Cáo chết về núi – Truyện ngắn của Việt Thắng

695

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đời người đúng như cụ Đỗ Phủ đã nói: “Vó câu qua cửa sổ”. Sống chả bao lâu mà mưu toan đủ thứ.

Nhà văn Việt Thắng

Cạnh khu nhà tôi ở, có con hẻm cụt. Do đất phân lô tự phát nên chưa có nhà dân ở nhiều. Đường đã được trải nhựa, ít người và xe cộ qua lại. Tôi hay vào đi bộ tập thể dục dưỡng sinh. Trong những người bạn già đồng hành, đáng lưu ý có ông bạn; có lẽ tuổi đời ngót nghét bảy mươi có dáng vẻ trí thức.

Trước lạ sau quen, thi thoảng cũng hay ghé nhà nhau làm chén trà, tâm sự chuyện đời. Dần dà hiểu nhau, anh mới nói rõ anh là người Việt quốc tịch Mỹ. Tôi ngạc nhiên khi mọi người tìm đủ mọi cách để qua Mỹ sống. Anh lại bỏ chốn thiên đàng về đây sống với người vợ già và cô con gái bị thiểu năng trí não. Cả gia đình anh đang sống trong một căn nhà cấp bốn, tại một con hẻm nhỏ. Qua những lần anh kể chuyện, tôi chắp bút lại…

Quê anh tận ngoài miền Trung. Nhà tuy nghèo nhưng gốc gác ông bà cũng là nhà Nho. Sau bao năm miệt mài trên ghế nhà trường. Anh cũng trở thành một thày giáo dạy trung học đệ nhất cấp.

Chiến tranh bùng nổ lan tràn. Anh bị động viên vào học trường sĩ quan võ bị Thủ Đức. Sau hai năm cam go trong quân trường. Ra trường với lon chuẩn úy chức trung đội trưởng. Bị điều động về trung đoàn 46, sư đoàn 25; vùng hoạt động là đồng bằng Nam Bộ. Những cuộc hành quân bình định liên miên. Quân Mỹ rút về nước, thay xác chết bằng màu da vàng bản xứ. Hiệp định Paris được ký kết. Vùng Long An nơi trung đoàn anh đóng quân đã gần như bình định xong. Anh luôn suy nghĩ, chẳng sớm thì muộn hai bên sẽ tìm ra giải pháp hòa hợp dân tộc.

Chiến tranh. Mỗi bên đều cố tìm mọi cách để thắng phe kia. Bên Quốc Gia bị cắt bầu sữa viện trợ của Mỹ, thế lực đang suy dần. Trong khi đó bên mặt trận Giải Phóng vẫn âm thầm nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Đang bí mật dồn lực lượng vào phía Nam.

Đùng đùng chiến trường Tây Nguyên bùng nổ. Hỗ trợ cho Tây Nguyên là chiến trường Quảng Trị Thừa Thiên Huế và miền Đông Nam Bộ. Quân đội Quốc Gia cả hàng triệu quân; đã rệu rã từng mảng. Lệnh “tùy nghi di tản” của tổng thống Thiệu ban ra. Ít ngày sau những người lính sư đoàn 23 đóng quân vùng Tây Nguyên lôi thôi lếch thếch chạy về phía giáp ranh Sài Gòn mặt mày chẳng còn hồn vía.

Khi đài phát thanh Sài Gòn phát ra lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Lúc này anh đã mang non đại úy. Sĩ quan, binh lính đóng quân trong căn cứ Bến Lức, Long An nháo nhào. Mạnh ai nấy quăng súng bỏ ngũ tìm đường về quê. Anh cũng trở về nhà ở Sài Gòn. Ngày ra trình diện ban quân quản. Được cho về nhà chuẩn bị, ít ngày sau tập trung đi học tập cải tạo.

Đúng ngày hẹn. Quần áo, đồ dùng cá nhân anh khoác tới điểm hẹn, với lòng nặng trĩu đầy lo âu. Tám giờ sáng mà người đã đông nghịt, người quen biết cũng nhiều. Họ chỉ hỏi thăm qua loa nhau, gương mặt ai nấy đang nặng trĩu nỗi lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao?

Khoảng 10 giờ sáng. Tất cả được dồn lên các xe vận tải. Mỗi xe vài chục người, chật như nêm, cứ hết đứng lại ngồi. Xe chạy qua những làng quê; hai bên đường còn chỏng chơ những tàn tích chiến tranh chưa kịp dọn dẹp. Những chiếc xe tăng, xe bọc thép T-54, M-48, M-113… xe jeep, xe tải, xe đò, cả những chiếc xe lam, xe ba gác; nằm chỏng gọng hai bên vệ đường trong đủ tư thế. Những mái tường gạch bị thủng toang hoác; như những con mắt đen ngòm đang trợn trừng nhìn những người đi qua. Những mái tôn quăn queo, bị gió thổi xập xình đập lên đập xuống như gõ nhịp trên mái nhà. Những thân cây bị đạn găm chi chít lỗ, có cây bị phạt gãy ngọn nằm xòa như úp mặt xuống đất, ứa nhựa vàng trên vết gãy… Bặt tăm không hề có một tiếng súng.

Đến nửa đêm xe mới tới nơi. Tất cả được điểm danh và chia vào các đội. Mỗi đội là một nhà ba chục người. Vạt giường ngủ là những thân tre lồ ồ được đập dập trải dài suốt căn nhà. Mỗi người được phát một chiếc chiếu cá nhân, diện tích không gian ngủ, nghỉ của mỗi người chỉ trong tấm chiếu đó.

Sáng phải thức dậy sớm như quân đội. Tập thể dục và điểm tâm bằng những củ khoai mì luộc. Bảy giờ mọi người tập trung lên hội trường nghe phổ biến về nội quy của trại. Cán bộ luôn mồm nói về lòng nhân đạo của Cách Mạng. Đưa anh em tập trung về đây là học tập cải tạo; để sau này sẽ là người công dân tốt, trong một xã hội chủ nghĩa ưu việt.

Khẩu phần ăn mỗi người mỗi ngày được 450 gam gạo, cộng với khoai sắn mà anh em tù trồng được. Thức ăn cả hàng trăm người nấu trong những cái chảo lá sen. Hôm thì rau lang, hôm thì rau muống… Lõng bõng trộn trong đó là mấy hộp thịt heo, và ít mỡ đóng trong các thùng thiếc… Cán bộ thì luôn mồm đả thông, vì tình hình khó khăn chung của đất nước, sau mấy chục năm bị chiến tranh tàn phá. Dân ở nhiều nơi còn chưa được tiêu chuẩn gạo như anh em. Lao động một ngày đúng tám tiếng. Có hôm đi phát rẫy, có ngày đốn cây, cắt tranh về lợp lán trại… Những đồ khô dự trữ đem từ gia đình theo của mỗi người chẳng trụ được bao lâu đã cạn. Bắt đầu mọi người mới thấm thía cái đói. Đáng sợ nhất là bệnh sốt rét, không mấy người tránh khỏi; dù đã uống thuốc phòng. Thân xác mỗi người cứ tự teo tóp lại theo ngày tháng.

Hàng tuần có hai buổi sáng học chính trị. Đại loại những bài: Sự tàn ác và bất công của chế độ tư bản; tư bản đang giãy chết… Và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, thế giới đại đồng, lòng nhân đạo của cách mạng… Chiều đến là mỗi người phải tự viết về nhận thức kết quả học tập. Tự nguyện khai những tội lỗi đã gây ra với nhân dân và cách mạng.

Cái điều đáng lo và sợ nhất là chẳng hề biết được bản án học tập cải tạo bao lâu. Chỉ nghe cán bộ trại nói như thuộc lòng: “Về sớm hay muộn là do thành quả cải tạo của mỗi người.”

Thấm thoắt vậy mà bốn, năm năm rồi. Phần đói khát cơ thể suy nhược, lại phải lao động cực nhọc nặng nề. Tuổi anh đã bước qua ngưỡng xế chiều. Điều căn bản nhất là tư tưởng luôn căng thẳng lo nghĩ về số phận. Sức khỏe suy kiệt, không làm nổi việc nặng; được chuyển xuống tổ tăng gia trồng rau. Hôm chuyển xuống tổ tăng gia nằm ngoài trại, gần một con suối. Tổ này có mười mấy người ốm yếu; chuyên môn tăng gia trồng các loại rau, và chăn nuôi lợn. Một ông tù già thân hình gầy nhom làm tổ trưởng nhìn anh, phán một câu:

– Bị ma chê rồi hả?

Nói xong ông ta vỗ vai an ủi:

– Dù sao nơi này cũng dễ chịu hơn, còn có cái đồ thừa mà nhét vào bụng cho no.

Quả đúng như vậy. Hàng ngày tổ cử người lên lấy cơm thừa canh cặn của trại tù và phần của cán bộ vệ binh. Cơm thừa của tù thì chỉ có rau, khoai mì; còn ở nhà bếp vệ binh thì có rất nhiều cơm, có hôm còn cả thịt hộp và thịt heo tươi. Thực tế tiêu chuẩn của họ cao nên họ ăn đâu có hết. Nhìn anh em moi xúc cơm, thịt bỏ riêng ra. Phần còn lại nấu lẫn với rau để cho heo ăn. Thành thử bữa nào cả cái tổ tăng gia của trại tù gồm mười mấy người, cũng được ăn no bụng từ những sản phẩm cơm thừa, canh cặn đã được nấu lại như cháo heo.

Sợ nhất là hôm được phân công đi lấy phân tươi tưới cho rau. Trước khi đi đã được dặn kỹ là phải mang theo khăn để bịt miệng, mũi. Tới thùng cầu tiêu anh mới thất kinh: Lật mấy cây gỗ làm bàn cầu lên; phía dưới là nhung nhúc những dòi đủ các thế hệ. Ruồi nhặng, ruồi đen… bay ra bu kín cả người và mặt. Bịt khăn như thế mà mùi thối bốc lên muốn nghẹt thở, chảy cả nước mắt. Khiêng về tới đám rau, phải múc nước đổ vào lấy cây khuấy cho tan ra. Sau đó thì dùng ca làm bằng tôn múc tưới vào từng gốc cây rau. Điều đã được căn dặn kỹ là tránh tưới lên lá rau. Về nhà khi ăn cơm, bưng bát cơm lên mà hình ảnh những con dòi lúc nhúc, mùi ô uế của phân cứ nuốt miếng cơm vào là muốn ói ra.

Đói. Lao động cực nhọc, đầu óc luôn căng như sợi dây đàn, tuổi đời mỗi ngày một cao; không biết tương lai sẽ ra sao. Thân hình anh càng gầy xọm. Cơ thể phát đủ thứ bệnh. Đến ăn uống còn chả muốn nổi. Gia đình đã mua thuốc ngoài đem lên, nhưng sức khỏe ngày một suy kiệt không thể lao động được. Thực tế ở trại này đã có một số người bị bệnh mà chết. Anh là người thường trực nằm bệnh xá của trại. Một lần được cán bộ trại gợi ý, anh nói lại với gia đình làm đơn bảo lãnh, có sự xác nhận của địa phương. Vài tháng sau, anh được ra khỏi trại cải tạo với thân hình xanh xao, gày guộc đi phải có người dìu.

Sau tám năm đi học tập cải tạo, nay về nhà cứ nằm liệt giường. Chỉ còn căn nhà gia đình đang ở; cũng phải bán đổ bán tháo để lo thuốc thang cho anh. Thế là gia đình phải đi ở nhà thuê. Do sự săn sóc của người vợ, và có tiền bán nhà chạy chữa đủ mọi nơi. Sức khỏe của anh dần hồi phục.

Cả đời chỉ biết dạy học, cầm súng bắn nhau, trong trại cải tạo chỉ biết chặt cây, cuốc đất, tưới rau… Thành thử đã bốn mươi mấy tuổi rồi chỉ có nước xin đi làm anh phụ hồ. Những ngày đầu xách nặng, trộn hồ xi măng, cát, rồi phải khuân vác gạch, thở chẳng ra hơi. Tay bị phồng rộp, sau thời gian chai sần lên từng cục.

Quầy quả rồi cũng qua ngày. Chị vợ bươn chải buôn bán lặt vặt vỉa hè. Hai vợ chồng trước đó đã có một đứa con gái. Bị bệnh thiểu năng trí não. Đã hơn mười tuổi rồi mà vẫn phải lo từng miếng ăn, cho đến tắm giặt. Làm được đồng nào nhịn ăn, nhịn uống lo cho con, lo gầy dựng lại gia đình. Vợ chồng anh cứ hy vọng mua được căn nhà nhỏ, để có chỗ mà trú mưa nắng.

Do sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam. Những người phục vụ cho chế độ cũ có thời gian học tập cải tạo từ ba năm trở lên sẽ được nhập cư qua Mỹ theo diện HO. Anh cũng làm đơn, nhưng không thể để vợ đi theo vì đứa con bệnh tật. Hai vợ chồng quyết định chỉ mình anh đi. Nghe nói bên đó làm dễ kiếm tiền và giá trị ngày công rất cao. Thôi thì hy sinh những năm tháng còn lại vì vợ con vậy.

Qua bên đất nước lạ lẫm, cái gì với anh cũng bỡ ngỡ. Tám tháng đầu còn được trợ cấp của chính phủ Mỹ. Đang ăn cơm đã quen từ bé, qua đây thức ăn thay đổi hoàn toàn, những ngày đầu nuốt không nổi. Nếu cứ nằm chờ hưởng trợ cấp, tiền đâu gửi về nhà cho vợ con. Lần dò hỏi thăm được một số bạn bè mách bảo. Anh tranh thủ xin đi làm phụ hồ chui cho mấy sếp người Việt là chủ thầu. Lương thấp hơn so với bên ngoài; nhưng được các ông thầu trả bằng tiền mặt vào mỗi cuối tuần. Làm phụ hồ công việc cũng bấp bênh khi có khi không. Hàng tháng ky cóp lắm cũng chỉ gửi về Việt Nam được vài trăm đô la.

Hai điều căn bản khi nhập cư vào Mỹ là ngôn ngữ và lái xe. Anh cố gắng xen kẽ thời gian đi học hai thứ đó. Còn nghề nghiệp chuyên môn tối thiểu cũng phải học hai năm. Tuổi thì cao, thời gian đâu, vợ con bên Việt Nam đang ngóng trông tiền từng ngày. Thôi đành xin vào nhà máy làm anh công nhân đứng dây chuyền là nhanh và đơn giản nhất. Thế là anh xin vào một nhà máy đóng hộp thịt bò. Công việc của anh hàng ngày là đứng bên máy dập nắp lon. Có bằng lái xe nhưng tiền đâu mà mua xe. Nếu ít tiền mua xe ô tô cũ, giá chừng năm trăm đô la thôi; thì một năm đóng các thứ thuế và phí bảo hiểm cũng trên ngàn đô la. Thôi đành cứ sáng sáng dậy sớm ra đón xe buýt đi làm. Có hôm rét căm căm đứng đợi xe mà hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Phần nhà ở đã được một Việt kiều cùng quê cho ở chung, chỉ trả tượng trưng mỗi tháng năm trăm đô la. Tiền lương của anh cứ tăng dần theo thâm niên làm việc. Được bao nhiêu anh đều gửi hết về Việt Nam, dặn vợ để dành sau này sẽ mua một căn nhà.

Tủi thân nhất là những đêm mùa đông rét buốt. Một mình lạnh lẽo trong căn phòng. Nghĩ về những ngày tháng học tập cải tạo, ra tù kiếm miếng ăn trầy máu mắt. Tưởng đâu qua bên đất nước được mệnh danh là thiên đàng này sung sướng. Ai ngờ… Suy cho cùng con người cũng như một cỗ máy công nghiệp. Mở mắt ra là đi làm. Tối đến mới được về nhà, sấp ngửa hâm nóng mấy thứ đồ ăn bằng lò vi sóng, mua bỏ sẵn trong tủ lạnh cả tuần. Vừa ăn vừa xem truyền hình, hoặc gọi điện về thăm vợ con… Rất nhiều thứ hóa đơn đổ lên đầu phải thanh toán hàng tháng. Chứ chả phải như bên Việt Nam sống sao cũng được. Thôi thì tằn tiện được thứ nào hay thứ ấy.

Theo như dự tính, anh sẽ cố gắng đi làm cho đến tuổi nghỉ hưu rồi về Việt Nam sống với vợ con những năm tháng còn lại. Chưa tròn chín năm nhà máy nơi anh làm việc phải đóng cửa. Trong thời gian chờ xin việc làm khác. Anh tranh thủ bay về Việt Nam thăm vợ con sau cả chục năm xa vắng.

Bao vui mừng khi họp mặt gia đình. Sau thời gian ở Sài Gòn anh mới thấm thía tình họ hàng, bạn bè nó sâu lắng; chứ đâu có phớt tỉnh Ăng Lê như bên đất Mỹ. Hai vợ chồng quyết định tìm mua một căn nhà, sau gần chục năm nai lưng đi làm của anh, bà vợ là cái giỏ đã gom góp để dành. Tìm tòi mãi rồi cũng mua được miếng đất gần trăm mét vuông. Hì hục cả tháng trời, mới cất được một căn nhà cấp bốn; trong căn hẻm nhỏ ở quận 12 này.

Quá hạn vi sa. Anh xin gia hạn, và lại quá hạn… Xin gia hạn không được nữa; tuổi đời đã ngấp nghé sáu mươi rồi. Thôi thì ở lại quê hương. Bà vợ phải làm đơn bảo lãnh, xin cho chồng nhập tịch lại Việt Nam.

Sau gần chục năm bị học tập cải tạo. Gần chục năm sống lăn lóc, nơi phố thị phồn hoa Sài Gòn sau giải phóng; mơ bên trời Tây thiên đàng. Rồi gần chục năm lăn lóc bên đất Mỹ mới thấm thía nỗi khổ của người dân đen trong mỗi xã hội…

Một lần tôi ghé thăm. Thấy vợ anh đang tíu tít bán hàng tạp hóa; dù con hẻm nhỏ nhưng nhờ cửa hàng gia đình anh cũng đắp đỗi qua ngày. Anh đang săn sóc những con gà tre; được nuôi trong những chiếc lồng kê ở bên hông nhà. Sợ tôi nghĩ rằng anh mê đá gà, anh vội thanh minh:

– Già rồi, lo cái ăn đã đủ mệt, vui thú gì nữa hả chú. Đây cũng là cách vừa giải trí vừa kinh doanh. Tôi mua chúng lúc còn nhỏ, nuôi vài tháng bán đi cũng kiếm chênh lệch mỗi con cả trăm ngàn đấy chứ.

Anh vào nhà pha ấm trà. Rót ra hai cái ly, anh đẩy ly nước mời tôi. Đưa ly trà lên miệng chiêu một ngụm, bỏ ly trà xuống bàn, anh nhìn tôi vẻ trầm tư:

– Đời người đúng như cụ Đỗ Phủ đã nói: “Vó câu qua cửa sổ”. Sống chả bao lâu mà mưu toan đủ thứ. Suy cho cùng chế độ nào cũng đưa ra chiêu bài này, chiêu bài kia; lý tưởng này, lý tưởng nọ để mỵ dân. Vì quyền lợi rồi gây ra chiến tranh. Rốt cuộc chỉ khổ cho những người dân đen mà thôi.

Ngừng giây lát, anh nhìn tôi thở dài:

– Sắp tới chắc tôi và chú sẽ không gặp nhau nữa.

Tôi trân trân nhìn anh:

– Sao hôm nay anh lại nói gở thế?

Anh nhếch mép cười buồn:

– Chả giấu gì chú, nhà đã bán cho người ta rồi. Vài hôm nữa tôi về quê. Chú cũng biết đấy, tôi đã xấp xỉ tuổi bảy mươi. Dạo này thấy sức khỏe suy yếu nhiều. Ai cũng một lần chết, mà chết ở thành phố, tiền ma chay, mua chỗ chôn có tằn tiện lắm cũng cả trăm triệu. Hỏi chú nhà tôi như thế này, đào đâu ra số tiền đó. Thôi đành bán nhà về quê, đất đai ông bà còn đó. Có chết cũng được nằm gần ông bà, cha mẹ mình.

Anh bỏ ly trà xuống, nhìn mông lung ra ngoài trời. Tôi cũng lặng im nhìn vẻ mặt buồn thiu của anh, chẳng dám nói chi. Một nỗi buồn lan tỏa trong tâm. Đứng dậy tôi bùi ngùi bắt tay, và chúc anh về quê gặp nhiều may mắn.

Thời buổi bùng nổ thông tin; tuy xa nhau nhưng thi thoảng chúng tôi cũng hỏi thăm nhau qua điện thoại di động. Có lần đâu như cả mươi ngày tôi mới gọi điện cho anh. Nghe tiếng vợ anh trả lời, tôi hỏi:

– Anh đâu mà chị bắt máy?

Chị nói trong nghẹn ngào:

– Ông nhà tôi mới mất cách đây bốn ngày rồi, do đột quỵ chú ạ.

Tôi sững sờ, chỉ biết thốt ra mấy lời chia buồn cùng gia đình. Lòng cũng mừng cho anh đã trả xong một kiếp nợ đời. Được chôn trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn; gần ông bà, cha mẹ như lời anh ước nguyện.

V.T