Bài học từ World Cup

481

15.6.2018-18:00

HLV trưởng của đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha bất ngờ bị sa thải chỉ 2 ngày trước khi khởi tranh World Cup 2018. Đó là một sự cố vô tiền khoáng hậu, khiến một ứng cử viên vô địch rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.

 

Nhưng quyết định đó được Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha đưa ra gần như ngay lập tức, khi HLV Lopetegui bị phát hiện sẽ dẫn dắt Real Madrid sau khi World Cup kết thúc.

 

Những người lãnh đạo LĐBĐ Tây Ban Nha đã không ngần ngại sa thải một HLV có thành tích bất bại sau 20 trận dẫn dắt, bất chấp những lời đề nghị tha thiết của các thành viên cốt cán của đội tuyển. Bởi việc ông dẫn dắt đội tuyển quốc gia trong khi chắc chắn sẽ là người của một câu lạc bộ bóng đá có nhiều cầu thủ đang thi đấu trong đội tuyển, là xung đột lợi ích.

 

Cho dù Lopategui là một HLV giỏi, cho dù ông có thể là một người công tâm, và hoàn toàn có thể giả định rằng Lopategui đặt lợi ích quốc gia trên hết trong kỳ World Cup này, song nguy cơ xung đột lợi ích là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Chừng đó, đủ để LĐBĐ Tây Ban Nha không ngần ngại quyết định.

 

Kiểm soát xung đột lợi ích luôn là một giá trị quan trọng nhằm đảm bảo sự công chính. Và LĐBĐ Tây Ban Nha đã đặt giá trị này lên trên thành tích của đội tuyển tại World Cup.

 

Đó là một quyết định dũng cảm, nhưng chắc chắn là vô cùng khó khăn. Bởi trong cuộc sống, việc nhận diện xung đột lợi ích không dễ được luật hoá, mà thường dựa trên các nguyên tắc về đạo đức.

 

Tôi làm việc tại một cơ quan truyền thông nhà nước, và thường xuyên nhận được những lời mời tư vấn truyền thông cho những doanh nghiệp lớn, với mức phí cao, và không phải lúc nào cũng dễ dàng từ chối. Nếu không cần phải ký hợp đồng, thì việc làm đó không vi phạm pháp luật. Tôi có trong tay đủ phương thức để giúp đỡ các doanh doanh nghiệp này mà không vi phạm ngay cả nguyên tắc nội bộ của cơ quan hay Hội nhà báo.

 

Nhưng xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp và công chúng là điều thấy rõ. Giống như trong trường hợp của HLV đội tuyển Tây Ban Nha, việc một nhà báo “phục vụ” cùng lúc cả hai bên, là điều cần được ngăn chặn từ đầu.

 

Ý thức kiểm soát xung đột lợi ích ở Việt Nam hầu như còn rất sơ khai. Tháng 11/2016, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ đã chỉ rõ: “hiểu biết về xung đột lợi ích trong xã hội và trong bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều hình thức xung đột lợi ích khác nhau ở khu vực công đã gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công”.

 

Minh chứng rõ nhất cho nhận định này chính là nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, người được phân công “chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra khối kinh tế ngành, khối nội chính và kinh tế tổng hợp…” hồn nhiên kê khai tài sản với rất nhiều cổ phiếu ở một loạt ngân hàng – lĩnh vực ông phụ trách công tác thanh tra. Ông Khánh, dù có lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình hay không, thì công chúng vẫn hoàn toàn có thể nghi ngờ khi thấy rõ nguy cơ xung đột lợi ích trong tình huống này.

 

Ở một ví dụ khác, sự xung đột lợi ích được nhìn thấy rõ hơn là câu chuyện trạm thu phí BOT cầu Bến Thuỷ, tại Nghệ An. Khi những tranh cãi xung quanh trạm thu phí cầu Bến Thuỷ nổ ra, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra sức bảo vệ quyền lợi không chính đáng của chủ đầu tư dự án (CIENCO4), và phủ nhận lợi ích của người dân. Ông Hoa nguyên là Chủ tịch HĐQT CIENCO4, và thời điểm ông Hoa làm Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An thì vợ ông là cổ đông chính của công ty này.

 

Trường hợp tương tự bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai cũng đã bị cáo buộc đã ký nhiều văn bản giúp doanh nghiệp của chồng mình hưởng lợi từ nhiều dự án trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Những câu chuyện xung đột lợi ích kể trên chỉ được công chúng chú ý khi những hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Trong khi đó, những hậu quả này hoàn toàn có thể ngăn chặn từ đầu, khi xuất hiện những tình huống có thể nảy sinh hiện tượng xung đột lợi ích.

 

Khi công bố bản báo cáo về nhận diện xung đột lợi ích ở Việt Nam cuối năm 2016, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu “để đạt được khát vọng” của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, muốn kiểm soát được xung đột lợi ích, điều đầu tiên là phải nhận diện được nó, bằng các cơ chế giám sát minh bạch, và tăng quyền tiếp cận thông tin cho người dân.

 

Nhưng quan trọng hơn cả, đó là những quyết định dũng cảm để loại bỏ lập tức các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột lợi ích, như cách mà LĐBĐ Tây Ban Nha đã sa thải HLV Lopetegui ngay trước thềm World Cup.

 

Ngay từ khi bóng chưa lăn, World Cup đã dạy chúng ta một bài học về lòng dũng cảm.

 

PHẠM TRUNG TUYẾN/VNE

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…