Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 2)

684

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một vài vị cận thần phán đoán nói vui với nhau: Vua tuyển được mỹ nhân là quý nhân có mồ hôi thơm màu hoa sen, giờ nghe tin mới xuất hiện mỹ nhân có mồ hôi thơm màu hoa đào, Người muốn xem nếu có thật thì “hoa thơm đánh cả cụm”!

CHƯƠNG 2

Người đẹp có mồ hôi thơm

In vào áo trắng tươi hường sắc hoa

“Hoa thơm đánh cả cụm” mà

Vua Lê cưới cả hai bà Phù Ninh

Nhà văn Nguyễn Vũ Tiềm

Công chúa Ngọc Bình đã học hết sách Tam Tự Kinh, cô còn bé mải chơi nhưng khá thông minh. Ngọc Hân rất quý Ngọc Bình, hôm nay chị dạy em học sang cuốn Sơ học vấn tân. Sách này có một số kiến thức khá sâu sắc, tuy học qua lâu rồi, nhưng thỉnh thoảng Ngọc Hân vẫn đọc lại, tiện thể suy nghĩ để có thêm ý tứ giảng cho Ngọc Bình, mở rộng ra cả những điều sơ khai về hiếu trung, về gia đình, xã tắc, quốc thái dân an.

Ngọc Hân là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền.

Ngọc Bình là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Điều.

*

Hơn một con giáp trước, Nhà Vua sang thăm đền Phù Đổng, lúc thắp hương ở đền Mẫu xong, vị cận thần tâu với vua:

– Muôn tâu Hoàng Thượng, trên đường về, xin Hoàng Thượng dừng chân một chút ở làng Phù Ninh.

– Ở đấy có gì lạ không?

– Bẩm Hoàng Thượng, thần mới được biết làng Phù Ninh có một cô con gái rất lạ lùng, ấy là mỗi lần làm lụng mồ hôi thấm ra áo thì có màu cánh sen và thơm mùi hoa sen.

– Nếu vậy thì khanh chuẩn bị để đoàn xa giá về sớm một chút.

– Thần tuân lệnh.

Người con gái ấy tên là Nguyễn Thị Huyền, con ông bà Nguyễn Đình Giai ở thôn Phù Ninh thượng. Ông bà Giai chuyên trồng sen hái sen ở các hồ đầm trong huyện Đông Ngàn, gần như quanh năm hai ông bà đều ở trên chòi giữa đầm sen. Cô Nguyễn Thị Huyền được sinh ra và lớn lên giữa đầm sen. Càng lớn, cô càng xinh đẹp, da trắng như ngó cần, mát mịn như ngó sen. Năm mười sáu tuổi, một lần được mẹ mua cho tấm áo trắng mới, cô mặc và chèo thuyền cho ông bà Giai hái sen. Lúc ấy là cuối hạ, sắp sang thu, trời khá nóng, khi thuyền quay về chòi, xếp sen lên thì bà Giai thấy vai và lưng áo trắng của con gái có màu hồng cánh sen loang ra, bà thấy lạ, nhìn kỹ thì ra là mồ hôi thấm áo. Bà bảo với ông là ai cũng mồ hôi màu vàng, riêng con bé Huyền nhà mình thì lại màu hồng cánh sen, mà lại có mùi thơm của hoa sen nữa mới lạ chứ! Ông đang bận, không để ý, cho là mùi hương của ít hoa sen muộn còn sót trên đầm chứ lấy đâu ra mồ hôi thơm. Rồi ông bà bận rộn cũng lãng quên đi chuyện ấy. Mãi mấy tháng sau, chiếc áo trắng thấm mồ hôi nhiều lần, màu cánh sen giặt đi không hết, cứ đậm dần, đậm dần. Một lần cô đi gánh thóc, gánh gạo cùng chị em, mọi người để ý thấy có mùi hương sen ở áo của cô. Từ đó tiếng đồn lan xa.

Hôm nay tháp tùng vua Lê Hiển Tông về Phù Đổng, vị cận thần của vua được một người bạn cùng học cho biết chuyện mồ hôi thơm màu cánh sen của cô gái làng Phù Ninh liền tâu với vua.

Vị cận thần bảo bạn:

– Tôi vừa tâu với Nhà Vua, Người bằng lòng dừng chân ở Phù Ninh. Nhờ ông về làng nói với hương chức chuẩn bị đón Vua và bảo cô gái ấy ra mời nước Nhà Vua để Nhà Vua và các quan xem có thực hay không.

– Vâng, tôi về lo việc ấy ngay.

Hôm ấy, ngày mùng một tháng tư năm mậu tý (16-5-1768) dân làng đón Vua ở chỗ có phiến đá đẹp gọi là Thạch Sàng. Mới giờ thân, trời không nắng không mưa, làng trải chiếu hoa xung quanh phiến đá và kê bàn ghế. Hương chức và các cụ trùm, cụ trưởng mời Vua ngồi rồi cử cô Huyền mang nước dâng Vua. Cô Huyền mặc chiếc áo trắng, nhưng ở vai, ở lưng, ở nách lại có màu phơn phớt hồng cánh sen. Ai cũng nhìn thấy rõ. Cô đi lại rót nước, Nhà Vua và các quan đều thấy thoang thoảng hương sen mỗi lần cô đến gần.

Hôm sau cô Huyền được đón vào cung. Năm ấy cô mười tám tuổi. Nhà Vua tuổi năm mươi lăm. Một năm sau cung phi Nguyễn Thị Huyền sinh công chúa Ngọc Hân và được phong tước hiệu Chiêu Nghi.

Khoảng hơn nửa con giáp sau, Nhà Vua được tin ở Phù Ninh lại xuất hiện một cô gái xinh đẹp nữa cũng có mồ hôi thơm nhưng màu hoa đào (xẫm hơn hoa sen). Vua thấy lạ, sao đất ấy lại phát nhiều mỹ nhân quý tướng lạ lùng vậy? Phải ức triệu người mới có một người như thế chứ làm gì có nhiều, Thượng Đế đâu có hào phóng vậy! Có thật hay chỉ là đồn đại? Hay họ thấy Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền có mồ hôi quý thì bèn tô vẽ thêm, chứ lấy đâu nhiều quý nhân sinh ra ở một làng. Chả nhẽ Thượng Đế quá ưu ái làng Phù Ninh? Hay Thượng Đế quê ở làng Phù Ninh?

Năm ấy nhân Hội Làng Nành, ngày mùng sáu tháng Hai năm Ất Mùi (1775), Nhà Vua và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, công chúa Ngọc Hân về xem hội. Một vài vị cận thần phán đoán nói vui với nhau: Vua tuyển được mỹ nhân là quý nhân có mồ hôi thơm màu hoa sen, giờ nghe tin mới xuất hiện mỹ nhân có mồ hôi thơm màu hoa đào, Người muốn xem nếu có thật thì “hoa thơm đánh cả cụm”!

Từ trước hội hai tháng, được tin Vua sẽ ngự giá về, làng quyết định dựng bên trên phiến đá Thạch Sàng một ngôi nhà tre tám mái gọi là Giá Ngự.

Vùng này trồng nhiều tre, tre trong truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân, tre sử dụng trong nhiều công việc làm ăn đặc biệt là làm nhà. Những người thợ mộc làng Nành từng dựng hầu hết các ngôi nhà trong làng và cả vùng lân cận từ ngôi nhà giản đơn đến tiện gọt công phu hoành tráng.

Được làng quyết định làm Giá Ngự, những người thợ họp bàn với nhau, cùng chung tay làm một ngôi nhà thật đẹp bằng tre mang ý nghĩa tre Thánh Gióng, tre gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân. Họ cử ra ba ông trưởng hiệp thợ của ba thôn vẽ mẫu nhà, rồi ba mẫu nhà ấy hợp lại thành một mẫu nhà chung. Đó là ngôi nhà hình vuông bằng tre tám mái, bốn mái tầng dưới và bốn mái tầng trên lợp bằng lá cọ. Ngôi nhà hoàn thành cuối tháng giêng năm ấy. Tuy nhà lá nhưng là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, tác phẩm của các nghệ nhân ngành mộc làng Nành.

Hôm khai Hội, phía trước ngôi nhà tám mái treo hai chữ lớn Giá Ngự, chiếu cạp điều trải từ ngoài đường vào. Nhà Vua và Chiêu Nghi cùng các quan vào xem ngôi nhà tám mái, một tòa lầu thu nhỏ. Những dóng tre vầu to dựng làm cột, tre ngà vàng ươm được lựa chọn kỹ càng làm đòn tay, làm kèo, những rui mè thẳng ngay, những ống tre gọt tiện rất tinh xảo, chỗ xanh, chỗ vàng, chỗ nâu, không có một chút sơn son thiếp vàng mà màu sắc tự nhiên hài hòa đẹp mắt. Nhà Vua hết lời khen ngợi các ông thợ mộc tài hoa làng Nành.

Khi nhà Vua ngồi dùng trà, nếm bánh ở Giá Ngự, một đoàn các cô thôn nữ đi lại tiếp nước, têm trầu. Vua để ý một cô tuổi chừng mười bảy mười tám, mặt trái xoan, phúc hậu, mắt một mí, tóc vấn đuôi gà dáng thon thả đi lại nhanh nhẹn mà ung dung. Không biết cô này có mồ hôi màu hoa đào hay không bởi cô mặc áo màu tím, còn như mồ hôi có thơm hay không thì lại càng khó bởi hội đông người, cô ta tiếp nước bên ngoài bàn chứ không đến gần vua. Khó nữa là tiết trời hơi lạnh, chắc không có mồ hôi. Làm thế nào biết được trong số mấy chục các cô xinh đẹp kia cô nào có mồ hôi thơm màu hoa đào? Thời gian ở đây không nhiều, chả lẽ bỏ lỡ cơ hội này, mà hỏi thì e hơi bất tiện, mình đã lấy một vợ ở đây rồi, giờ lại muốn tìm vợ nữa cũng ở đây, e điều tiếng chăng.

Nhưng sắp đến giờ xa giá lai kinh, không kiềm chế được, Vua vẫy viên cận thần năm trước giới thiệu Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, vua bảo:

– Ta nghe nói ở Phù Ninh mới có cô nào có mồ hôi thơm màu hoa đào, ngươi biết không?

– Bẩm Hoàng Thượng, thần cũng nghe nói nhưng chưa biết rõ thực hư. Xin để hỏi các hương chức địa phương.

Một lát sau vị cận thần lại bên Vua:

– Bẩm Hoàng Thượng, chuyện cô gái có mồ hôi thơm là có thật, bẩm kia ạ, cô mặc áo tím cúi rót nước đang cười cười ở dãy bàn thứ hai, cô ấy tên là Nguyễn Thị Điều.

Thì ra đúng là cô gái xinh đẹp mà ban nãy Nhà Vua để ý.

Lúc sắp lên kiệu, vua bảo Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền tuyển cô Điều vào cung. Cô Điều là con ông lang Nguyễn Bảng và bà Phạm Thị Hoa, gia đình truyền đời đông dược. Năm ấy cô mười tám tuổi. Vua truyền đưa áo trắng cho cô mặc. Mới vào cung một ngày, mọi người đã được chứng kiến ngay mồ hôi thơm màu hoa đào của cô. Cô cũng làm lụng như các cung nữ khác: tưới hoa, quét nhà quét sân, giặt quần áo… Chiếc áo trắng ban sáng, ngay buổi trưa trên vai, sau lưng, hai bên nách đã có vết hồng hồng mờ tỏ hiện ra, mới đầu hồng nhạt một lúc sau đậm dần rõ ra màu hoa đào không còn nghi ngờ gì nữa và nhất là mùi thơm, cô đến chỗ nào là ở đấy nhận ra ngay, hương thơm này như hương hoa ngọc lan. Vua rất mừng.

Nửa tháng sau Nguyễn Thị Điều trở thành cung phi, đó là mẹ của công chúa út Ngọc Bình.

*

Cung phi Nguyễn Thị Điều mang bệnh trọng mất sớm, được nhà vua truy phong là Chiêu Nghi. Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền nuôi công chúa Ngọc Bình, bà thương yêu như con đẻ của mình, hai công chúa Ngọc Hân, Ngọc Bình luôn quấn quýt bên nhau, cùng chơi, cùng học.

Ngọc Bình trở về quê mẹ mà không có mẹ, Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền trong lòng rất thương xót mà không để lộ ra ngoài. Ngọc Bình còn nhỏ, chưa thấu hết nỗi đau mất mẹ, cô chăm chú cầm sách học, thỉnh thoảng lại mang đến hỏi Ngọc Hân: “Chị ơi, chữ gì đây chị”? Ngọc Hân giảng giải nhẹ nhàng: “À, phần dưới của chữ này em biết rồi chứ”? “Dạ, em học hôm qua, chữ điền là ruộng”. “Nhớ được thế là giỏi. Còn nữa?”, “Thưa chị, chữ khẩu là miệng, chữ nhất là một”. “Chữ này có thêm phần trên là bộ miên giống như cái mái nhà. Em nhìn và nghe chị giảng nhé, dưới một mái nhà một miệng ăn mà có cả một thửa ruộng thì nhà này giầu hay nghèo”? “Thưa chị giàu ạ”. “Vậy đây là chữ “Phú là giàu”. Em đọc đi”. Ngọc Bình học: “Phú là giàu! Phú là giàu”.

Cách đấy hai gian, bà Bùi Thị Hậu, nhũ mẫu của Ngọc Bình đang ngồi dệt lụa.

*

Nhớ lại, hồi ấy vào dịp cuối năm, Nhà Vua bảo:

– Chiêu Nghi ra chợ mua ít vải, lụa về may áo mới cho các tiểu hoàng tử, công chúa. Quanh năm mặc sơ sài, Tết có tấm áo mới, trẻ con nó sướng.

Bà Chiêu Nghi đi cùng hai cung nữ ra chợ Hàng Vải. Kinh đô mươi năm nay đã quy vùng thành ba mươi sáu phường, mỗi phường một ngành nghề. Từ Kinh thành ra phường Hàng Vải không xa lắm (vùng này hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hồi này hàng của Tàu, Nhật và các nước xa xôi mang vào Phố Hiến, rồi từ đó thương lái chuyển tiếp lên Kinh đô nên nhiều thứ đẹp. Những đũi, vóc, gấm, lụa, vải màu, vải thêu, hàng áo quần may sẵn… trông cứ hoa cả mắt. Khách mua khá đông, nhưng chả cần để ý lắm cũng nhận ra toàn là người bên phủ chúa. Lại có mấy nhà hàng kháo nhau: vừa mới hôm qua, Tuyên Phi Đặng Thị Huệ ngồi kiệu ra phố mua hàng, toàn chọn hàng ngoại quốc loại sang nhất, đẹp nhất, đắt thế nào cũng mua, làm cho giá cả tăng vọt lên. Chiêu Nghi hơi buồn, bên phủ chúa nhiều tiền, bên cung vua thì chỉ xem cho biết thôi, tiền đâu mà mua những hàng đắt giá thế.

Chiêu Nghi kéo hai cung nữ bước nhanh qua những gian hàng quý phái ấy, bà dừng lại ở dãy hàng lụa, đây là hàng tơ tằm thủ công thô sơ, giá bình dân, hợp với túi tiền eo hẹp của mình. Ngồi xem mấy tấm lụa mịn mặt màu vàng ngà của một cô hàng chắc là có con mọn, hai bầu sữa căng sau lần áo bông. Ban nãy từ xa Chiêu Nghi đã thấy cô ta kín đáo vạch áo vắt bớt sữa xuống đất, chắc là sữa nhiều, căng nhức. Lụa của cô đẹp, Chiêu Nghi rất ưng, hỏi giá, cô ta nói giá vừa phải chứ không nói thách lắm như mấy hàng khác. Cô có tám tấm lụa, cũng vừa với số lượng định mua, Chiêu Nghi bảo:

– Ta mua tất cả số lụa này, em tính tiền đi.

Cô hàng mừng quá:

– Dạ bà mua cả thì con bớt mỗi tấm mười trinh ạ.

– Đây, em đếm đi.

Nhận đủ tiền, cô hàng bỏ vào bao lưng rồi buộc lại.

– Bây giờ em gánh đi theo ta nhé.

Cô hàng sắp lại các tấm lụa vào hai tay nải quẩy gánh theo Chiêu Nghi. Chiếc đòn gánh tre dẻo mềm bập bềnh nhún nhảy theo bước chân. Cô hàng lụa chừng gần ba mươi tuổi, người nở nang khỏe mạnh, có vẻ thật thà chất phác. Gánh một đoạn, Chiêu Nghi  bảo:

– Chắc em mỏi rồi, ngồi nghỉ chút đi.

Cô ta lúc này má đỏ hồng lên, mớ tóc trước trán dính mồ hôi, cô nói:

– Dạ, không sao, con chưa mỏi.

Nhưng Chiêu Nghi bảo:

– Vậy em cứ đỗ xuống đã.

Bà bảo hai cung nữ mỗi người cầm một tấm lụa cho cô hàng đỡ nặng. Nhưng mỗi cung nữ cắp nách hai tấm, còn có bốn tấm, cô cảm ơn Chiêu Nghi và hai cô cung nữ, đặt gánh lên vai nhẹ nhàng.

Vào cửa Ngọ môn, thấy lính gác chào Chiêu Nghi, cô hàng lụa mới giật mình, cô nói:

– Ôi giời, con không biết là bà Chiêu Nghi, xin bà tha cho con tội vô lễ.

Chiêu Nghi cười bảo:

– Em buồn cười thật, em có lỗi gì đâu.

Cô bước ngập ngừng:

– Nhưng con quê mùa, vào cung sợ thất lễ.

– Không sao, đừng ngại gì cả, vào đây.

Xếp các tấm lụa lên phản, cô đứng dậy chào Chiêu Nghi ra về thì vừa lúc đó một cung nữ bế Ngọc Bình đang khóc ngằn ngặt ra:

– Bẩm Chiêu Nghi, công chúa không chịu ăn bột, khóc quá.

Chiêu Nghi bế Ngọc Bình, chợt nhớ ra cô hàng lụa, hỏi:

– À này, em có thể cho bé bú một chút không?

– Bẩm bà Chiêu Nghi được ạ. Nhưng cho con xin cái khăn ướt sạch, lau đầu vú.

Chiêu Nghi đưa mắt ra hiệu cho người cung nữ. Cô này ra ngoài chum nước mưa múc lưng chậu thau đồng kèm theo chiếc khăn mặt trắng. Cô hàng lụa mở cúc áo vạch yếm lộ ra hai bầu vú căng mọng trắng hồng, cô nhanh chóng lau sạch hai bầu vú rồi đón Ngọc Bình. Đang khóc ngằn ngặt mà thấy hơi sữa cô bé há to mồm bập ngay đầu vú mút chùn chụt. Một lát cô hàng lụa cho đổi bên, Ngọc Bình bú một hơi nữa no căng nhả bầu vú nhìn mọi người nhoẻn cười.

Chiêu Nghi bảo:

– Nó có vẻ hợp với em quá. Con của em được mấy tháng rồi?

Cô hàng lụa bỗng xụt xịt khóc kể:

– Bẩm bà Chiêu Nghi thằng bé nhà con nó vừa mất hôm kia, sống trên đời được có bốn tháng.

– Ôi, thương quá! Cháu làm sao?

– Bẩm, thầy lang bảo cháu bị mạc chướng nặng lại thêm phong hàn không chữa được ạ.

– Thế chồng em làm gì?

Cô lại khóc nấc lên:

– Bẩm nhà con đi lính. Mấy tháng trước nhận được tin từ phủ chúa báo về là bị chết trong trận đánh ở Đàng Trong. Lúc ấy con bụng mang dạ chửa chứ nếu như bây giờ thì con quyết vào tận đàng trong đưa xác chồng con về mai táng. Hu! Hu!

– Có vào thì chắc gì đã tìm được, núi sông cách trở. Thôi, cái số Trời bắt thế thì chịu, còn bao nhiêu người thiệt mạng nữa cơ.

Hôm ấy bà Chiêu Nghi giữ cô hàng lụa ở lại ăn cơm. Bà hỏi han gia cảnh, mới biết cha mẹ đẻ cô đã khuất núi, bố mẹ chồng thì ở với con trưởng. Bà lại gợi ý xem cô có thể vào cung nuôi Ngọc Bình không. Lúc này Ngọc Bình cứ bám riết lấy cô, lát lại lăn vào lòng miệng há ra như con cá ngão hớp hớp tìm đầu vú. Cô hàng cũng quyến luyến Ngọc Bình lắm. Suy nghĩ một lát, cô thưa:

– Bẩm bà, con vốn quê mùa sợ vào đây vụng về thất thố mang tội.

– Không sao đâu, trước lạ sau quen, với lại ta nghiệm thấy rằng hôm nay gặp em, chắc là có thần linh run rủi, hãy theo ý thần linh chứ đừng cưỡng lại, em nhé.

– Bẩm, bà Chiêu Nghi đã nói thế, con không dám trái lời. Nhưng vào đây chỉ có việc nuôi công chúa thôi, nhàn nhã quá, con nhớ khung cửi guồng tơ lắm.

– Em dệt lụa lâu chưa?

– Bẩm bà, con học từ tấm bé. Tất cả các công việc từ trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, kéo tơ, mắc cửi, đánh ống suốt dệt lụa con đều làm được cả. Dạo chưa lấy chồng, con nhận dạy cho nhiều các em các cháu trong làng học dệt. Bẩm bà, tết năm ấy con được các cụ hương tổng thưởng cho chiếc khăn với cái áo con mặc đây ạ.

Chiêu Nghi vui mừng:

– Vậy thì tốt quá, vào cung, em dạy cho các cung phi, công chúa và các cung nữ nhé.

Cô hàng ngượng ngùng:

– Dạ dạy ở quê được, chứ vào cung, con không dám ạ.

– Được, đã có ta, em cứ yên tâm. À chưa hỏi, em tên gì nhỉ?

– Bẩm bà Chiêu Nghi, con là Bùi Thị Hậu ạ.

*

Bùi Thị Hậu vào cung thấm thoắt đã hơn nửa giáp, cô được phép của Nhà Vua cho mang khung cửi vào cung để dạy cho các cung phi, công chúa, cung nữ. Vừa chăm sóc Ngọc Bình, cô vừa chỉ dẫn tận tình từng việc, từ kéo kén mắc cửi đến dệt lụa. Nhiều hôm thiết triều xong, rảnh rỗi, Vua lững thững tay phe phẩy quạt giấy xem cô làm việc, Vua rất hài lòng. Nhiều khi cô tham gia giúp công việc thiện phu (đầu bếp) nữa. Thế rồi dịp may đến, có một anh thiện phu muộn vợ, Vua đứng ra tác thành cho hai người nên vợ nên chồng. Cô hơn anh này hai tuổi, Vua bảo “gái hơn hai giai hơn một, thế là tốt đôi”. Vợ chồng cô đã có đứa con trai ba tuổi, gửi ông bà nội ở kẻ chợ nuôi hộ, hàng tháng anh chị gửi tiền về.

Vậy mà đau lòng thay, mấy tháng trước bọn kiêu binh đi cướp bóc trên các phố, mọi người sợ hãi nhà thì đóng cửa, nhà thì chạy, chúng xông vào cướp của đốt nhà, hai bà cháu chết cháy trong đám lửa ấy.

(Còn tiếp)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)