‘Cây kèn và chiếc khẩu trang’ – Xúc động về tình người trong những ngày dịch bệnh

597

Minh Quân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng 15/2 tại TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM và NXB Tổng hợp TP.HCM đã long trọng tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang” đầy cảm xúc, về những ngày tháng đau thương của đại dịch Covid-19.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua những ngày tháng đầy cực nhọc, đau thương. Chưa bao giờ mảnh đất vốn được mệnh danh là đất lành chim đậu lại phải chứng kiến cuộc rời đi khổng lồ của hàng triệu mảnh đời từ khắp mọi miền đất nước đã gắn bó với nơi đây trong giấc mơ đổi phận. Bây giờ dịch bệnh mới chỉ đang dịu bớt ở nơi đây. Giữa bộn bề sắp xếp lại cuộc đời mỗi con người cùng bao tất bật của những trăn trở khôi phục và phát triển kinh tế, chúng ta cũng chỉ tạm lắng lòng nhìn lại.

Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, văn nghệ sĩ đã nhập cuộc cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố ngay từ những ngày đầu. Rất nhiều nghệ sĩ đã quên mình, lăn xả bất chấp hiểm nguy đem hàng hóa lương thực, vác từng bình ôxy từ các nguồn tự khai thác đến với những căn hộ đang kêu cứu. Trong hàng trăm bếp ăn từ thiện hình thành ở khắp Thành phố, có không ít bếp toàn là nghệ sĩ. Thậm chí giữa sân bệnh viện dã chiến với mấy ngàn người bệnh cùng các y bác sĩ đang nỗ lực giành giật sự sống, tiếng kèn, tiếng ca của các ca sĩ, nghệ sĩ sau lớp khẩu trang vút lên niềm yêu thương, động viên, chia sẻ, lay động lòng người, thôi thúc ý chí vượt qua nghịch cảnh. Nhiều nghệ sĩ đã kiệt sức, nhiễm bệnh trên hành trình thiện nguyện ấy và có người đã ra đi trong niềm thương tiếc của cả cộng đồng.


Tác phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang”.

Ở góc độ sáng tác, văn nghệ sĩ cũng phát huy tối đa năng lượng sáng tạo và trách nhiệm “văn nghệ sĩ là chiến sĩ” của mình. Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang là tập hợp những sáng tác của văn nghệ sĩ TP.HCM trong những ngày chiến đấu cùng dịch bệnh vừa qua, do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức thực hiện. Tập ấn phẩm bao gồm 194 tác phẩm thuộc 05 loại hình văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả tại TP.HCM, được tập hợp trong một thời gian rất ngắn.

Ấn phẩm đặc biệt này là lòng tri ơn vô hạn của giới văn nghệ sĩ TP.HCM đối với các y bác sĩ, tình nguyện viên, công an, quân đội, những người của tuyến đầu chống dịch đã hy sinh quên mình vì tính mạng, sức khỏe của người dân Thành phố. Những tác phẩm văn học nghệ thuật này cũng là để tưởng nhớ và gởi gắm sự tiếc thương đến tận cùng tới anh linh những người đã khuất trong cơn đại dịch, trong đó có 42 văn nghệ sĩ mà nhiều gương mặt đã từng là những “tên tuổi lớn” góp phần làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật Thành phố. Ấn phẩm cũng là những tình cảm yêu thương, tốt đẹp nhất ngợi ca vẻ đẹp về tình người, về lòng nhân ái đã tỏa sáng hơn bao giờ hết trong những tháng ngày đùm bọc nhau giữa cơn đại dịch.


Nhà thơ Lê Tú Lệ – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM tại lễ ra mắt sách.

Phát biểu tại Chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta thật cảm động khi Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, phổ biến tác phẩm văn học – nghệ thuật với chủ đề ‘Chung một niềm tin chiến thắng’ do Sở VHTT tổ chức. Chỉ trong vòng hơn 4 tháng phát động, cũng đã thu hút được gần 2000 tác phẩm tham gia ở các thể loại đã cho thấy tình cảm to lớn của Nhân dân cả nước hướng về Thành phố thân yêu. Và trong đó có rất nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng tốt trong tập sách ‘Cây kèn và chiếc khẩu trang’ của Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM do Nhà Xuất bản Tổng hợp phát hành.”

Phó Giám đốc nhấn mạnh: “Các tác giả đã viết bởi chính họ là người trong cuộc, đang cùng sống và chiến đấu với một niềm tin gửi gắm trong chính tác phẩm của mình về một tương lai tươi sáng của Thành phố chúng ta”. Đồng thời nói: “Những yêu thương vô hình nhưng luôn tồn tại trong cuộc sống hôm nay, sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành động lực cho mỗi chúng ta, biến thành khát vọng góp phần làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc. Và riêng tôi có lẽ giai đoạn này, từ ‘hạnh phúc’ được cảm nhận rõ ràng nhất. Tôi muốn lan tỏa nó cho những người xung quanh mình, xin cảm ơn các văn nghệ sĩ – chiến sĩ của Thành phố mang tên Bác với ấn phẩm ‘Cây kèn và chiếc khẩu trang’ cùng những đóng góp khác cho Thành phố thời gian vừa qua!”.

Nói về ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM nhận định: “‘Cây kèn và chiếc khẩu trang’ là một ấn phẩm bao gồm thơ, văn, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu và nhiếp ảnh với gần 200 tác phẩm của 138 tác giả đầy cảm xúc đi vào lòng người.

Một ấn phẩm văn học nghệ thuật gần đầy đủ các lĩnh vực nghệ thuật, để chúng ta và các thế hệ mai sau nếu đọc, hát và xem tác phẩm trong ấn phẩm… thì đều có thể cảm nhận Thành phố mình đã trải qua những ngày tháng giãn cách bởi dịch bệnh Covid-19 trùm phủ lên toàn thành phố với con số hơn nữa triệu người nhiễm bệnh và hơn 20 ngàn người chết… Nhưng Thành phố và mọi người dân vẫn khát vọng sống và hơn bao giờ hết, sự nghĩa tình lại được thể hiện rất đậm nét. Nó lay động lòng người và các ‘chiến sĩ’ trên mặt trận văn hóa, các văn nghệ sĩ đã cùng Đảng bộ và Nhân dân Thành phố chung tay phòng chống dịch bằng tất cả khả năng và tấm lòng của mình, bằng những ấn phẩm nghệ thuật cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu, chăm lo người dân trong khu cách ly, phong tỏa…”.

Hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thổi kèn với chiếc khẩu trang được đục một lỗ nhỏ ở phía trước, trong khu cách ly của Bệnh viện Dã chiến TP Thủ Đức đã được chọn làm ảnh nổi bật in trên trang bìa cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho tên gọi của tác phẩm này.

Tại chương trình ra mắt ấn phẩm, các đồng chí lãnh đạo, các văn nghệ sĩ… đã dành một phút tưởng niệm các văn nghệ sĩ của Thành phố đã mất trong hơn 3 tháng đại dịch năm 2021.

M.Q