Bìm bịp kêu chiều – Truyện ngắn của Trúc Thiên

938

(Vanchuongphuongnam.vn) – Út Oanh về ngay mùa nước tràn đồng. Điên điển vàng ruộm khắp triền sông. Chiều lếnh loáng từng con sóng nước. Đám bìm bịp kêu xao xác cả một góc trời.

Nhà văn Trúc Thiên

– Hổng ấy hôm nào quỡn, Má Chín mần bánh điên điển ăn chơi nghen!

Út Oanh ôm cổ má, làm giọng nũng nịu. Bao năm rồi vẫn vậy, cả chục anh chị em, chẳng đứa nào dám làm thế với má, mỗi con nhỏ Út là cứ hồn nhiên như thể hồi còn thơ dại.

– Thôi nghe, tui già rồi, sức đâu mần, mấy người lớn hết trơn rồi, kiếm chồng đi, rồi mà nhõng nhẽo với nó.

Út Oanh lại cười hề hà. Hơn ba chục rồi còn gì, giờ đám bạn cùng trang lứa ở cái miệt đồng bưng này, lấy chồng hết, con cái đùm đề. Mỗi mình nó, ráo hoảnh chuyện duyên phận đời mình.

Hồi học trên Sài Gòn xong, quyết định ở lại xứ người mà lập nghiệp, mấy anh chị cũng khuyên can dữ thần. Về quê kiếm một chỗ mà làm, Bảy Hà cũng ngó nghiêng đánh tiếng vài nơi rồi, dần dà ổn định thì tính chuyện lập thân. Chứ nó đi xa vậy, má lo lắm. Mỗi bận nó rỗi rãi ghé về thăm, má vui ra mặt. Chừng tiễn nó đi, là má lại ra bến ngó mông lung. Má nghe bìm bịp kêu nước lớn, thở dài thườn thượt. Buổi kinh chiều của má, thể nào cũng nhiều âu lo.

*

Hai Phương thủ thỉ với má chuyện con Út Oanh thất nghiệp một sớm trời còn chưa kịp ló dạng qua mấy ngọn dừa. Tính khí con mình má biết chớ. Nó giống ba nó y hệt. Đúng sai rõ ràng. Trắng đen tách biệt, chẳng thể dung hòa cái màu xám xịt vào được. Nó thẳng thắn phang vào mặt người ta những câu chói tai khó nghe nếu đó là sự thật mà người ta chối cãi. Những nó cũng sẽ hì hụi bất kể đêm ngày hoàn thành trọn vẹn công việc để không ảnh hường đến chuyện chung tập thể.

Út Oanh chẳng thể là người khéo kéo. Cái mặt nó bán đứng những yêu thương hờn ghét cho người đối diện rõ hết mồn một. Nó làm kế toán, con số liên quan đến nhiều phận người. Cái nghề khô khan, bạc bẽo, chân trong chân ngoài chứ chẳng chơi. Nhiều khi má cũng lo, lỡ may một ngày nào đó, sai một con số thôi, đôi khi cuộc đời nó lại phải khép kín sau song cửa sắt.

Chuyện nó cự cãi vụ không bằng lòng lách luật để trốn mấy vụ mua bảo hiểm cho công nhân, đâm ra chủ ghét, chủ cho nghỉ việc, với má là chuyện tin chắc không thể khuất phục được Út Oanh.

Thời này, người ta kinh doanh đâu phải ai cũng chịu làm đúng, làm rõ quá còn lấy gì mà ăn. Chuyện né cái này, trốn cái kia, ti vi hay báo đài lên rần rần. Tuy nhiên, có một điều là đâu phải ai cũng sẽ làm theo. Lợi nhuận là một thứ luôn khiến con người ta phân vân giữa lằn ranh thiện lương và xảo trá. Mấy ai có thể ngoảnh mặt với đống tiền lủng lẳng trước mắt.

Bữa cơm trưa đó, má khều nhẹ con Út Oanh:

– Má mua mày ở với má một thời gian nghen, má mới giựt dừa, được hơn năm triệu nè con. Ở nhà với má đi, hết tiền tính tiếp nha con. Nay má khỏe, thèm ăn bánh điên điển quá bây.

*

Chiều tà khuất nắng sau mấy ngọn dừa, rải lên miệt đồng bưng một màu tím thẫm u hoài, Út Oanh cho xuồng nổ máy, rẽ sườn Bảy Ngàn mà ra dòng cái lớn của con kinh Xà No. Ven hai bờ kinh, điên điển trổ bông trĩu nhánh.

Bông điên điển thường được hái vào buổi chiều, để trừ hao lúc tinh sương sớm mai, bông vừa hé nở kịp cho buổi chợ quê. Hồi tía còn sống, những mùa lũ ngút ngàn, tía cũng ưa chèo xuồng dọc bờ kinh mà hái điên điển về cho buổi cơm chiều thêm phần xôm tụ.

Điên điển của tía là những bông còn nõn búp, cánh hoa chừng như đang chúm chím e ấp. Má đem rửa sạch rồi nấu canh chua bông điên điển cá linh. Có bữa má đem muối chua, nhận đầy keo, chờ hôm tía tát đồng có cá lóc, thì đem về nướng trui, cuốn bánh tráng, ăn đổi vị. Hoặc những ngày mưa dầm dề, cả nhà quây quần bên nồi mắm kho, cùng mớ rau mùa nước nổi như điên điển, kèo nèo, bông súng, bần ổi. Giờ nhắc lại, nghe cả trời thương nhớ bưng biền qua từng món ăn.

Mùi vị của điên điển rất đặc biệt, chẳng thể lẫn vào với đám rau tập tàng được, nó nhân nhẫn, đăng đắng, nhai lâu thì cảm nhận được vị ngọt, bùi bùi đan xen đậm đà nơi đầu lưỡi. Cho tới bây giờ, hễ mỗi lần má nấu mắm kho, thể nào Tám Đỏ cũng đòi phải có bông điên điển cho bằng được. Mỗi bận gắp mớ bông chấm vào nồi mắm nóng đang phả hương nghi nghút, rồi cho vào miệng, nhai nhồm nhoàm, Tám Đỏ cũng vỗ đùi cái đét:

– Trời thần, nó ngon nhức nách nghen má ơi!

Cái câu nói đó, Tám Đỏ nói từ hồi tía còn sống, cho đến bây giờ tía bỏ gia đình, sớm ra đi vì cơn bạo bệnh. Phải chi nhà mình hồi đó hông nghèo, là tía đâu có mất. Cái nghèo nó cũng nghiệt oan lên phận đời của biết bao thế hệ dân xứ Xà No.

Giờ thì đỡ rồi, đường cái lớn trải nhựa vào tận đầu xóm. Kinh Xà No cũng được nạo vét, khơi dòng, chia thành mười bốn cái sườn để dẫn nước vào tận ruộng đồng. Đời sống cũng khấm khá lên chút đỉnh. Quán cà phê xanh đỏ đèn mờ cũng mọc lên sát bờ kinh, kèm theo là những cảnh đánh ghen bát nháo, lắm lúc xé quần xé áo, bù lu bù loa vang động sóng nước.

Mấy quán internet cũng trải dài với đủ mọi thành phần cày ải game đánh đấm bắn súng ầm ầm. Người ta lại hay thấy mấy cái cảnh cha mẹ cầm cây roi, dí mấy đứa nhỏ ham chơi game từ trong quán chạy ngược ra đường làng, tiếng í ới hăm dọa rải đều cả đoạn đường quê.

Nhưng khổ nhất với cái xứ Xà No là mấy quán nhậu san sát bờ kinh, phong cảnh hữu tình, hát xướng tận tối mờ mịt. Chục quán là chục cái dàn âm thanh với nhiều giọng hát hay hét, hoặc là rống thì chẳng biết được. Tạp âm đan xen với tiếng hô hào hai ba dô dô, khiến sóng nước Xà No không thể yên bình vào mỗi chiều hôm.

Từ phía sườn Bảy Ngàn, nhìn về cuối kinh, nhánh Mười Bốn Ngàn Rưỡi, sóng nước vẫn là Xà No, nhưng sao giờ nghe chừng như xa lạ với Út Oanh quá đỗi. Gần mười lăm năm bôn ba trên cái thành phố phồn hoa Sài Gòn, giờ về lại đây, không dưng lòng nó hụt hẫng.

Mừng cho những phận đời nơi đây, đã không còn cảnh điện đóm bữa có bữa không, bệnh viện trường học cũng khang trang bề thế, chợ họp sáng chiều với đầy đủ mọi thứ, kể cả những tiệm thẫm mĩ phun xăm nâng gọt cũng đã hiện diện đủ cả rồi, nhưng đâu rồi cái miệt đồng bưng yên bình xưa xa hồi đó?

Câu hỏi lạc trôi theo mấy dề lục bình ngan ngát tím, lênh đênh phận đời nổi trôi. Chiều xuống bờ kinh vội vã quá, mới đó mà đã chạng vạng sẫm trời, Út Oanh nhanh tay quơ vội điên điển cho đầy rổ, nhẩm tính hổng biết bi nhiêu đây đủ má Chín làm bánh chưa cà?

Xuống tách bến, nổ máy quay về, mà vẳng xa vẫn nghe mấy tiếng hai ba dô dô xao động cả bờ kinh.

*

“Út Oanh cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết, mỗi tội hổng biết thương hia Tuấn”

Tám Đỏ buột miệng khi đang khề khà với Bảy Hà ở chái sau, nhưng lời nói thì rõ to, hướng về phía bếp, chỗ má với con nhỏ em út đang lúi húi làm bánh điên điển.

Hồi còn sống tía kể, bánh điên điển xuất phát từ tục lệ của người Khmer. Theo tín ngưỡng hàng năm bà con Khmer, đều làm chay cầu siêu cho tổ tiên hoặc các vong hồn chết oan chết ức. Vào các ngày đó, từ sáng sớm các vị sư sãi đã ra đồng tìm những mồ mả xiêu lạc để đọc kinh cầu nguyện. Những buổi đó, các vị sư chỉ dùng cơm được một thời duy nhất. Chính vì vậy, bà con Khmer trong làng mới giúp các sư một bữa ăn gọi là làm phước theo phép nhà Phật.

Các cô gái dùng xuồng ba lá, cứ hai cô một xuồng bơi ra giữa đồng tìm các cây điên điển có nhiều bông để dừng lại làm bánh. Các cô chọn những nhánh hoa tươi, đẹp rồi kéo xuống nhúng các chùm bông điên điển vào vịm bột đã chuẩn bị sẵn. Sau đó kéo chùm bông sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ. Bánh đó gọi là bánh treo cành để dâng cho các sư sãi. Nhưng dần dà, theo thời mà phát triển, nên bây giờ tục lệ ấy đã đi vào huyền thoại.

Bánh thời này của má làm bằng bột gạo, đường, hột vịt và bông điên điển. Các thứ hòa trộn vào nhau rồi đem chiên với mỡ vừa thơm ngon, vừa giòn béo. Những ngày còn bôn ba phận lữ thứ trên đất Sài Gòn rộng lớn, Út Oanh rảo khắp các hàng quán vẫn chẳng tài nào tìm được loại bánh này. Bất giác những lúc đó, nó hẫng người thở dài, xứ này hổng phải xứ quê. Nơi này, chỉ là ghé tạm một đoạn đời chớ đâu thể là nhà.

Giọng Bảy Hà lại khề khà quanh chái bếp. Hồi đó những tưởng con út nhà mình ưng thằng Tuấn. Thằng ngoan hiền giỏi, mỗi tội cục mịch, hổng biết ngọt nhạt với con gái. Thương người ta, hổng chịu nói, để người ta đi rồi, mới đắn đót nỗi niềm riêng. Giờ nó cũng quá lứa tuổi đời, mình ên vò vẽ vậy thôi.

Út Oanh biết Bảy Hà nói là để mình nghe. Nhưng nó vẫn lặng yên trên bến, cắn miếng bánh điên điển, nghe đám bìm bịp kêu chiều dao dác. Bỗng trong lòng dậy lên câu hát xưa xa: “ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ quê”.

Ba mươi mấy tuổi đầu, không dưng chiều nay, nó thèm, nỗi thèm nghẹn ứ ngay cuống họng mà hổng thể thốt nên lời, nước mắt tự rơi hồi nào chẳng hay. Sau bao thăng trầm nơi đất lạ người qua, giờ về đây, nhìn sóng nước Xà No, nghe con bìm bịp kêu nước lớn, cái vị điên điển quyện vành môi. Nó mới nhận ra, mình thèm quê, thèm quá đỗi!

*

Tám Đỏ chưa kịp vào nhà, mà tiếng đã rổn rảng ngoài bến sông, tay kéo hia Tuấn lên bờ. Nay sẵn tiện ghé sườn Mười Bốn Ngàn Rưỡi, có người gởi mớ cá linh về nấu canh chua nè. Mà điên điển nấu với cá linh, ăn chỉ một mình ăn hổng thấy ngon, nên kéo luôn người gởi về ăn chung cho xôm tụ hen!

Hoàng hôn buông nắng vệt dài bến sông. Má úm mớ trấu nấu nồi canh chua. Hai Phương xăng xái rửa mớ điên điển Tám Đỏ mới hái về. Cà nhà rộn vang. Má hổng xài bếp gas như mấy nhà quanh xóm vẫn đang xài theo thời thế. Má xài bếp củi, mỗi lần má nhóm bếp, mùi khói cứ nghe rưng rức, quẩn quanh, quyện vào mũi, vương vào tóc. Nghe những kí ức xa vắng như dội về theo từng cơn sóng nước.

Hia Tuấn là bạn nối khố thời đi học rồi đi bộ đội chung với Tám Đỏ. Nhưng ngặt nỗi đường đời chia hai lối rẽ. Tám Đỏ theo nghiệp lính, gắn đời mình với chiếc áo màu xanh mang nhiều hoài vọng. Hia Tuấn chọn về làm bạn với ruộng đồng sông nước, vườn tược gà heo, cuộc sống đắp đổi qua ngày, nhẹ tênh, thênh thênh như cái bản tính hiền lành, chân thật, thêm phần thô mộc của mình.

Hồi còn trẻ, cũng dăm ba lần Hia Tuấn ngỏ ý, thêm mấy bận Tám Đỏ nói vào. Nhưng Út Oanh lại dành cái đam mê của mình cho mảnh đất đô hội xa xôi. Sự phồn hoa như một hấp lực khiến con nhỏ phải dấn thân cho bước đường mưu cầu đổi đời, thoát nghèo. Chừng chục năm trôi qua, khi đã nếm trải đầy đủ dư vị phố thị, cả một quãng đời xuân xanh, với những chặng dài miên di, bất giác nó hiểu, đâu mới là quê, đâu mới là nhà.

Hia Tuấn ra bến, chồm hổm ngồi phụ Út Oanh làm cá linh. Mùa này, đám bìm bịp kêu rân trời hen Út. Ông bà mình nói, bìm bịp kêu thì là nước lớn, tràn đồng khổ nhà nông.

Út Oanh nhìn hia Tuấn lóng ngóng bắt chuyện, tự dưng thấy thương cái nụ cười hiền lành này quá đỗi. Hia nói vậy chớ, lớn ròng con nước đâu phải tại bìm bịp kêu mà ra. Sông sâu đò ngang, kinh sườn xa xôi, cũng đâu phải là do trắc trở. Lòng mình nặng nhẹ, âu là do mình. Con bìm bịp có kêu hay không thì chiều vẫn về trên khắp miệt đồng bưng này đó thôi. Bởi nên, hia Tuấn đừng nói vậy, tội con bìm bịp lắm nghen!

Hia Tuấn nhìn bảng lảng ra phía triền sông, thở dài cái nhẹ. Ờ, Út tội con bìm bịp, chớ tui Út hổng có tội hen!

– Tội hia Tuấn mần chi cho mệt, để dành sức đặng… ờ đặng còn thương…

Lời Út Oanh vửa buông, bỗng nghe lòng mình nhẹ nhàng an lành quá đỗi. Mấy con bìm bịp vẫn cứ inh ỏi cả triền sông. Chiều loáng nắng in đôi bóng, lóng ngóng, vụng về nhìn nhau.

– Bây mần cá xong chưa? Má hỏi vọng từ chái bếp.

– Dạ xong rồi… má ơi! Hia Tuấn gãi đầu thẹn thùng đưa mớ cá linh cho má.

– Trời thần, ngọt nhức nách nghen má!

Tám Đỏ nói mà như la làng, vỗ đùi đen đét. Hai Phương cười nắc nẻ. Phía chái bếp, má ngẩng lên nhìn ra bến sông, vài sợi tóc trắng bay nhẹ tênh. Bìm bịp kêu cái bìm bịp kêu, bìm bịp kêu là em… lấy chồng! Tám Đỏ hát vậy, khi gọi điện thoại cho Bảy Hà về ăn cơm chiều.

                                         T.T