Năm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Thành tựu và truyền thống vẻ vang của Hội là xương máu và công sức của bao thế hệ hội viên. Trước trách nhiệm lịch sử trong thời kỳ mới, chúng ta tự hào và trân trọng nhìn lại chặng đường đã đi qua càng thêm tự tin bước tiếp trên con đường sáng tạo vì những giá trị cao cả của dân tộc.
I. Những tổ chức tiền thân
1/ Hội văn hóa cứu quốc
Các nghệ sĩ tại chiến khu Việt Bắc (tháng 3/1951) Hàng đầu từ trái: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao. Hàng sau từ trái: Nguyễn Đỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài. Ảnh: Trần Văn Lưu
Sau khi công bố bản đề cương văn hoá năm 1943, việc hình thành những tổ chức làm hạt nhân tập hợp và đoàn kết đội ngũ trở thành nhiệm vụ cấp bách. Nghị quyết Hội nghị thường vụ Đảng cộng sản Đông Dương ngày 25-2-1943 đã nêu rõ “Phải gây ra những tổ chức Văn Hoá Cứu Quốc và phải dùng các hình thức công khai đoàn kết các nhà văn hoá trí thức ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài Gòn, Huế”. Căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Trung ương chọn Hà Nội làm điểm đột phá thực hiện các quyết định nói trên. Đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư ban cán sự thành uỷ Hà Nội, thông qua đồng chí Vũ Quốc Uy bắt liên lạc với một số nhà văn đã từng hoạt động từ thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936 – 1939 và trong phong trào Việt Minh. Theo nguyên tắc hoạt động bí mật, nhóm nọ không biết nhóm kia. Bên văn học có các nhà văn Như Phong, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Học Phi. Bên Hội truyền bá chữ quốc ngữ có Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Công Mỹ, Phạm Văn Khoa, Lưu Văn Lợi. Có nhà văn hoạt động đơn tuyến với Đảng như Đặng Thai Mai. Nhiệm vụ ban đầu là tổ chức thảo luận đề cương văn hoá năm 1943 của Đảng và vận động phát triển hội viên. Sang năm 1944 có thêm một số nhà văn nữa như Nam Cao, Kim Lân, các nhà thơ Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, các ngành khác có Trần Đình Thọ, Ngô Huy Quỳnh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung.
Nhiệm vụ văn hoá cứu quốc là tuyên truyền đề cương, lợi dụng các báo chí công khai để viết bài tuyên truyền vận động quần chúng. Có một số tác phẩm được sáng tác dưới ảnh hưởng của Đảng: Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan, Lầm Than của Lam Khai, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, tiểu thuyết Sống Mòn của Nam Cao, thơ của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân.
Sang năm 1945, trước cao trào tổng khởi nghĩa, văn hoá cứu quốc đã họp bàn ra tạp chí Tiên Phong, cử người đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Trong hai ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, chỉ có hai đại biểu văn hoá cứu quốc đến kịp đại hội Tân Trào. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đọc báo cáo xây dựng nền văn hoá mới. Kết thúc đại hội có hai đại biểu văn hoá cứu quốc được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng là Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Hữu Đang. Sau cách mạng tháng 8 thành công, lực lượng văn hoá cứu quốc được mở rộng. Nhiều địa phương có lập chi hội văn hoá cứu quốc. Nhiều thành viên văn hoá cứu quốc được cử về hoạt động trong các cơ quan báo chí, xuất bản của Đảng. Phụ trách thường trực cơ quan Hội là các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng. Đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Chủ tịch văn hoá cứu quốc, nhà văn Nguyễn Đình Thi là Tổng Thư ký.
Trong điều kiện mới, được hoạt động công khai, văn hoá cứu quốc phát triển nhanh chóng. Tạp chí Tiên Phong xuất bản đều kỳ hai tháng một số. Nam Cao là thư kí toà soạn đầu tiên. Ngoài ra, Hội còn ra tờ báo tiếng Pháp La Republicque (Nước Cộng Hoà) do đồng chí Lưu Văn Lợi phụ trách. Trong thời kỳ quân Tầu Tưởng chiếm đóng, Hội còn ra tờ báo tiếng Hoa, Tân Việt Nam.
Nhà xuất bản của Hội in rất sớm các bài viết của Hồ Chủ tịch, in các tập thơ Hội nghị non sông và Ngọn Quốc Kỳ của Xuân Diệu, Chí Phèo của Nam Cao.
Hội đã tổ chức triển lãm mỹ thuật gồm những sáng tác trước cách mạng và tranh cổ động sáng tác sau cách mạng. Triển lãm rất vinh dự được Hồ Chủ tịch và cố vấn Vĩnh Thuỵ đến khai mạc.
2/ Đại hội văn hóa toàn quốc
Cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao giữa nước ta và Pháp ngày càng căng thẳng và phức tạp. Trước dã tâm của Pháp, ta chủ trương thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Tháng 10 năm 1946, đã tổ chức Đại hội văn hoá cứu quốc nhằm nhằm xốc lại lực lượng và mở rộng đoàn kết rộng rãi. Đại hội thảo luận về sáng tác và củng cố tổ chức. Nhà văn Đặng Thai Mai được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Hoài Thanh làm Tổng thư ký, Phó tổng thư ký: Tố Hữu/ Nguyễn Huy Tưởng.
Ngày 24 tháng 11 năm 1946, Đại hội văn hoá toàn quốc được khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đại hội có 200 đại biểu. Hồ Chủ tịch đã đến dự và phát biểu với Đại hội.
Tiếp đó là toàn quốc kháng chiến. Các văn nghệ sĩ được cử về hoạt động tại các khu vực và địa phương trong cả nước.
3/ Hội văn nghệ Việt Nam
Sau chiến thắng thu đông năm 1947, Đảng chủ trương củng cố mặt trận văn hoá. Tháng 7 năm 1948, Đại hội văn hoá toàn quốc họp tại Phú Thọ. Đồng chí Trường Chinh trình bầy bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam”. Đại hội quyết định thành lập Hội văn nghệ Việt Nam.
Tiếp theo đó, trong 3 ngày 25/26/27 tháng 7 năm 1948, Hội nghị văn nghệ toàn quốc được tổ chức tại Phú Thọ với sự có mặt của 80 đại biểu. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó tổng thư ký.
Trong suốt 9 năm kháng chiến, Hội văn nghệ Việt Nam đã phát huy cao độ khả năng tập hợp đoàn kết đội ngũ, đẩy mạnh sáng tác, xây dựng tổ chức, thực sự trở thành mặt trận văn nghệ thống nhất trong cả nước. Hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động đẩy mạnh sáng tác, xuất bản, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng đội ngũ thực sự trở thành một tổ chức vững mạnh. Tờ báo Văn nghệ của Hội hoạt động rất có hiệu quả. Với tất cả các cố gắng đó, Hội đã chuẩn bị được một lực lượng đông đảo cho các chuyên ngành. Đó là sự chuẩn bị chín muồi để thành lập các Hội chuyên ngành khi có điều kiện.
II. Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Việt Nam đã được tổ chức trong bốn ngày từ 1 đến mùng 4 tháng 4 năm 1957 tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội. Đại hội gồm có 165 đại biểu là các nhà văn kháng chiến từ các mặt trận kéo về, là các nhà văn miền Nam ra tập kết và các nhà văn hoạt động công khai trong vùng địch tạm chiếm. Đại hội thảo luận đánh giá thành tựu văn học 9 năm kháng chiến, biểu dương những cố gắng đi vào đời sống công nông binh và đạt được mùa gặt từ giải thưởng văn nghệ năm 1955. Về phương hướng, Đại hội tập trung thảo luận nhiệm vụ sáng tác phục vụ sự nghiệp xây dựng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cuộc đấu tranh của đồng bào Miền Nam thực hiện thống nhất nước nhà. Đại hội thông qua điều lệ và bầu cơ quan lãnh đạo gồm 32 thành viên do nhà văn Nguyễn Công Hoan làm chủ tịch, nhà văn Tô Hoài làm Tổng thư ký, Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh làm Phó tổng thư ký.
Sau Đại hội, Ban chấp hành đã có rất nhiều hoạt động, tổ chức cho nhà văn về “ba cùng” với bà con nông dân. Đã tổ chức thành lập tờ báo Văn của Hội và thành lập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Một cố gắng rất lớn của Ban chấp hành là tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất, chuẩn bị lực lượng kế cận cho Hội. Nhiều cây bút tham dự Hội nghị sau này đã trở thành những nhà văn nổi tiếng: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Xuân Cang, Xuân Quỳnh, Phượng Vũ, Trần Thanh Giao, Lương Sĩ Cầm…
Trong thời gian này xảy ra cuộc đấu tranh với vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Sau cuộc đấu tranh, công tác tổ chức được kiện toàn. Tại Hội nghị Ban chấp hành họp trong hai ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 3 năm 1958, đã quyết định cử Ban thường vụ mới gồm 5 người: Nhà văn Nguyễn Đình Thi (Tổng thư ký), Nhà văn Tô Hoài (Phó Tổng thư ký), Các uỷ viên thường vụ: Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Nguyễn Văn Bổng. I
II. Những thành tựu đã đạt được
1/ Đồng hành cùng dân tộc
65 năm qua, bám sát các nhiệm vụ, chính trị của Đảng, các nhà văn Việt Nam tình nguyện dấn thân vào những nơi khó khăn gian khổ nhất, làm chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Sống cuộc sống cách mạng của nhân dân, hiểu được khát vọng của nhân dân để làm cơ sở xây dựng tác phẩm. Trong chiến tranh, nhiều nhà văn đã xông ra tiền tuyến, chịu đựng mọi hiểm nguy, ác liệt. Nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh như những người anh hùng: Trần Đăng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Bùi Nguyên Khiết… Trong hoà bình, trên mặt trận xây dựng kinh tế, nhiều nhà văn đã về sống và làm việc bên cạnh những người thợ, những xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Họ đến các vùng cao heo hút chia sẻ khó khăn thiếu thốn với đồng bào, với các thầy giáo cắm bản. Hội Nhà văn đã tổ chức rất nhiều các chuyến đi thực tế đến các trọng điểm kinh tế, đi Trường Sa, thâm nhập đời sống biên giới hải đảo, hoặc trở lại chiến trường cũ. Tất cả nhằm cố gắng phản ánh chân thực của đất nước, rút ngắn khoảng cách cuộc sống và trang viết.
Qua các chuyến đi đó, vốn sống được tăng cường, tư tưởng, tình cảm bắt kịp với những đổi thay của đất nước, ý thức trách nhiệm của nhà văn trước cuộc sống được đề cao. Đồng hành cùng dân tộc, nếu như nhà văn tìm thấy nhân vật của mình để sáng tạo thì nhân dân cũng tìm thấy người phát ngôn của mình để tin tưởng, gửi gắm. Thực tế đã chứng minh, chỉ có tắm mình trong thực tiễn sinh động của đất nước, nhà văn mới có thể sáng tác lâu dài. Vốn sống càng được tích luỹ sâu rộng, tài năng càng phát triển.
2/ Sáng tạo là đổi mới, đổi mới để sáng tạo
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Hội, với sự khiêm tốn của người sáng tạo, chúng ta vui mừng và tự hào nhận thấy có biết bao tác phẩm đã đi vào lòng người, trở thành người bạn tâm tình của công chúng yêu văn học. Đó là những tác phẩm phản ánh chân thực và hào hùng cuộc sống của đất nước, số phận của nhân dân. Đó là những tác phẩm đề cao phẩm giá con người trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới. Đó là những tác phẩm mang đậm nguyện vọng của nhân dân về một xã hội tiến bộ, công bằng và nhân văn. Những tác phẩm ghi dấu tài năng và tâm huyết của cả đội ngũ xứng đáng là bức tượng đài về sức mạnh và khát vọng của nhân dân hướng tới chân thiện mỹ.
Sáng tạo là câu chuyện của tài năng. Chúng ta nhớ lại những cuộc thi tài do báo Văn nghệ và Tạp chí Nhà văn và Tác Phẩm của Hội đã tổ chức rất thành công. Chúng ta nhớ lại giải thưởng các cuộc thi tiểu thuyết mà Hội đã bền bỉ tổ chức trong hơn 20 năm qua. Ở đó chúng ta tìm thấy biết bao nhiêu cố gắng mới mẻ của các nhà văn. Đường biên văn học không ngừng được mở rộng. Đề tài, chủ đề, nhân vật, phương pháp sáng tác không ngừng được đổi mới, đem đến một diện mạo mới cho văn học chúng ta. Với ngòi bút lách sâu vào hiện thực, bên cạnh việc biểu dương, ca ngợi cái mới, cái tích cực, cái tiêu biểu cho sức vươn tới của con người, chúng ta lên án phơi bầy, truy đuổi mọi cái xấu cái ác, hiện lên như những lực cản con đường đi lên của dân tộc. Các thể loại văn học thi nhau phát triển: tiểu thuyết hiện đại, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dự báo, mỗi thể loại đem đến những giá trị riêng. Bức tranh văn học chưa bao giờ đa dạng, phong phú toàn diện và đồng bộ như bây giờ. Mở ra khả năng to lớn đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hoá, xây dựng con người trong tình hình mới.
3/ Đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh
Là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, vấn đề được Đảng đoàn và Ban chấp hành các khoá hết sức quan tâm là tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận ngày càng cao trong toàn Hội. Mọi hoạt động của Hội đều được vận hành bởi các quy chế làm việc chặt chẽ và thống nhất. Chúng ta hết sức coi trọng hoạt động cuả các hội đồng chuyên môn, coi đó là cánh tay nối dài của Ban chấp hành. Mọi công việc đều được bàn bạc, tập thể quyết định từ cơ sở. Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về lý luận phê bình, về văn học với lịch sử, văn học với nhiệm vụ công nghiệp hoá hiện đại hoá, quan tâm thích đáng tới mảng văn học cho thiếu nhi. Hội thực sự quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bồi dưỡng các tài năng trẻ, tạo nguồn kế cận cho Hội. Ngoài việc tổ chức tốt Hội nghị những người viết văn trẻ, gần đây Ban chấp hành đã quyết định trao giải thưởng hàng năm cho các cây bút trẻ.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du đã tích cực xã hội hoá, mở nhiều lớp huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cây bút trẻ. Nhiều học viên xuất sắc đã được kết nạp vào Hội.
Hội đã rất chú ý tiến hành các hoạt động xã hội hoá văn học. Đó là việc liên kết với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương binh xã hội để tổ chức các cuộc thi văn học, đi sâu vào các mặt đề tài. Qua đó chúng ta phát hiện được nhiều tác phẩm hay, nhiều tác giả có tài để kết nạp vào Hội.
Song song với việc đẩy mạnh sáng tác là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội, Đảng đoàn và Ban chấp hành đã chủ động đề đạt với Chính phủ để xây dựng Bảo tàng văn học Việt Nam, Trụ sở báo Văn nghệ, nâng cấp trụ sở làm việc của cơ quan Hội và Nhà xuất bản của Hội. Có thể nói, chưa bao giờ Hội Nhà văn có cơ sở vật chất để tác nghiệp khang trang như ngày nay. Đó là sự quan tâm của Nhà nước và sự năng động của Ban chấp hành.
4/ Mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế
Công tác giao lưu hội nhập quốc tế chúng ta đã tiến hành rất tốt từ những năm chiến tranh nhằm giới thiệu cuộc chiến đấu của nhân dân ta với thế giới. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của các nhà văn thế giới đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Hoà bình lập lại, chúng ta có thêm điều kiện để đẩy mạnh công tác này. Chúng ta đã có nhiều dịp đón các nhà văn nước ngoài đến giao lưu văn hoá với Việt Nam. Chúng ta đã cử 45 nhà văn trẻ sang bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện viết văn Goocki Liên Xô trước đây. Chúng ta đã sang mở lớp đào tạo viết văn cho 62 nhà văn trẻ của Campuchia sau ngày giải phóng. Hội Nhà văn Việt Nam là nước đề xướng trao giải thưởng văn học Sông Mekong, lúc đầu chỉ có 3 nước : Việt Nam – Lào – Campuchia nay đã có thêm Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. Việt Nam cũng là nước chủ động tham gia giải thưởng Asean do Thái Lan chủ trì.
Với nhãn quan chính trị và tầm nhìn rộng thoáng, công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam đạt rất nhiều thành tựu sau đổi mới. Ngay từ năm 1991, trong điều kiện Mỹ bao vây cấm vận rất căng thẳng, Hội đã chủ động quan hệ với Trung tâm Uyliam Joiner của Hoa Kỳ, tiến hành trao đổi đoàn và dịch các tác phẩm của nhau. Trên thực tế, các nhà văn ở trung tâm Uyliam Joiner đã có nhiều hoạt động góp phần bãi bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Nhằm giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới, Hội Nhà văn đã nhiều lần tổ chức thành công Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ quốc tế. Thu hút gần 200 nhà văn đến từ 53 quốc gia trên thế giới. Sau mỗi hội nghị, số tác phẩm của Việt Nam được xuất bản tại nước ngoài đều được tăng lên. Hiện nay, Hội đã có quan hệ đối ngoại với trên 60 tổ chức văn học trên thế giới.
5/ Vinh dự & trách nhiệm
Với những thành tựu cống hiến trong 65 năm qua, Hội Nhà văn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng. 54 nhà văn được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. 160 nhà văn được trao giải thưởng Nhà nước. 6 nhà văn được trao danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và thời kỳ đổi mới. Từ 165 hội viên khi thành lập, qua 65 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội có trên 1000 hội viên. Thành tựu 65 năm thật là to lớn. Tự hào với truyền thống vẻ vang của Hội, các nhà văn chúng ta cùng nêu cao trách nhiệm bám sát đời sống hơn nữa, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của Hội, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nhiều nhất và tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng văn hoá trong vận hội mới của đất nước.
Theo Nhà thơ Hữu Thỉnh/Văn Nghệ