Cơn sốt sao kê hé lộ thực trạng hoạt động từ thiện

397

Trước sức ép của dư luận, nhiều nghệ sĩ phải công khai số tiền quyên góp từ thiện bằng hình thức sao kê…

Sau khi danh hài Trấn Thành đưa ra 1000 trang sao kê cho số tiền 9,5 tỷ đồng thì đến ca sĩ Thủy Tiên đưa ra 18.000 trang sao kê cho số tiền 178 tỷ đồng… Hai tên tuổi khác cũng đang gồng mình giữa dòng xoáy cưỡng bách sao kê là danh hài Hoài Linh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, những trang sao kê vẫn chưa thể nào phản ánh đầy đủ tính minh bạch của hoạt động từ thiện. Bởi lẽ, dù chính xác 100% thì những trang sao kê cũng chỉ ghi nhận số tiền mạnh thường quân chuyển đến cho nghệ sĩ, còn từng khoản chi như thế nào vẫn là một đáp án khá mơ hồ.


Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ Việt vướng ồn ào trong việc quyên góp và minh bạch tiền từ thiện.

Cơn sốt sao kê không chỉ liên quan đến những cuộc livestream quá khích của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng trên mạng xã hội nhắm đến vài nhân vật giải trí, mà còn hé mở không ít góc khuất về hoạt động từ thiện. Bộ Công an cho biết đã nhận được đơn tố cáo của một số cá nhân yêu cầu làm minh bạch chuyện quyên góp tiền từ thiện, trong đó có người đã chuyển tiền cho một nghệ sĩ để ủng hộ đồng bào miền Trung. Rõ ràng, ở đây có câu chuyện pháp lý liên quan đến sự tín nhiệm dành cho nghệ sĩ làm từ thiện.

***

Hiện nay, về mặt tiêu chuẩn pháp lý, vẫn chưa cho phép cá nhân được kêu gọi quyên góp từ thiện. Ngay cả cơ quan báo chí cũng chỉ được phép tiếp nhận quyên góp, chứ không được phép phân phối trực tiếp các khoản từ thiện. Còn quỹ từ thiện tư nhân có không? Có vài quỹ từ thiện tư nhân được cấp phép, nhưng chủ yếu thuộc sở hữu của những tập đoàn kinh tế và phục vụ cho những đối tượng phù hợp với tiêu chí riêng và mục đích riêng. Vì vậy, khi có thiên tai xảy ra, Nhà nước cũng du di cho cá nhân tham gia quyên góp từ thiện, nhằm nhanh chóng xoa dịu nỗi mất mát của cộng đồng.

Không chỉ riêng giới nghệ sĩ mà rất nhiều cá nhân từng tham gia cứu trợ bão lụt. Thế nhưng, những hoạt động ấy phần lớn mang tính nhỏ lẻ và ngẫu hứng. Vì tiền túi của họ nên họ có những cách làm không ai có thể can thiệp hay trách giận. Nói ra thì bẽ bàng, rất nhiều quý bà tụ tập với nhau để đi cứu trợ như những chuyến du lịch nhiều cảm xúc. Họ lấy lý do là cần an toàn và cần tiện nghi cho họ, nên đôi khi khoản kinh phí mua hàng cứu trợ không bằng một phần chi phí ăn ở của họ ở khách sạn 5 sao.

Vậy thì, khi giới nghệ sĩ vào cuộc từ thiện có gì đặc biệt? Như ca sĩ Mỹ Tâm thì dành dụm tài chính từ việc quảng cáo và bán vé live show để trao học bổng hoặc trao quà cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Ngược lại, vài nghệ sĩ ý thức được sự nổi tiếng của mình nên đứng ra kêu gọi quyên góp. Sự yêu mến của đám đông đã khiến dòng tiền đổ vào tài khoản nghệ sĩ rất nhiều và rất nhanh. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hoặc diễn viên Trịnh Kim Chi kêu gọi được mấy trăm triệu đồng. Danh hài Trấn Thành và danh hài Hoài Linh thì kêu gọi được chục tỷ đồng. Riêng ca sĩ Thủy Tiên thì lập kỷ lục với khoản tiền lên đến hơn trăm tỷ đồng. Thế nhưng, kêu gọi từ thiện thì dễ mà triển khai từ thiện thì không dễ.

Muốn hoạt động từ thiện được thông suốt thì phải có phương pháp rành mạch và minh bạch. Rành mạch về kế hoạch trao tặng và minh bạch về số tiền thu chi. Bản tính bay bổng của nghệ sĩ đã tạo ra sai lầm trong hoạt động từ thiện. Thứ nhất là quá tự mãn về danh vọng của mình để không tường trình đầy đủ và nghiêm túc các khoản đóng góp của Mạnh thường quân. Thứ hai là tùy tiện khi phân phối dòng tiền trao tặng. Danh hài Hoài Linh chậm trễ giải ngân 14 tỷ đồng, danh hài Trấn Thành không đích thân làm từ thiện mà chuyển 9,5 tỷ đồng cho người khác làm thay, hoặc ca sĩ Thủy Tiên cầm cọc tiền đi phát mỗi người 5 triệu đồng rồi đột nhiên vung tay phát 200 triệu đồng cho một người, chính là những biểu hiện của sự tùy tiện.

Sự tự mãn và tùy tiện của nghệ sĩ đã đẩy hoạt động từ thiện cá nhân vào sự bất cập. Nếu chỉ là tiền cá nhân thì phân phối kiểu gì cũng không bàn cãi, nhưng đã là tiền quyên góp của các nhà hảo tâm thì không thể làm bừa làm càn. Bởi lẽ, những người quyên góp khi chuyển tiền vào tài khoản nghệ sĩ cũng đồng nghĩa với một thỏa thuận ủy nhiệm từ thiện. Cho nên, nghệ sĩ cần sòng phẳng và đàng hoàng với công chúng. Một nghìn đồng của người nghèo quyên góp cũng tương đương trăm tỷ đồng của đại gia quyên góp.

***

Khi những nhà hảo tâm đã dấy lên nỗi hoài nghi, thì những tập giấy A4 có tên gọi là sao kê ngân hàng cũng không có ý nghĩa gì. Vì sao? Vì sao kê không có tác dụng chứng minh số tiền đã rút được sử dụng để làm gì. Những văn bản phụ họa khác cho sao kê ngân hàng như giấy viết tay, giấy xác nhận, thư cảm ơn, biên bản đều mang tính tượng trưng, bộc lộ nhiều chi tiết không đảm bảo mức độ tin cậy. Nói cách khác, sao kê ngân hàng chỉ là động thái vớt vát danh dự, mà nghệ sĩ phải chân thành nhận ra thiếu sót để chấn chỉnh hoạt động từ thiện theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Biểu hiện hớ hênh nhất của các nghệ sĩ khi làm tự thiện là sử dụng tài khoản cá nhân có sẵn để kêu gọi quyên góp. Lẽ ra, nghệ sĩ quyết định lấy thân phận mình để làm địa chỉ tập hợp sự chung tay của cộng đồng, thì phải mở một tài khoản khác, duy nhất dành riêng cho hoạt động từ thiện. Không thể nhập nhèm tài khoản cá nhân mịt mờ những khoản trả tiền mua nước hoa hay nhận tiền dự sự kiện, để chung chạ với nguồn tài chính của Mạnh thường quân khắp nơi. Tài khoản từ thiện ấy phải công khai từng hạng mục thu chi mỗi ngày. Nhà hảo tâm nào không muốn nêu tên thì có thể che danh tính, nhưng vẫn hiển thị số tiền cụ thể. Còn lúc cần thiết sao kê ngân hàng để kết toán chương trình từ thiện thì phải có kiểm toán độc lập. Ở đây, đừng nại lý do chỉ thịnh hành kiểm toán đối với tổ chức chứ không kiểm toán với cá nhân. Kiểm toán độc lập hoàn toàn có thể do một công ty dịch vụ hoặc một đơn vị thứ ba đứng ra thực hiện. Sao kê ngân hàng mà không kiểm toán thì khác gì cuộc trình diễn những trang số liệu tung tăng nhảy múa khiến người đời hoa mắt.

Cơn sốt sao kê cho thấy xã hội đang khủng hoảng niềm tin. Bài học từ các nghệ sĩ làm từ thiện, cũng ít nhiều khơi gợi phương pháp minh bạch cho các cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối cứu trợ. Báo chí luôn in công khai danh sách Mạnh thường quân cùng số tiền, số hàng từ thiện. Do đó, với nền tảng công nghệ số, Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội Chữ thập đỏ cũng có thể cập nhật công bố từng khoản đóng góp và từng khoản trao tặng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm. Khi và chỉ khi, các đoàn thể chính trị biết cách minh bạch thì giới nghệ sĩ cũng sẽ bắt chước làm theo để mang lại những điều tốt đẹp cho hoạt động từ thiện tại Việt Nam.

Theo Lê Thiếu Nhơn/Báo Văn nghệ