‘Bạn văn bạn mình’ – tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất

543

Năm nay Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra đời bộ sách phê bình văn học mang tựa đề là “Bạn văn bạn mình” bao gồm những tác gia vừa là nhà văn vừa là tác giả phê bình văn học ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau (trước 1945 và từ thời kỳ đổi mới 1986 đến nay).

Trong đó, đáng chú ý là những cây bút phê bình văn học tiêu biểu trong thời kì đầu cách tân văn học ở giai đoạn 1930-1945 như Thiếu Sơn, Lan Khai, Vũ Bằng, Bàng Bá Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Vĩ, Đinh Hùng, Tô Hoài… Đó là những “người trong cuộc” từng tham gia vào công cuộc khai sơn phá thạch của nền văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Sau nữa là một số cây bút phê bình đương đại như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Lập, mỗi nhà văn đã có những tiếng nói riêng trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay).


“Bạn văn bạn mình”, tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba.

Dù ở giai đoạn nào các cây bút phê bình văn học cũng thể hiện những góc nhìn riêng về nhà văn và tác phẩm theo quan niệm thẩm mỹ của mình trong thời đại mà mình đang sống. Vậy nên, các yếu tố về chân dung nhà văn cùng tác phẩm hiện lên chân thực và rõ nét đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tri thức và tư liệu sống trong đời thực và đời sống văn học dân tộc. Đây cũng là cơ hội thuận lợi lớn cho các bạn đọc khi tiếp cận các di sản văn học các nhà văn trong qúa khứ mà mình chưa từng trải nghiệm. Tác phẩm văn học và nhà văn ở đây đã từng được thử thách qua thời gian, do đó các chân dung văn học được tái hiện đã tồn tại khách quan trong tâm trí người đọc.

Các nhà văn nửa đầu thế kỉ XX khi bàn về nhà văn và tác phẩm của thời đại mình cũng có độ đậm nhạt khác nhau, song những chân dung tiêu biểu luôn hiện lên sống động. Bởi đó là những dấu ấn một thời không phai mờ trong tâm trí người cầm bút và bạn đọc.

Các nhà phê bình hậu thế khi nhìn về thế hệ tiền bối của buổi đầu văn chương Quốc ngữ không quên được các bức chân dung như Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Thiếu Sơn, Trương Tửu, Hoàng Ngọc Phách, rồi tiếp đến các cây bút Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Trọng Lang, Vũ Ngọc Phan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Quách Tấn, Khái Hưng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Thâm Tâm, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài…

Ngoài ra còn có cả tên tuổi các tác gia văn học nổi tiếng trên thế giới như La Fontaine, Dostoievsky, Chekhov… cũng được giới thiệu ở Việt Nam. Trong đó có cây bút văn học Việt vừa sáng tác vừa là tác gia lí luận phê bình, khảo cứu và dịch thuật cũng vừa là đối tượng phê bình của các cây bút đương thời.

Tài năng, cá tính và phong cách các văn nhân thi sĩ đó đã tạo cho dân tộc ta một thời đại văn học mới, thay thế cho nền văn chương Trung đại viết bằng chữ Hán hàng ngàn năm và văn học chữ Nôm gần 10 thế kỉ.

Bộ sách này giúp bạn đọc hiểu sâu thêm công lao của các văn nhân thi sĩ đã đặt nền móng cho một nền văn học hiện đại đổi mới cả về nội dung và hình thức hơn một thế kỉ qua đang càng ngày càng phát triển, từng bước hòa nhập với trào lưu hiện đại thế giới.

Trở lại nguồn xưa đi tìm dòng mới cũng là một trong những động lực của người biên soạn. Trong các nhà văn tiền bối ấy, thế hệ hậu sinh có thể tiếp thu những tinh hoa khác nhau của từng tác giả. Các cây bút như Thiếu Sơn, Nguyễn Tuân, Nguyễn Vỹ, Lan Khai, Đinh Hùng… đều thể hiện lòng yêu kính phẩm chất thơ ca của Tản Đà, xem ông như chiếc cầu nối giữa văn học truyền thống và hiện đại, nhưng có thể xem Vũ Trọng Phụng là tâm điểm tỏa sáng về giá trị nhân văn của một tài năng trong xã hội thực dân phong kiến được khắc sâu qua các cây bút cùng thời…

Họ vừa là những người bạn tâm giao vừa là những người chung môi trường thời đại, nên sự cảm nhận về nhau chân thực và sâu sắc hơn. Trong đó có thể nói cuốn sách phê bình Vũ Trọng Phụng (1941) của Lan Khai là một công trình toàn diện về chân dung một nhà văn theo phương pháp phê bình hiện đại. Đồng thời những phiên bản phê bình của các nhà văn khác về Vũ Trọng Phụng cũng không kém phần hấp dẫn. Từ các góc nhìn khác nhau về chân dung văn học, các cây bút đương thời đều nhắc đến các anh hoa tài thức qua các tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao… với cái nhìn trân trọng về tài năng sáng tạo.

Những tài danh về Thơ Mới như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân… cũng không lọt qua con mắt xanh của các cây bút phê bình tinh tế. Đặc biệt là các ý kiến phê bình của các văn nhân học giả về các nhà thơ nữ vốn rất hiếm hoi trên thi đàn dân tộc nay lần lượt xuất hiện như Tương Phố, Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết.

Các ý kiến phê bình đều thể hiện cái nhìn mới về con người và thời đại. Ai là những văn nhân thi sĩ có những thành quả mới đưa văn nghệ tiến lên? Ai là người tạo ra những hình thức mới cho tác phẩm của mình và đâu là những cái dư thừa trong thế giới văn chương?… Tất cả được hiện diện khách quan qua chân dung và tác phẩm. Đâu là những bước tiến và sự thụt lùi của người cầm bút giữa trào lưu xây dựng một “tân văn hóa” Việt Nam?… Tất cả hiển lộ qua thái độ khách quan, mạnh mẽ trước trường dư luận mới, khác xa lối phê bình “vuốt ve”, “an ủi” mà ta vẫn gặp ở một vài trang sách báo gần đây. Các nhà văn chân chính luôn lo lắng cho sự tiến bộ nghệ thuật hơn là sự mất lòng đồng nghiệp, đã góp phần tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt về sáng tạo.

Trong thời kì đó, Vũ Bằng đã yêu cầu những người cầm bút: “Mới! Mới! Mới! Viết những gì người ta chưa viết, nói những gì người ta chưa nói…” (Khảo về tiểu thuyết). Điều đó đã góp thêm động lực cho tinh thần cách tân văn học để tạo nên tầm vóc nhà văn và tác phẩm và đồng hành tiếp sức cho phê bình sáng tạo.

Bộ sách “Bạn văn bạn mình” cũng đồng thời giới thiệu các bài phê bình của các nhà văn Vương Trí Nhàn và Nguyễn Quang Lập, cung cấp cho độc giả cái nhìn của những cây bút hiện thời về các nhà văn quá khứ và nhà văn đương đại.

Trong tập sách nhan đề “Cây bút đời người”, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã chú ý tới các cây bút tiêu biểu từ trước 1945 đến giai đoạn sau này như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tế Hanh, Tô Hoài, Nhị Ca và các cây bút Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh…

Nguyễn Quang Lập với tập phê bình nhan đề “Bạn văn” lại có cách tiếp cận riêng. Với trên 40 chân dung các nhà văn hiện đại qua các giai đoạn khác nhau được đề cập tới, nhưng tác giả không đưa ra cái nhìn toàn cảnh về họ mà lại tập trung khắc họa sâu vào một số cá tính và phong cách từng người; mỗi cây bút như những bông hoa khác nhau trên một cành hoa, những bức tranh nhỏ trong một bức tranh lớn cũng tạo nên ấn tượng riêng cho bạn đọc. Mỗi nhà văn ở đây là một điểm nhấn về chân dung và tính cách trong đời sống văn học do tài năng, sở trường nghệ thuật tạo nên. Đó cũng là một cách nhìn riêng theo nhu cầu tiếp nhận đa dạng hiện nay, bạn đọc có khi cần những thông tin chọn lọc, tiêu biểu để nắm bắt nhà văn và tác phẩm.

Bộ sách “Bạn văn bạn mình” ra mắt lần này còn thể hiện tinh thần “ôn cố tri tân”, trong đó phải kể đến một tư liệu hiếm: Chương nhất của cuốn sách phê bình: “Hồ Xuân Hương – Một quái nhân dị kiệt trong thi giới Việt Nam” của nhà văn Lan Khai đã từng bị thất lạc, do nhà cầm quyền thực dân thu hồi nhưng vẫn còn lưu lại được bản gốc ở gia tộc nhà văn và một số nhà nghiên cứu giàu tâm huyết.

Những nỗ lực của các cây bút biên soạn đã cung cấp cho bạn đọc xa gần những tài liệu thú vị.

 Hà Nội, ngày 24/8/2021

Theo Trần Mạnh Tiến/Văn nghệ