Đỗ Nguyên Thương
(Vanchuongphuongnam.vn) – Không cần chia thì bố cục tự khắc đã hình thành. Bài thơ của Dương Khâu Luông có ba phần rõ rệt. Thơ năm chữ, ý tứ tường minh, lời giản dị, như một câu chuyện kể gọn gàng bằng thơ.
Nhà văn Đỗ Nguyên Thương
Nhà anh và nhà tôi
Chung nhau cái bờ ruộng
Bên anh cuốc
Bên tôi vạt
Con bờ bé dần đi
Đến một ngày không còn chỗ
Để đặt bàn chân bước
Nhà anh và nhà tôi
Chung nhau cái bờ ruộng
Bên anh đắp
Bên tôi bồi
Con bờ rộng đẹp ra
Thuận bàn chân khi đi thăm lúa
Thế giới cùng hội nhập rộng, to
Tôi và anh chỉ đắp cái bờ ruộng nhỏ
Để bản ta dễ bàn chân bước
Cùng đi chăm cho lúa tốt được mùa!
(Dương Khâu Luông)
Không cần chia thì bố cục tự khắc đã hình thành. Bài thơ của Dương Khâu Luông có ba phần rõ rệt. Thơ năm chữ, ý tứ tường minh, lời giản dị, như một câu chuyện kể gọn gàng bằng thơ.
Phần một phác họa một không gian nông thôn thuở trước:
Nhà anh và nhà tôi
Chung nhau cái bờ ruộng
Là bài thơ, nhưng cách vào đề như bắt đầu vào một câu chuyện kể. Và khi tiếp nhận, chắc nhiều người đã hình dung khác về việc “Nhà anh và nhà tôi/Chung nhau cái bờ ruộng”. Hình dung về một sự đầm ấm, đồng lòng, hình dung về niềm vui. Lẽ thường, bán anh em xa mua láng giềng gần, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau và có thể chuyện đó cũng đã từng xảy ra. Nhưng chung nhau “cái bờ ruộng” không có nghĩa đã bao hàm sự hòa đồng, gắn kết
Bên anh cuốc
Bên tôi vạt
Cuốc và vạt đều là động từ, chúng tồn tại song song, đối lập, không bổ sung mà ngược lại, còn đối lập nhau. Hai động từ mô phỏng động tác mạnh, cho thấy nếu sự nhịp nhàng, hô ứng tăng lên đồng nghĩa với sự hủy diệt, nghĩa đen là hủy diệt con đường đi (bờ ruộng), nghĩa bóng là hủy diệt mối quan hệ. Chẳng phải thế sao? Khi tư tưởng tư hữu như đã ăn vào máu của người nông dân. Bờ ruộng chung nhau nhưng nhà ai cũng muốn khoảnh ruộng nhà mình rộng thêm chút nữa. Và hệ quả của một bên cuốc/một bên vạt thì bờ ruộng phải bé dần đi
Đến một ngày không còn chỗ
Để đặt bàn chân bước
Ranh giới thu hẹp lại liệu tình có lớn lên?
Mọi ranh giới khi được bỏ bớt thì quan hệ tốt lên vì ranh giới chính là hàng rào ngăn cách. Nhưng ở đây thì ngược lại, Con bờ bé dần đi thì chắc chắn mối quan hệ lại đẩy xa ra so với trước.
Và thực tế không phủ nhận được là bờ ruộng quá bé thì bước đi ra ruộng lại khó khăn hơn! Đó là một thực trạng đáng buồn không chỉ xảy ra tại một làng, một xã, một xóm… mà hầu như là của mọi miền quê. Tư tưởng tư hữu khiến con người ta trở nên ích kỷ, luôn muốn vun vén cho lợi ích cá nhân, luôn muốn kéo lợi về phần mình.
Tất nhiên, nếu không thay đổi thì sự ích kỷ sẽ kéo theo hệ quả là trì trệ, trì trệ trong phát triển kinh tế và chuyện xích mích láng giềng không thể không xảy ra. Và thật may mắn, một làn gió mới thổi qua, cuốn theo hẹp hòi, ích kỷ; cuốn theo lạc hậu, cố hữu bao đời
Nhà anh và nhà tôi
Chung nhau cái bờ ruộng
Bên anh đắp
Bên tôi bồi
Con bờ rộng đẹp ra
Thuận bàn chân khi đi thăm lúa
Đẹp biết bao là hình ảnh con bờ chung hai thửa ruộng cũng được chăm chút, vun bồi
Bên anh đắp
Bên tôi bồi
Đối lập với khổ thơ thứ nhất, đối lập với hành động cuốc/vạt là hành động đắp/bồi. Cặp từ này cũng là động từ miêu tả hành động mạnh mẽ, cũng xuất hiện cặp đôi nhưng không đối lập mà đồng hành, cùng diễn tả hành động đẹp, hành động vén cho lợi ích chung. Cứ vậy, bờ ruộng rộng ra, chắc chắn hơn, nâng đôi chân người đi thăm lúa vững chãi, vui tươi tươi theo mong ước được mùa.
Bởi thế cho nên lẽ ra theo cấu trúc đối lập ở khổ thơ thứ nhất con bờ bé dần đi thì khổ hai lẽ ra phải là Con bờ rộng dần lên hoặc Con bờ rộng thêm ra. Ở đây, nhà thơ Dương Khâu Luông thật có lý khi viết “Con bờ rộng đẹp ra”. Dễ dàng nhận thấy đan xen hành động là cảm xúc, là thái độ nhiệt thành, không chỉ rộng về diện tích tự nhiên của bờ ruộng mà còn rộng lòng của anh và của tôi! Bởi thế bờ ruộng thêm đẹp, cái đẹp của tình người. Cái đẹp của sự chuyển đổi tư duy. Cái đẹp của sự phát triển. Cái đẹp của sự hứa hẹn bởi một niềm tin chắc chắn về tương lai rộng mở!
Bờ rộng ra thì mỗi thửa ruộng nhà tôi và nhà anh hẹp đi một chút. Tuy nhiên năng suất lúa không vì thế mà giảm đi. Chắc chắn sẽ ngược lại. Có một thí nghiệm cho thấy, bên hai cây xanh đặt hai góc sân trường; một cây, giáo viên cho học sinh hằng ngày tưới tắm và thì thầm những lời yêu thương cùng những nụ cười tươi tắn. Một bên ngược lại, không đủ nước tưới, không có lời nói yêu thương, thậm chí còn phải nghe những lời không thuận nhĩ. Kết quả là cây được yêu thương lá xanh tốt, cây không được yêu thương lá úa héo dần…
Vậy thì ở đây, diện tích cây lúa có thể hẹp đi nhưng lòng người vui tươi phơi phới. Và niềm vui của người lao động thổi hồn cho cây lúa, năng suất chắc chắn cao lên.
Khổ cuối bài thơ
Thế giới cùng hội nhập rộng, to
Tôi và anh chỉ đắp cái bờ ruộng nhỏ
Để bản ta dễ bàn chân bước
Cùng đi chăm cho lúa tốt được mùa!
Lần nữa xuất hiện tư duy khúc chiết, mạch lạc, một sự tương đồng đối lập nữa lại xuất hiện. Nếu giữa khổ thơ thứ nhất và khổ thơ thứ hai là đối ý, đối lời thì ở hai câu thơ này là đối chữ to/nhỏ “ Thế giới cùng hội nhập rộng, to/Tôi và anh chỉ đắp cái bờ ruộng nhỏ” cách diễn đạt giản dị như lời nói bình thường. Tôi yêu câu thơ này, yêu sự giản dị đến không thể giản dị hơn. Còn nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa (nói với tư cách nhà phê bình văn học) rằng “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”. Dễ hiểu vì sao nhiều sinh viên chọn thơ Dương Khâu Luông làm đề tài khoa học cho các tiểu luận, luận văn của mình. Đọc câu thơ nói riêng và bài thơ nói chung, cảm giác Dương Khâu Luông không làm thơ, anh đang trò chuyện, đang chân thành bày tỏ cảm xúc. Nếu ở khổ thơ thứ nhất là cảm xúc lo ngại trước thực trạng tư tưởng tư hữu mang tính cố hữu của người nông dân, bao đời như thế, như lối mòn, như thói quen. Tiếp đó, đến khổ thơ thứ hai là niềm vui, là hạnh phúc khi điều đáng lo ngại ở trên đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực, tư duy thay đổi, hành động thay đổi chắc chắn kết quả tốt đẹp sẽ đến.
Chỉ một cặp từ to/nhỏ nhà thơ muốn khẳng định rằng góp nhiều gió thì thành bão; có từng giọt nước thì đại dương sẽ hình thành. Nếu mỗi cặp gia đình chung nhau cái bờ ruộng đều chuyển đổi tư duy
Bên anh cuốc
Bên tôi bồi
thì xã hội chắc chắn chuyển đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Và, thực tế đã chứng minh điều đó. Khi anh và tôi cùng đi; bản ta cùng đi, con đường đi vào sự hội nhập có sự đồng thuận, có niềm vui nâng từng bước chân, có tương lai tươi sáng thật gần “lúa tốt được mùa”.
Với người nông dân, hạnh phúc ngày mùa là hạnh phúc đỉnh cao. Với nhà thơ hạnh phúc được mùa là hạnh phúc khi gặt hái được nhiều tình yêu thương, sự trân trọng và mến mộ từ độc giả. Và tôi xin được chúc mừng nhà thơ Dương Khâu Luông- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn bởi anh chính là một nhà thơ hạnh phúc!
Phú Thọ, 29/6/2024
Đ.N.T