23.6.2018-09:35
Một người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải đi ăn xin thì không có gì là xấu, người ăn xin bình thường thì cũng không gây hại cho xã hội. Nhưng nếu việc ăn xin lại có sự bảo kê, chăn dắt, bóc lột sức lao động người tàn tật, người già yếu, trẻ em thì đó là tội ác.
Ở TP.HCM, nạn bảo kê, chăn dắt, hành hạ người ăn xin diễn ra đã lâu nay. Nếu để ý quan sát ở bất cứ địa điểm nào có đông người ăn xin, không khó nhận ra rằng họ cùng một “hội”, có ai đó quản lý, phân chia địa bàn hoạt động cho họ… Và ai đó ăn xin riêng lẻ cũng “khó ổn” với những nhóm người này.
Được biết, từ cuối năm 2014, chính quyền thành phố đã có hai giải pháp: vận động người dân không cho tiền người ăn xin và thu gom, tập trung người ăn xin, lang thang đưa vào các cơ sở xã hội. Tôi cho rằng kêu gọi “không cho tiền người ăn xin” là một ý tưởng nên được ủng hộ.
Nếu mọi người cùng hưởng ứng, chắc chắn số lượng người ăn xin ở thành phố sẽ giảm. Người Sài Gòn hào hiệp, đất Sài Gòn dễ sống, nhưng không thể hào hiệp, dễ sống với những kẻ lười lao động, kiếm ăn bằng việc lợi dụng lòng thương hại.
“Không cho tiền người ăn xin” không phải không nhân đạo. Lòng nhân đạo, nhân ái luôn được khuyến khích, nhưng phải đặt đúng chỗ, đúng người, đúng lúc. Nếu không, nó không chỉ uổng phí mà còn khiến cho người nhận luôn ỷ lại, chây lười lao động.
Bên cạnh việc tuyên truyền, nên khuyến khích người dân thay vì cho tiền, khi phát hiện người ăn xin, lang thang nên tích cực thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết. Việc đưa người ăn xin không nơi cư trú vào chăm sóc ở các cơ sở xã hội là điều tốt nhất đối với họ nếu thực sự gặp khó khăn, không có khả năng lao động.
Những người ăn xin không nơi cư trú, không có khả năng lao động thì chuyển đến các cơ sở xã hội chăm sóc lâu dài; những người xác định được nơi cư trú, còn sức lao động thì tạo điều kiện cho hồi gia, học các nghề phổ thông đơn giản, dễ tìm việc: may, thợ xây, cắt tóc, làm móng… hỗ trợ tìm kiếm việc làm khi ra nghề.
Ăn xin là chuyện không chỉ riêng có ở TP.HCM hay Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển hàng đầu thế giới vẫn có thể thấy người ăn xin. Nhưng không vì cớ này để nói rằng khó dẹp nạn ăn xin.
Chúng ta hiểu rằng việc giải quyết nạn ăn xin tại một thành phố lớn có đông dân nhập cư như TP.HCM là không dễ dàng. Các biện pháp thực hiện cũng chưa thể có kết quả tức thời. Nhưng nếu không làm thì vấn nạn ăn xin sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn.
Không nên làm theo “chiến dịch”
Việc thu gom, quản lý người ăn xin cũng cần được thực hiện thường xuyên, không nên theo “chiến dịch”. Cần công khai số điện thoại tiếp nhận thông tin người ăn xin, người lang thang… tại các địa điểm công cộng, nhất là những nơi có khả năng tập trung người ăn xin. Cần nhanh chóng xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt, lạm dụng người ăn xin theo quy định pháp luật.
TRUNG KIÊN/TTO
>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…