01.7.2018-09:20
Giáo sư Phan Huy Lê
>> GS Phan Huy Lê về miền lịch sử
Khoảng trống lịch sử
VŨ VIẾT TUÂN
NVTPHCM- Tôi bàng hoàng cảm nhận rằng, công khai những khoảng trống lịch sử và đề xuất tìm cách khoả lấp đã là điều khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm, chính trực của sử gia. Nhưng khoả lấp khoảng trống trong quan niệm, trong định kiến của số đông, còn khó khăn hơn gấp bội…
Sáng 27.7.2018, khi bài viết này lên trang, hàng trăm nghìn thí sinh chuẩn bị bước vào bài thi Khoa học Xã hội của kỳ thi THPT quốc gia.
Sau bài thi ngắn năm mươi phút và bốn mươi câu hỏi trắc nghiệm, phần lớn họ, nếu không chọn ngành khoa học xã hội ở đại học, sẽ tạm dừng “mối duyên” với lịch sử trong nhiều năm về sau này.
Khi hàng trăm nghìn cái đầu trẻ chăm chú cúi xuống một bài thi lịch sử, tôi nhớ tới Giáo sư Phan Huy Lê, người rời cõi tạm ngày 23.6. Đại thụ của nền sử học ra đi, để lại cho cuộc đời một câu hỏi: bao giờ những khoảng trống lịch sử được lấp đầy?
Trong bốn mươi câu trắc nghiệm lịch sử sáng nay, sẽ còn thiếu rất nhiều sự kiện và sự thật lịch sử quan trọng của Việt Nam, mà ngành giáo dục vẫn còn chưa thống nhất được với ngành lịch sử, với những nhà nghiên cứu trăn trở như Phan Huy Lê, rằng chúng có nên được đưa vào và sẽ được đưa vào sách giáo khoa như thế nào.
Lần đầu tiên tôi nhận ra sự thiếu hụt trong kiến thức lịch sử của mình, là khi đã trở thành sinh viên năm thứ ba của trường báo. Đó là lần đầu tiên tôi được đọc cuốn sách về phong trào Nhân văn Giai phẩm. Đó là lần đầu tiên tôi biết về người đồng hương Nguyễn Hữu Đang – nhân vật được cụ Hồ tin tưởng giao trọng trách dựng lễ đài độc lập ngày 2.9.1945, nhưng nửa đời còn lại ông phải sống trong đọa đày vì tham gia phong trào này.
Đó là động lực ban đầu để tôi lặng lẽ tìm hiểu và khám phá thêm rất nhiều “khoảng trống lịch sử” tồn tại trong đầu mình, cũng như rất nhiều thanh niên cùng thế hệ. Nhân văn Giai phẩm bây giờ đã được nhìn nhận lại với con mắt thoáng hơn. Nhưng với nhiều sự kiện khác, vì nỗi sợ mơ hồ nào đó, mà nhiều người còn rụt rè thậm chí không dám nhắc đến tên chúng ở nơi đông người.
Tháng 2.2017, tôi dự một buổi thuyết trình khoa học của Giáo sư Phan Huy Lê tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương. Bài thuyết trình của giáo sư khá dài nhưng mạch lạc và hấp dẫn mọi người đến những câu cuối cùng. Đó là lần đầu trong đời, tôi được mắt thấy tai nghe các sử gia hàng đầu đất nước công khai những những khoảng trống lịch sử lâu nay bị coi là “nhạy cảm”.
Trong buổi hội thảo ấy, giáo sư Lê đề nghị xác lập quan điểm mới khi làm sử là phải toàn bộ, toàn diện. Quan điểm này dựa trên nguyên tắc xuyên suốt: “Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam”.
Trên quan điểm này, lịch sử cổ đại Việt Nam không chỉ có văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc mà còn có văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ. Lịch sử nước nhà không chỉ có lịch sử người Việt mà còn là lịch sử của 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất này.
Cũng trên nguyên tắc này, trong sách sử, sẽ không còn quan niệm cái gì có lợi cho ta thì mới trình bày.
Quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại sẽ được viết khách quan. Lịch sử chế độ Việt Nam Cộng hòa trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội… sẽ được trình bày dưới góc độ khoa học. Nhà Nguyễn không còn như hình dung của nhiều thế hệ học sinh mấy chục năm qua, chỉ là vương triều “cõng rắn cắn gà nhà” mà còn có công mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước.
Các sử gia tham dự hội thảo đều đồng thuận với vị giáo sư, rằng lịch sử phải viết kỹ lưỡng về những sự kiện còn khuất lấp như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, vụ án xét lại chống Đảng, nạn thuyền nhân, hải chiến bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa…
Kết thúc hội thảo, tôi háo hức viết bài với nguồn năng lượng tràn đầy, hy vọng ngày mai sẽ đưa những thông tin mới này đến với bạn đọc. Với tôi, bài báo lấy cảm hứng từ Phan Huy Lê là một trong những bài báo đẹp nhất sự nghiệp. Nhưng điều tôi không ngờ đến là sau đó, dư luận phân chia thành hai phe tranh cãi gay gắt về quan điểm mới của Phan Huy Lê.
Phần đông giới sử học và bạn đọc tán dương và ủng hộ nhiệt tình quan điểm mới của ông. Nhiều người nhắn cho tôi cảm ơn mà rưng rưng vì có nhiều điều họ trăn trở bấy lâu nay giờ đã được nói công khai.
Nhưng trên không ít diễn đàn, giáo sư và tôi cùng bài báo bị “ném đá” dữ dội. Rất nhiều câu hỏi được chất vấn ngược lại: Nhà Nguyễn rước người Pháp vào hòng đánh bại nhà Tây Sơn chẳng phải “cõng rắn cắn gà nhà”? Nếu nhà Nguyễn có đóng góp cho đất nước thì đã không để mất nước vào tay người Pháp, để nước ta phải chịu cảnh đô hộ suốt trăm năm? Nếu công nhận Việt Nam Cộng hoà là một chính quyền thì xương máu của bao người đổ xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là vô ích? Đảng, Chính phủ đã nhận sai lầm vì cải cách ruộng đất còn chưa đủ sao mà muốn viết lại?…
Bên cạnh chất vấn đó, tệ hơn là nhiều ý kiến công kích cá nhân tôi cùng Giáo sư Phan Huy Lê, đến độ mạt sát ông là “sử nô”. Cuộc mạt sát kéo dài nhiều ngày.
Tôi bàng hoàng cảm nhận rằng, công khai những khoảng trống lịch sử và đề xuất tìm cách khoả lấp đã là điều khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm, chính trực của sử gia. Nhưng khoả lấp khoảng trống trong quan niệm, trong định kiến của số đông, còn khó khăn hơn gấp bội.
Tôi đã rất day dứt và khổ tâm vì cuộc “ném đá” có thể ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của ông. Nhưng khi tôi gọi ông chỉ cười bảo tôi cứ tiếp tục công việc bình thường, vì đó là những điều cần phải nói và ông đã nói ra. Qua những học trò của giáo sư, tôi biết ông buồn, nhưng vẫn giữ tinh thần để tiếp tục nghiên cứu và kiên định con đường tiến bộ đã chọn.
GS Phan Huy Lê ra đi, để lại khoảng trống cho ngành nghiên cứu sử học nước nhà. Nhưng quan điểm mới của ông sẽ góp phần khoả lấp những khoảng trống lịch sử Việt Nam bao năm qua.
Lịch sử dân tộc nào, bên cạnh “trang vàng” vinh quang, cũng khó tránh khỏi những khúc quanh và những điều còn khuất lấp. Lịch sử nước nhà từ khởi thuỷ đến nay vẫn còn nhiều “khoảng trống” chưa được nghiên cứu tường tận.
Nghiên cứu khoa học, chỉ rõ những khúc quanh ấy, sẽ giúp hiện tại tránh được vết xe đổ quá khứ.
THEO VNEXPRESS
>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…