Cơn mưa giờ tan trường – truyện ngắn Hồ Xuân Đà

938

 

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Trời chiều nay chuyển mưa dữ dội, những đám mây đen từ đâu rủ nhau kéo về, bao trùm cả một không gian u ám. Đứng ở một vị trí thuận tiện, có thể nhìn bao quát hết cả sân trường. Thường thì cứ đến giờ chuẩn bị trả trẻ là tôi dành vài phút để nhìn ra cổng trường, mục đích chỉ để quan sát những phụ huynh đến đón con phấn khởi như thế nào.

Khi nhìn ra, tôi thấy các phụ huynh, là ba, mẹ, là ông, bà, hình như đang trong tâm trạng rất mong nhớ con – cháu của mình. Một ngày không quá dài, nhưng phải xa một đứa con thân yêu để đến công sở làm việc, chắc là nhớ và lo lắm. Với tâm trạng không biết con của mình ở trường, có được chăm sóc yêu thương như ở nhà không. Không biết con của mình sẽ ra sao khi còn chưa đủ mạnh dạn tự tin tiếp xúc với bạn bè, làm quen với môi trường mới. Nỗi ưu tư đó không ai khác hơn ai nhiều, vì tôi cũng là mẹ, và đã từng thao thức suốt đêm khi con trai, con gái lần đầu tiên đến lớp.

Hai cánh cổng của trường vừa được mở ra, phụ huynh vào đón con, vội vội, vàng vàng. Có những ông bố đi mà như chạy, những người mẹ trên tay cầm theo hộp sữa, có ông, bà thì mang theo sẵn một chai nước. Tôi không hiểu sao, dù đã họp phụ huynh, giao tiếp với phụ huynh khi đón trả trẻ, tôi luôn nhấn mạnh để phụ huynh an tâm khi gửi con ở trường sẽ được các cô chăm sóc chu đáo, tận tình. Và dù, tôi có cố gắng nói thêm vài lần nữa, thì tâm trạng sợ con đói, sợ con khát sau khi tan học vẫn như cũ. Thế rồi, những hình ảnh đó tôi lại thấy gần gũi, ấm áp, bởi tôi cảm nhận trong đó, là sự yêu thương con, cháu của các bậc phụ huynh. Tôi nhìn thấy sự tự hào trong mắt, của những cô cậu bé học trò, được gia đình quan tâm chu đáo. Ly nước cam, hộp sữa, chai nước suối chuẩn bị sẵn sàng cho con, cùng con nán lại sân trường năm mười phút vui chơi, dường như là những hình ảnh quý giá lưu giữ trong trái tim tuổi thơ của những đứa trẻ. Những bức ảnh ngẫu hứng sefie cùng con được lưu giữ cẩn thận trong nhật ký goole ảnh, là vô cùng hạnh phúc của người làm cha mẹ.

Giờ trả trẻ là giờ bận rộn, vừa trông trẻ vừa tiếp xúc, trò chuyện với phụ huynh, phải trả lời những thắc mắc, lắng nghe phụ huynh bày tỏ về những vấn đề của trẻ. Làm một cô giáo mầm non, thì việc gần gũi thân thiện với phụ huynh là điều tất yếu và cần thiết, nên với tôi, gần như là một thói quen dễ chịu. Tôi không bao giờ vì những vấn đề cá nhân mà làm mất đi những cảm xúc thân thương ấy. Nụ cười hồn nhiên luôn nở trên môi.

Cô giáo như mẹ hiền, người ta ví von thật hay. Tôi chỉ dám mơ ước một điều, hàng ngày chăm sóc trẻ, cho trẻ được an toàn, được học những bài hát mới, bài thơ hay, câu chuyện mới, theo đúng chương trình, là tôi không cắn rứt lương tâm mình rồi. Không thể nào nói hay nói tốt, khi ở với trẻ mới thấy được những bất cập. Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, một cá tính. Tôi luôn băn khoăn những việc mình làm, điều quan trọng là làm, tức là bằng những hành động mỗi ngày.

Làm sao đây?… Thôi thì, mỗi ngày làm được những việc gì coi được, để sau này khi các con lớn lên một chút, các con vẫn nhớ tới cô giáo của mình, chào cô một tiếng ở nơi đông người. Là một điều hãnh diện lắm thay.

Cơn mưa xối xả, sẽ ập đến, ngập cả sân trường. Bảo vệ thấy trời chuyển mưa to, nên đi dạo các lớp, xem các cô đã lo chu toàn cho học sinh chưa. Thường thì các lớp mầm, nhà trẻ công việc tất bật mãi tới giờ về. Khi cánh cổng vừa mở, trên tay phụ huynh nào cũng chuẩn bị sẵn sàng áo mưa, áo ấm cho con. Cảnh sân trường dưới cơn mưa, đầy ắp những chiếc xe đã chuẩn bị sẵn. Lớp học hôm nay, vì trời mưa, trời mau tối, nên các học trò của tôi đã về gần hết. Chỉ còn một vài bé, tôi mở một video hoạt hình cho những bé coi. Tranh thủ đi dọn dẹp vệ sinh lớp học. Ngoài trời mưa yếu dần, lắc rắc, li ti nhưng hắt hiu và rất lạnh. Một vài phút, ba của bé Linh, mẹ của bé Đạt đến đón. Chỉ còn bé Lộc và con gái của tôi học ở lớp chồi vừa về lớp mẹ. Đã hơn một giờ trôi qua, dù tôi đã gọi điện nhưng chỉ nhận được câu nói từ tổng đài:

– Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được.

Tôi tiếp tục ngồi đợi, bé Lộc nét mặt buồn thiu, dường như đang muốn khóc. Con gái tôi thì liên tục giục:

– Mẹ ơi, về nhà đi mẹ, con đói bụng lắm rồi!
– Con đợi chút ba của anh Lộc lên đón rồi mẹ con mình về.
Đợi lâu quá mẹ ơi, hay mẹ chở anh Lộc về luôn đi.
– Mẹ không biết nhà anh Lộc.

Bé Lộc đứng kế bên nói theo:

– Con biết nhà đó cô! Cô chở con về, con chỉ nhà cho cô!
– Thật không đó? Con biết đường về nhà sao?
– Dạ, con biết.
– Sao giờ này ba mẹ con chưa đón nữa, không biết có bận việc gì không? Đã gần đến 6 giờ rồi còn gì…

Trời tháng mười nhanh tối, không khí sân trường vắng tiếng học sinh lặng ngắt, thinh lặng, một khoảng không gian nao nao cô tịch, ước được trở về nhà thật nhanh. Bé Lộc là con trai, nên nó cứng cỏi hay sao đấy, chứ gặp bé Linh hay bé Đạt mà giờ này ba mẹ chưa đón như thế này, chắc bé sẽ khóc lên cho tôi tha hồ dỗ. Được nước tôi lại nói tiếp, giọng nói cáu gắt, không còn chút ngọt ngào:

– Ra lấy cặp cô chở về.
– Dạ.

Mưa đã dứt hẳn. Trời đã bắt đầu vào chạng vạng mong ngóng trở về nhà của những người vừa tan sở, đến chợ mua thức ăn, những con hẻm nhầy nhụa nước sau một cơn mưa. Tôi chở trên xe hai đứa nhỏ, miệng luôn dặn phải ngồi cho ngay ngắn, ôm cô vào kẻo bị té. Bé Lộc ngoan ngoãn làm theo. Vừa đi tôi vừa hỏi:

– Nhà con đi hướng nào?
– Hướng này nè cô.

Bé Lộc chỉ tôi đi qua đi lại vài con hẻm, mà vẫn không tìm ra nhà, tôi bực bội nhăn nhó với thằng bé vài câu, rồi cũng kiên nhẫn để tìm cho ra nhà ông nội của Lộc. Vừa đi tôi vừa hỏi hàng xóm trên con hẻm bé Lộc chỉ. May sao, tôi cũng tìm ra nhà. Vừa thấy ông nội ở từ cuối hẻm đội chiếc nón lá đi ra, bé Lộc đã nhanh nhảu, vui mừng gọi:

– Ông nội con kìa cô!
– Thật không đó!
– Thật mà, ông nội con.

Tôi cho xe chạy tới phía tay của bé Lộc chỉ, dừng xe tôi nói với ông:

– Dạ, con chào ông, Ông có phải là ông của bé Lộc không?
– Đúng rồi! Tôi là ông nó.
– Sao hôm nay không có ai đến đón bé, con đợi hoài không thấy ai đến nên con chở về.
– Tôi cảm ơn cô nhiều.
– Dạ không có gì đâu ông. Lần sau nhà mình sắp xếp đến đón bé sơm hơn để bé không tủi thân với bạn.
– Tôi biết vậy, nhưng mẹ nó bỏ ba nó rồi, ba nó thì bữa xỉn bữa say, lúc nhớ thì đón, lúc quên thì không. Thường thì khi tôi còn khỏe tôi đón, giờ hai cái chân nó yếu nên tôi không tiện lái xe để đón cháu. Chứ tui thương nó lắm cô ơi. Cha mẹ nó là thứ vô trách nhiệm.
– Tội nghiệp, người lớn làm mà con nít phải chịu.
– Tôi cảm ơn cô nhiều. Nhờ cô chăm sóc cháu nội tôi dùm, chứ tôi thấy đời thằng bé này nó bất hạnh cô ạ!
– Dạ, con sẽ cố gắng! Con chào Ông con về!

Quay sang con gái tôi nói:

– Thưa ông về đi con.
– Dạ, con chào ông con về.
– Con gái cô ngoan quá, có dịp tôi sẽ trả ơn cô.
– Con về đây, Ông không việc gì phải mang ơn cả, đây là nhiệm vụ của con mà.

Tôi trở về nhà, tất bật với công việc của một bà mẹ có hai con, chồng tôi giờ này vẫn chưa về nhà, cơn uất nghẹn đang dâng lên trong lồng ngực. Tôi im lặng mà từng nơ ron trong não như muốn căng ra, tôi nghĩ nó sẽ vỡ, cái gì mà căng quá không đứt. Cây đàn ghi ta được gìn giữ nâng niu như thế kia, mà đến lúc căng quá cũng đứt ngang. Tiếng đàn dừng lại. Tôi cũng vậy, nhưng hình như thượng đế luôn công bằng, đã tạo nên cho tôi một sức chịu đựng bền bĩ, lắng nghe âm thanh tiếng động cuộc sống.

Tôi tưởng tượng ra rằng, chắc giờ này xe của chồng tôi bị trở ngại gì đó, hoặc đường xá giờ tan tầm của những quận trung tâm, luôn trong tình trạng kẹt xe. Tôi nghĩ như vậy, để tự đánh lừa mình, nhằm giảm đi sự căng thẳng, mọi cảm xúc đều do suy nghĩ mà ra, nghĩ đến điều tốt đẹp, thì mọi việc trở nên tốt đẹp. Bởi tôi luôn là người hiểu tôi nhất, và luôn ám ảnh với những cuộc chia ly. Tôi rất sợ  điều đó, mỗi khi tôi ngồi trước màn hình máy tính để gõ phím đánh tên lý lịch của từng học sinh. Những con số biết nói, cho tôi thấy một điều, học trò của tôi không được hạnh phúc ở con số tròn. Tôi đặt câu hỏi vì sao trẻ em bây giờ, thời đại của công nghệ số lại phải chịu nhiều nỗi đau thương, mất mát, tủi hờn từ bố mẹ chúng gây ra nhiều đến vậy.

Tôi nhớ đến lời nói bà của bé Thùy, khi sáng tôi đón bé vào lớp, tôi hỏi bà:

– Bà ơi, sao tóc bé Thùy đang đẹp mà nhà mình lại cắt ngắn như con trai vậy.
– Có cố tình cắt đâu cô ơi. Tại ở nhà nó nghịch kéo, cắt hết mấy chỏm tóc phía trước, ba của nó không còn cách nào, nên đưa nó ra tiệm hớt tóc để dưỡng lại chứ mái tóc hư hết rồi, không cắt là không được.
– Mà sao, con không thấy mẹ bé đi đón?
– Trời ơi – con ơi! Nhắc tới mẹ nó bà muôn điên lên. Mẹ gì đâu mà bỏ con từ hồi 2 tuổi. Khi bắt đầu có mạng Facebook, zalo gì đó, đi làm về là nó cứ ôm điện thoại lướt lướt – quét quét, chồng nói, thì nó giận, rồi mấy tháng sau ôm gói đi luôn. Chẳng nói với bà một lời nào!
– Thế à, con xin lỗi. Bởi vì thời gian qua không bao giờ thấy mẹ bé Thùy đón con.
– Trăm sự nhờ con, cháu nó thiếu tình cảm của mẹ, nhờ con chỉ dạy, yêu thương nó nha con. Bà biết ơn con nhiều.
– Dạ, đó là nhiệm vụ của con mà, bà cứ yên tâm, coi con như con cái trong nhà, con chưa làm tốt thì bà cũng chỉ bảo con nha!
– Nghề dạy con nít cực lắm, ở nhà bà có 2 đến 3 đứa cháu mà thứ bảy chủ nhật đã vất vả, chứ nói gì đến một lớp học đông như con.
– Dạ, con cảm ơn bà đã cảm thông cho con, hiểu công việc của con.
– Mà chiều cô ăn rau đắng không? Trời mưa sau hè nhà bà mọc quá chừng, sạch sẽ lắm, chiều bà cắt vô một ít cho cô ăn mì.
– Dạ, con cũng thích rau đắng, nhưng cực bà xách tới xách lui.
– Cực gì đâu con. Con nhận cho bà vui.
– Dạ. con cảm ơn bà.
– Thôi, bà về nha con.

Những lời thoại của buổi sáng như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Lời của bà bé Thùy, ông của bé Lộc. Và biết bao câu chuyện mà chỉ khi gần gũi trò chuyện, mới có thể hiểu hết từng hoàn cảnh của học trò mình. Những lời nói khi cô giáo vô tâm, vô tình có lẽ là ký ức chẳng bao giờ quên với một đứa trẻ. Tôi luôn ý thức “Giáo dục là kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”. Với trẻ con khi không thật nghiêm khắc thì có khi trẻ không nghe lời, không yêu thương thì trẻ sợ đi học, mà yêu thương chiều chuộng quá mức trẻ sẽ không vào nề nếp.

Làm sao đây?  Khi các trường hợp dường như đang mâu thuẫn nhau. Đứng trong hoàn cảnh thực tế mới hiểu được trẻ cần gì. Tôi thường thấy có rất nhiều đứa trẻ được nuông chiều quá mức, sinh ra tật xấu vòi vĩnh, hư hỏng và có rất nhiều đứa trẻ thèm tình thương như một món quà quý giá. Đó là lý do tôi luôn dành cho trẻ những cái bắt tay, những cái ôm, những cái thơm vào má khi trẻ khóc, khi trẻ vui, hay buồn. Nghề giáo buộc tôi phải không ngừng học tập, luôn nghĩ suy, thấu cảm người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để làm tốt hơn công việc nuôi dạy trẻ.

Cơm tối đã chuẩn bị xong, các con ngồi vào bàn ăn cùng tôi, chồng tôi vẫn chưa về. Con trai lớn, đã hiểu biết rất nhiều, vừa xới cơm cho mẹ, vừa nói:

– Ba chắc bận việc nên về trễ thôi, mẹ đừng có giận mà về lại đòi ly hôn đó, con ghét điều đó, con không thích nhà mình giống nhà bạn Ngọc.
– Bạn Ngọc sao?
– Ba mẹ bạn Ngọc ly hôn rồi, bạn Ngọc nói với con, bạn Ngọc buồn đến mức học bài không vô. Bạn Ngọc còn muốn nghỉ học nữa.
– Con khuyên bạn thế nào?
– Con chỉ im lặng và lắng nghe bạn nói.
– Sao con không khuyên bạn điều gì đó?
– Mẹ nghĩ con khuyên được sao, khi con cũng đang buồn. Sao mẹ có thể suốt ngày nói chuyên ly hôn với ba trước mặt con.
– Mẹ có nói trước mặt con đâu?
– Nhưng mẹ nói trong điện thoại khi gọi cho ba, con nghe hết.
– Mẹ xin lỗi. Ăn cơm đi con.

Con gái tôi còn nhỏ, nên chưa hiểu hết những gì mẹ và anh trai nó đang nói, con bé vẫn cứ dán mắt vào màn hình điện thoại, phải kiên nhẫn lắm mới giúp con buông bỏ đoạn video clip trên youtube có nàng búp bê Baby.

Bữa cơm tối ngon miệng, với bát canh thịt bằm nấu cải thảo, con cá diêu hồng chiên xù, một đĩa rau luộc đã làm cho cả ba mẹ con lấy lại sức khỏe và tinh thần. Khi ôn bài cho con trai, tôi tranh thủ lấy sổ chủ nhiệm lớp ra, đọc  từng tên của học sinh, tên cha, tên mẹ. Tôi ghi nhớ lại hết trong đầu, bé nào đang sống cùng với cha, đang sống cùng mẹ, hay đang sống cùng ông bà. Tôi mở từng cuốn sổ bé ngoan, đọc từng lời của các bậc phụ huynh nhắn nhủ. Nước mắt tôi rơi, khi đọc đến cuốn sổ của bé Bảo:

“Cô giáo ơi, nhờ cô chăm sóc, giúp đỡ, yêu thương bé Bảo, ba của bé đi cai nghiện ở trại, mấy năm nữa mới về, còn mẹ của Bảo đã đi ở một nơi nào đó, xa rất xa cô ạ. Mọi sự nhờ cô, bé có hư, cô cứ phạt bé, tôi không giận cô đâu! (Ký tên: Nội của Bảo).”

Tôi thật sự xúc động, hy vọng hoàn cảnh của bé Bảo là một trường hợp cá biệt, và sẽ không nhiều trong xã hội hôm nay.

Ngoài trời, mưa lại tiếp tục rơi nữa, cơn mưa ngoại thành Sài Gòn râm ran chắc sẽ suốt đêm nay, chồng tôi vẫn chưa về, không thể nào thức quá khuya để đợi chồng về, lo sợ ngày mai đến trường sẽ không tập trung vào công việc. Tôi tự cho mình chút an nhiên, mặc kệ tiếng mưa đêm buồn đến hiu quạnh, tôi đi vào giấc ngủ, mơ về ước mơ đang bắt đầu thực hiện, những khát khao xây dựng, nuôi dưỡng tâm hồn – thể chất- trí tuệ những đứa trẻ không chỉ trong phạm vi giới hạn là con, là học trò nữa, mà xa hơn, rộng hơn…