Chuyến vượt rừng – Truyện ngắn của Võ Văn Thọ

866

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đêm đầu tiên hắn ngủ trên đỉnh cao có tên Hòn Nhọn của huyện miền núi Giằng (cũ) nay là Nam Giang, Quảng Nam. Thời giao điểm, vừa thoát bao cấp (1987). Sau hai ngày, đêm vượt rừng. Vừa chợt mắt, hắn đã chìm trong giấc mơ, nghe tiếng ông “Ba Mươi” gầm “cà uồm” hay “à uồm” mà rợn hết cả người. Thực ra, là do hắn được đọc cuốn sách “Các con thú trên rừng, dưới biển” của Nhà xuất bản phương Nam phát hành rồi nhập tâm; hắn chỉ thấy ông “Ba Mươi” trong tranh ảnh, sách báo… chứ hắn chưa thấy, hay nói đúng hơn hắn không muốn thấy ông “Ba Mươi” ngoài đời bao giờ…

Nhà văn Võ Văn Thọ 

Hắn nhớ như in theo chuyện kể: Ông “Ba Mươi” chỉ bắt những ai hợp mạng, hợp tuổi “coi trời bằng vung”, hỗn láo với ông. Còn ai sống thật thà, “biết người, biết ta” thì không đời nào ông ta hỏi thăm (trừ trường hợp ông ta quá đói). Và còn nhiều chuyện ly kỳ nữa, mà hắn nạp vào đầu từ kinh nghiệm rút ra của những người anh đi rừng trước: Đi rừng không được gọi ông ta là “Cọp” hay “Hổ”, mà phải gọi “Ngài” hoặc ông “Chúa Sơn Lâm”, ông “Nghè”, ông “Ba Mươi”, để tỏ lòng tôn trọng “vị thần rừng”, thì mới bình an, vô sự khi ở núi rừng.

– Hồi nhỏ hắn được nghe ba kể: Từ thời ông Nội của ông nội – tức ông cao cao di tổ kể lại với cha rằng, trưa ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch năm đó, tại khu vườn Đất Lở của quê Hắn, có 1 đứa trẻ tính tình ngang ngược tên là Hợi, đi chăn trâu cùng với bạn tên Dần; đứa  tên Dần mới bộc miệng hỏi đứa tên Hợi 1 câu:

– Mi có sợ ông “Nghè” không?

– Thằng Hợi: “Nghè là ông chi rứa, tớ không biết?”

– Thằng Dần: Kề miệng sát tai thằng Hợi nói nhỏ – Là biệt danh của ông “Cọp” đó!

-Thằng Hợi: Như hiểu được ý của Dần, nên trả lời rất to, giọng khảng khái: “Cọp” mà sợ cái con C… chi.

– Thằng Dần xanh mặt quan sát thấy, Hợi vừa dứt lời thì trên rừng nghe tiếng gió lùa mạnh, cứ như cây lớn bị chặt đổ ào – một ông “Cọp” to lớn, hùng hổ xuất hiện nay trước mặt Hợi, thằng Dần chưa kịp ré lên, thì ông ta đã nhanh chóng dùng hai chi trước vồ gọn thằng Hợi, ông đánh đầu 1 cái, đầu thằng Hợi lìa khỏi xác; ông chỉ tha phần người của thằng Hợi phi thẳng vào rừng, còn đầu thằng Hợi để lại… Từ đó mà dân trong thôn làng không ai dám nhắc đến tên ông “Cọp”, thay đổi tên gọi là ông “Nghè”. Và truyền miệng rằng: Ông “Nghè” linh thiêng lắm, đừng có mà coi thường ông!…

– Chuyện ba kể cho hắn nghe khi hắn còn mặt quần xà lỏn, cứ văng vẳng bên tai hắn, nhất là đêm nay hắn ngủ rừng, càng làm cho hắn sợ ông “Nghè” đến muốn tè dầm ra quần. Và còn nhiều chuyện kỳ bí về ông “Cọp”, hắn lưu vào bộ nhớ trong tác phẩm truyện “Các con thú trên rừng dưới biển” như: “Cọp ba chân bắt bò trong chuồng”, “Cọp chỉ bắt người nằm ở giữa”… Chừ hắn nghĩ tới mà lạnh cả vai gáy!

– Hắn đang trong dòng suy nghĩ, thì mót tè thật. Hắn rón rén dậy – bước ra khỏi lán trại (*), để không làm mất gấc ngủ của đồng đội, chui ra khỏi màn lội xuống suối tè xong, Hắn lại chui vào màn nhưng lúc này hắn không nằm giữa mà nằm ở ngoài cùng, để quan sát cánh rừng, nơi có con suối đang thì thào chảy suốt ngày đêm… Hắn chợt thèm nụ hôn của người con gái… mặc dù chỉ là cảm nhận!

– Không sao chợp mắt được, nên hắn lại chui ra khỏi màn, lục trong túi lấy gói thuốc Đà Lạt ra bật lửa, châm thuốc hút để suy nghĩ… (Hồi nớ, hắn mới tập tò làm người lớn, nên cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc lá, hột quẹt…)

– Hắn liên tưởng khi có đốm cháy, ánh sáng của lửa thì “Cọp” sẽ không dám tới, trừ khi đám cháy tàn. Đây là kinh nghiệm của các anh đi trước hắn kể lại, vào rừng sâu thì ban ngày lo kiếm củi khô trước, đêm về chất đốt suốt đêm, để sưởi ấm, không bị vắt muỗi và đặc biệt ông “Ba Mươi” không dám đến vì sợ lửa.

– Hắn sợ quá nên cứ tắt điếu này, hắn lại châm lửa đốt điếu khác, không để mất lửa. Về đêm 1 đốm lửa nhỏ, cũng làm sáng cả 1 khoảng lớn; hắn tự động viên, mình không làm điều gì ác, luôn tôn trọng ông “Ba Mươi”, chắc ông không nỡ làm hại mình!?

– Rồi hắn lại nghĩ ngợi: Nói dại hắn tuổi Hợi hạp với tuổi… Nếu ông “Ba Mươi” mà kết mình thì coi như đời hắn toi. Hắn sẽ trở thành người đàn ông Linh nhất, vì còn trong trắng! Và coi như đứa bạn gái mà Hắn thầm thương, trộm nhớ, chưa một lần dám ngỏ lời không biết có còn nhớ hắn? Có thương tiếc Hắn không? Nghĩ đến đó tự nhiên Hắn chợt tiếc đời trai…

– Hồi đó, quê hắn nghèo lắm, nên Hắn cùng với các anh lớn tuổi hơn (đã có gia đình riêng) đi làm đủ nghề nào là đi làm vàng, đi buôn nông sản, rồi đi bức mây song cát, để bán cho thương lái nhập cho xí nghiệp thương mại, làm ra những cái bàn ghế mây trông rất đẹp, xuất khẩu sang Liên Xô.

– Chuyến đi rừng lần này gồm có các anh Hiến, anh Việt, anh Minh, anh Một, anh Ngữ, anh Hồng và bạn Dũng đều là dân lao động, nghề nghiệp chính là thợ đụng, có nghĩa đụng thứ chi làm thứ đó, để mưu sinh. Trừ hắn và bạn Dũng là học sinh THCS (cấp 2), đi theo các anh làm kiếm tiền. Từ mờ sáng hắn theo các anh cũng ba lô, gậy chống gia nhập đoàn và đi bộ từ thôn Phú Bình, xã Quế Thọ lên tận thị trấn Khâm Đức huyện Phước Sơn thì trưa, anh em vội vàng vào nhà tiểu thương – là cái quán tạp hóa gần đường để đóng lương thực, nhu yếu phẩm: Gồm gạo, cá khô, ớt khô, mì tôm, thịt hộp; mỗi người 1 ba lô nặng chừng 20 đến 25 kg, ăn trưa xong nghỉ ngơi nửa tiếng đồng hồ là tiếp tục “hành quân” đi hết đường nhựa đến đường rừng, cứ thế lội qua không biết bao nhiêu khe suốt, đồi núi đến nhá nhem tối mới đến được nhà người quen. Đoàn của ắn đến thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang; ở lại đó 1 đêm để lấy sức, sáng mai đoàn hành quân tiếp. Sáng ngày thứ hai của chuyến đi, đoàn tiếp tục băng rừng, lội suối hắn còn nhớ như in đi qua 7 con sông và 7 ngọn núi, mới đến được đỉnh Hòn Nhọn.

Nói là Hòn Nhọn, vì độ cao của núi so với mặt nước biển, nhưng thực ra đây là cánh rừng già bạt ngàn, rất nhiều cây cổ thụ cả một người ôm không hết, lên được đỉnh núi này, thì không nhìn thấy mặt trời. Vì nhìn lên chỉ thấy tán cây to (nghe các anh kể đến được Hòn Nhọn là gần biên giới nước bạn Lào); nên việc đi lại rất dễ bị lạc, vì không phân biệt ra phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc để định vị. Đoàn do anh Minh lớn tuổi hơn làm đoàn trưởng căn dặn:

– Anh em vào rừng tìm mây nhưng nhớ cứ khoảng 15 phút là gọi nhau chớ không là đi lạc, không tìm được. Và qui định tìm mây xong thì về vị trí “tập kết” trong rừng – nơi dựng lán trại. Vì đường rừng xa, và buổi chiều thường bị mưa, nước thượng nguồn đổ xuống sẽ không tìm được đường ra, sẽ làm mồi cho lũ vắt, muỗi rừng khát máu. Và cũng có nhiều câu chuyện thương tâm của những người đi trước, như nghề đi tìm trầm, tìm giác còn gọi là “đi điệu”. Và, họ đã bỏ xác lại với núi rừng, vì trăm ngàn lý do. Trong đó, có cả do Cọp vồ.

– Hơn nửa tháng ở trong rừng sâu, nước độc, hắn đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh, mà chỉ có viết tiểu thuyết mới diễn tả hết.

– Hắn chợt nhớ câu chuyện đọc được, hắn nhớ không lầm câu chuyện hắn bọc bạch ra đây là trong sách “Đất rừng phương Nam” kể lại rằng:

– “Hồi xưa có vợ chồng một bác tiều phu sống ở cánh rừng nọ, một hôm ông thầy bói phán: Số bác trai năm nay bị Cọp vồ, bác sợ quá, bán hết căn nhà, khu vườn tươi đẹp; bác cùng bác gái về phố thị mua một căn nhà đúc chắc chắn và không đi đâu cả. Với niềm tin sẽ qua khỏi hoạn nạn. Thế nhưng, hôm đó bác gái đi xuống phố, bác trai ở nhà một mình sau khi cơm trưa xong bác lên giường ngủ như mọi khi, nhưng không hiểu sao bức tường ngay bên cạnh giường đổ sập xuống đè bác chết không kịp thở. Khi bác gái về không thấy bác trai ra đón như mọi khi, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành. Bác gái vào nhà thấy tường đổ xập, hốt hoản gọi người hàng xóm đến nâng bức tường lên thì phát hiện trên bức tường có vẽ con Cọp. Và, bức tranh thêu treo đè lên bức tường đó, mà bác không hề hay biết khi mua lại nhà của người bán.

– Chuyện vượt rừng đi tìm mây song cát của hắn cũng rất nhiêu khê, nửa tháng trong rừng với bao nhiêu vất vả, cứ nghĩ kiếm được một khoản tiền không nhỏ so với công sức hắn bỏ ra, nhưng nào ngờ khi có sản phẩm rồi thì thương lái lại ép giá, mua chưa được phân nửa tiền mà họ đã hứa hẹn trước. Hắn còn nhớ họ chỉ mua có 250.000đ/1 sợi mây dài 4m, chứ không phải là 500.000 đ/1 sợi như đã hứa. Cả đoàn hắn buồn não nề, nhưng rồi cũng phải chấp nhận bán với giá rẻ, để còn về nhà.

Về đến nhà, hắn mừng như “người chết đuối vớ được cọc” sống dậy. Nhưng không ngờ nửa tháng ở rừng thiêng nước độc, hắn bị các loài vắt, muỗi lại uống nước suối, lá cây rừng… nên về được nhà, thì tối đó hắn lên cơn sốt li bì. Mẹ hắn nấu cháo đậu xanh dỗ hắn ăn để lấy sức và giải độc, rồi xông các loại cây thuốc Nam, mong cho hắn thoát cơn bạo bệnh. Số tiền kiếm được không đủ thuốc thang. Vì hắn sốt không dứt cơn, tóc tai hắn cứ như rễ tre, cứ thế dài ra như “nghệ sĩ”, cô bạn gái cùng lớp gặp Hắn nói lời động viên:

– “Lo hớt tóc đi cho đẹp trai! Chứ ai lại để tóc dài như con gái vậy. Xấu lắm!” Hắn nghe được mỗi câu “chê trách” đó thôi, mà hắn sướng như được dậy thì!

Sau này, loáng thoáng trong đầu hắn cứ mơ ước thoát khỏi rừng núi, dù hắn lớn lên từ gốc rạ, mảnh vườn. Nơi vùng quê bán sơn địa.

Điều đáng nói, sau chuyến đi “thập tử nhất sinh” đó, hắn rút ra một điều như mọi người thường nói: “Ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”. Và, hắn đã cay đắng, tủi hờn cho số phận… Có điều hắn không oán trách ai cả, luôn nuôi giấu “ước mơ xanh” của hắn, dù cuộc sống có bao chuyện bi hài, nhưng hắn quyết tâm không gục ngã, bi lụy!

Tháng 5.2020

V.V.T 

*Ghi chú:

– Ông “Ba Mươi”, “Chúa Sơn Lâm”, ông “Nghè”, “Hổ”… là cách gọi khác chỉ Cọp”

(*) Lán trại: là nơi để nghỉ nghơi của đoàn, làm bằng sạp tre, trúc rừng, trên lợp bạt, che nắng, mưa; thường làm trong rừng sâu, gần dòng suối để thuận tiện có nước sinh hoạt.