Bảo Ninh & Một trăm năm, nhớ xưa nhìn nay

895

04.02.2018-23:30

 Nhà văn Bảo Ninh

 

Một trăm năm, nhớ xưa nhìn nay

 

BẢO NINH

 

NVTPHCM- Mãi sau 17 năm, hè vừa rồi tôi mới gặp lại anh Dương, người làng Trích Sài, hiện sống ở Mỹ.

 

Lần trước anh đến nhà tôi là vào dịp Tết Canh Thìn. Biết nhau thì còn trước đó nữa, trong một hội thảo văn học tại Đại học Harvard.

 

Nay thì có thể đã đỡ rồi chứ dạo đấy, ở bên đó, gặp gỡ, trò chuyện riêng như tôi và anh chẳng dễ, bởi rất phiền. Như là hôm ấy, trong thư viện đang thi phú mà ngoài sân những người biểu tình binh phục rằn ri rầm rộ hô các khẩu hiệu phản đối cuộc hội thảo. Anh Dương hẳn là đã khá bạo gan để có thể rẽ qua đám đông ấy mà vào dự họp.

 

Cũng không quá ngại là rồi sẽ bị người ta chụp mũ này nọ, hội thảo xong, anh mời tôi lên xe của anh, tránh khỏi tiếng ồn, ra một cái bar vắng bên bờ vịnh Boston, cụng ly.

 

Anh nói mình sinh ở Hà Nội. Di cư 54. Năm 75, nhà riêng Sài Gòn, tòng sự tại cục quân nhu, lon trung úy. Là “lính kiểng” thôi, anh bảo vậy, nhưng đúng vào đầu tháng 3 năm đó lại có công vụ phải lên cao nguyên, giữa chừng gặp trận Buôn Ma Thuột, bị bắt làm tù binh.

 

Biết tôi từng dự trận ấy, rất muốn gặp. Nay gặp, rất mừng. Tôi thì cũng thật sự thấy vui và tuy rằng nói kém nhưng giỏi nghe, thích nghe, nên đã khiến cho cả hai sớm qua được sự dè dặt.

 

Về trận Buôn Ma Thuột, chúng tôi chỉ hồi cố với nhau một lúc khi đầu. Bởi vì, ngoài cái lần “hội ngộ” sét đánh đó trên đường chiến tranh, chúng tôi còn có ngẫu nhiên một sự gần cận khác. Quê Dương là làng Trích Sài, nơi sinh cũng gần đó, một ngôi nhà bên đường Parô, kế sân Quần Ngựa.

 

Mà Parô là tên cũ thời Pháp thuộc của phố Hoàng Hoa Thám. Nhà tôi phố ấy, đầu dốc Tam Đa, cách Quần Ngựa có vài bước. Năm 1954, tôi theo cha mẹ chuyển từ trong Nam ra Hà Nội, còn Dương theo cha mẹ rời Hà Nội vào Nam. Ngược chiều số phận để rồi về sau thành đối địch, nhưng thuở ban đầu cùng là hai đứa bé chưa kịp tuổi đến trường.

 

Thực ra Trích Sài là quê của bà nội Dương, còn ông nội anh quê Kiến An, do gia đình gặp họa phải bỏ làng. Họa ấy, năm Mậu Thân 1908. Năm đó, người anh cả đi lính khố đỏ, đã đến chức cai mà nhập Nghĩa Hưng hội, rồi dự vào “Hà Thành đầu độc”.

 

Khởi nghĩa thất bại, ông Cả bị xử chém, thân nhân bị tầm  nã. Người em, là ông nội của Dương, trốn về Hà Nội, thay tên đổi họ. Sau nhiều năm sống lẩn mình, do may mắn và do có chữ, ông kiếm được việc ở phòng vé sân Quần Ngựa. Có tiền, ông lập gia đình, rồi tậu mảnh đất xế bên tay trái trường đua, dựng nhà. Cha của Dương sinh trưởng tại ngôi nhà ấy, Dương cũng thế, cho tới di cư 54.

 

Năm đấy ông nội đã qua đời, chứ còn chắc cụ chẳng để con cháu rời bỏ ngôi nhà đó mà đi như thế đâu. Dương bảo vậy. Không chỉ vì là cơ ngơi bao chục năm trời, mà còn vì, không rõ tình cờ hay hữu ý,  mảnh đất ông nội Dương mua để cất nhà rất gần với nơi năm xưa bọn Tây lấy làm bãi xử chém. Sinh thời ông đã thầm lặng cố công dò kiếm trong vùng nấm mồ ông Cả chôn cùng những người đồng chí, mà không thể nào. Ấy là niềm đau day dứt ông khôn nguôi.

 

Hằng năm, 29 tháng 5 ta (là ngày theo âm lịch của cuộc binh biến), ông kín đáo làm giỗ, tưởng niệm người anh. Giỗ ấy, vào Nam, ông thân sinh của Dương vẫn nghiêm cẩn giữ, và Dương cũng vậy, kể cả khi đã sang Mỹ…

 

Tối hôm đó, bên bờ biển xứ người, miên man những chuyện quê nhà, dạt dào hoài cảm, chúng tôi đối ẩm tới khuya. Chia tay, tôi mời Dương khi nào về thì đến tôi. Tôi sẽ đưa anh đi viếng mộ các liệt sĩ vụ Hà Thành binh biến. Bởi tôi biết nơi đó.

 

2 năm sau, về nước lần đầu, anh Dương ăn tết ở Sài Gòn mấy ngày rồi ra Hà Nội, tới tôi ngay. Vì ngày di cư mới 6 tuổi, Quần Ngựa như thế nào Dương chẳng nhớ. Song dẫu có nhớ cũng làm sao còn nhận ra nổi. Tôi áng ngôi nhà của ông nội anh ở đâu quãng đường mé tay phải Hãng phim Tài liệu. Nhưng là đoán thế thôi. Từ đầu Thế chiến 2, Quần Ngựa đóng cửa, rồi dần đổ nát, mất hẳn dấu tích. Các ngõ phố quanh trường đua cũng ngày một lụi đi.

 

Tới cuối thế kỷ XX thì cả khu vực khá rộng được gọi chung là Quần Ngựa đã quá tàn tạ, chẳng khác nào một cái “xóm liều”. Về lại chốn xưa, Dương cảm động song cũng không khỏi ngậm ngùi trước cảnh hoang phế.

 

Nhưng biết làm sao được, chiến tranh, năm tháng, vật đổi sao dời. “Sông kia rày đã nên đồng”. Tôi chạy xe máy đưa Dương lên Bưởi, chỉ cho anh thấy khu đất xưa kia tên gọi Vườn Bàng, nơi giặc Tây hành quyết các nghĩa sĩ. Chúng tôi mua bó cúc với thẻ nhang rồi vào làng Nghĩa Đô.

 

Phần mộ các liệt sĩ khuất nơi góc cuối của vườn sau một ngôi nhà sâu trong ngõ vắng. Chỉ khác thường là nằm trong vườn cây ngay sau nhà dân, còn thì ngôi mộ rất đỗi bình thường, đơn sơ; năm 1987 khi tôi được nhà văn Tô Hoài lần đầu đưa tới viếng thì mộ còn đơn sơ hơn nữa và gần như vô danh, chỉ người già trong làng mới biết gốc tích.

 

Nay, khi Dương tới, mộ đã được ốp gạch men và có mộ chí. Trời không mưa nhưng lạnh và ẩm, vườn cây ướt át, vậy mà bó nhang phừng phực bùng lửa. Dương sụp quỳ, bật khóc thành tiếng. Hồi lâu, tôi đỡ anh dậy, anh vẫn hai mắt lệ nhòa.

 

Ngày hôm ấy tôi chở Dương dạo khắp thành phố, qua nhiều thắng cảnh và di tích, trong đó có những điểm gắn với cuộc binh biến: đền Bạch Mã, nơi Nghĩa Hưng hội tụ nghĩa cùng cất lời thề tử chiến cứu quốc; ngôi nhà 20 phố Cửa Nam, xưa là hàng cơm bà Nhiêu Sáu, người nữ anh hùng của cuộc nổi dậy; cổng Cửa Đông, phố Lý Nam Đế – nơi các binh sĩ yêu nước khởi sự; rồi vườn hoa Canh Nông, hồi năm 1908 là pháp trường Bãi Gáo…

 

Khi biết rằng tôi biết được tương đối là nhiều như thế về một cuộc khởi nghĩa xảy ra đã cả từ trăm  năm  trước là nhờ môn lịch sử học lúc 9-10 tuổi, lớp 5, lớp 6, thậm chí còn được thầy giáo dẫn tới mục sở thị từng địa danh của sự kiện, Dương rất ngạc nhiên.

 

Anh nói xưa giờ cứ nghĩ học trò Bắc Việt sau 1954 chỉ được học có duy nhất lịch sử Đảng Cộng sản. Anh nói nhờ chuyến hành hương về với quê nhà lần này mà đã bớt đi được nhiều điều ngộ nhận và định kiến sai lệch về quê hương đất nước.

 

Hè 2017, một lần nữa về với quê nhà, đến nhà tôi, lại một lần nữa Dương không nhận ra khu Quần Ngựa. Cố nhiên là thế, bởi vì ngay cả tôi, mường tượng lại khu phố của mình cách đây 17 năm so với bây giờ, cũng phải thấy ngợp.

 

“Xóm liều” ngày nọ nay là đại lộ Văn Cao rộng lớn với san sát nhà tầng. Cung thể thao vươn lên trên nền cũ Quần Ngựa nhưng mà bề thế gấp nhiều lần trường đua thuở xưa. Bên ngoài cung, một con đường mới mở mang tên Đội Nhân, vị chỉ huy của cuộc binh biến Mậu Thân.

 

Anh Dương chuyến này về thăm quê cùng toàn gia, ngụ ở một khách sạn lớn nơi đầu làng Trích Sài. Làng quê của anh, ngôi làng của “những người vớt củi” nghèo khó nay là một vùng dân cư đẹp đẽ và sung túc bậc nhất miền ven đô.

 

Về quê hôm trước, hôm sau anh đưa cả nhà lên Nghĩa Đô thắp hương. Ngày nay chỗ nguyên là Vườn Bàng không còn hoang lạnh như bao năm trước. Thành phố và người dân Nghĩa Đô đã thành kính xây lên thật tôn nghiêm một khu tưởng niệm tại chính nơi xưa kia, năm 1908, các bậc tiền nhân anh hùng đã hiên ngang thọ hình, lẫm liệt đền nợ nước.

 

Đã 70 hơn, nặng xúc cảm của tuổi già, anh Dương rớm nước mắt khi kể với tôi về niềm hạnh phúc lúc đưa được con cháu của mình, hậu duệ của ông Cả, tới cúi đầu thắp hương tại khu tưởng niệm. Hạnh phúc vô cùng vì đã thực hiện được ước vọng cả đời của ông nội và của thân phụ, anh bảo vậy, mà cũng xiết bao là buồn đau thương cảm nghĩ về cuộc đời các cụ, nghĩ về cuộc đời mình.

 

Bên nhau, tôi và anh, từ trên tầng cao vót của đỉnh tòa nhà Lotte, dõi mắt ngắm nhìn một vùng mênh mang phố xá vừa đến giờ lên đèn, rực rỡ bừng sáng Liễu Giai, Văn Cao trải ra tới Võng Thị, Trích Sài, bên lung linh bát ngát mặt nước hồ Tây.

 

Cùng một lúc, nhớ về Hà Thành của một trăm năm trước, chúng tôi cũng đồng thời như nhìn thấy được hình bóng một trăm sau của thành phố quê hương mình.

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…