Cái khăn mặt của thày tôi – Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

709

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiếc khăn mặt của thày tôi hình như mỗi ngày thêm bợt bạt, nó như vẫn còn được dùng để thấm những giọt lệ ứa ra từ khóe mắt, để lau những giọt mồ hôi luôn được túa ra từ cỗ máy đã cũ. Tất cả như còn nặng níu trên từng sợi vải; và, tất cả vẫn còn nhưng đắng ngắt!

Nhà văn Lê Vạn Quỳnh

Hà Nội người ta ngủ khuya thật. Lọ mọ dậy từ lúc bốn giờ nghe xung quanh im ắng, ra đường đi bộ lấy chút khí trời giờ này dễ bị cảm lạnh. Lại nằm xuống tìm cái iphone – con gái vừa gửi tặng – ngắm, mở, vuốt màn hình chém gió tí. Khó quá. Chức năng loạn xì ngầu. Vợ còn dậy sớm hơn, bà trao tôi cốc lipton nước còn nóng giòn rồi khẽ khàng nói: Anh bớt dùng điện thoại đi, hại mắt. Nói rồi, vợ đặt vào tay tôi chiếc khăn bông trắng, nói nhỏ như chỉ muốn mình tôi nghe: ‘‘Cái Thuỷ mới mua lúc chiều khi nó qua siêu thị, anh dùng tốt và hợp đấy!’’. Bà xã biết tính tôi bặt đâu hay đấy lại có tí bệnh tiếc của nên không giới thiệu thêm về chiếc khăn, giá cả và xuất xứ, là điều tôi không thích nghe. Quả đây là chiếc khăn đẹp, xịn, lô-gô ghi chữ Hàn Quốc. Vuông vải vừa vặn, không hoa văn, và cơ bản nó không trìu trĩu, nhẹ, khá nhẹ, nó hợp với người già. Không phải chỉ thứ này, lúc chiếc khăn len giữ ấm, khi gói trà ô long hoặc lon sữa trước lúc tôi lên tàu về lại quê, con dâu tôi nó chỉn chu như thế.

Tự dưng tôi thấy mình như bị một cú vấp. Huyết áp! Không! Tôi mới kiểm tra tuần rồi, bác sỹ nói còn ổn mà. Bình tâm lại, nhớ ra, tôi đứng lên mở ngăn tủ, lục tìm ngăn trên cùng, nơi tôi cất những kỷ vật: Tượng đồng hồ Big Ben, khuôn hình đấu trường La Mã, tháp Ep phen rồi ảnh chụp năm 1996 có cảnh Võ Đại tướng vui cùng đoàn học sinh dự thi Olimpic Hóa học mới từ Liên bang Nga về. Cái điều tôi chợt nhớ ra lúc vợ trao chiếc khăn mặt, là nhớ về chiếc khăn mặt của thày tôi – quê tôi gọi bố đẻ ra mình là thày* – chiếc khăn tôi không cho liệm vào quan tài cũng như không cho đốt gửi theo vong linh người như phong tục đối với người chết…

*

Vâng! Đó là chiếc khăn mặt của thày tôi, một vuông vải sợi xô màu cháo lòng, rộng độ hơn gang tay, chiều dài gấp đôi chiều rộng. Gọi là khăn mặt nhưng thày tôi ít dùng nó. Ông có lối rửa mặt đơn giản mà hiệu quả; nếu là chậu nước, bàn tay thày khum khum vục vào chậu, còn nếu nước chảy ra từ vòi, một tay ông khẽ khàng đỡ lấy ngọn nước, tay còn lại sẽ khóa chặt vòi khi nước đã vừa lòng bàn tay, sau đó thày tấp mạnh nước vào mặt, vào cổ. Mùa nóng ông không dùng khăn để lau lại mà để nguyên thế cho mát.

Chiếc khăn mặt được thày dùng chính yếu cho việc lau mồ hôi. Mồ hôi thày tôi luôn túa ra lớp nhớp như những giọt dầu lỉ rỉ từ cỗ máy đã cũ. Vậy mà có lần tôi bị sốt cao, nó được ông nhúng đẫm nước, vắt khô doa vào cổ, chùi sâu tận bẹn; sau cùng ông vò nó thật kỹ bằng nước sạch rồi cuộn gấp, đặt ngang trán tôi. Một kiểu hạ nhiệt nhanh gọn mà hiệu quả.

Thày tôi sống nghề mộc. Trước lúc đi làm xa, ngoài những khoan đục cưa bào được xếp trong cái bị bằng cói, ông thường dắt cái roi mây ở xó nhà, đuôi roi lòi ra độ gang tay rồi gọi tôi lại, nhắc: Lớn bằng nửa cây sào rồi, chơi nhởn học hành có giờ có giấc, cái roi để đó, con nhớ chưa? Thày lặng nhìn tôi giây lát, bốn chục tuổi cảnh gà trống nuôi con, lúc nào trông ông cũng khó nhọc và khe khắt. Nói vậy chứ cái roi lại ít được dùng, cả tháng xa nhà, thày chỉ thỉnh thoảng tạt qua gửi bà nội tôi mấy đồng chi tiêu. Là người tham công tiếc việc, thì giờ ông còn chẳng đủ để ngủ nghê nói gì đến việc đe nẹt con cái. Duy có một lần cái roi được làm việc cho cả hai chị em cùng thằng cháu gọi thày tôi bằng cậu, cả ba đứa bỏ học xem bộ đội chuẩn bị trận địa pháo tận chân núi Trường Lệ rồi còn rủ nhau tắm biển Sầm Sơn đến tối ngày. Chõng tre đặt trên hè nhà, ông ngồi giữa, một bên có cuốn sổ, trên có đặt cái bút chì dùng để tính toán gỗ lạt, bên còn lại đặt cái roi mây.

Thày cho ba đứa nằm xếp hàng úp mặt trên sân đất nện; tôi là đứa bày trò nên thày gọi trước; tôi nằm ép sát người vào bờ hè, tiếp đến thằng em còn chị gái thì nằm ngoài cùng. Thày chỉ phải giơ roi một lần mà cả ba đứa đều bị roi quất; nằm sát bờ hè tôi im thít do không bị đau, chị tôi thì khóc thé vì bị cuối roi.

Mẹ mất sớm, tôi có hai bà mẹ kế. Dì thứ nhất không hợp tính bà nội, dì chỉ sống với thày tôi độ vài năm rồi trở về nhà bố mẹ đẻ. Tôi nhớ có lần nhặt được mảnh giấy thày viết gửi dì, chữ kềnh càng nét nghiêng như dáng ông lúc ngồi một mình cưa cây gỗ to, đại ý ông nói vẫn rất nhớ dì, còn về ở hẳn bên đó – nhà bố mẹ đẻ dì – thì không thể, ông nói ông là cháu đích tôn còn phải giữ chân bàn thờ cho cả họ Lê Vạn.

Nghề của thày tôi chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Lạ nhất, ông lại muốn truyền cho tôi sự khó nhọc đó. Có bận, thấy thày một mình vần cây gỗ to, tôi nhón nhén lại định trợ sức, ông ẩy tôi ra. Và, khi nhìn tay tôi run run cầm giúp một đầu dây để ông vạch đường kẻ mực trên một tấm ván, ông bảo, thôi! Nhớ nhất cái hôm ông nhờ tôi cầm một đầu cưa cắt ngang thân cây xoan to, đáng ra cứ để lưỡi cưa tự nhiên thì tôi lại ấn mạnh làm lưỡi cưa bị mắc kẹt. Sau khi lách được cưa ra thì lưỡi đã bị xoắn vênh, ông vứt nó vào góc nhà, giọng lạc đi: ‘‘Thôi lo mà học, sau mài chữ ra mà ăn, con ạ!’’. Lại bàn học chưa kịp đụng vào chồng sách vở thì tôi thấy thày đang mở gói nhỏ bọc kín bằng mấy lần nilon. Ông đang lật đếm từng tờ giấy bạc; đa phần chúng đã xỉn màu. Món nợ mười đồng nhà chú Đệnh thày sắp đến hạn phải trả.

Thày tôi có vốn từ vựng ít ỏi. Tối làm về nằm cùng giường thày vẫn tranh thủ giảng giải giúp tôi phân biệt cho được thi hội khác thi đình, đậu thám hoa khác đậu bảng nhãn ở những điểm nào. Mỗi lần như thế, thày thường lần tay sâu vào bao dưới của áo nơi ông để bao diêm và hộp đựng thuốc lào để tìm quà cho tôi. Đó là lọn xôi tròn vo như quả trứng gà so được ông bớt ra từ tiệc hồi công thợ. Tôi nhóp nhép từng mẩu nhỏ thấy ngon, dù nó nồng mùi thuốc lào và ủ vị mặn mồ hôi của thày tôi.

*

Ngoài bảy mươi thày tôi vẫn khỏe, đi đứng mạnh bạo như người mới trung niên. Nghe vợ chồng tôi khởi công đặt móng nhà, tận dưới quê thày sốt ruột lục tục dậy từ lúc ba giờ sáng; ông lôi chiếc xe đạp từ xó nhà rồi cho nó tựa vào đụn rơm phía bên sân rồi cột riêng từng thứ; trước nhất là cái bị cói đựng đồ nghề như mũi khoan, lưỡi bào, chàng đục, viên đá mài và cuối cùng là chiếc cưa. Tất cả đều được cột trước bằng sợi dây chất vải dù nhưng cuối cùng thày vẫn néo thêm dây cao su. Ông bảo làm vậy để khỏi rơi dọc đường, vừa mất đồ lại dễ gây tai nạn cho xe đạp xe máy phóng qua.

Chưa đầy ba tháng nhà tôi đã rậm rịch hoàn thiện; lúc vắng thợ, thày tỉ mẩn tìm chỗ gỗ vặt, cưa cắt đục đẽo làm nên nhiều vật dụng, cái chạn đựng bát, chiếc ghế thấp ngồi nhặt rau, cái khung ảnh…

Một lần từ gian nhà được phân ở khu tập thể tôi sang xem nhà mới, tôi thấy xuất hiện chiếc tủ hai buồng, đặt ở góc phòng khách, mặt quay ra bàn trà nước, xung quanh còn ngổn ngang những mảnh gỗ vụn. Chiếc tủ trông dày dặn, nó rộng chừng một mét tư, cao ngang đầu tôi, mọng mị đều tăm tắp nhưng màu và vân gỗ thì vênh nhau, chỗ vàng chỗ nâu. Lúc đó, đáng lý tôi phải hồ hởi động viên hoặc ra phố mua giúp hộp vec ni cho thày đánh gỗ cho đồng màu nhưng hâm dở nó xui, sau khi xem mặt trước mặt sau của tủ, tôi lại trách: ‘‘Sao thày dùng gỗ tạp, gỗ bìa để dựng tủ, chả mấy bữa nó mọt ruỗng thì biết làm sao’’. Khi ấy thày ngồi thừ ra. Nhưng tệ nhất, tôi lại vào gian trong nói xẳng với vợ: Mai đưa tủ này về quê cho em gái, hiện nó chưa có tủ nên có thể dùng tạm cái này vài năm.

Sự xung đột giữa hai thế hệ xảy ra ở cách nhìn nhận sự việc. Tôi muốn thày không quá tốn công, đã phải bỏ sức ra thì nên bảo con nó mua gỗ tốt, tủ được làm ra sẽ bền, đẹp, lại dễ làm. Thày tôi không nghĩ thế, người thợ có thói quen làm đẹp cho nhà người ta, nhà mình sao cũng được, thu vén bòn nhặt đã ngấm vào máu của ông rồi.

Chỉ vậy mà thày giận. Có lẽ ông cho rằng thằng con trai vừa có nhà mặt phố đã thích sự sang trọng nên không biết quí công sức của ông. Đầu giờ chiều, chuẩn bị lên lớp, tôi sang phòng ngầm ý xin lỗi thày thì thấy ông đang lau mắt bằng chiếc khăn mặt màu cháo lòng đã cũ vàng. Thấy tôi, ông quay mặt đi im lặng. Tôi cứ thế đi làm. Cuối buổi, tôi vội về nhà thì con tôi mách, ông đã lên nhà bác gái. Biết giờ mình có lên nhà chị ngay cũng không làm thày hết giận. Sáng hôm sau chuẩn bị lên lớp, tôi định nhờ mấy bác thợ trợ giúp việc coi nhà, thì đã thấy thày và chị đứng ngay cạnh bậc cửa. Ông vào nhà vớ cái điếu, tay vân vi tí thuốc lào. Chị gọi tôi xuống bếp, dặn: Thày vậy mà hay tủi thân, đừng nhắc lại chuyện hôm qua nữa. Sáng nay, thày dậy sớm, giục xuống trông coi nhà cho vợ chồng kịp giờ lên lớp.

Tôi nhận ra trên tay thày có chiếc khăn mặt, bông vải còn trắng tinh – có lẽ chị tôi vừa mới mua – nó khá giống cái khăn con dâu mua cho tôi lúc chiều qua, điểm khác là không có chữ Hàn Quốc. Nhưng thày tôi lại gấp nó và cho vào bao dưới của áo. Trên vai ông vẫn vắt chiếc khăn cũ màu cháo lòng đã ố vàng…

*

Bỗng có tiếng leng keng báo gom rác thải từ các hộ dân phố.

Mửng sáng rồi còn gì. Tôi bồi hồi đứng dậy, tay nâng níu chiếc khăn mặt thày tôi dùng khi người còn sống.

U mê. Lầm lạc. Sự này vốn không có tuổi. Chiếc khăn mặt của thày tôi hình như mỗi ngày thêm bợt bạt, nó như vẫn còn được dùng để thấm những giọt lệ ứa ra từ khóe mắt, để lau những giọt mồ hôi luôn được túa ra từ cỗ máy đã cũ. Tất cả như còn nặng níu trên từng sợi vải; và, tất cả vẫn còn nhưng đắng ngắt!

L.V.Q

Ghi chú: * Thày: tiếng địa phương ở Thanh Hóa, có nghĩa là bố đẻ, cha đẻ (trong Nam gọi là ba)