(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi bầy con nít lớn lên bay tứ tán, bà ngoại còng lưng phơi bàng không rủ rê được ai đập ai khươi nên buồn tình giảm bớt lần hồi.
Cây bàng mùa thay lá – Ảnh: Internet
Tuổi thơ của mình lớn lên dưới bóng mát cây bàng trước ngõ. Biết gọi tên cây cỏ là đã quen thân. Mấy mươi năm cùng chơi, cùng buồn vui, cùng đồng lõa… mặc nhiên như người trong một nhà. Hồi đó người lớn hay đe, mấy chị em chơi ra tới chỗ cây bàng thôi, ý là không được chạy ra đường mà giới hạn ngay đầu ngõ, nên cứ ước cửa ngõ nhà mình dài ra tới cổng chợ. Cây bàng ngày tỏa bóng mát đêm lại thành một thế giới vô cùng âm u huyền bí, dơi bay loạt soạt thi thoảng rớt ngã chỏng gọng ngay hiên nhà, những đốm sáng bí ẩn xuyên qua kẽ lá nhảy múa trên sân, con nít đi ngang là nhắm mắt ù té chạy.
Cây bàng bên đường chắc chỉ để lại ấn tượng khi tới mùa thay lá với những cung bậc sắc màu diệu kỳ, chớ chắc chẳng mấy ai nhớ đến khi nó đơm bông kết trái. Lá từ xanh non hóa tím thẫm, rồi đỏ dần trước khi vàng nâu khô rụng bay lả tả đầy không gian, phơi ra tán cây hình lọng với những nhánh khẳng khiu vươn thẳng hiên ngang giữa trời cao. Hình ảnh vừa đẹp, vừa thơ lại vừa rất đời đã choáng hết tâm trí người lại qua để đi vào thơ ca nhạc họa.
Nên chi sang hè, khi tới mùa hoa trái chẳng thấy ai buồn nhắc. Hoa chùm li ti trên cao lẫn trong những táng lá um tùm khó thấy đã đành, còn trái chín nẫu rơi rụng lộp bộp dày tám lớp dưới chân cũng chẳng ai buồn ngó. Người cứ đạp lên mà đi, trái chín ủng bầm dập chẹt nhẹt trên mặt đường chịu nghe mấy cây chổi cào lên rủa xả.
Sao tôi nhớ trái bàng chín vàng của tuổi thơ quá đỗi. Cây bàng trước ngõ nhà tôi ngày ấy trùm nhứt xóm, tỏa bóng hàng chục mét, ai đi bộ ngang qua đều ghé lại trật nón hóng mát. Mùa bàng chín trên cao lũ chim sẻ lách chách phá, dưới gốc là lũ trẻ thi nhau vác đá vụt lên những chùm bàng lúc lỉu rồi tranh nhau lượm trái rụng phủi qua cạp ăn tại chỗ. Bàng chín mẩy vỏ mỏng vàng mơ, phần cơm dày cắn ngập răng chua chua ngọt ngọt chan chát.
Nhưng trẻ con nhà có cây bàng thì lại không ăn bàng bao giờ. Mùa bàng chín thường có những cơn mưa giông đầu hè, trái ẩm ướt dễ bị sâu đục sinh giòi. Lúc đó vô phúc đi ngang cây bàng mà trái chín rớt phạch trúng đầu là rú lên vừa chạy vừa phủi tóc như ma đuổi, mẹ ơi giòi văng tung tóe. Còn ghê hơn cả sâu róm, sinh vật gây ra những lỗ thủng tổ ong trên lá bàng. Ghét, sợ, mà thương là thương chuyện của trái bàng khô.
Bàng rụng đầy gốc cứ chiều lại là bà ngoại tôi xách chổi quét lùa dồn vô một góc sân trống có nắng để phơi. Ai nói gì nói, chê hôi chê dơ cũng mặc, cứ lủi thủi gom nhặt. Phơi cho kỳ khô ran khô rốc, sạch bách phần cơm chỉ còn lại vỏ bao bên ngoài cái nhân cứng, cầm lên lắc nghe lục cục. Hết mùa có khi đống bàng khô của ngoại phải đầy năm giỏ cần xé. Để rồi một trưa hè rảnh rỗi, khi ngoại hì hục lôi mấy cái giỏ bàng khô ấy ra giữa sân và tuyên bố hôm nay đập bàng là cả lũ trẻ con reo hò tở mở. Bàng khô được đập bằng búa, gõ cho khéo vừa đủ nứt cái lớp bao cứng ra, rồi khươi nhẹ cái nhân bên trong chút nị như ngòi bút lá tre. Muốn nhanh hơn thì kê dao kê thớt chặt ngang, nhân đứt đôi lấy rất dễ. Người lớn đập, chặt cho cả bầy con nít xúm lại khươi. Làm từ giấc trưa cho tới giờ nấu cơm chiều trừ phần vừa làm vừa ăn ra thì cũng được cả tô lớn nhân hạt. Má tôi sẽ lấy rang lên, hạt bàng chín vàng giòn thơm lừng lựng. Sau đó má nấu đường thắng cho keo lại, rồi đổ bàng đã rang vào ngào lên, thêm chút chanh chút gừng. Cuối cùng mới phết lên bánh tráng nướng. Mỗi đứa nhỏ sẽ được chia phần bằng nhau là góc tư cái bánh tráng ngào hạt bàng, vừa ăn vừa mút vừa liếm vì sợ hết trước đứa bên cạnh, cứ ước ao sao sau này lớn lên có nguyên một mâm đầy ăn cho đã.
Khi bầy con nít lớn lên bay tứ tán, bà ngoại còng lưng phơi bàng không rủ rê được ai đập ai khươi nên buồn tình giảm bớt lần hồi. Ngoại mất, má tôi lại tiếp nối truyền thống này khi huy động được bầy cháu nội, cháu ngoại lười biếng. Riết rồi có những buổi trưa hè chỉ còn mỗi mình má lẳng lặng vừa đập vừa khươi, không biết cắc củm trong bao lâu để rồi cuối cùng cũng dành dụm được cả bao nhân hạt bàng. Không thể làm bánh tráng ngào đường để mà bới xách cho đứa này đứa kia ở xa, má tôi rang hết và cho vô nhiều túi nhỏ để chia phần gởi đi. Hột bàng rang có hình bóng má cặm cụi mỗi trưa vắng mang nỗi niềm thương nhớ âu lo của mẹ xa con, có mùi tuổi thơ xa ngái, có vị mặn của nước mắt mồ hôi.
Rồi quên bẵng cây bàng với hạt bàng rang ngào đường như chưa hề thân thiết. Tới một lúc bỏ đi đâu đó thật xa với phố lạ người dưng bỗng nhìn thấy hàng bàng đang mùa thay áo mà bàng hoàng như gặp cố nhân. Phố vắng đìu hiu, những đống lá bàng khô vun lại đang đốt dở dang ven đường với từng cuộn khói trắng sữa thơm mùi nhựa cây như góp thêm chút hơi ấm giữa mùa đông lạnh giá. Mà dường như bàng chỉ còn ở những con phố cũ, trong những nơi từng là thị xã lặng lẽ, như Nha Trang của tôi. Phố mới ngày càng nhiều giống cây ngoại nhập hoài không nhớ nổi tên.
Một ngày trở về tôi đứng lặng ngắm lại cây bàng đại ca trước ngõ của nhà ngoại mình nay đã cổ lai hy, năm nào tới mùa mưa bão cũng bị chặt cưa tỉa không ra cái hình thù gì nhưng vẫn sống vẫn thở nhịp nhàng theo mùa. Gốc cây và bộ rễ bò trên mặt đất ngày càng cằn cỗi càng sần sùi, bức bí bởi nền xi măng bê tông chèn chặt cứng. Ngày xưa tôi hay đi như làm xiếc trên những cái rễ nhấp nhô quanh gốc cây, rồi tỉ mẩn gỡ lấy những khối nhựa ứa ra từ vết thương của cây đông cứng màu hổ phách, từng mảng từng vảy nho nhỏ bằng cái nút áo. Xong ngâm nước cho tan ra rồi phết lên bất cứ thứ gì mà mình thích để tạo ra lớp áo bằng nhựa bóng. Lớn chút nữa có gốc bàng làm bệ đỡ để trèo tường vô nhà mỗi khi trốn đi đâu. Lời hẹn hò đầu tiên cũng nhận dưới gốc cây một đêm tối trời nào đó.
Nha Trang năm nay ra giêng mà những cây bàng vẫn chưa thay lá xong, đỏ rực các góc phố sân trường công viên, lá khô vàng ruộm trên đường. Để cho lòng mãi băn khoăn, dường như mình vẫn chưa trả hết nợ ân tình với một người bạn lớn thời thơ dại.
A.D