Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)

1429

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ hôm chạy loạn về Phù Ninh, việc  học của hai công chúa được bà Chiêu Nghi sắp đặt lại. Những hôm có thầy ở kinh đô sang dạy thì hai công chúa cùng học. Còn những ngày khác thì công chúa Ngọc Hân tự học, tự luyện tập viết văn, làm thơ và dạy Ngọc Bình học.

CHƯƠNG 1

Hàng thế kỷ đảo điên tao loạn

Hoàng gia đành lánh nạn về quê

Lão thần thi bá họ Lê

Cùng công chúa nhỏ luận về văn chương.

 

Cuối tháng mười rét ngọt, vậy mà sang giờ hợi rồi, đèn trong dinh Thiết Lâm vẫn sáng, chỗ thì đèn Thổ hà, chỗ thì bạch lạp, ánh sáng chập chờn hắt lên ngọn cây cau, cây nhãn; theo các khe cửa, khe tường ánh ra ngoài đường lúc này đã thưa người qua lại. Mọi khi thì mới giờ tuất đã cửa đóng then cài, dinh tối om, im ắng. Buổi chiều thấy có một anh nội thị từ kinh đô cưỡi ngựa về, anh này về đây nhiều lần nên thuộc lệ làng, cách bia “hạ mã” vài trượng đã xuống ngựa, gặp người già đều cúi đầu chào hỏi lễ phép. Ấy là nội thị bên cung vua mới thế, chứ như bên phủ chúa thì cứ vênh cái mặt hợm hĩnh lên, thoáng nhìn biết ngay, ai cũng ghét. Kìa con ngựa hồng tháo yên cương, buộc ở cổng dinh đang ăn cỏ đựng trong cái sọt. Cỏ ở Đồng Sòi, Đồng Mắn làng này chắc là ngon hơn ở kinh đô hay sao mà ngựa vừa ăn vừa vẫy đuôi ra vẻ hài lòng lắm.

Dinh Thiết Lâm có gì lạ? Tiếng chổi quét, tiếng dội nước rửa thềm, rửa sân, tiếng kê dọn, gõ đóng chí chát, người chạy qua chạy lại có vẻ gấp gáp lắm. Người của dinh ít thôi, có hai ba người, chắc là một số người trong họ Nguyễn Đình được huy động đến phụ giúp nữa mới tấp nập thế, rộn rịp nhất là ở khu nhà đãi nguyệt tạ.

Tin này một người biết, chuyền cho người thứ hai, thứ ba, rôm rả nhất là mấy chị xã chị nhiêu vừa nhai trầu vừa nỏ chuyện để phô hàm răng đen, cặp môi trầu cắn chỉ rất tươi. Chỉ một thoáng, cả thôn Phù Ninh thượng rồi Phù Ninh trung, Phù Ninh hạ đã râm ran. Một vài người tò mò đảo qua đảo lại ngoài đường ngước nhìn vào trong dinh, nhưng tường cao, cửa khép chỉ thấy tiếng động dội ra. Họ phán đoán, hỏi nhau quét dọn để làm gì? Hay là bà Chiêu Nghi (tước hiệu sau Hoàng Hậu) sắp về? Có khi cả Nhà Vua rồi các hoàng tử, công chúa về nữa cũng nên? Là đoán chừng thế thôi. Từ hơn tháng nay nhiều nguồn tin từ bên kẻ chợ (kinh đô) dội về: ba mươi sáu phường ở Thăng Long đang có loạn kiêu binh, chúa ngăn cản không được, muốn dẹp không xong. Nhiều gia đình quyền quý đã phải chạy về các vùng thôn quê xa xôi, nhiều nhất là sang xứ Đoài xứ Đông chứ ít xuống vùng Sơn Nam hạ, Sơn Nam thượng. Tưởng chỉ có thứ dân và quan gia chạy thôi, chứ chả nhẽ đến vua cũng phải chạy thì còn ra thể thống gì nữa, thì tiểu dân còn trông cậy vào đâu và biết chạy đi đâu?

Hóa ra tin này là mối lo cho mọi người chứ đâu chỉ là chuyện riêng ở dinh Thiết Lâm. Làng Phù Ninh có một đêm xôn xao hồi hộp!

Hôm sau, từ sớm tinh mơ ngày hai mươi tám tháng mười năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (Dương lịch là ngày 22 tháng 11 năm 1783) bốn chiếc thuyền lớn dong buồm từ sông Nhĩ Hà, rẽ sang sông Đuống vào sông Thiên Đức rồi đậu ở Bến Dĩ (1). Lúc ấy khoảng cuối giờ tị. Các hào mục thôn Phù Ninh và mấy thôn lân cận như Hiệp Phù, Ninh Giang, Công Đình, Tế Xuyên cũng có mặt để nghênh tiếp. Một số trai tráng thôn Phù Ninh được huy động mang quang thúng đòn khiêng để vận chuyển đồ đạc. Mọi người từ dưới thuyền bước lên, chắc là nhà vua không về bởi không thấy có tàn lọng, lính tráng.

Kìa Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, nhiều năm xa quê, bà vẫn nền nã đoan trang, vẫn cái dáng con gái làng Nành thắt đáy lưng ong bước đi uyển chuyển hay lam hay làm, giỏi lo toan mà vẫn ung dung sang trọng. Bà tươi cười gật đầu đáp lễ mọi người, và đến gần mấy cụ trưởng lão tóc bạc búi tó, râu dài chào các cụ và hỏi thăm sức khỏe. Đoàn từ Kinh đô về phần đông là các quý bà quý cô, cung nữ chừng hơn mười người. Thế ra người trong cung cũng giản dị nhỉ, phần đông là áo vải đồng lầm quần lĩnh Bưởi. Chừng sáu, bảy nhi nữ, tiểu đồng áo nâu, áo lụa. Đàn ông ít hơn, khoảng mươi người đi theo vận chuyển, xong việc lại đi. Mọi người chuyển đồ đạc từ thuyền lên bến. Đồ đạc hơi nhiều chắc là sẽ ở lại khá lâu chăng, ừ thì chạy loạn mà lại.

Sáng nay trời đỡ rét hơn hồi đêm, gió từ phía Phù Chẩn, Đồng Báng thổi về, heo may se se lạnh thật dễ chịu. Bà Chiêu Nghi cùng đi bộ với mọi người. Mấy em nhỏ từ kinh đô về làng rất thích thú xem những con trâu con bò gặm cỏ trên những thửa ruộng mới gặt. Trên lưng trâu lưng bò lại có những con chim sáo đùa giỡn, bay lên đậu xuống, tiếng hót lảnh lót, tiếng gọi đàn râm ran. Thỉnh thoảng lại có cái đuôi vẩy lên làm lũ chim giật mình vội vàng cất cánh, nhưng chỉ một lát chúng lại đậu xuống, lưng bò lưng trâu như cái sân chơi riêng của bọn chim sáo. Những con cào cào áo đỏ áo xanh, những đàn châu chấu, muồng muỗng bay vù lên mỗi lúc có chiếc mõm trâu hay bò gặm cỏ đến gần. Hai cô bé chừng trên dưới mười tuổi rất dẻo chân đi bộ, còn mấy cháu ba bốn tuổi đi một quãng mỏi chân lại có người ghé vai cõng, người cõng vui tính chân đi nhấp nhẩy, miệng hát:

Nhong nhong ngựa ông mới về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.

Mấy cậu bé cô bé rất thích thú. Chả biết trong số ấy cậu nào là hoảng tử, cô nào là công chúa? Mọi người chỉ trỏ đoán già đoán non. Bé nào cũng đẹp như trong tranh vẽ, da trắng như hoa huệ hoa lan. Tuy không có hào quang tỏa sáng như trong chuyện cổ tích nhưng đi giữa những người dân quê lam lũ, giữa những mái tranh cũ kỹ thâm xỉn, những tường đất cao thấp lở lói nham nhở, thì bé nào cũng sáng vằng vặc như sao mai, ngời ngời như tiên đồng ngọc nữ từng gặp đâu đó trong những giấc mơ.

Bà Chiêu Nghi nhìn những hàng tre bao quanh làng rung rinh nghiêng ngả, lác đác những đợt lá vàng rời cành bay theo chiều gió rồi nhẹ nhàng đậu xuống mặt đất. Đợt gió khác đến, lá vàng lá khô lại tung lên xao xác lăn tăn. Tre mùa này nhiều lá vàng quá, nhiều ngọn tre lại rực cháy như lửa xém. Tre ơi, có nhận ra cố nhân không? Người con gái hái sen, gánh thóc năm xưa đây mà!

Những con cuốc mùa này không kêu dóng dả nữa mà lặng lẽ kiếm mồi nuôi con. Thỉnh thoảng một vài cặp vợ chồng cuốc từ lũy tre chạy ra những thửa ruộng mới gặt gần đấy kiếm ăn. Cuốc như người đàn bà lam lũ mặc bộ áo đen vá miếng vải xanh nhỏ, quần xắn cao chạy nhanh thoăn thoắt thỉnh thoảng dừng lại nhặt những hạt thóc rụng rơi hay đuổi bắt những con cào cào châu chấu.

Trên ngọn tre, ngọn xoan những con chim cu đua nhau cất tiếng gáy trầm buồn tha thiết gọi bạn tình. Hồi mới sinh Ngọc Hân, có người mang tiến vua con chim cu gáy rất hay. Nhà Vua bảo đem treo ở cây ổi trước cửa sổ của Chiêu Nghi. Nó gáy suốt ngày như nhớ như thương tội nghiệp quá, tâm trạng của nó chắc cũng giống tâm trạng của bà. Chừng nửa tháng sau, Chiêu Nghi bảo người cung nữ mở cửa lồng thả nó ra. Cái con chim cu đang gáy trên cành xoan kia, biết đâu lại chính là con chim mà bà thả ra hồi ấy? Bà thầm hỏi: “Có phải cố nhân đấy không”?

Mùi rơm thóc mới gặt đập đang phơi phóng hay xếp đống ở đâu đó theo gió thoang thoảng quạt vào thơm mát phảng phất mùi ngây ngây ngai ngái, lâu lắm rồi mới gặp lại. Vào trong làng, thỉnh thoảng lại gặp hương hồi hương quế, thục địa, sa nhân đang sao tẩm, tiếng bánh gang lăn trên thuyền tán leng keng, tiếng chày giã thuốc kí cốp của các ông lang Nành (Làng Phù Ninh còn có tên cổ là làng Nành). Làng Nành có nhiều thày lang giỏi, tiếng tăm lừng lẫy vùng Kinh Bắc, lại có truyền thống trồng và chế biến đông dược. Bên kẻ chợ và các vùng lân cận vẫn dùng thuốc ở đây.

Thấp thoáng sau lũy tre, rặng nhãn cây đa là những đống rơm, mái tranh, rất ít mái ngói. Thảng hoặc có ngọn khói màu lam mơ hồ trên mái rạ, chờn vờn một lát rồi lan tỏa theo từng đợt gió heo may. Làng quê đẹp, mà nghèo quá. Nhưng ngay đến cung vua cũng chả vàng son chói lọi gì. Từ ngày vào cung đến nay đã mười lăm năm, bà ít có dịp về làng, nhiều khi nhớ quê muốn về lắm nhưng đi lại tốn kém diệu vợi trong khi sự chi dùng trong cung rất hạn hẹp, phương tiện đi lại càng khó khăn. Trừ vua ra, còn phần lớn ai cũng phải lao động tự túc như chăn tằm, dệt lụa, may quần áo, khâu tàn quạt, thêu áo mũ, khâu giày, làm bánh, làm thuốc… Một số sản phẩm mang ra phố bán, hoặc trao đổi, người nào cũng rất bận rộn chứ có được hưởng thụ vui chơi gì đâu như nhiều người vẫn tưởng. Có lẽ chính vì vậy mà lần này bà Chiêu Nghi về quê, mọi người mới gần gũi tình cảm thế này, càng nghĩ, bà lại thấy rưng rưng.

Dọc đường, bà Chiêu Nghi luôn chào hỏi mọi người, thỉnh thoảng bà dừng lại nhận ra người quen cũ tay bắt mặt mừng, nước mắt lăn trên má.

Mấy người quen cũ “chào bà Chiêu Nghi”! Bà Huyền bảo: “Tôi về Phù Ninh thì vẫn là cái Huyền đi cấy dạo xưa, con gái ông bà Đình Giai ấy mà cứ gọi như cũ thích hơn”!

Bà bảo kinh thành hiện giờ không yên, vua cho bà cùng mấy công chúa công nương về quê để có điều kiện yên tĩnh mà học hành. “Có lẽ sẽ ở quê nhà khá lâu đấy các bà các chị ạ”.

*

Từ hôm chạy loạn về Phù Ninh, việc  học của hai công chúa được bà Chiêu Nghi sắp đặt lại. Những hôm có thầy ở kinh đô sang dạy thì hai công chúa cùng học. Còn những ngày khác thì công chúa Ngọc Hân tự học, tự luyện tập viết văn, làm thơ và dạy Ngọc Bình học.

Ngọc Hân năm nay mười ba tuổi, cô thông minh, học một biết mười, văn bài xem một hai lần là thuộc. Cô đọc nhiều sách khác của Trung Hoa thường là mượn ở Thư quán hay mượn của một số nhà quan.

Công chúa Ngọc Hân có kỷ niệm rất đáng nhớ với quan đại thần Lê Quý Đôn. Đầu năm Quý Mão (1783), Lê Quý Đôn được Chúa cử làm Hiệp trấn xứ Nghệ An, trước khi lên đường, ông vào bái kiến vua Lê Hiển Tông. Đối với Nhà Vua, ông chịu ơn khá nhiều. Chuyện mới đây, sau hai năm bị Hoàng Văn Đồng tố cáo về một việc gì đó cũng nhỏ thôi, Lê Quý Đôn bị giáng chức, đến năm Tân Sửu (1781) ông được Nhà Vua có nhời với Chúa, Chúa cử ông giữ chức Quốc sử quán Tổng tài, ông rất nhớ ơn này của vua Lê Hiển Tông. Lần này đi xa, vua tôi chuyện trò khá lâu. Lúc chia tay, Vua bảo:

-Trẫm nay gần thất thập, khanh cũng sắp lục tuần, chả biết còn gặp nhau được nữa hay không.

Lê Quý Đôn chắp tay lạy Vua:

-Xin hoàng thượng giữ gìn sức khỏe.

Ra về qua khỏi điện Kính Thiên, đến khoảng sân có nhiều hoa cảnh, ông thấy công chúa Ngọc Hân đang mê mải xem hoa. Thoáng thấy Lê Quý Đôn, Ngọc Hân đến chào quan đại thần và nói:

-Thưa quan lớn, tiểu sinh mới được đi chơi xứ Kinh Bắc, được đọc mấy bài thơ quan lớn đề ở đó, tiểu sinh rất thích.

Lê Quý Đôn vui mừng hỏi:

-Thật hân hạnh được công chúa để mắt đến. Thưa, tôi có viết ba, bốn bài, thế có bài nào gọi là tàm tạm được không?

-Ôi, quan lớn quá khiêm tốn, văn chương của quan lớn vang lừng từ Đại Việt sang đến Trung Hoa, Cao Ly. Xin thưa, tiểu sinh vừa tập dịch bài thơ quan lớn đề ở núi Thiên Thai. Không biết quan lớn nhớ không, tiểu sinh đọc hầu quan lớn nhé.

-Ôi, vậy thì hân hạnh quá, tôi xin nghe.

Ngọc Hân đọc:

– Bài Thiên Thai thi đề

Nhất sơn trác lập, chúng sơn tùy

Kim đới vu hồi thủy diếu di

Thạch sắc tuyền thanh vô khách đáo

Trúc tình hoa ý hứa tăng tri

Bạch vân quá tháp minh hồng thụ

Phương thảo hoành khê ám ngọc chì

Tằng thị tiên triều du dự địa

Phong quang y cựu tự tiền thì.

Lê Quý Đôn nói:

-Cảm ơn công chúa. Tôi đến thăm xứ Kinh Bắc dễ đến sáu bảy năm rồi, thấy cảnh đẹp thì đề thơ. Bây giờ tuổi già quên nhiều thứ lắm, bảo đọc bài thơ đó, tôi cũng chịu. Giờ được nghe công chúa đọc, tôi vô cùng cảm kích. Hồi ấy tâm tư tôi có chuyện buồn, rất buồn, công chúa ạ…

Vị đại thần khi ấy gần sáu chục tuổi, nói chuyện với cô gái đáng tuổi cháu của mình mà như với bạn tâm giao. Ông thổ lộ với công chúa rằng, lúc ấy xảy ra vụ thằng con trai của ông là Lê Quý Kiệt đi thi năm Ất Mùi (1775), do thua bạc thiếu tiền, bị con nợ đòi riết quá nên đã đổi quyển thi của mình lấy quyển thi của tên Đinh Thời Trung để nhận một số tiền trả nợ chiếu bạc. Sự việc bị phát giác, cả hai đều bị tống ngục. Vì là đại thần nên Lê Quý Đôn được miễn nghị. (Theo “Phủ biên tạp lục”).

Lê Quý Kiệt học giỏi từ nhỏ, đúng là con nhà nòi, con của thần đồng có bài thơ nổi tiếng: “Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học chẳng ai tha…” và hai câu cuối, cậu bé Lê Quý Đôn hứa: “Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”.

Và Lê Quý Đôn đã thực hiện đúng lời hứa đó. Năm mười tám tuổi, ông đỗ giải nguyên, mấy năm sau ông đỗ bảng nhãn. Hai mươi bảy tuổi, ông được phong chức Hàn lâm viện thừa chỉ… Khi bà sinh con trai, ông đã đọc rất nhiều trang sách và chọn được hai chữ rất đẹp: Quý Kiệt để đặt tên con trai, ông muốn gửi gắm trong đó rất nhiều ý tứ sâu xa.. Ôi, quý nhân, tuấn kiệt! Cả nhà, cả họ ông vui mừng, bao nhiêu lời chúc mừng, rất nhiều thơ tặng quý nhân tuấn kiệt gửi đến, ông lưu lại, đóng thành tập làm kỷ niệm, thỉnh thoảng lại mở ra xem, vừa ngâm ngợi vừa ngắm nhìn đứa con trai lớn lên từng ngày. Và quả thật Lê Quý Kiệt càng lớn càng khôi ngô tuấn tú và nhất là thông minh hơn người. Nhưng hồi Quý Kiệt lớn lên, ông quá bận việc vua việc chúa, vào nam ra bắc, ít để mắt tới con trai. Bọn người xấu thường hay rủ rê các vương tôn công tử vào con đường ăn chơi. Cậu ấm Lê Quý Kiệt trong số đó. Cậu mê bài bạc, rồi nợ nần chồng chất. Nếu hắn không vướng vào chiếu bạc, chắc đường thăng tiến cũng không kém gì ông. Vậy mà lẽ ra cậu ấm có thể đỗ giải nguyên, nối nghiệp cha ông làm vẻ vang cho gia tộc thì hắn lại ngồi tù, niềm hy vọng lớn lao của cả đời ông đã tan ra mây khói. Ông rất buồn về bi kịch gia đình, những khi rảnh rỗi ông thường du ngoạn đó đây ghi chép, viết sách, làm thơ.

Ông nghe danh công chúa Lê Ngọc Hân thông minh học giỏi, mỗi lần gặp, ông đều nán lại hỏi han. Công chúa cũng coi như dịp may được hỏi ông về văn sách. Ông cũng sẵn sàng chỉ cho cô những chỗ ý tứ sâu xa, những câu thơ trác việt của người xưa gửi gắm tâm tư nỗi niềm cho hậu thế. Công chúa rất chú ý lắng nghe lời ông, cô tự nhủ sẽ ghi lòng tạc dạ. Lúc này hai người ngồi ở chiếc ghế băng dưới bóng mát cây nhãn cổ thụ, một tóc bạc râu dài, trán nhăn, má hóp, một đầu xanh non nớt.

Lê Quý Đôn hỏi:

-Thế công chúa dịch bài thơ đề núi Thiên Thai thế nào, xin đọc cho nghe?

-Dạ, tiểu sinh xin đọc hầu đại quan. Nhưng xin nói trước thế này ạ. Thơ của đại quan theo Đường luật thất ngôn bát cú, nhưng tiểu sinh không dịch theo Đường luật mà muốn là danh thắng của Đại Việt ta thì nên dịch lại thành thơ lục bát, là thể thơ của dân tộc Việt mình, không biết đại quan có buồn không?

Vị đại thần giật mình, ôi, cô bé tuổi cháu chắt mình mà có ý tứ cao vời đến thế. Đúng rồi, cảnh nước mình, tiếng nói nước mình, sao lại cứ phải vay mượn lối thơ của nước người ta từ đời nảo đời nào. Mình có thơ lục bát, có chữ nôm, sao không dùng để làm văn, để cho mọi người đọc, dễ thuộc, dễ nhớ? Lê Quý Đôn đỏ mặt ngượng ngùng nhìn cô bé cảm thấy như một tiên đồng. Ông nói:

-Thưa, công chúa nói rất đúng, danh lam thắng cảnh của nước mình, tiếng nước mình, thơ nước mình thì mình phải dùng chứ. Sự vay mượn thể thơ của người ta, chữ của người ta, thật chả hay ho gì, tôi có nhiều cái sai. Nhưng tiếc là tuổi cao rồi không còn thời gian làm lại, việc ấy xin công chúa làm thay thế hệ chúng tôi.

-Dạ, lão đại thần cho phép, tiểu sinh xin đọc:

Thơ đề ở núi Thiên Thai

Một đỉnh cao, nhiều đỉnh theo

Dải vàng qua lại trong veo lạch nguồn

Suối mơ khách vắng, đá buồn

Ý hoa tình trúc ru hồn sư ông

Tháp cao mây trắng hoa hồng

Dốc in ao ngọc bềnh bồng cỏ thơm

Đế vương xưa vẫn sớm hôm

Còn đây dấu cũ chưa mòn rêu phong.

Lê Quý Đôn nói:

-Thơ chữ Hán của tôi, chữ dùng cũng thường thôi, thậm chí có chỗ còn thô thiển tỉ như câu: “Tằng thị tiên triều du dự địa”, nhưng được công chúa hạ cố đọc và dịch lại thành thơ lục bát của nước nhà. Chỉ riêng việc này, là tôi đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Nhưng thật bất ngờ là ngôn từ công chúa dùng quả thật tinh hoa vô cùng, lão già này xin bái phục. Bây giờ xin công chúa đọc chậm lại để tôi chép mang về làm bảo vật.

Công chúa đọc chậm từng câu, vị lão thần chép lại bằng chữ Nôm. Chép xong, ông nhẩm đọc lại, gật gù nói:

-Hai câu cuối bài thơ của tôi, đọc lại, thấy thiếu vẻ tế nhị, thanh cao, nhất là câu thứ bảy.

Nếu có điều kiện thì phải sửa lại. Nhưng đã “bút sa” rồi, chỉ có “nhà thơ chết” mà thôi, làm sao sửa lại được nữa. Nhưng thật may mắn hai câu cuối:

“Tằng thị tiên triều du dự địa

Phong quang y cựu tự tiền thì”.

công chúa dịch cho là:

Đế vương xưa vẫn sớm hôm

Còn đây dấu cũ chưa mòn rêu phong.

So với nguyên tác thì tinh tế hơn, kín đáo hơn, hay hơn nhiều. Nhiều trường hợp dịch thơ làm giảm giá trị bài thơ đi, nhưng trường hợp này thì ngược lại, bản dịch sáng tạo hơn, đẹp hơn, hay hơn.

Ngọc Hân bẽn lẽn:

-Đại quan quá khen, tiểu sinh không dám ạ. Nhân gặp đại quan, tiểu sinh có điều này muốn ngài quan tâm.

-Xin công chúa cứ nói.

-Thưa đại quan cũng bởi vì các văn bản chính thống của triều đình vẫn dùng chữ Hán, nên chữ Nôm bị lép vế, nhiều trường hợp tùy tiện mỗi người viết một kiểu theo ý riêng của mình, gây hiểu lầm, tranh cãi phiền phức. Mong đại quan quan tâm mau chóng điển chế chữ Nôm.

-Ý của công chúa rất đúng. Tôi sẽ tâu với nhà vua và chúa tổ chức việc này sớm hơn. Thôi, cũng đã muộn rồi, xin phép chia tay với người đã chiếu cố đến bài thơ xoàng xĩnh của tôi, đã dịch và nâng bài thơ của tôi lên cao hơn như nó vốn có. Chân thành cảm ơn công chúa.

Những lần gặp trước, công chúa nghe ông giảng là chính, nhưng lần này nhân có bài thơ núi Thiên Thai, ông mới phát hiện thêm khả năng thiên phú của Ngọc Hân về thẩm thơ, dịch thơ, về khả năng chữ Nôm kỳ lạ của cô. Và thế là một già một trẻ như đôi bạn văn chương tâm đắc, họ chia tay nhau lưu luyến vừa như ông cháu lại vừa như bạn tri kỷ. Mới hay thiên tài thường không lệ thuộc tuổi tác.

*

Bà Chiêu Nghi và các công chúa chạy loạn về Phù Ninh là một sự kiện đặc biệt của làng. Dân làng phấp phỏng một mối lo xa xôi mà cũng rất gần, không biết ngày mai thế nào. Những nguồn tin từ bên kẻ chợ ngày nào cũng dội về qua những người chạy loạn ngồi nghỉ ở chùa Đồng Mắn, chùa Lúc, dốc Ba Da thôi thì đủ thứ chuyện mà toàn là chuyện tang thương rùng rợn. Rùng rợn nhất là chuyện kiêu binh giết quận Huy vừa mới xảy ra cách đây mươi ngày.

Một bà hỏi:

-Thế ông Quận Huy làm gì mà chúng nó giết?

-Quận Huy là tướng chỉ huy của chúng chứ còn là gì nữa!

-Thế quân lại giết tướng của mình à? Lạ nhỉ, tôi chưa từng nghe nói bao giờ.

(còn tiếp)

N.V.T