Cái thập giá của cô Sáu Quyên

475

02.11.2017-07:00

 Nhà văn Nguyễn Quốc Trung

 

>> 30 năm từ cuộc gặp gỡ ấy

 

Cái thập giá của cô Sáu Quyên

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUỐC TRUNG

 

NVTPHCM- Chính lúc tôi vừa thảy cái va li lên bàn cân dây chuyền gửi hành lý điện thoại rung lên, tiếng người con gái Nam bộ nghẹn ngào xuội từng tiếng:

 

– Cái người Gầm Cầu của em đã đi cách đây nửa giờ rồi. Em đau khổ lắm, anh hãy xuống gấp, được không?

 

Tôi nhận ra tiếng đào Ngọc Quyên. Cái người Gầm Cầu là biệt danh cô gọi chồng mình. Tôi vội kéo va li xuống, rút cái vé máy bay và chứng minh thư trên bàn nhân viên làm thủ tục. Cô nhân viên hàng không tròn mắt hỏi:

 

– Sao kỳ vậy, anh?

– Tôi hoãn chuyến bay.

– Anh không được hoãn khi sát giờ bay, không đi bây giờ là mất trắng.

 

Tôi gật đầu và nghĩ, dẫu có mất cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu mình cũng chấp nhận để xuôi đồng bằng với người đẹp ca cổ giữa lúc này. Nhưng tôi không trả lời cô nhân viên vẫn mở to mắt ngạc nhiên và vội vàng kéo va li đi nhanh về hướng cửa ra nhà ga.

 

Lên tắc xi tôi nói với người lái:

 

– Tôi sẽ trả cả lượt đi và về cho cậu.

 

Người tài xế mừng tới độ ngọng lưỡi:

 

– Chắc anh có việc quan trọng?

 

– Đừng hỏi. Cứ địa chỉ ấy mà tới, tôi đã hủy vé máy bay năm triệu đồng thì không để cậu thiệt đâu.

 

Có lẽ thấy tôi quá hung hăng nên anh chàng hành nghề chở khách nín lặng, cảnh giác dò xét tôi lần nữa rồi đánh tay lái. Ngay sau đó, tôi cảm thấy xấu hổ với hành vi của mình. Chiếc tắc xi vừa thoát ra khỏi bãi đậu xe sân bay, tiếng đào Ngọc Quyên lại dồn lên trong điện thoại:

 

– Anh đã sắp tới chưa?

 

Chặng đường hơn năm trăm cây số, họa có máy bay cũng chưa nói tới chuyện đến, huống là xe bốn bánh vừa xuất phát mấy phút. Chắc cô đào trong cảnh tang gia bối rối nên vậy. Nhưng mà nghĩ cho cùng, tuy là tàn nhẫn, sự ra đi của con người đó như là một sự giải thoát cho cô.

– Tôi sẽ tới kịp thời gian để cùng với cô đưa người hùng gầm cầu ấy về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Ngọc Quyên thốt lên:

 

– Đúng là số em hên khi gặp anh ở quán chòi lá ấy. Em gọi là mưa cơ duyên đó. Anh nhớ đi cẩn thận nghen.

 

***

 

Giọng cô đào miệt vườn bao giờ cũng khiến người nghe tưởng đứng tin. Tôi lại nhớ tới trận mưa cơ duyên ấy, dân miệt vườn gọi là mưa rước cá, khiến căn chòi lợp lá dừa nước tưởng như bềnh lên giữa thác nước. Trong một căn chòi giữa nhà hàng bên sông, chỉ còn lại tôi với đào Ngọc Quyên. Khuôn mặt với những đường nét sắc của cô đào lừng lẫy một thời trên sân khấu sáng lên. Trước mưa các thực khách khác đã say mèm khật khưỡng đi như bò sang các chòi khác nghỉ giải hơi men. Tôi không ngờ, gặp thần tượng của mình trong hoàn cảnh thế này. Thời ấy, mỗi khi Ngọc Quyên bước ra tha thướt trong áo dài hoàng yến hay bộ bà ba đen nhánh, tựa thôn nữ mộc mạc, cất tiếng ca khiến khán giả sân khấu lặng người, cái dáng ấy khiến tim bao nhiêu đàn ông thổn thức. Tôi đã chứng kiến nhiều buổi diễn có mặt của Ngọc Quyên, sân khấu ngoài trời ở công viên Tao Đàn có cả ngàn người lặng đi rồi tiếng vỗ tay tiếng la hét rền lên, cô như chìm đi giữa những lẵng hoa bó hoa người hâm mộ tặng, và bao giờ cũng vậy, xe hơi, xe máy, xe đạp, xích lô giong tiễn cô về tới cổng nhà. Có một dạo, hình ảnh, những câu chuyện về Ngọc Quyên xuất hiện hàng ngày, làm tăng số lượng phát hành cho các tờ báo.

 

Cô nói:

 

– Tôi chỉ hạnh phúc chốc lát trong quầng sáng của đèn sân khấu thôi, bước ra cuộc đời là…

 

– Hình như đời ai cũng vậy, chỉ hạnh phúc trong môi trường nào đó thôi. Vậy cũng là may mắn rồi, cô à.

 

– Bước ngoặt đời tôi là khi lấy chồng.

 

– Tôi biết, hồi đó báo chí đưa tin cô lấy người nào đó thuộc dạng danh gia vọng tộc ở miệt vườn này mà.

 

– Anh ta là chắt nội của một người có tên đường tên cầu ở miệt vườn, ba cũng là cán bộ cao cấp, má là con một bí thư tỉnh ủy thời đánh Pháp.

 

Ngọc Quyên cho biết, thời đó, bạn bè khuyên cô chọn người làm chồng đứng đắn, có tư cách, cần mẫn làm ăn, chớ buộc thân mình vào một kẻ lãng mạn như cánh nghệ sĩ. Thân phụ nữ chẳng có gì bằng một gia đình êm ấm, có đủ điều kiện kinh tế để làm điểm tựa cho hoạt động nghệ thuật. Trong một lần đi diễn ở tỉnh, một anh chàng kỹ sư lọt vào mắt xanh cô ca sĩ trẻ. Anh tên Bấc, kỹ sư điện tử, chủ một đại lý lớn bán ti vi, tủ lạnh, kiêm bảo hành. Dạo ấy, hàng điện tử hiếm, kỹ sư ngành ấy rất được trọng vọng. Có một cơ sở kinh doanh như vậy thuộc dạng đại gia rồi. Bấc sinh ra trong một gia đình cách mạng nổi tiếng ở miền Tây. Cưới xong, em cứ theo nghề em, anh sẽ đảm nhiệm chân vệ sĩ, lái xe đưa em đi về. Bấc thì thầm vào vành tai đang ửng lên của cô vậy. Tuy thế, Ngọc Quyên hơi băn khoăn, mặt Bấc hơi dẹt, miệng bẹt, giọng nói làu nhàu, không rõ lời. Nhưng rồi, cô tự an ủi, Nhân bất thập toàn, còn giọng nói của anh mình sẽ sửa dần.

 

Buổi đầu Bấc là người giản dị, phóng khoáng, mua cho cô đủ thứ đồ nhiều tiền, nhưng quá tính toán, trước khi trả tiền, nì nèo, cả giờ đồng hồ. Khi về sống với nhau, cô mới hay, hóa ra bên ngoài cái dáng vẻ trí thức là tay ích kỷ. Nhiều lúc, anh ta tổ chức đãi bạn bè ở nhà hàng sang trọng, nhưng bao giờ cũng rủ một người nào đó tới dự và thanh toán tiền. Bằng giọng trang trọng, anh giới thiệu khách với người đến thế chân chi trả ấy. Và, bằng mọi cách anh cài người đó vào một thế nào đó, một lời hứa tìm hợp đồng, xin việc, chẳng hạn. Ngọc Quyên cảm thấy xấu hổ, nhưng đâu dám phản ứng. Nhiều khi cô thấy thương người phải chi những món tiền đáng ra không phải mất ấy, đành tìm cách biếu món quà, cô làm một cách tế nhị để người kia không bị tổn thương. Bấc lại thường ghen ghét, tìm mọi cách nói xấu, hạ uy tín người người hơn mình. Nhưng trước mặt người có chức quyền ở địa phương khi gặp Bấc khúm na khúm núm. Đã thế, kiến thức anh ta lại khập khiễng, nhiều lúc thấy anh nói chuyện với bạn bè mà cô xấu hổ tới sượng người. Cô không thể tưởng tượng nổi, một người có trình độ đại học mà kiến thức phổ thông lõm bõm đến vậy. Đã thế lại hay ba hoa. Hễ ngấm rượu là miệng méo dệch, nhả ra thứ tiếng nửa ngợm. Hóa ra, thời niên thiếu, được học trường nội trú tỉnh, nhưng Bấc là kẻ biếng lười, ham chơi, tối dạ, nên bị ba anh ta từ mặt. Thực ra, không phải ông ghét bỏ gì con, ông mong anh ta thành người nên để cậu phải biết tự lực học hành, lao động. Học đến lớp mười một, Bấc nghỉ ngang, nhờ là con cán bộ cao cấp nên hắn được nhận vào bưu điện huyện làm nhân viên đưa thư, chuyển báo. Mấy năm sau, người ta cho hắn học bổ túc cấp ba, rồi học đại học tại chức buổi tối, bữa cóc, bữa nhái, tấm bằng là thiệt, nhưng kiến thức giả.

 

***

 

Một năm sau ngày cưới, con trai họ chào đời. Ngọc Quyên những tưởng, Bấc sẽ đứng đắn hơn. Nhưng rồi, hàng điện máy rớt giá, nhu cầu của người tiêu dùng bão hòa. Thua lỗ nặng, đến độ phải bán thốc bán tháo hoàn vốn nhưng vẫn nợ ngân hàng mấy tỉ, đành bán ngôi nhà ba má để lại, đi mướn một căn hộ cấp bốn để ở.

 

Muốn đánh giá bản lĩnh một con người chính xác là khi đương đầu với khó khăn. Bấc đầu hàng hoàn toàn, hắn trở nên bạc nhược, sa vào con đường rượu bia, ngày nào không có chất men là phát điên lên, nhiều lần, cô bắt quả tang hắn mở ví trộm tiền của cô. Nhưng cô vẫn im lặng, xấu chàng hổ ai. Khốn nỗi, hễ nốc bia rượu vào là mặt hắn đỏ bầm, giọng dính nhàu và dở thói côn đồ cả với người lối xóm. Mọi người coi hắn là đồ bỏ đi, chẳng ai thèm nói chuyện với hắn nữa.

 

Rồi hắn đến cây cầu mang tên cố hắn, dùng tấm cót quây lại như cái hang dưới gầm làm nơi ở. Hàng ngày hắn đón đường khách đi qua xin tiền. Tối hắn ngủ trong cái phòng chật, thỉnh thoảng rung lên trong tiếng xe tải hạng nặng chạy bên trên. Thời gian đầu, hắn không ngủ nổi, có lúc phải chạy ra ngồi ở vệ cỏ, buồn quá, hắn vào hang lấy chai rượu ra uống một mình, dần dần rồi quen. Tính tình hắn ngày càng hung hãn, thích gây sự với người đi đường. Người ta gọi hắn là thằng Gầm Cầu. Bây giờ, hắn trở thành một dạng Chí Phèo ở vùng này. Dân ấp ghê hắn như ghê con chó dại. Một số người khuyên Ngọc Quyên hãy dứt bỏ hắn, một số khác lại bảo nên rước hắn về cưu mang để hắn làm lại cuộc đời. Ngọc Quyên không thấy khó chấp nhận, dù sao anh ta cũng là cha của con mình, dứt bỏ đi thiệt là không phải, nhưng rước hắn về cưu mang giáo dục thì không thể vì con người ấy đã tha hóa tới cực độ. Anh ta không còn dũng khí để làm lại đời mình nữa rồi.

 

Sống với Bấc, Ngọc Quyên gần như mất hết cảm hứng ca hát, mất dần khán giả sành nghệ thuật cải lương, cô trượt vào biểu diễn trong quán ăn, nhà hàng để kiếm sống.

 

***

 

Xe đến nơi trời đã cuối chiều. Mang danh thành phố, nhưng nơi này vẫn còn dáng dấp của một thị xã, cái khu phố Ngọc Quyên cư ngụ giống như một cái ấp. Đến đầu ấp, tôi bảo người cầm vô lăng dừng lại, đã nghe tiếng nhạc, tiếng ca từ xa vọng tới, rồi nhanh chóng thanh toán tiền như đã thỏa thuận. Anh ta cầm xấp tiền tôi trao:

 

– Em có thể đợi đưa anh về Sài Gòn được không?

 

– Cậu cứ về trước.

 

Tôi mang túi xách, kéo cái va li theo con đường nhỏ đến nhà Ngọc Quyên. Khi đến gần, tôi thấy cờ tang cắm dọc đoạn ngõ, người đi lại rất nhiều, nhưng lạ thay, mặt người nào cũng rất tươi tỉnh. Nếu không có cờ rủ, không có tiếng kèn thì ai cũng nghĩ đây là đám tiệc, chứ đâu phải đưa tiễn người về cõi bên kia. Một người đàn ông từ nhà đi ra, dừng lại nói với tôi:

 

– Không biết chả chết từ lúc nào mà người cứng quắp như con khỉ đột chết cháy rừng, tụi này phải tắm chục lít rượu mới làm thân thể hắn thẳng ngay mới cho vô hòm được đó.

 

Ngọc Quyên mặc áo xô, đầu vấn khăn trắng đang ngồi trò chuyện với mấy người khách đến viếng bên cái bàn nước trước nhà. Trông thấy tôi, cô đào chạy ra:

 

– Anh tới rồi sao?

 

Khuôn mặt Ngọc Quyên sưng vù nhưng không khóc, hay là nỗi đau mất chồng quá lớn khiến cô không thể khóc nổi.

 

Đám tang ở đồng bằng không bi thương như nơi khác, mấy ca sĩ miệt vườn, chắc là bầu bạn của vợ người quá cố hát những bài ca nhạc cách mạng, nhạc vàng, bài này chưa xong bắt qua bài khác, nhộn nhạo không thể tưởng.

 

Sau khi thắp nhang phúng điếu, tôi bị mấy người đàn ông lôi vào bàn nhậu ngay ở sân, cách cỗ áo quan mấy bước chân. Người ta nâng ly chúc nhau, ỏm tỏi cả lên.

 

Người Gầm Cầu được mai táng ngay trong vườn phía sau nhà, nơi có mấy dãy mộ ông bà cha mẹ anh ta. Tôi không dè, người ta chôn người chết gần nhà đến vậy. Lấp xong là đổ mộ bằng bê tông niềng chặt luôn. Người cao tuổi nhất trong họ nói vậy.

 

Khi sắp cho quan tài xuống huyệt, chợt có tiếng đàn bà khóc rống. Ngọc Quyên chớ ai, cô vật vã khóc bên cỗ áo quan, nhiều lúc như đập đầu vào thành áo quan. Coi chừng con nhỏ quyên sinh theo chồng. Một ông già la to. Người ta phải lao vào giữ chặt cô để khỏi tự vẫn.

 

Áo quan vừa đặt xuống nền huyệt, mấy tay đô tỳ đã nhanh chóng hất đất lấp đầy rồi đặt tấm đan bê tông dày lên xây gạch bốn phía, người ta làm nhanh như chôn một con vật chớ đâu phải người.

 

Mai táng xong, thân chủ mời mọi người vào nhà ăn uống tiếp. Tôi chẳng làm chủ được mình nữa, cũng ngồi vào bàn, nhưng đầu óc trống rỗng, không còn hiểu ra thế nào.

 

Một hồi, Ngọc Quyên xách chiếc ghế nhựa đến ngồi cạnh tôi:

 

– Em thấy mình có tội với anh ấy. Ai lại gọi chồng là người Gầm Cầu rồi lại bỏ bê anh ấy sống vạ vật như vầy. Nhưng mà thôi, số tụi em xung khắc đành vậy, chớ sao. Hơn nữa, từ nay em thấy nhẹ người như trút được gánh nặng, nói chính xác là thập giá em mang mấy chục năm nay như được gỡ ra rồi. Từ nay em chú tâm vào nghiệp.

 

Tôi gật đầu, im lặng. Suy nghĩ một lát, Ngọc Quyên nói tiếp, cô đổi cách xưng hô, giọng trở nên xa xôi:

 

– Nhưng em đã trượt vào môi trường hàng quán, nhiều lúc kiếm tiền một cách thấp kém, chắc tổ đã phạt, bây giờ khó trở về với nghề chân chính. Làm nghệ thuật khó nhất là giữ mình trước cám dỗ. Có lẽ cô còn phải mang cái thập giá vô hình tới hết kiếp. Phải vậy không, anh?

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Hoàng hôn rực rỡ – Vân Hạ

>> Cát chảy – Sơn Trần

>> Đám tang đầu ngõ – Tạ Ngọc Điệp

>> Ngôi nhà trong bụng mẹ – Trần Quốc Toàn

>> Sương khói mịt mờ – Đỗ Bích Thuý

>> Khúc sống – Vũ Thị Huyền Trang

>> Vòng tròn – Dương Thành Phát

>> Nhìn từ phía khác – Dạ Ngân

>> “Nữ Oa” của làng – Mai Hương

>> Người chạy theo người – Trương Văn Tuấn

 

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…