Bùi Phan Thảo: Nhà thơ và nhà báo tồn tại trong một hình hài

1011

Gặp ông bên ngoài với bộn bề công việc thư ký tòa soạn của một tờ nhật báo, khó hình dung ông lại có những khoảnh lặng dành cho thơ. Đọc tập thơ “Lao xao hồn phố” của nhà báo Bùi Phan Thảo vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, sự ngạc nhiên ấy càng tăng thêm gấp bội.

Công việc của nhà báo phải “cắm mặt” chạy theo dòng thời sự dường như rất đối nghịch với sự mơ mộng, trầm lắng của người làm thơ. Thế nhưng, hai trạng thái ấy lại tồn tại trong rất nhiều con người, vừa hối hả lại vừa nhẩn nha. Phải chăng, thơ như cái “phanh” giúp nhiều nhà báo cân bằng tâm trạng của mình trong guồng quay bất tận của nhịp sống hàng ngày?

Thèm như giọt cà phê rơi thật chậm

Ở Sài Gòn có rất nhiều quán cà phê, sáng trưa chiều tối đều có khách như một nét văn hóa của đô thị này. Bùi Phan Thảo cũng là một trong những tín đồ của các quán cà phê như thế. Dù ngồi một mình hay với bạn bè, ông luôn ôm theo cái laptop bên mình. Chốc lát, ông xin phép mọi người mở máy ra và chong mắt vào.

Nhiều người không biết cứ tưởng người đàn ông sinh năm 1963 này đang rất xì-tin, lên mạng chat chít Facebook gì đó. Kỳ thực, Bùi Phan Thảo không chơi Face, ông gọi đó là sự ẩn mình khi cả ngày, cả tháng phải vùi mình vào duyệt bài, duyệt comment của bạn đọc đến hoa cả mắt chóng cả mặt. Để làm được những việc này, ông là nhà báo khác hoàn toàn nhà thơ Bùi Phan Thảo cùng tồn tại song song trong một hình hài.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo

Tập thơ “Lao xao hồn phố” gồm hơn 50 bài được Bùi Phan Thảo chọn lọc trong những phút giây trầm tư hay đúng hơn là tạm lánh con người làm báo trong ông. Tập thơ có nhiều bài viết về cà phê, biến thức uống quen thuộc này trở thành nhân vật trữ tình nhiều chiêm nghiệm và đôi khi cô đơn nữa.

Ông viết: “Chỉ có anh và buổi chiều gặp nhau/ ly cà phê đen nhân chứng/ Chỉ có những giọt cà phê rơi/ rơi đầy khoảng lặng”.

Để rồi nhận ra một ước ao: “Chúng ta cũng như giọt cà phê/ đâu thắng nổi sức hút của trái đất/ giọt cà phê nhẩn nha còn ta tất bật/ thèm một lần/ thật chậm chiều rơi”.

In thơ vì lời hứa với bạn bè

Nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu, nhận xét về thơ của Bùi Phan Thảo: “Thơ là để nhận về bao dung. Dường như đi vào con đường thơ, Bùi Phan Thảo đã hướng tìm một thứ chân chất của thơ. Là bao dung. Bao dung thơ là không cô lập thơ. Thơ là tiếng nói đan xen trong mạng lưới của đời sống. Sống. Không có gì ngoài tương dung. Thơ nói rằng mọi chia sẻ chỉ là bề ngoài, chỉ là lầm lỡ trong cái nhìn mù sương… Trong thơ cũng như trong đời, cái này thôi thúc cái nọ. Khoảnh khắc này thôi thúc khoảnh khắc kia mà sống. Những con người. Những phù du. Những phù dung. Cứ thôi thúc nhau mà sống”.

Tập thơ “Lao xao hồn phố”

Sự “thôi thúc nhau” để Bùi Phan Thảo in tập thơ này cũng từ lời hứa với “những con người” là bạn bè của tác giả. In một tập thơ đầu tay ở tuổi ngoài 50 là sớm hay muộn? Điều đó không quan trọng bằng chính những sẻ chia trong các câu thơ ấy được truyền tải đến người đọc. Khi mà: “Đêm dài đi qua đời người đi qua/ tối thượng quyền uy rồi cũng hết/ có gì đau hơn đẹp hơn cái chết/ một hoài thai cứu rỗi ăn năn”.

Xét cho cùng, thơ cũng chỉ là phương tiện để chúng ta đọc được tâm hồn của nhau. “Thơ trong thời kỹ thuật số” cũng không khác gì thơ của ngàn năm trước ở nghĩa biểu đạt tâm hồn mỗi cá nhân. Nhưng “Nếu thời ấy có chiếc mobile/ hẳn không có đoạn kết bi thương/ chuyện tình Romeo – Juliet/ nàng Mạnh Khương cũng sẽ biết tin chồng/ không phải mỏi mòn chết trong giá rét”.

Tuy nhiên, khi phương tiện quá hiện đại, quá nhanh mà người ta không thể làm chủ hoàn toàn sẽ sinh ra sự lệ thuộc. Để rồi: “Đôi khi muốn như người xưa/ xong việc về nhà đào ao làm ruộng/ khỏi âu lo như chúng ta đang sống hôm nay/ xe cộ như nêm, cây gãy bất ngờ,/ ngồi trên máy bay mà thấp thỏm”.

Đọc tập thơ đầu tay của Bùi Phan Thảo, còn thấy ông in thơ để hoàn thành thêm một lời hứa mà nhiều người muốn làm nhưng chưa chắc được, đó là “trồng một cái cây để có bóng mát, sinh một đứa con dù trai hay gái và in một cuốn sách để người đời sau biết mình đã sống như thế nào”.

Trần Hoàng Nhân
Theo Thể thao và văn hóa