Bài học làm người

1080

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau buổi cà phê chủ nhật, sáng mùa xuân mát trời, tôi cùng vài nhà giáo và bạn văn nghệ đồng tâm tạt vào một nhà sách lớn tại trung tâm thành phố. Len lách qua nhiều cửa dọc ngang tấp nập người ra vào, tôi cẩn thận nhón chân bước lên chiếc thang lăn đến tầng chính chứa sách tham khảo.

Hoàn toàn bị choáng ngợp giữa không gian sách như một vũ trụ mênh mông của tế bào chữ nghĩa. Tầng cao, tầng trệt, gian giữa gian hông, lớp lớp quyển lớn nhỏ, dựng đứng hoặc chồng chất lên nhau. Từ loại tóm tắt cỡ nhỏ gáy mỏng thường kiểu bỏ túi (livres de poches) đến loại bách khoa khổ lớn loại gáy dày mạ vàng như tự điển, thánh kinh, thể hiện đa dạng bằng đủ chủng loại các hệ ngôn ngữ khác nhau trên thế giới: La tinh, Slave,Á Rập, Trung Quốc, Nhật, Hàn… Từ loại ngôn ngữ thuần túy đến sách truyện tranh, hình ngoài bìa in hình sặc sỡ bắt mắt dù mới nhìn qua, chưa ai có thể thẩm định tới giá trị đích thực nội dung, hình thức nghệ thuật của ấn phẩm.

Đa phần được khai sinh từ các tỉnh lớn, có thương hiệu của nhà xuất bản uy tín tại thủ đô. Từ trong tới ngoài nước. Rõ ràng là một không gian rộng lớn của đủ loại sách như trăm hoa đua nở từ sách giáo khoa các cấp đến sách phổ thông các ngành! Sách khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Rồi đến sách chuyên môn sử dụng cho sinh viên các ngành Đại học: khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, kế toán, quản lý ngân hàng, chính trị, pháp luật học, luận lý học, tâm lý học… thật là ngồn ngộn cả một rừng sách! Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một quyển sách dạy môn học làm người – một bài học nhân văn cực kỳ quan trọng và bổ ích cho tất cả mọi người, ai cũng nên đọc và thực hành.

Sở hữu một phần kiến thức từ rừng sách mênh mông ấy với sự giáo dục của thầy cô, sinh viên tốt nghiệp đại học hay sau đại học ra trường có cơ hội trở thành những cử nhân, thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ…rồi phó giáo sư, giáo sư… có học vị, học hàm đường hoàng trên danh nghĩa. Các trí thức ấy trong tương lai có thể sẽ là hiệu trưởng, viện trưởng, giám đốc… hay đảm nhiệm chức vụ khác tương xứng với mảnh bằng tại những trung học, đại học, học viện, cơ quan cao trọng, tiêu biểu cho cấp lãnh đạo. Trong thực tế, nếu đó là những tài năng đích thực của đất nước thì là họ phải sở hữu được công trình ích lợi thiết thực, tác phẩm giá trị bổ ích được chính thức công nhận, nhân dân xã hội còn đòi hỏi thêm phải có ở họ cái nhân cách đạo đức nữa. Nhân cách này thực tế rất khó thẩm định nếu không kinh qua cuộc đời, sự nghiệp của đối tượng và bằng chiếc lăng kính phê phán của một tập thể trí tuệ hội đủ điều kiện, tư cách và đánh giá vô tư khách quan, hoàn toàn không bị tác động bởi bất cứ áp lực ngoại lai nào.

Hiện thực xã hội xưa nay không thiếu những hiện tượng khó coi xảy ra như kịch bản khó xem bất cứ ai cũng dễ dàng nghiệm ra nhưng đành bỏ qua. Có lẽ do bản tính an phận thủ thường muốn được sống yên ổn làm ăn, không thích bị vạ lây rắc rối cho bản thân và gia đình. Như vậy, những thành phần được xem là trí thức, khoa bảng, có vai vế ở nhiều lĩnh vực trong xã hội không thể thiếu đức khiêm tốn, xuất phát từ tính tự cao bao giờ cũng cho tài năng mình sáng chói hơn người khác, thường thể hiện qua lời nói hay hành động coi nhẹ tha nhân. Không phải cái gì của mình cũng đều hay, đẹp hơn người khác: Ta là một, là riêng, là thứ nhất (1).

Bài học nhớ đời khiến ai ai cũng nên coi là kinh nghiệm cho mình là chuyện sửa thơ của Tô Đông Pha. Chưa đi thực tế mà Tô thi sĩ đã xí xọn làm tài khôn chỉnh thơ của Vương An Thạch (2). Nguyên Tô tiên sinh là một thi hào nổi tiếng đời nhà Tống (960-1279) – Trung Quốc, một hôm bắt gặp trong một bài thơ của Vương An Thạch, một đại quan cùng thời cũng là chỗ bạn bè hiểu biết nhau với Tô, có hai câu: Minh nguyệt sơn đâu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

Tác giả Tiền Xích Bích phú (3)  bèn có ý kiến: Trăng sáng làm sao có thể hót trên đầu núi và Chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa. Nhà thơ không ngần ngại hiệu đính lại: Minh nguyệt sơn đầu chiếu / Hoàng  khuyển ngọa hoa tâm có nghĩa là: Vầng trăng sáng chiếu trên đầu núi và Chú chó vàng nằm dưới bóng hoa  để hợp lý và ý nghĩa hơn.

Một thời gian sau, Tô Đông Pha có dịp đến vùng đất Vương An Thạch từng đến và cảm hứng sáng tác bài thơ. Nhà thơ bất chợt nghe tiếng chim lạ hót vang trên núi đồng thời cũng phát hiện ra một loài sâu đặc biệt, màu vàng nằm gọn giữa lòng hoa. Ông hỏi người địa phương, mới ngộ ra được đó tiếng hót của loài chim minh nguyệt trên đầu núi và chú sâu tên hoàng khuyển nằm trong lòng hoa ! Chuyện sửa thơ lịch sử trên đây chắc chắn không chỉ giúp Tô thĩ sĩ lúc bấy giờ rút ra được một trải nghiệm thấm thía về thái độ ứng xử giữa văn nghệ sĩ, con người với nhau mà còn cảnh báo sâu sắc cho những ngự sử văn chương trên đấu trường văn học nghệ thuật vốn là một mê hồn trận, mịt mùng địa võng thiên la ! Hành xử như thế, quả là Tô đại nhân đã trót không nhớ phương châm xử thế của nhân gian: Suy bụng ta ra bụng người / Nếu ta không muốn thì người chẳng ưa hoặc tư tưởng minh triết của người xưa: Đừng làm cho người điều ta không muốn người làm cho mình (4)

Ngẫm nghĩ ra trên đời, học càng cao, càng tài giỏi, thì tinh thần tự trọng, người ta lại càng nên khiêm tốn để được người khác ngưỡng mộ, kính phụ Lịch sử nhân loại còn cho ta vấn đề khiến tôi nhiều lúc phải băn khoăn tự hỏi: xã hội loài người tiến bộ đa diện trong đó nhờ có giáo dục. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thiếu kiến thức, tốt nghiệp qua trường lớp chuyên môn cao cấp mà suốt đời không được xã hội trọng dụng. Phải chăng họ còn thiếu đi yếu tố về nhân cách đạo đức. Đó là những điều kiện để được làm người xuất phát từ bài học làm người, chủ đề của môn học làm người. Nhưng trớ trêu thay, hiện nay trong chương trình giáo dục của bất cứ một nước nào trên thế giới tiến bộ loài người đều chưa từng đế cập đến môn học này huống chi là sách vở ở nhà sách hay thư viện! Khoảng năm sáu thập niên trước đây, thuở mới vào trung học, vì ham đọc sách, tôi có cơ hội đọc được một số sách loại học làm người của tác giả: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Thiên Giang, Hoàng Xuân Việt, BS. Lê Văn Ngôn, Dale Carnegie … chứ không chỉ riêng cho giới trẻ hay học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Kiến thức là mênh mông, sự học là vô tận. Nhưng bài học chứa đựng tính nhân văn cao cả bao giở cũng cần thiết và ưu việt nhất cho con người và xã hội ở bất cứ không gian, thời gian nào.

Phải chăng giai thoại lý thú giữa hai danh nhân Á Đông thời xưa cách đây hơn nghìn năm nhắc lại cho hậu thế muôn sau bài học về đức khiêm tốn, một bài học làm người – thuộc môn học làm người hiện chưa thấy xuất hiện nhiều trong khu rừng sách vở hữu ích cần đọc! Trong muôn vàn bài học về cách xử thế, về nhân cách đạo đức không thể thiếu cho con người ngày càng ít thấy tính đố kỵ, giảm bớt hiệu quả hiện tượng bạo lực đau lòng cho xã hội được văn minh tiến bộ hơn.

*    (1) Thơ Xuân Diệu

 (2)  Vương An Thạch  王安石 (1021-1086)

       Minh   nguyệt   sơn    đầu   khiếu

                        

(Chim minh nguyệt hót trên đầu núi)

       Hoàng  khuyển ngọa    hoa    tâm

      黃     犬      臥    花   

(Sâu hoàng khuyển nằm giữa lòng hoa)

       Tô Đông Pha  蘇東坡 (1037-1101)

sửa lại:

Minh    nguyệt   sơn     đầu    chiếu

                          

(Vầng trăng sáng chiếu trên đầu núi)

Hoàng   khuyển   ngọa   hoa     âm

      黃     犬      臥    花   

(Chú chó vàng nằm dưới bóng hoa)                             

(3) Tên bài phú của Tô Đông Pha (còn gọi là Tô Thức), có hai câu nổi tiếng:

      Diểu diểu hề ư hoài                                                  

      Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương

(Nhớ ai canh cánh bên lòng

Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời .

(Phan Kế Bính dịch)

(4)  Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân

己   所  不       勿    施   於   

Đừng làm cho người điều

ta không muốn người làm cho mình

Thư Trung