đề quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là bản nhạc Khúc ca ngày mùa, được các trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long chọn lấy để dạy cho học trò ca múa vui chơi trong những ngày lễ hội. Năm 21 tuổi, bị nhập ngũ vào quân lực cộng hòa nhưng không bao lâu, Lam Phương được giải ngũ. Sau đó lại được lệnh tái ngũ, ông lần lượt gia nhập các đoàn Văn nghệ Bảo An, Văn nghệ Hoa Tình thương và Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương.

Sáng ngày 30/4/1975, trong bối cảnh nhạy cảm lúc bấy giờ, Lam Phương dao động cùng gia đình lên tàu rời đất nước mà không mang theo tài sản gì. Đến Mỹ, ban đầu, Lam Phương định cư ở Virgina, sau đó lần lượt chuyển đến Texas rồi California. Trong hoàn cảnh khó khăn buổi đầu nơi đất khách, Lam Phương phải vất vả làm đủ các công việc từ lau chùi, dọn dẹp nhà cửa đến làm thợ mài thợ tiện. Khi công việc, đời sống gia đình dần ổn định, Lam Phương cứ đến cuối tuần lại tìm thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch đồng thời cũng là nơi để bạn bè văn nghệ gặp nhau. Và Túy Hồng cùng ông sống lại với kịch trường.

Sau khi chia tay với kịch sĩ Túy Hồng sang Paris, buổi đâu nhạc sĩ Lam Phương cũng phải đi làm công cho một tiệm tạp hóa trong công việc quét dọn, khuân vác… Cho tới khi Lam Phương gặp được một tình yêu mới với một người phụ nữ tên Hường. Nhưng rồi người này bỏ ông mà theo người khác. Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác, nhưng bốn năm sau (3/1999), ông bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Thời gian này, nhạc sĩ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng nhận được sự bù đắp về tình cảm. Người em gái ở Pháp bỏ cửa hàng ăn bay sang Mỹ chăm sóc cho anh ruột. Một người yêu nhạc Lam Phương mua cho nhạc sĩ một căn nhà và ngày ngày gọi điện để nói chuyện với ông. Bà còn lặn lội đến tận nhà với chiếc xe lăn để nhạc sĩ tự đi. Tình cảm đặc biệt với sự ngưỡng mộ ưu ái đã giúp Lam Phương không cảm thấy cô độc nhưng bệnh tình cũng không hết hẵn, đi đâu cũng phải nhờ vào chiếc xe định mệnh.

Tháng 8 năm 2016, nhạc sĩ Lam Phương cùng đoàn văn nghệ của Trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tính ca Lam Phương. Nhà báo Nguyễn Thanh Nhã với tấm lòng yêu thương ngưỡng mộ một nhạc sĩ tài năng đã biên soạn cuốn “Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương” – NX Phụ nữ phát hành.

Nước nhà đã thực sự thống nhất ba miền sau gần nửa thế kỷ, nhìn lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Lam Phương, tạm gác lại một bên chính kiến, trước tiên ta có thể công bằng mà nói ông là một nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Nam bộ bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20 qua hơn 7 thập niên. Nếu là người chơi nhạc hoặc yêu nhạc từng sống trong giai đoạn binh lửa đốt cháy quê hương phía Nam vĩ tuyến 17 này, ta có thể nhận ra hầu hết nhạc phẩm (trên 200 tình khúc) của Lam Phương là một bản trường ca đầy ắp những giai điệu u buồn da diết.

Nỗi bất hạnh đói nghèo, trong hoàn cảnh tuổi thơ vắng mặt người cha vốn được coi là cái bóng mát trùm phủ lên cho cả gia đình đông anh em, đến nỗi cậu bé Lâm Đình Phùng phải ly hương sống nhờ vào người thân ở Sài Gòn: Kiếp nghèo, Biển sầu, Buồn, Chuyện nàng Tô Thị, Dòng lệ,… Dù triền miên sống trong cảnh thiếu vắng tình thương không cha, ở Lam Phương vẫn khống thấy nhạc sĩ có ý phiền trách người cha đã bỏ mẹ ông và anh em ra đi biền biệt. Với lòng yêu nghệ thuật đắm say cộng với một ý chí sắt thép bất biến, Lam Phương thực sự đã vươn lên đỉnh cao nghệ thuật của giai điệu từ một nỗi trớ trêu cay đắng khôn cùng… (Còn tiếp một ký)

N.T