Bùi Giáng – Chữ nghĩa rong chơi

1053

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bùi Giáng (1926-1998) là một chân dung văn học đặc biệt ở Sài Gòn từ nửa sau thập niên của thế kỷ 20. Ngoài đi dạy học, nhà thơ Bùi Giáng có một sự nghiệp văn chương đa dạng. Độc đáo ở chuyện tình cảm và ấn tượng ở phong cách sáng tác, nhà thơ có số lượng tác phẩm phong phú, thể loại đa dạng: thơ (17), nhận định (4), Giảng luận (4), Biên khảo Triết học (4), Tạp văn (14), Dịch thuật (16), Phổ nhạc (2): từ bài thơ Mắt buồn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc Con mắt còn lại (1992); Bùi Giáng dịch bài thơ ‘L’Adieu’ (Giã biệt) của G. Apollinaire, từ đó nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát: Mùa thu chết (1965). Khi qua đời, nhà thơ Bùi Giáng từ chối được an táng tại Nghĩa trang Thành phố, để được về yên nghỉ luôn tại Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Bùi Giáng

Cuối buổi sáng một ngày hè năm 1967, vừa bước vào cửa nhà sách lớn Văn Nhiều, đường Ngô Quyền, Cần Thơ, tôi chợt gặp một người đàn ông quá tuổi trung niên dáng dấp, ăn mặc lôi thôi trông như một hành khất, từ trong đi ra. Với chiếc khăn trắng bạc màu của người phụ nữ dân tộc hay đội trên đầu, qua mấy lớp áo cũ bạc màu sương gió, người đàn ông lạ thân hình ốm yếu, trông vẻ lãng tử phong trần. Giữa lớp tóc dài nhuốm màu mây trắng lơ phơ quá vai, đôi gọng kính lão dày cộm vẫn không làm khuất đi đôi mắt sâu to với cặp đồng tử long lanh một vẻ hồn nhiên. Cái miệng móm với đôi môi mỏng trên chiếc càm lẹm như muốn báo hiệu sự lạm phát nói nhiều ở sở hữu chủ. Một khuỷu tay ông khoèo một chiếc túi cũ, tay còn lại xách lòng thòng một chiếc lồng chim bên trong có mấy con vành khuyên đang lăn xăn vừa nhảy vừa hót nghe khá vui tai. Tôi đi chậm lại, nhìn thẳng vào người khách: “Bùi Giáng đây!”. Ông khách không quen vô tư nhìn tôi, mặt rạng rỡ, nói lớn tự nhiên.

Đó là chân dung hiện thực của nhà thơ Bùi Giáng mà ai cũng có thể nhận ra trên đường phố hoặc bất cứ nơi nào trên xứ Nam Kỳ lục tỉnh xưa này.

Bùi Giáng (1926-1998) là tên thật nổi tiếng nhất, ông còn có các bút danh khác như: Thi sĩ, Trung Niên thi sĩ, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng, Bùi Bàn Dúi. Lúc bấy giờ, dù có đi dạy tư, Bùi Giáng vẫn được dư luận văn học coi ông là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học.  Ông sinh ra tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha là Bùi Thuyên có người vợ cả sớm qua đời nên lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền. Khi gia đình vào Sài Gòn, vì là con út, ông được gọi là Sáu Giáng theo thứ tự của 5 anh em. Thuở nhỏ, ông bắt đầu học tại quê nhà (1933) sau đó ra học trường Bảo An, Điện Bàn học với thầy Lê Trí Viễn (1936). Năm 1939, Bùi Giáng ra Huế học tại Tư thục Thuận Hóa với các thầy giáo nổi tiếng trên đô thành bút mực : Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy. Sau thời gian Nhật đảo chánh Pháp (1945), ông đậu bằng Thành Chung (1).

Mới 19 tuổi, Bùi Giáng được cha cưới cho một cô vợ tên là Nguyễn Thị Vạn Ninh, một cô gái xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên (2). Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở Trung Phước, một làng trù phú nằm trên thung lũng ven sông Thu tỉnh Quảng Nam. Khi về nhà sống chung, Bùi Giáng bắt hai vợ chồng hằng ngày theo chế độ ăn chay nên có lần bị cô vợ đẹp sụt sùi mét với mẹ chồng: “Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá thịt”.

Chắc có lẽ Bùi Giáng đã ngộ ra trước thời đại về chủ trương ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt đối cái lợi ích của ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau củ mà không cho bà ăn gà, bò – hai món thịt ngon nhất của vùng đất quê nhà. Sau ba năm vợ chồng sống chung, cô vợ Vạn Ninh trẻ đẹp qua đời trong lúc Bùi Giáng vắng nhà. Dù phút lâm chung Bùi Giáng không có ở nhà, nhưng ông vẫn có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa vợ về nơi an nghỉ cuối cùng. Thực sự, Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi rong như nhiều người đàn ông lãng mạn khác. Trên đường ngao du của một hồn thơ lãng tử, Bùi Giáng có thể gặp nhiều cô gái khác vượt trội hơn vợ nhà về tài sắc, nết na, nhưng nhà thơ vẫn dành cho người vợ ở quê nhà một tình yêu mặn mà, tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/ Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”. Sau cái chết của người vợ trẻ, nhà thơ dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, phiêu diêu qua những đồi núi chập chùng, suối khe mơ màng để một mình nhớ thương vợ. Rồi hai năm sau, Bùi Giáng gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà rong chơi lang thang đây đó.

 
Bùi Giáng trên con đường rong chơi chữ nghĩa.

Bùi Giáng làm thơ trên xe xích lô.

Năm 1949, Bùi Giáng có tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh, năm sau đỗ Tú Tài Đặc biệt do Liên Khu V tổ chức, được cử ra học tiếp tại Hà Tĩnh. Từ Quảng Nam, Bùi Giáng phải đi bộ theo đường núi non hiểm trở hơn một tháng rưởi. Nhưng đến nơi, ông đổi ý, quyết định bỏ học, quay trở lại quê nhà, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước. Năm 1952, Bùi Giáng trở ra Huế thi và đỗ Tú Tài 2 ban Văn chương. Ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Nhưng sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, giống như Phạm Công Thiện khi ở Mỹ, Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học hành để bắt đầu sáng tác văn chương, viết khảo luận, dịch thuật và đi làm nghề gõ đầu trẻ. Bắt đầu nổi tiếng với tập thơ đầu tiên “Mưa nguồn” (1962), Bùi Giáng tiếp tục sáng tác mạnh và đủ thể loại. Một thời gian hơn 10 năm sau (1965), một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi nhà ông, làm mất nhiều bản thảo. Năm 1969, Bùi Giáng “bắt đầu điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng), đi “lang thang du hành Lục tỉnh” trong đó có Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc. Từ 1971, nhà thơ trở lại sống, hoạt động văn nghệ tại Sài Gòn.

Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Khi qua đời năm 1998 tại TP. Hồ Chí Minh, nhà thơ Bùi Giáng từ chối được an táng tại Nghĩa trang Thành phố, để được về yên nghỉ luôn tại Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, sau những năm tháng sống “điên rồ, lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang” để lại một cuộc đời đặc biệt và một di sản văn học khá phong phú, da dạng.

Hành trình vào thế giới văn chương của Bùi Giáng, người yêu văn học có thể cảm giác như được du ngoạn vào một đại ngàn hoang dã, bất ngờ bắt gặp không ít phấn lạ hương rừng ngan ngát, phảng phất sắc màu hoang dã .

Bùi Giáng trước tiên, là một hồn thơ lãng mạn đặc thù mà đa tình cũng chẳng  giống một ai. Bỏ nhà đi rong chơi, lang thang trôi dạt như một con thuyền không bến mà vẫn tha thiết nhớ và mặn nồng yêu vợ nhà, người vợ duy nhất xinh đẹp mà yểu mệnh của nhà thơ.

Bốn tập thơ đầu: “Mưa nguồn”, “Lá hoa cồn”, “Màu hoa trên ngàn” và “Ngàn thu rớt hột” như đã kết tinh hết tình cảm yêu thương của nhà thơ dành cho vợ, với thi tứ tinh lọc thâm thúy và phong cách nghệ thuật độc đáo hiếm thấy trong khu vườn thơ tình mênh mông đương đại. Thích la cà, nghêu ngao đây đó nhưng ở đâu, Bùi Giáng cũng tái hiện hình ảnh yêu dấu xưa của người vợ với lời thơ bi ai ngậm ngùi, tràn ngập lòng nuối tiếc hoài niệm: “Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên lối mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con/ Anh qua trời cao nguyên/ Nhìn mây buồn bữa nọ/ Gió cuồng mưa khóc điên/…Anh đi về đô hội/ Ngắm phố thị mơ màng/ Anh vùi thân trong tội lỗi/ Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”. Bỏ cố quận, ra đi biền biệt, nhà thơ có lúc gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh bao cô gái đẹp khác nhưng trong lòng vẫn nhớ đến người vợ ở quê nhà. Cưng vợ, Bùi Giáng có lúc gọi vợ là “gái trần gian”, lúc là “con mọi nhỏ”, một từ đặc biệt ở Duy Xuyên, để chỉ người mình yêu thương nhất trong đời: “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/  Mọi em là mọi sương xuân/ Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”. Có khi Bùi Giáng còn vinh danh “con mọi nhỏ” lên thành mẹ của giang san như một Phật bà Quan Âm luôn cứu nhân độ thế: “Em thành Mẹ của giang san/ Em là Thần nữ đoạn trường chở che”.

Tập thơ đầu tiên ”Mưa nguồn” của Bùi Giáng chứa đựng những bài thơ, vần thơ hay, trong sáng với tình yêu vô cùng cảm động mà nhà thơ, như với hơn nửa trái tim mình, đã dành cho người vợ trẻ vắn số không còn trên cõi thế gian.

Sau khi bất ngờ đổi ý không vào học tại Đại học Văn khoa để bắt đầu hoạt động văn nghệ tại Sài Gòn, Bùi Giáng đang thong dong rong chơi thì bị si tình trầm trọng bởi tiếng sét ái tình từ ngôi sao Kim Cương (sinh 1937) lúc 19 tuổi, một nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn đang nổi tiếng lẫy lừng trên sân khấu cải lương, thoại kịch và điện ảnh từ quá nửa thập niên 1950. Ai cũng nghĩ, có thể Bùi Giáng đã trớ trêu tìm gặp lại người vợ trẻ đẹp đáng yêu ở quê nhà qua những nét tương đồng định mệnh ở Kim Cương nên bắt đầu yêu nàng mê mệt. Khi thì, Bùi Giáng tìm đến tận nhà thiết tha bày tỏ tình cảm trực tiếp với Kỳ nữ Kim Cương, khi thì nhà thơ say sưa viết thư thổ lộ nỗi lòng với người đẹp. Lúc có mặt ở nhà, nghệ sĩ Kim Cương ra mở cửa ân cần đón tiếp thi sĩ rất lịch sự. Nhưng khi vắng chủ, cửa nhà đóng kín, Bùi Giáng cũng không ngại nhặt gạch đá chọi tưng bừng vào nhà nghệ sĩ. Giữa nhà thơ Bùi Giáng và Kỳ nữ Kim Cương bắt đầu có thư từ qua lại, mỗi người viết và hồi âm một cách đầy đủ và lịch sự.

Kỳ nữ Kim Cương – Mối tình si của Bùi Giáng.

Dưới đây là bức tình thư bằng 4 câu lục bát tuyệt cú của Bùi Giáng gửi cho Kỳ nữ Kim Cương: ”Kính thưa công chúa Kim Cương/ Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây/ Tờ thư rất mực móng dày/ Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau” (Kính thưa). Suốt đời Bùi Giáng chẳng nhớ gì ngoài số điện thoại của Kim Cương: khi phá phách bị cảnh sát bắt, khi ở nhà thương điên cả đến khi hấp hối gần đất xa trời. Về mối tình si của Bùi Giáng với mình, Kim Cương vẫn trân trọng nhưng cho là Bùi Giáng không bình thường, thấy kỳ kỳ nên tìm cách hoản binh trước khi từ chối hẵn. Nghệ sĩ Kim Cương đã thổ lộ: “Đó là một mối tình thơ, như một thi sĩ cần một nàng Thơ. Mà nàng Thơ thì bao giờ cũng nên là một hình ảnh không chạm tới được…Ngày ổng mất, tôi chỉ biết cám ơn anh đã là một thi sĩ thiên tài, đã cho tôi một mối tình đơn phương chung thủy suốt bốn chục năm trời”.

Lòng thương kính của Bùi Giáng còn lan tỏa với ni sư Trí Hải (1938-2003), có tên đời thường là Tôn Nữ Phùng Khánh mà nhà thơ coi như mẹ và gọi bà là “Mẫu thân Phùng Khánh”: “Con về giũ áo đười ươi/ Nực cười Trí Hải ngậm ngùi mẫu thân/… Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời/ Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi” (Thơ điên). Bùi Giáng còn thương lây sang các ni cô khác ở chùa Dược Sư, nơi ông hay lui tới nghỉ chân, ăn cơm chay, được lì xì tiền tiêu vặt. Cảm động cái nghĩa tình thâm sâu ấy, Bùi Giáng coi chùa Dược Sư là thơ mộng nhất, các ni cô là người hiền thục nhất, đẹp nhất trong giới nữ lưu: ”Đi tu thứ nhất ở chùa/ Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang/ Dược Sư thơ mộng vô vàn/ Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân” (tần thân – tiếng Hán, theo từ điển có nghĩa là: luôn rên rỉ). Ngày Bùi Giáng mất, cả Kỳ nữ Kim Cương và ni sư Trí Hải đều có mặt.

Về thơ, Bùi Giáng sở hữu tứ thơ khá lạ, đôi khi táo bạo nhưng ngôn ngữ thường thì mượt mà, bay bổng, thi pháp điêu luyện dù ở thể thơ nào. Phần tác phẩm Nhận định và Giảng luận về những danh phẩm kinh điển và tác giả nổi tiếng thì khá sâu sắc, có nét sáng tạo, liên hệ đến nhiều tư liệu quý hiếm khó tìm trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh. Sách viết về Triết lý và Dịch thuật khá sâu sát, thể hiện nét tài hoa của một người vững vàng ngoại ngữ và văn học nước nhà. Tiểu thuyết Hoàng Tử Bé được chuyển ngữ Pháp ngữ ra tiếng Việt từ cuốn “Le Petit Prince” của nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry (1900-1944) là một dịch phẩm hay, được nhiều người khen ngợi.

Nhận định về Bùi Giáng, GS. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng có ý kiến khá thi vị:” Bùi Giáng là một hiện tượng độc đáo của làng thơ hiện đại. Tiếng thơ ông xuất hiện như một thứ “mưa nguồn”, “ngàn thu rớt hột”, “lá hoa cồn”…giữa cõi đời đầy mộng mị mà hiện thực trong vô thức của con người”. Với tấm lòng yêu văn học, ta có thể nhìn Bùi Giáng như một chân dung thi ca độc đáo vừa đáng trân trọng ở tài hoa, vừa cảm thương một người có hoàn cảnh và cá tính khó giống ai, trừ vài nét tương đồng với một G. Apollinaire (1880-1918) xa xôi ở phương trời tây hay một Phạm Công Thiện (1941-2011) cùng thời trong nước. Dù được công chúng văn học ngưỡng mộ gọi là gì, Bùi Giáng trước hết vẫn là nhà thơ. Đó là một trong những nghệ sĩ – nhà thơ đã không ngại từ chối mình là kẻ điên để được làm kẻ xa lạ (l’étranger – Camus) khác người, để được sống lang bạt rong chơi với chữ nghĩa trong cõi vô thường, sống ngu ngơ điên dại với rượu, với gái hay thuốc lá, cà phê… để khỏi phải đau lòng mục kích cái thực tại chói tai gai mắt như một ma trận trong xã hội loạn ly ngày ấy.

Nguyễn Thanh

(1)Văn bằng Thành Chung : Diplôme d’Études Complémentaires, tức là Tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp, nay là Tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở.

(2) Theo nhạc sĩ – nhà văn Vũ Đức Sao Biển và Bùi Luân, em ruột Bùi Giáng.