Bí mật của lão Tư Ròm – Truyện ngắn Nguyễn Hữu Diên

709

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một ngày mới đang về với bao nhiêu niềm vui đang dang đôi cánh bay lên. Chắc chốn cửu tuyền vợ chồng lão Tư Ròm cũng cảm nhận đươc tấm chân tình của vợ chồng Châu. Châu thấy lòng mình như con sóng tràn lên bãi cát quê hương…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Cả cái làng Cát ni không ai rõ lai lịch của lão Tư Ròm, chỉ mù mờ biết rằng quê hương lão tận Phú Yên hay Bình Đinh chi đó. Vợ con lão nghe nói chết trong một trận càn đã lâu. Rồi Lão tập kết ra bắc làm cán bộ trên Huyện cho đến ngày nghỉ hưu…

Hồi đó, O Hương là cán bộ phụ nữ xã cũng đẹp nết đep người thuộc hạng nhất nhì cái làng Cát ni. O Hương thân hình dong dỏng cao, nước da trắng như trứng gà bóc, cũng “ngực tấn công, mông phòng thủ” , cộng thêm khuôn mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa và đôi môi hồng tươi thắm. Đặc biệt là đôi mắt to, tròn của O phảng phất một nỗi buồn sâu thẳm khiến người ta thấy ở O chứa một vẻ đẹp dịu dàng, càng kín đáo hơn…

Mà cũng phải thôi. O còn trẻ tuổi mà đã từng đi qua một lần đò rồi thì vui mần răng cho đặng.

O Hương lấy chồng năm mười tám tuổi. Chưa được một tháng thì chồng lên đường nhập ngũ rồi vào thẳng chiến trường B. Có ai ngờ kể từ đó O mất chồng vĩnh viễn mà chưa kip có với nhau một đứa con. O buồn lắm. Từng đêm ôm di ảnh của chồng mà không ngăn nổi dòng lệ tuôn trào ướt chiếc gối đôi có thêu hình hai con Bồ câu dang liền đôi cánh. Vậy mà vì chiến tranh! O căm thù chiến tranh đã biến O thành người đàn bà góa bụa mang nặng bao nỗi đau thương!

Ở cái độ thanh xuân cháy bỏng như O thì nỗi khát khao chỉ có người trong cuộc mới hiểu được ngọn ngành. Mỗi lần tắm, O tự ngắm thân thể căng tròn tràn đầy sức sống của mình trong gương mà thẹn thùng ửng hồng đôi má. O buâng khuâng hoài mà không hiểu mình đang thèm muốn điều chi…

Rồi một chiều ngày 27-7. Mẹ chồng kêu O Hương vô, hai mẹ con quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, đốt nén hương thơm. Mẹ xin phép tổ tiên cho O Hương về lại bên nhà mẹ đẻ. O Hương khóc hết nước mắt xin được ở lại chăm sóc cho mẹ chồng để trọn bổn phận làm dâu nhưng không được, cuối cùng đành phải chấp nhận về nhà mẹ đẻ. Bởi Mẹ chồng O từng là người góa bụa ở cái tuổi đôi mươi, ở vậy thờ chồng nuôi con khôn lớn. Mọi đắng cay, vất vả, thiệt thòi mẹ nếm đủ hết rồi nên không muốn thuyền tình O Hương neo chung “bến không chồng“ cùng mẹ.

Hai năm sau, chẳng biết ai mai mối đưa duyên mà O và lão Tư Ròm gặp nhau, thôi thì rổ rá cạp lại. Vậy là lão Tư Ròm trở thành rể làng Cát từ đó. Năm sau, O Hương sinh thằng Chiến.

Mãi đến khi nước nhà thống nhất, người đi xa lần lượt tìm về quê hương xứ sở đoàn tụ với người thân. Nhưng riêng lão Tư Ròm vẫn một lòng kiên trung bám trụ nơi gió lào cát trắng quê vợ. Bởi lẽ trong quê lão, giờ không còn ai ruột rà thân thích. Hơn nữa vì thương O Hương là con độc nhất, lại còn mẹ già đã gần đất xa trời nên lão không nỡ nào bắt “thuyền theo lái…” được.

Năm tháng cứ lăng lẽ trôi qua rồi thằng Chiến vào đai học năm 1981, vợ chồng nhà lão mừng lắm nên cũng làm vài mâm thết đãi bà con. Nào ngờ chưa đầy một năm sau nhà trường buộc phải trả thằng Chiến cho gia đình vì bị bệnh “loạn chữ”. Rồi thằng Chiến như kẻ tâm thần, ngất ngơ suốt ngày lảm nhảm những công thức khoa học mà cả làng Cát ni không ai hiểu đươc. Nó đi lang thang không định hướng. Bao nhiêu lần vợ chồng lão đi tìm con về phải cùm chân nó lại. Mấy bữa sau, thấy tội nghiệp con phải thả ra rồi một chiều cuối thu nó lại đi mất tích đến tận giờ không biết sống chết nơi đâu.

Mấy năm trời vợ chồng lão đi hết trong nam, ngoài bắc, nghe tin ở đâu cũng lần mò tìm đến. Cho đến khi sức tàn lực kiệt vợ chồng lão lần lượt về cùng với tổ tiên mà chưa tìm ra tung tích của thằng Chiến nơi đâu. Nên cả cái làng Cát này ai cũng thương cho hoàn cảnh vợ chồng lão.

***

Đã mấy mươi năm trời biệt tích. Bữa nay, làng Cát xôn xao khi thấy thằng Châu dắt vợ về thăm cha mẹ, bà con làng xóm. Nghe nói hắn vô trong miền Nam và đã thay tên, đổi họ, và ăn nên làm ra lắm.

Mà cũng phải thôi, ngày xưa hắn là tội phạm ăn cắp tài sản Xã hội Chủ nghĩa bị bắt giam trên công an Huyện mấy tháng trời. Vậy mà sắp đến ngày ra tòa không hiểu vì sao hắn trốn trại được rồi dông thẳng vô Nam.

Bây giờ hắn trở về quê hương sau nhiều năm lẩn trốn, nhưng chính quyền cũng như bà con lối xóm coi như chuyện cũ cho qua. Vì giá trị tài sản Xã hội Chủ nghĩa mà nó trộm cắp hồi đó cũng không lớn lắm. Hơn nữa, nó đã từng bị giam mấy tháng tù rồi. Thôi thì đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại làm chi.

Có một điều mà cả làng Cát mấy bữa nay xôn xao, ngồi tụm năm tụm ba, thì thầm to nhỏ đoán già, đoán non về chuyện vợ chồng thằng Châu bỏ ra một đống tiền xin phép họ hàng đươc xây lăng đắp lai mộ cho vợ chồng lão Tư Ròm mới lạ chớ.

– Hay là thằng Châu là con rơi của lão Tư Ròm?

– Không thể nào các bà ơi! Nó giống ông Phong cha nó như đúc thì làm sao là con lão Tư Ròm đươc.

– Con ai thì qua mà hỏi bà Minh mẹ thằng Châu là biết.

– Thôi tui lạy các bà lắm chuyện quá. Ta nên mừng cho vợ chồng ông bà Tư Ròm giờ cũng đươc có người lo cho mồ mả khang trang, khỏi phải lo trâu bò giẫm đạp, gió thổi cát bay. Chớ lúc còn sống tội nghiệp cho ông bà ấy chịu nhiều đau khổ quá rồi.

Cho dù rất nhiều người dò hỏi lý do nhưng Châu chỉ mĩm cười trả lời:

– Cháu đi lên nghĩa địa thắp hương, thấy mồ mả ai cũng xây cất đàng hoàng cả rồi chỉ có mả của vợ chồng O Hương với Dượng Tư đơn sơ quá mà O Dượng chẳng có con cái chi nên cháu xin phép họ hàng làm cho O Dượng mà thôi. Dù bà con hơi xa nhưng cháu vẫn là cháu chắt trong họ.

***

Sau gần nửa tháng trời, công trình coi như đã hoàn thành. Ngày mai mời thầy về cúng trên lăng mộ và đặt mấy mâm mời bà con lối xóm uống ly rượu tổng kết nữa là xong. Cả đêm Châu không sao ngủ được. Hình ảnh của ông Tư Ròm năm xưa với ký ức một thời ùa nhau kéo về trong anh rõ mồn một.

Khi chiến tranh kết thúc. Tiếp theo là những năm cả đất nước thiếu đói liên miên. Ngày đó, Châu đã làm đám hỏi với Thanh người cùng xóm. Ngày cưới của hai đứa sắp đến nơi mà gia đình Châu chẳng có gì để lo đám cưới cho con. Túng bấn đành hóa liều. Chỉ còn cách ăn trộm lưới đánh cá đèn của Hợp tác xã mang đi bán cho bọn con buôn mới có tiền lo đám cưới. Đời một lần, Châu muốn làm cho bằng chúng bằng bạn.

Vậy là một đêm mưa gió tơi bời, Châu cạy cửa lẻn vào kho cắt trộm hai bao lưới, vác lên động cát chôn kỹ rồi ra về. Dự tính đêm mai sẽ mang lên phố huyện bán cho lão Hùng chột như đã hẹn.

Nào ngờ, khi hai bao lưới mới kéo lên khỏi mặt đất, Châu bị bốn năm dân quân ập vào bất trói lại dẫn lên Công an Huyện trong đêm. Sau hai tháng tạm giam để điều tra xét hỏi, sắp đến ngày ra tòa. Rồi một lần lợi dụng sự sơ suất cùa cán bộ, Châu đã bỏ trốn và tìm đương vô nam.

Châu đổi tên là An rồi tham gia vào đám lâm tặc ẩn mình nơi rừng xanh núi đỏ. Mấy năm sau Châu gặp Hà, một cô gái gốc Huế theo gia đình chạy vô nam từ năm 1974. Hai đứa thương nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Khổ một nỗi là ba của Hà yêu cầu được gặp mặt người lớn bên họ nhà trai để hai bên bàn chuyện trăm năm cho hai đứa.

Qua mấy đêm suy nghĩ, cuối cùng Châu đã tìm ra một cách đó là gửi điện báo cho ông Tư Ròm vào ngay bến xe Phước Long gặp An – người hiện đang cưu mang thằng Chiến. Tội nghiệp cho lão Tư Ròm, nhận được điện báo là vợ chồng vội vàng bán đi cặp heo lứa để làm lộ phí rồi vội vã lên đường.

Đúng như đã hẹn, Châu đón hai người tại bến xe Phước Long. Châu xin lỗi và nói rõ ý định của mình cho vợ chồng lão Tư Ròm nghe, mong được sự giúp đỡ của hai người và hứa xin đươc gửi lại tất cả các khoản tàu xe, công cán.

Vậy là đám cưới của đôi trẻ được tiến hành theo đúng thủ tuc có đầy đủ cha mẹ hai bên,
mãi đến khi có với nhau hai đứa con, Châu mới cho Hà biết hết sư thật thân phận của mình. Đến giờ, mấy mươi năm trời đã trôi qua. Vợ chồng Châu đã có dâu, có rể, cháu nội cháu ngoại đủ đầy, có của ăn của để. Về quê lần này Châu thấy mình phải có trách nhiệm trước vong linh của vợ chồng lão Tư Ròm. Dù sao chính vợ chồng lão đã từng là người đứng ra dựng vợ gả chồng, tác hợp cho Châu – Hà có đươc ngày hôm nay. Nên Châu bàn với vợ xây lăng đắp mộ cho vợ chồng lão Tư Ròm bởi lão không còn ai thân thích.

Tiếng gà gáy sáng lần thứ ba. Biển vẫn rì rầm suốt đêm không ngủ. Đằng đông, phía đằng đông ánh bình minh như muốn xé toang màn đên còn lại. Một ngày mới đang về với bao nhiêu niềm vui đang dang đôi cánh bay lên. Chắc chốn cửu tuyền vợ chồng lão Tư Ròm cũng cảm nhận đươc tấm chân tình của vợ chồng Châu. Châu thấy lòng mình như con sóng tràn lên bãi cát quê hương…

Phước Long – Tháng 8-2019

N.H.D