Những vì sao nức nở – Truyện ngắn Vũ Tuấn Hoàng

1177

(Vanchuongphuongnam.vn)Chị ngã sõng soài ra trên bến, nức nở nhìn theo cái bóng đen sẫm của chuyến phà cuối cùng trong năm. Hình như, có một bóng người duy nhất trên đó. Sóng trở nên mạnh hơn, gió cũng mạnh hơn như muốn đẩy chiếc phà đi nhanh hơn. Cuối cùng, trước mặt chị chỉ còn lại một dải bờ xa tít tắp, nhạt nhòa.

Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng

Những giọt nước mắt nhỏ xuống
Rơi trên cầu vai thành các ngôi sao.

1

Đêm nay, đêm cuối cùng trong cuộc sống vợ chồng của hai người. Bên ngoài cửa sổ, vòm trời cao lồng lộng. Các vì sao hình như cũng sáng và lung linh khác thường. Không gian thanh vắng, tĩnh mịch. Thiết tưởng, ngôi nhà lợp tranh vách đất này và con sông đang oằn mình chảy phía trước mặt kia, một trăm năm, thậm chí một ngàn năm trước, vẫn không có gì thay đổi. Thời gian như quên trôi, như bỏ rơi cái làng nhỏ bé ven sông heo hút này. Ngôi nhà nằm trên một bờ đá cao, sát mép nước. Bên trong không thắp đèn, song ánh trăng thượng tuần vằng vặc tỏa xuống mặt sông dội trở lại vào khung cửa sổ mở rộng, nhìn thấy rõ mọi vật.
Người vợ nằm gối đầu lên tay chồng. Cả hai im lặng nhìn lên bầu trời đêm. Những giờ phút cuối cùng ở bên nhau, biết nói điều gì? Họ lắng tai nghe tiếng sóng đều đều vỗ lách chách vào chân bờ đá, tựa nhịp đưa của một chiếc đồng hồ vô hình khổng lồ. Từ phía đầu làng chợt vọng lại một tiếng gáy khàn khàn lạc lõng của một chú gà trống ngủ mơ tưởng trời đã sáng.
– Sáng rồi sao? Người vợ giật mình, hỏi
– Đêm nay sao trôi qua nhanh quá! Người chồng nói, ôm chặt vợ hơn.
– Tại sao vợ chồng mình không được sống yên ổn làm ăn? Em căm thù chiến tranh! – giọng người vợ nghẹn lại, tức tưởi.
– Sinh ra phải thời loạn, biết làm sao được. Phận làm trai, xưa nay vẫn vậy.
Người vợ úp mặt vào ngực chồng khóc tấm tức.
– Còn một thân một mình, em biết sống ra sao?
Đêm sâu thẳm. Gió thổi vào đầu ống bương kèo nhà nghe như tiếng sáo diều. Một chú cá quẫy vọt lên khỏi mặt nước, lớp vẩy bạc lấp lánh trong màn sương đêm lảng bảng trên mặt sông, rồi rơi tõm xuống làm vỡ tan mảnh trăng thượng tuần dưới đáy nước.
– Mình nhìn kìa, những vì sao hôm nay mới sáng làm sao! Sau mấy phút im lặng, người vợ lên tiếng
– Dù ở đâu cũng chung một bầu trời, đúng không em?
– Chung cả những vì sao kia nữa chứ!
Đôi mắt của người vợ nhìn đăm đắm lên các vì sao đầy bí ẩn. Bỗng, chị cảm thấy một nỗi sợ hãi khó tả xâm chiếm tâm hồn, đúng hơn là cảm giác choáng ngợp, hoang mang khi đối mặt với cả bầu trời, cả khoảng không vũ trụ bao la. Chị thấy mình nhỏ bé, vô nghĩa quá. Để thoát ra khỏi những cảm xúc kỳ quặc khó lý giải, chị quàng tay ôm chặt lấy chồng. Mùi mồ hôi, quện lẫn mùi khói thuốc lá thân thuộc khiến chị thấy vững tâm trở lại.
– Em nghĩ gì thế?
– Em sợ
– Sợ gì?
– Em cũng chả biết. Sợ tất cả.
Xa xa, vọng lại tiếng hò não nùng của những tay đi bè từ trên thượng nguồn giáp biên giới Trung Quốc. Giữa đêm hôm khuya khoắt, nghe hãi hùng và đầy bí hiểm như chính cuộc sống của họ vậy.
– Giá trời mà thương chúng mình thì em cũng đỡ hưu quạnh – Vẻ xót xa day dứt toát ra qua từng câu nói – Anh ra đi cũng cảm thấy yên tâm – Người chồng nói, cố ghìm nén để khỏi bật ra một tiếng thở dài.
Một ý nghĩ chợt vụt đến trong đầu người vợ như ánh đèn lóe lên trong góc bếp tối tăm. Chị kinh hoàng vì chính ý nghĩ của mình, cổ nghẹn lại như bị một bàn tay vô hình bóp chặt.

Một cuộc giằng co quyết liệt diễn ra trong đầu.
– Mình này – Giọng người vợ run run không dấu nổi xúc động
– Gì em?
– Em có chuyện quan trong muốn nói, nhưng vẫn còn bán tin bán nghi nên lại thôi. Em sợ…
– Có gì mà phải sợ. Mai anh lên đường rồi, sống chết không biết thế nào, còn vương vấn điều gì em cứ nói!
Gió bên ngoài hình như tạm ngừng. Tiếng sáo diều phát ra từ đầu kèo nhà cũng không còn nữa. Không gian sâu lắng và mênh mông đến vô cùng.
– Em có mang rồi!
– Sao? Em nói sao? – Người chồng ngồi bật dậy, thảng thốt hỏi lại như chưa tin vào tai mình – Thật thế sao? như vậy ông Trời đã nhìn thấu cảnh vợ chồng mình..
Người đàn ông cúi xuống ôm vợ, bàn tay phải ngập ngừng luống cuống xoa lên bụng vợ. Ánh sáng lờ mờ trong căn phòng bé nhỏ đã che đi niềm sung sướng vô biên cứ nở rộ trên gương mặt người chồng, và cũng không cho ai biết được những gì biểu lộ trong ánh mắt của người vợ. Hai người nằm thao thức chờ trời sáng. Người chồng bị xúc động mạnh, không tài nào chợp mắt được. Anh cứ thao thao nói về tương lai, về đứa con sẽ ra đời. Anh sẽ làm tất cả để cho nó được học hành, không tối tăm như cha mẹ. Nó sẽ đem lại vinh dự cho cái làng chài heo hút và nghèo đói quanh năm này, thậm chí đến cái tên cũng không có. Người vợ cắn răng im lặng, đưa tay lên lau vội hàng nước mắt chảy dài trên má.
– Mình này – Người chồng lên tiếng giọng sôi nổi –Vợ chồng mình quy ước với nhau, cứ đêm nào có nhiều sao như đêm nay, chúng mình lại nhìn lên chòm sao kia em nhé!
– Thế là vợ chồng mình nhìn thấy nhau rồi. Chỉ sợ anh đi xa quên lời thôi!
Gần tảng sáng, cả hai thiếp đi lúc nào không hay. Có tiếng mái chèo khua trên mặt nước. Từ trong làn sương sớm còn giăng phủ khắp mặt sông, chợt hiện ra một con thuyền độc mộc. Một ông già râu tóc bạc trắng, cởi trần, hai cánh tay còn rất gân guốc, nhịp nhàng đưa đẩy mái chèo. Con thuyền từ từ tiến sát vào bờ sông, đáy gỗ cọ xuống lớp sỏi đá bên dưới nghe lạo xạo. Buộc chiếc thuyền còn bồng bềnh theo nhịp sóng vào cọc tre, ông lão đứng thẳng người lên, lấy hai tay làm loa gọi với lên bờ
– Đến giờ lên đường rồi!
Hai vợ chồng dùng dằng mãi ở ngưỡng cửa. Người chồng vụng về đưa bàn tay to thô lên lau những giọt nước mắt tuôn ra như mưa trên khuôn mặt nhợt nhạt của vợ. Lần cuối cùng, anh ôm ghì lấy chị. Qua bờ vai gầy guộc của vợ, anh nhìn lại một lần nữa căn nhà, ánh mắt lần từ vật này sang vật khác, mỗi đồ vật lại gợi nhớ đến những kỷ niệm khó quên gắn bó hai người.
– Thôi nín đi, sao cứ khóc mãi thế! Anh nhất định sẽ trở về. Vì đứa con của chúng ta, anh phải sống!
Tiếng gọi của ông lão từ dưới sông lại vọng lên, cắt ngang câu nói của người chồng. Những giây phút cuối cùng, chị vẫn cố níu chặt lấy anh như một chiếc lá non cố ép sát vào cành cây trong một cơn giông bão. Cuối cùng, đôi tay gầy guộc, yếu ớt của chị đã phải buông anh ra trước sức cuốn khủng khiếp của chiếc vòi bạch tuộc vô hình khổng lồ – Chiến tranh. Anh rời vợ và dứt khoát bước ra ngoài. Chị loạng choạng vịn vào cánh cửa. Đôi mắt nhìn anh rất kỳ lạ như muốn nói một điều gì đó, song lại thôi.
Chị nhìn đôi vai lệch của chồng nhấp nhô khi anh đi xuống bến, lòng đầy hối hận.
Con thuyền chòng chành rời bờ. Ông lão gò lưng quạt mái chèo ngược dòng nước cháy khá xiết và đỏ ngầu phù sa. Con thuyền quay ngang và lao vút ra giữa dòng. Anh đứng thẳng người trên thuyền, cố gắng nuốt lấy hình ảnh ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo và người vợ đang gục đầu vào cánh cửa, thổn thức. Bỗng, chợt nhớ ra điều gì, anh rướn người lên kêu rất to vang động khắp mặt sông đã bắt đầu nhuốm sắc hồng của bình minh:
– Tên con là Sao Mai, em nhé!
Chú cho con nhảy chồm chồm trên hai chân sau, sủa inh ỏi về phía chủ của nó, người đã quên không vuốt ve tạm biệt. Nó chạy sát ra mép nước, phi dọc bờ sông, thỉnh thoảng lại sủa lên những tiếng ăng ẳng đầy trách móc, hờn dỗi.
– Trời ơi, tại sao mình lại làm một điều như vậy? – Cặp mắt nhòa lệ nhìn theo con thuyền lúc mờ lúc tỏ vì sương sớm vẫn còn chưa tan hết. Một lát sau, nó khuất sau một doi cát. Con chó kêu ư ử , tiu nghỉu quay trở lại, đuôi cụp xuống, mõm dí sát xuống mặt đất phù sa ẩm ướt.

2

Năm tháng như nước của dòng sông, chảy mãi chảy mãi…
Chờ đợi, lo âu, những đêm trường thao thức khiến khuôn mặt chị trở nên khô héo, gày mòn. Chị sống âm thầm như chiếc bóng với mối linh cảm điều dữ thường xuyên. Nó chen cả vào giấc ngủ sau một ngày làm lụng đến kiệt sức. Những đêm chợt tỉnh giấc, chị nhìn lên bầu trời nhìn các vì sao, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện để mũi tên hòn đạn không chạm tới anh.

Nhiều lần, chị đã ngồi như vậy cho đến khi chân trời phía bên kia sông ửng hồng.
Không biết đã bao mùa trăng? Và nước sông trôi ra biển tính bằng gì? Người chồng vẫn bặt  vô âm tín. Đáng sợ nhất là những đêm mây mù che kín bầu trời, gió thổi vần vũ những đám mây đen kịt. Không nhìn thấy các vì sao, chị cảm tưởng đứt hẳn sợi dây vô hình giữa mình và chồng. Chị vô cùng lo sợ, chỉ mong sao nhìn thấy được dù chỉ một ánh sao le lói trên bầu trời.
Rồi, mùa hè đến. Quả là có tin dữ thật. Người mang tin dữ đến làng này là một thằng bé con hoang, nhặt được trong một chiếc thúng thả trôi sông. Nó lớn lên nhờ bát cơm thừa của các gia đình vốn cũng đã không đủ ăn. Nó lên đường khi mặt trời còn mắc sau dãy núi Đụn. Vừa đi thuyền vừa cuốc bộ phải mất trọn hai ngày mới về tới làng. Từ đằng xa, bọn trẻ con trèo lên cây gạo đầu làng đã nhìn thấy cái đầu trọc lốc của nó nhấp nhô giữa bãi ngô non ven sông. Các bà mẹ, những người vợ bỏ cả công việc chạy ra cổng nhà. Thằng bé đã tới đầu làng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, song khuôn mặt thì phấn khởi, hãnh diện vì thấy mình có ích cho cả làng. Nhà đầu tiên đã nhận được thư, rồi nhà thứ hai, thứ ba… Cái bóng loắt choắt gầy gò đi đến đâu, tiếng khóc dậy lên tới đó. Những người vợ đờ đẫn trong nước mắt, quờ quạng như bị mù lần lối trở vào nhà, gục ngã bên chiếc nôi của đứa con thơ đã trở thành mồ côi. Những bà mẹ giập đầu xuống đất, lăn lộn gào lên thấu tận rời xanh vì sẽ không còn ai chăm sóc khi tuổi già sức yếu.
Người đàn bà nhận được thư khi đang xay lúc trước sân. Mấy ngón tay run lẩy bẩy xé vội chiếc phong bì.
– Còn sống! Chị úp lá thư vào mặt, mừng rú lên.Vừa mếu vừa cười, chị hấp tấp đọc nốt bức thư. Anh bị thương nặng, bức thư phải nhờ chị y tá viết hộ.
– Cháu đưa hơn chục lá thư, cô là người duy nhất còn cười. Những nhà kia đều khóc cả – Thằng bé nói liến thoắng, rồi cười phô hai chiếc răng cửa to tướng – Cháu chạy một mạch không nghỉ. Cô có nước cho cháu một ngụm?
Chị sực tỉnh, định chạy vào nhà thì thằng bé đã sải vài bước chân tới sát vại nước mưa dưới gốc cây khế. Nó múc một gáo đầy và vục đầu uống một hơi.
– Còn ba nhà nữa, thôi cháu vội đi đây! Thằng bé định chạy đi, xong chân vẫn còn dùng dằng không muốn bước – Cô ơi, cháu… đói quá, cả ngày chưa có tý gì vào bụng – giọng nó lí nhí, mắt không dám nhìn lên
Chị lấy rổ khoai lang luộc ra. Nó bẻ một củ ăn không cần bóc vỏ, mấy củ còn lại cho vào trong bụng áo.
– Cháu đói lắm nhưng không dám xin những nhà nhận được thư mà khóc. Chỉ có cô cười cháu mới dám. Thôi, cảm ơn cô, cháu chạy ù đi đây. Ba nhà này không biết là khóc hay cười? Khuôn mặt thằng bé bỗng trở nên nghiêm nghị, chững chạc.
Chiến tranh khiến trẻ em cũng sớm phải trở thành người lớn.

3

Ngọn đèn dầu run rẩy, chao đảo vì gió từ ngoài sông lùa vào qua các khe hở. Bóng người vợ in trên bức vách rung rinh, chao đảo theo. Chị đọc đi đọc lại bức thư không biết là lần thứ bao nhiêu. Nước mắt cũng đã khô cạn. Sự lo âu triền miên cũng phải nhường chỗ cho những suy nghĩ tỉnh táo. Chị nhìn thẳng vào ngọn đèn như nhìn vào cái sự thật phũ phàng mà mình phải đối đầu. Cuối bức thư, cô y tá yêu cầu chị nếu có viết thì chỉ nên thông báo những tin vui thôi “Đấy cũng là liều thuốc”.
Chị bặm môi lại, chật vật cầm bút viết lá thư trả lời. Đâm lao thì phải theo lao. Chị đã nói dối anh, chỉ vì muốn an ủi, gây niềm tin cho anh trước khi bước vào nơi mũi tên hòn đạn. Hơn nữa, cái tính ích kỷ đã mách nước, xúi bẩy chị làm việc này. Chị muốn ràng buộc anh.
Từ đó, chị viết thư đều đặn cho chồng. Chị có cảm tưởng rằng những dòng chữ mình viết ra , dù không phải là sự thật, song nó vẫn có tác dụng tốt đến sức khỏe của anh. Những lá thư chị viết mỗi ngày một dài hơn. Đứa con tưởng tượng trong óc chị đã chập chững đi những bước đầu tiên. Những chiếc răng xinh xinh đầu tiên cũng đã nhú ra. Thời gian qua đi, nỗi lo sợ ngày càng lớn dần. Ngộ nhỡ anh bình phục và được về phép thăm nhà, chị biết ăn nói ra sao? Chị nghĩ hết tình huống này tới tình huống khác. Nhưng thật oái oăm, số phận lại sắp đặt theo một cách không thể ngờ tới. Bẵng đi một thời gian, chị không nhận được lá thư nào của anh. Tin tức chiến trường rất ác liệt. Nhưng chị vẫn viết không ngừng, viết cho đến khi chiến tranh kết thúc mà vẫn không nhận được dù chỉ một lá thư hồi âm. Chắc có chuyện không hay xảy ra. Hay anh đã hy sinh? Ý nghĩ đó làm chi xây xẩm cả mặt mày. Nước mắt chảy suốt đêm thâu. Trong làng, người nào hy sinh đã có giấy báo tử, người còn sống cũng đã trở về. Riêng chồng chị, vẫn không một mảy may tin tức.

4

Năm tháng chẳng chờ đợi ai, trôi qua lạnh lùng, tàn nhẫn.Chị vẫn vò võ một thân một mình, không dám đến chơi với mấy cô bạn có chồng trở về nguyên vẹn. Hạnh phúc của họ chỉ làm nhức nhối thêm vết thương của mình.
Không biết từ lúc nào, trong làng người ta đã xem chị như những người đàn bà góa bụa khác. Sau một thời gian, vài người đã đi bước nữa, không dám xuất hiện trong làng vì sợ miệng lưỡi độc địa. Chị là một người đàn bà không đẹp, nhưng có duyên thầm. Tính hơi rụt rè, cả thẹn. Trong các phiên chợ, cũng có các anh chạy theo tán tỉnh. Nhưng không hiểu sao, chị vẫn nhen nhúm một ngọn lửa hy vọng, mặc cho năm tháng có phủ tro tàn lên. Chị sống được cũng là nhờ vào nguồn hy vọng mong manh mà đêm đêm vẫn gửi gắm qua các vì sao…
Một hôm, trên đường từ phiên chợ huyện về. Trời đã nhá nhem tối. Chị đội trên đầu chiếc giỏ bằng mây, trong đủ các thứ lặt vặt: kim, chỉ, vải may, thực phẩm và một chiếc gương. Đến chân dốc, chị bỏ chiếc giỏ xuống và ngồi nghỉ dưới gốc cây ven đường. Chợt, tim chị giật thót lên khi lỡ đãng đưa mắt nhìn về phía ngôi nhà lẻ loi của mình. Chị đứng vụt dậy và căng mắt nhìn kỹ hơn. Thấp thoáng bóng một người đàn ông mặc áo lính đang đứng trước cổng nhà. Một niềm vui dâng lên như điên cuồng. Đúng anh ấy rồi! Đôi vai nhìn từ đằng xa cũng hơi lệch kia. Chị căm đầu cắm cổ chạy về nhà, quên cả chiếc giỏ mây bên gốc cây. Vừa chạy vừa kêu khóc nức nở, thổn thức. Chị chạy tắt qua vườn, len lỏi qua các khóm cây râm bụt, chỉ một loáng, từ đằng sau chị lao tới ôm chầm lấy anh. Gần như ngất xỉu đi vì quá xúc động. Mấy giây mà mọi cảm giác bị tê liệt trôi qua, Chị càng khóc dữ hơn, ngồi bệt cả xuống đất vì biết là mình nhầm. Người đàn ông xa lạ đỡ chị đứng dậy, vẻ luống cuống hiện rõ qua nét mặt.
– Anh là ai, sao lại đứng trước cổng nhà tôi làm gì? Mãi sau, chị mới thốt ra được mấy câu rời rạc
– Tôi là thầy giáo, lên đây mở trường dạy chữ cho trẻ em của làng ta. Đi bộ suốt mấy ngày, chưa quen khí hậu nên bị cảm sốt. Chị có thể làm ơn cho tôi nghỉ nhờ đêm nay được không? Tôi không làm phiền chị và mọi người trong gia đình đâu. Tôi trải chiếu nằm ngoài hiên cũng được.
Người rã rời vì những cảm xúc mãnh liệt vừa qua, chị chẳng còn hơi sức đâu để nói rằng, chị sống một thân một mình trong căn nhà này, đã bao năm nay rồi chưa một người đàn ông nào bước qua cái ngưỡng cửa bằng gỗ đã lên nước đen bóng này.
Trời càng về khuya, gió càng thổi mạnh. Cây cối trong vườn nhà ngả rạp cả xuống. Mây đen không biết từ đâu kéo về, giăng kín cả bầu trời mới lúc nãy còn thấp thoáng những vì sao.
Sau khi cài chốt cửa, chị ngồi khâu vá một lúc mới lên giường đi nằm. Ngọn đèn dầu vẫn cháy leo lét trong góc nhà, tỏa một quầng sáng vàng vàng ra xung quanh. Chị không tài nào chợp mắt nổi, cứ chở mình liên túc. Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm, trong nhà lại có một người đàn ông, cho dù người đó nằm bên kia cánh cửa, ngoài hiên nhà. Trong con người chị có một cái gì đó xáo động mà chị còn chưa nắm bắt được hình thù của nó để gọi ra cái tên cụ thể. Chị lắng tai nghe những tiếng động từ bên ngoài lọt vào. Tiếng gió rít, tiếng cành cây gẫy ngoài vườn, tiếng ho khan của người khách trọ có khuôn mặt thư sinh, dễ mến. Chị thấy người nao nao khi nhìn thẳng vào đôi mắt của anh. Điều chị thấy rõ nhất là cảm giác cô đơn trống vắng, vị khách thường xuyên của ngôi nhà này, hôm nay biến đi đâu mất như bóng tối phải lùi bước trước ánh đèn vậy. Giữa chồng chị và người đàn ông nằm ngoài hiên kia, có điểm gì đó hao hao giống nhau. Chị cứ vương vấn mãi mà chưa tìm ra. Chợt, chị giật thót người khi nghe thấy những hạt mưa nặng trịch đầu tiên lộp bộp rơi trên tàu lá chuối ở bên ngoài cửa sổ. Ngọn đèn bị gió thổi tắt từ bao giờ mà chị không hay. Chị nhỏm dậy trên giường và chạy chân không tới bên cửa sổ. Gió rít mạnh hơn trên mặt sông và mưa mỗi lúc một to. Chị đứng run lên trong bóng tối, đầu óc rối bời: “Anh ấy đang ốm, phải để anh ấy vào trong nhà thôi”. Mấy lần liền, chị bước đến bên cửa, đặt tay lên cái chốt gỗ lạnh ngắt, cái chốt bằng gỗ mít do chính tay chồng chị sửa lại một ngày trước hôm lên đường. Tại sao chính giây phút này, chị lại nhớ tới cái chốt cửa? Anh muốn chị được an toàn. Vậy mà bây giờ, chính tay chị lại tự mở cái chốt cửa này ra để một người đàn ông lạ bước vào nhà, giữa đêm hôm khuya khoắt sao? Chị vội rụt phắt tay lại như chạm phải than hồng. Chị ghé tai sát cánh cửa lắng nghe. Nhưng bây giờ, mưa đã trở nên xối xả như trút nước xuống. Mọi âm thanh khác đều chìm nghỉm trong tiếng mưa rơi. Nhưnh anh ấy là thầy giáo, lại đang ốm. Suy nghĩ này chen lấn suy nghĩ kia trong đầu. Cuối cùng, chị đi đến một quyết định: “Chỉ cần anh gõ cửa xin vào là chị sẵn sàng mở ngay”. Chị đứng bên cửa chờ đợi, người bắt đầu rét run cầm cập. Chị không biết rằng, ở bên ngoài, anh cũng đang đứng sát cánh cửa, người ướt hết. Cơn sốt rét rừng quái ác lại sầm sập nổi lên, răng đánh vào nhau lập cập. Cũng không biết là lần thứ bao nhiêu, anh đưa tay lên định gõ nhưng rồi lại bỏ xuống. Hai người cứ đứng như vậy, ngăn cách bởi một cánh cửa gỗ mỏng manh. Thiết tưởng, chỉ cần mưa ngớt đi một chút là họ có thể nghe rõ tiếng hơi thở của nhau. Song, mưa vẫn mải miết rơi, mà không hay biết rằng số phận của hai con người đang đứng sau cánh cửa kia từ ngày hôm nay đã gắn bó với nhau. Bất ngờ, một ánh chớp lóe lên trên nền trời đen kịt, tiếp đó là tiếng sấm rền vang rung chuyển cả không trung. Anh cũng không rõ mình có đưa tay lên gõ cửa hay không, chị cũng chẳng hiểu nổi đã nghe thấy tiếng gõ cửa hay chỉ là ảo giác do thần kinh căng thẳng. Cũng có thể, chỉ là tiếng mưa quất vào cánh cửa mà thôi. Tiếng sấm chợt im và ánh chớp cũng thôi không làm rạn nứt bầu trời ra nữa. Cả hai bàng hoàng nhận ra: họ đang đứng mặt đối mặt nhau qua khung cửa bỏ ngỏ. Ai đã gõ cửa? Ai đã mở cửa? Hai người bối rối một lúc lâu
– Anh vào nhà đi!
Một ánh chớp nữa lóe lên. Mọi vật hóa đá trong tíc tắc, khi bàn tay nóng ấm của người đàn bà đỡ lấy bàn tay lạnh giá của người đàn ông trên ngưỡng cửa…Rồi, tất cả lại chìm đi trong tiếng mưa rơi rả rích, triền miên, như tự cái thủa đất trời mới phôi thai và từ cõi hỗn mang đã sản sinh ra sự sống đầu tiên vậy.

Сhiếc phà từ từ rời bến trong làn gió se se lạnh của một chiều ba mươi Tết. Trên phà, người nào cũng cầm theo tay một cành Mai hay cành Đào. Nhìn từ xa, chiếc phà chẳng khác nào một lẵng hoa khổng lồ đang bồng bềnh trên mặt sông rộng mênh mông. Bầu trời trong veo, vài đám mây trắng lững thững bay. Chỉ duy nhất có một người đàn ông mù không cầm hoa. Ông ngồi ngay sát thành lan can, một đầu cây gậy trúc ngập trong làn nước sông trong vắt. Ánh nắng chiều phản chiếu từ mặt sông nhảy nhót đùa dỡn trên khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo rất khó đoán tuổi. Ánh mắt của những người xung quanh nhìn ông đầy ái ngại, sót thương. Năm hết tết đến, ông đi đâu mà chỉ có một thân một mình? Dãy huân huy chương đeo bên ngực trái của người đàn ông mù bắt ánh nắng chiều phát ra những tia lấp lánh. Người đàn ông hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực hương vị nồng nồng của dòng sông quê hương. Ông nhận ra dòng sông quê qua mùi bùn, mùi của cỏ cây ven sông. Mọi người mải bận bịu với những lo toan của một ngày giáp Tết , chẳng ai để ý tới hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má xạm đen. Ông quay mặt ra phía ngoài, lén đưa mu bàn tay lên lau vội.
Chiếc phà cập bến. Mọi người bươn bả, ồn ào chen lấn nhau xuống. Người đàn ông mù xuống phà cuối cùng, chân dẫm lên những cánh hoa mai hoa đào vương vãi trên bến. Chỉ một loáng sau, bến phà đã vắng tanh. Người đàn ông mù vẫn loanh quanh luẩn quẩn chưa biết nên đi theo hướng nào. Ông bíu vào tay hết người này đến người khác để hỏi đường, nhưng ai cũng ái ngại trả lời “không biết”. Trong bóng đêm dày đặc, ông chợt nghe thấy tiếng một giọng trẻ con nhỏ nhẹ :
– Cháu cũng đi về hướng đó, thưa bác!
Con bé nhanh nhẩu nắm ngay cái đầu gậy đi trước, người đàn ông lẳng lặng bước theo sau.
– Mai là ngày mồng một Tết, tại sao bác không mua hoa? Nhà cháu có cả quất nữa – Con bé liến thoắng
– À, bác sẽ mua, cả quất như nhà cháu – Người đàn ông trả lời. Giọng nói trong trẻo líu lo của cô bé dẫn đường đã trả lại một thoáng nét cười trên khuôn mặt gần như dị dạng của ông. Lúc này, gương mặt ông trông vẫn  còn rất trẻ.
“ Đứa con của mình, chắc cũng phải lớn như cô bé này, mười mấy năm rồi còn gì” – Trong lòng ông, một cảm giác lo âu hồi hộp khó tả cứ dâng lên.
– Cháu đi học chưa?
– Thưa bác, cháu đi học rồi ạ
– Ai dạy cháu, thầy hay cô?
– Thầy giáo ạ. Thầy quý chúng cháu lắm, không bao giờ mắng đâu, chỉ bảo rất nhẹ nhàng. Thầy cháu cũng có huy chương như của bác.
Hai người đi chầm chậm dọc bờ sông. Thỉnh thoảng, cô bé lại dừng lại để báo cho người đàn ông mù biết sắp có hòn đá to hay một cái hố sâu để tránh. Cô được cái hay chuyện. Mới một quãng đường, ông đã biết tỏ tường bạn nào hay bị phạt, bạn nào thường được khen trong lớp.
– Bạn Sao Mai học giỏi nhất lớp cháu, bác ạ
– Cháu nói sao? Người đàn ông đứng khựng lại, giọng lạc hẳn đi – Sao Mai… cháu bảo Sao Mai học trong lớp cháu, có đúng không?
– Dạ đúng ạ. Bạn ấy cũng có cái bím tóc như của cháu
Trái tim trong lồng ngực ông đập tưởng muốn vỡ tung ra.
– Cháu ơi… cháu dắt bác đến nhà bạn Sao Mai được không?
– Nhà bạn ấy kia kìa, bác nhìn xem, trên tảng đá to nhất gần kề bờ sông ấy. Năm ngoái, nhà bạn ấy xây lại, cả làng kéo tới giúp.
Người đàn ông luống cuống ngẩng mặt lên theo lời cô bé. Đôi mắt giả căng ra đến nhức nhối. Nhưng phía trước chỉ là một màn đen mênh mông. Bàn tay cầm gậy cứ run lên bần bật.
Hai người lên dốc. Dáng chiều vàng xuộm đổ loang trên mặt sông.
– Sắp tới chưa cháu? Người đàn ông chốc chốc lại hỏi, cố kìm nén giọng run run. Trong đầu ông cố mường tượng lại khuôn mặt của người vợ thân yêu. Cô ấy sẽ nói gì, nghĩ gì khi nhìn thấy thân hình tàn tật của người chồng sau bao năm xa cách? Một cảm giác sung sướng đến nghẹt thở dâng lên. Dù gì thì gì, anh đã sống sót trở về được. Bao nhiêu bạn bè, đồng đội  đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường. Sống và trở về  cũng là một chiến công rồi.
– Đấy cũng là nhà thầy giáo cháu!
– Sao? Người đàn ông loạng choạng như bị sét đánh trúng đầu, cây gậy rớt khỏi tay. Ông chới với quờ quạng trong không khí như muốn tìm một vật gì đó để bấu víu.
– Đây là vườn nhà bạn Sao Mai, bác đứng chờ cháu chạy ù vào gọi cho!
– Thôi, cháu ơi, cháu về đi, bác tự vào được mà
– Vậy cháu chào bác, cháu về ạ. Bác nhớ mua nhiều hóa bác nhé!

5

Còn lại một mình, ông ngồi xuống một mô đất gần đó, gục mặt vào hai bàn tay. Tiếng khóc như nghẹn lại trong cổ và đâu đó ở mãi sâu trong con người ông một cái gì đó đang sụt lở. Cay đắng quá. Từ ngày xuống thuyền ra đi, hôm nay ông đã trở về. Ông đứng ngay cạnh vườn nhà mà không dám bước chân vào. Trong bóng tối lờ mờ, ông lắng tai nghe tiếng sóng quen thuộc vỗ đều đều vào chân tảng đá, tiếng sóng mà những giờ phút kề bên cái chết trong quân y viện, những năm dài đằng đẵng trong trại tù binh, ông vẫn hằng mơ ước được nghe. Bây giờ, nó đang rì rào cách chỗ ông ngồi mấy bước chân. Song, nó đâu còn là tiếng sóng của mười mấy năm trước nữa, khác rồi, khác xa rồi…
Chợt, ông nghe thấy tiếng cành cây loạt soạt, một giọng trẻ con rõ là đang trèo trên cây trong vườn
– Chị Sao Mai ơi, có một ông ăn mày đang ngồi cạnh vườn nhà mình này
Ngay sau đó, tiếng cửa ra vào rít lên kẽo kẹt. Một giọng con gái trong trẻo quát lên:
– Sao mày cứ trèo lên cây thế? Bố mẹ về tao mách cho mà xem, có xuống không thì bảo?
Ông căng tai lên nghe và hiểu ra tất cả. “Họ đã có với nhau một đứa con trai”
Ông chấp nhận cái ý nghĩ ấy trong đầu còn đau đớn hơn gấp trăm ngàn lần những đòn tra tấn trong những năm bị cầm tù ngoài đảo Phú Quốc. Ông lặng người đi. “Phải chăng, sự sống sót của mình là một sai lầm, chỉ kéo dài thêm những đau khổ?”. Ngay sát bên ông, có tiếng bước chân và cái giọng con gái lúc nãy vang lên, nhỏ nhẹ
– Ông đợi cháu một lát nhé!
Ôi, Sao Mai, con tôi! Ông quay phắt người về phía tiếng nói phát ra như quay về phía ánh mặt trời, về phía sự sống.
Con bé chạy vụt vào nhà và loáng một cái đã đem ra dúi vào tay ông một gói bánh chưng còn nóng hôi hổi.
– Ngày nào cũng có ăn mày đi qua, ai chị cũng cho – Tiếng đứa con trai trách móc trên cây.
Người đàn ông nắm lấy cánh tay gầy gò của con bé. Rồi, không kìm được, ông ôm choàng lấy, xiết vào lòng mình cái thân hình gầy gò.
– Bác là bố của con đây! Sao Mai con ơi! Giọng ông lạc đi
Con bé quá hoảng sợ, giãy giụa trong vòng tay của ông, hét to lên:
– Bỏ cháu ra! Bố cháu là thầy giáo! Bỏ cháu ra!
Nó vùng được ra và chạy biến vào trong nhà. Tiếng sập cửa cài chốt vọng tới tai ông, chẳng khác nào chút ánh sáng trong đường hầm tối đen chợt phụt tắt.
Người đàn bà đẩy cửa bước vào nhà, chưa kip nghe hết lời con gái kể lại, mặt tái nhợt đi và hét lên một tiếng, chạy vọt ra cửa. Chồng con còn chưa kịp phản ứng ra sao, chị đã mất hút sau vườn nhà. Chỉ một loáng sau, bàn chân đi đất của chị đã đạp trên lớp cát ven bờ sông. Chị vừa chạy vừa gọi tên anh. Mấy lần liền, chị vấp ngã dúi dụi, lại vùng dậy chạy tiếp. Xa xa, chiếc đèn hiệu màu đỏ ở trên bến đã hiện ra. Chị mừng quýnh và gào lên đến lạc cả giọng:
– Anh ơi, quay lại đi, anh ơi!
Chị ngã sõng soài ra trên bến, nức nở nhìn theo cái bóng đen sẫm của chuyến phà cuối cùng trong năm. Hình như, có một bóng người duy nhất trên đó. Sóng trở nên mạnh hơn, gió cũng mạnh hơn như muốn đẩy chiếc phà đi nhanh hơn.Cuối cùng, trước mặt chị chỉ còn lại một dải bờ xa tít tắp,nhạt nhòa.
Mặt sông như rộng ra bát ngát mênh mông, phản chiếu dăm ba ánh le lói của nhưng vì sao thưa thớt trên bầu trời tối sẫm.

V.T.H