Chợ tết nhà quê | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

562

15.02.2018-22:00

NVTPHCM- Tết nhất được mấy bữa rồi cũng xong, ai về lo công chuyện nấy. Chợ búa cũng buôn bán lại như ngày thường. Nhưng hễ ai xa quê, nhớ nhà, ắt hẳn trong nỗi nhớ đều có một góc dành cho cái chợ tết.

 

Mùa gió, sáng nào dậy sớm cũng nghe trời lạnh lạnh, má nói với tía: “Lụi đụi sắp tới tết nữa rồi ông hen”. Ngoài ruộng, bà con gặt lúa cũng gần xong, đem về phơi đầy sân, nhà rộng thì chất tạm vào bồ, không thì phơi khô rồi bán liền cho nhà máy. Trong nhà, chỉ để đủ ăn hoặc dư chút với mớ lúa giống cho vụ sau, bởi vậy mà ông bà mình hay nói: “Làm như ngày mùa ăn sao cho hết/Ăn như ngày tết của đâu mà ăn”.

 

Năm lúa trúng mùa thì sắm xe, sửa nhà, rồi mua cái máy tính cho con Út có mà học hành, không trúng mùa thì cũng có gạo tạm đủ ăn quanh năm. Tới mùa thu hoạch, lúa, gạo phơi đầy sân ăn một lúc thì làm sao cho hết. Quanh năm có nhín nhút, tiết kiệm bao nhiêu, cũng chờ có cái tết mà sắm sửa, chưng diện bù lại cho cả năm quần quật. Nào là quần áo, giày dép mới để đi chúc tết họ hàng, nhà cửa trong ngoài sạch bóng, bông, trái chất đầy, bánh mứt ê hề, rượu, trà đầy đủ, khách tới là dọn mâm cỗ không thiếu thứ gì.

 

Chưa tết là sắp nhỏ trong nhà cứ dặn lần lần: “Má đi chợ tết, dắt con theo với nha”. Thiệt tình! Con nít đứa nào cũng ham đi chợ tết, đi theo xách giỏ phụ má thôi mà cũng háo hức, trông chợ tết từng ngày. Chợ tết đông người mà hàng hóa nhiều nên không cho xe cộ chạy vào, chỉ đi bộ. Tới 25, 26 Tết là chợ nhộn nhịp hẳn, ngày thường ngủ dậy trễ ra chợ là không còn miếng gì để mua, nhưng chợ tết thì khỏi lo vì bán cả ngày tới tối. Người ta căng bạt, che dù, bưởi, dưa hấu, quýt, mãng cầu, vú sữa… đổ đống trên mấy tấm bạt lớn để khách mua tha hồ lựa chọn. Nhà nào có bàn thờ lớn thì mua hai quả dưa hấu tròn loại nhất hoặc loại nhì, phải to và tròn đều để chưng hai bên. Theo kinh nghiệm của má thì lựa dưa hấu phải búng tay vào quả dưa thử, nghe tiếng “bốc bốc” là dưa ngon, chắc ruột.  Mua dưa, mua trái gì thì đi chợ tết về cũng phải có đủ 5 loại trái cây trong giỏ: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung để chưng mâm ngũ quả trong nhà, lỡ quên thiếu trái nào là sắp nhỏ lật đật chạy ra chợ mua thêm cho đủ.

 

Cả xã có cái chợ tết nhộn nhịp, bà con ở ấp mấy cũng đổ về đi chợ tết. Ở chung một xã chứ có xa xôi gì, mà người ở ấp 1, người ở ấp 4, cả năm hết chuyện nhà cửa, chuyện ruộng vườn… nên bà con họ hàng chứ có mấy khi gặp nhau mà thảnh thơi hỏi chuyện. Được bữa gặp ngoài chợ tết, hỏi thăm rộn ràng, nhà nào có người làm ăn trên thành phố, hay con cái học đại học là hớn hở khoe ngay. Đặc biệt là sắp dựng vợ gả chồng cho đứa nào trong nhà là thông báo liền: “Ra giêng tui cưới vợ thằng Hai, mời chú thím đi rước dâu luôn nha”. Rôm rả mấy câu rồi ai nấy lo đi chợ, mua nào là trái cây, bánh mứt, bao lì xì, nhang, đèn để rước ông bà đón giao thừa… Rồi mua cò bay ngựa chạy để đưa và rước ông Táo nữa, tục lệ dân gian ông bà xưa để lại cũng không biết giải thích thế nào cho đúng, nhưng mà ra chợ nói bán cò bay ngựa chạy đưa ông Táo là người ta biết liền.

 

Mấy tiệm vàng cuối năm khách ra vào cũng nhiều hơn ngày thường, người sắm chiếc cà rá, cái lắc hay bán chiếc vòng cũ để mua cái mới… Khách ra vào mua sắm gì thì không biết, chứ ai ghé tiệm vàng cũng xách về cuốn lịch, để treo trong nhà, rồi khen truyền tai nhau: “Có sắm vàng qua tiệm cô Hai mà sắm. Năm nào cổ cũng tặng cuốn lịch đẹp lắm”.

 

28, 29 Tết, má đi chợ mua thịt về kho nồi thịt với hột vịt, phải lựa miếng thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ, đem về kho với nước dừa xiêm thì mới ngon đúng điệu. Rồi mua thêm bó rau cần, mấy trái cà chua, bắp cải nồi treo trong nhà để xào bún, hoặc cắt nhỏ nấu canh chua làm mâm cơm đầu năm cúng ông bà, chứ đầu năm đầu tháng ai mà đi chợ, mà chợ thì ngày đó cũng không ai bán. Còn bông để chưng trong nhà thì đợi bữa chợ cuối 29 Tết, năm nào tháng thiếu thì 28 Tết là bông trong vườn người ta nhổ đem ra chợ bán. Chủ yếu là bông vạn thọ, sống đời, bông cúc, huệ đỏ… bán lẻ, bán theo chậu, chậu lớn, chậu nhỏ đầy đủ, bà con mạnh ai nấy mua, tay xách nách mang về chưng trong nhà cho đẹp, cho thơm. Đêm 30 thì ai nhà nấy lo trang hoàng nhà cửa cho đẹp để cúng rước ông bà, rồi đón giao thừa, chợ tết cũng dọn dẹp không còn ai mua, bán gì nữa, hoa trái còn dư chút hay ế thì người ta cũng bỏ lại hết, lo về nhà đón tết.

 

Chợ tết bây giờ cũng buôn bán cả ngày đến tối, cũng bông, trái, bánh mứt, nhưng người mua, người bán ít nhiều đã giảm bớt, bởi siêu thị hay cửa hàng tiện ích cũng đâu thiếu thứ gì, còn có cả hàng ngoại nhập, cái chợ quê nhỏ xíu không đủ sức mà cạnh tranh. Mấy loài hoa vương giả như ly ly, loa kèn, hoa hồng, cát tường… cũng được nhiều người chuộng hơn chậu vạn thọ nhà quê, mộc mạc. Nhưng cái không khí rộn ràng, háo hức ra chợ tết xách giỏ phụ má, hay trông chờ cái tết để má dắt đi chợ mua cái áo, đôi dép mới để tết đi khoe đám bạn trong xóm… thì không có thứ gì hay nơi nào thay thế cái chợ tết quê nhà cho được.

 

Tết nhất được mấy bữa rồi cũng xong, ai về lo công chuyện nấy. Chợ búa cũng buôn bán lại như ngày thường. Nhưng hễ ai xa quê, nhớ nhà, ắt hẳn trong nỗi nhớ đều có một góc dành cho cái chợ tết. Nhiều khi không cần phải hỏi thăm gì nhiều, đi chợ tết thôi cũng đủ biết năm nay quê mình bà con mần ăn khá hay không, lúa có trúng mùa hay chỉ đủ ăn. Chợ tết nhà quê nhỏ xíu thôi, mà hay vậy đó, gói ghém cả một miền thôn dã.

 

KIM LOAN

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…