Đặng Tường Vy và những vần thơ dằng dặc bao nỗi đa đoan

485

   Nguyễn Văn Hòa

(Nhân đọc tập Thơ tình Đặng Tường Vy, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022)               

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thơ tình Đặng Tường Vy” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ thứ 9 trong hành trình thơ của chị. Thơ Đặng Tường Vy là tiếng thơ buồn, tự bộc lộ, tự giãi bày đến tận cùng chân thật về những điều nhà thơ đã và đang đi qua. Ở đó là nỗi đau vì duyên tình trắc trở, bao ước nguyện không thành, nỗi ngậm ngùi xót xa trước bao điều bất trắc. Vì thế, “Thơ tình Đặng Tường Vy” đã tạo nên nhiều trạng thái với những phức cảm đối lập: khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại, giấc mơ sụp đổ bên cạnh niềm tin và cả những ám ảnh về thân phận. Gánh thương em bán chợ phiên/ Ba đồng một mớ tình duyên lỡ làng/ Thương em đan giấc nồng nàn/ Xẻ đôi đêm trắng em tan tác lòng// Ôm em một cái được không/ Ngày mai trời sáng em đong chợ đời/ Anh à, đừng có vội cười/ Chỉ vì đêm lạnh em mời nắng sang// Đâu đây ngọn lửa cháy ran/ Paris buốt lạnh tuyết tràn đầy sân/ Ngàn lần xin lỗi xác thân/ Thiên đàng còn đó em ngần ngại qua (Ngàn lần xin lỗi xác thân).


Tập “Thơ tình Đặng Tường Vy”.

Đặng Tường Vy đến với thơ, sống với thơ đến tận cùng chân thật, chị tìm đến nó và xem đó như là điểm tựa, chỗ để gửi gắm những khoảnh khắc vui buồn của đời mình. Và cứ như thế chị lặng lẽ, điềm nhiên mà “nhả thơ” trong “bóng tối” của đời mình. Dù hạnh phúc có mơ hồ, mong manh như gió thoảng qua nhưng trái tim của chị vẫn luôn rạo rực yêu, vẫn rung lên khúc nhạc tình đầy mê đắm; với khát vọng được yêu thương và san sẻ với đời, với người.

Đặng Tường Vy luôn ám ảnh về sự trôi chảy của thời gian, bởi trong dòng chảy bất tận ấy chứa đựng nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm nhưng chủ đạo vẫn là nỗi u buồn, dằng dặc bao nỗi đa đoan.

Người đàn bà ngồi khâu vết thương/ không ngừng chảy máu/ Hạt muối nào vừa xát con tim?/ Mũi chỉ đi qua, nỗi buồn quéo lại, mắt ai lưng tròng/ Người đàn bà tập tễnh vén hư không/ Rút gai nhọn viết thành dòng chữ nhỏ/ Ta là hạt cát/ Tình là dây oan/ Tim bớt đau, máu cô đọng/ Sẹo rồi sẽ in sâu// Người đàn bà chưa biết mình về đâu? Rót hương yêu lại hóa giọt sầu/ Nâng ly uống lạnh luồng quanh gáy/ Vầng trăng khuyết hằn sâu bọng mắt/ Sang sông rồi, gạn đục mà chi? (Ngô chín nổ giòn vang).

Thơ tình Đặng Tường Vy với đa dạng các thể loại thơ và sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh độc đáo. Nhờ thế mà chuyển tải linh hoạt các cung bậc tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình; thể hiện rõ nét nội dung tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Thời gian luôn khắc khoải trong lòng thi sĩ về một thời tuổi trẻ đã đi qua với bao hụt hẫng, mất mát, tổn thương. Thời gian của quá khứ – hiện tại – tương lai đồng hiện và đan cài vào nhau. Chủ thể trữ tình miên man trước những buồn – vui, được – mất; bao trăn trở, nghiệm suy về bản thân và cuộc đời.

Trước ngã rẽ cuộc đời/ Con tim vắt kiệt đêm làm hành trang bước/ Thổn thức… đau/ Lặng lẽ!// Gỡ cây đinh ra ghim vào cẩm nang sống/ Cỏ dại cúi gập đầu suy nghĩ, nghiêng về đâu trong miền gió chướng?/ Không niềm tin, không tình yêu, không điểm tựa/ Mơ hồ!// Thèm trở về tuổi thơ/ Nhảy cò, kéo co, đánh nhau u đầu chảy máu/ Ngày mai nắm tay nhau nói cười/ Làm người lớn khó quá!/ Một câu nói nghịch lòng, từ nhau một đời/ Một lần phản bội, nhiều kiếp không tha/ phải chăng người lớn?// Chân mỏi nhừ, cứ cố bước/ Vờ bản lĩnh/ Miệng cười, máu nhuộm đỏ tim/ Linh hồn bay chấp chới, ước ngộ nhãn thông…/ đời không tẩm liệm (Đời không tẩm liệm).

Trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, nhà thơ luôn gặp phải thất bại ê chề. Đôi lúc cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Nhưng càng tuyệt vọng thì nhà thơ lại càng tha thiết, khao khát lấp đầy khoảng trống, sự thiếu hụt của đời mình… Đó là nỗi buồn và nỗi cô đơn trên con đường đi tìm hạnh phúc, tìm sự hoàn mỹ, dẫu biết rằng tất cả chỉ là ảo vọng. Đối với một con người luôn sống hết mình vì tình yêu mà chỉ toàn nhận về những tổn thương, mất mát và còn phải sống cuộc đời tha phương thì sự sự cô đơn lại càng đáng sợ hơn nhiều. Trong những tháng ngày tha hương đó, Đặng Tường Vy không lúc nào nguôi quên bao biến cố xảy ra đối với bản thân mình, nhất là chuyện tình cảm và những hoài niệm về quê hương.

Nhân vật trữ tình “anh” được nhà thơ đề cập nhiều, bởi chị đã yêu bằng trái tim của một người đàn bà bao dung, nhân hậu. Thế như dường như đổi lại “anh” chỉ đem đến sự muộn phiền, chát đắng.

Để rồi “em” phải dằn vặt trong những câu hỏi tái tê: Biết tình là ảo vị, nụ hôn có còn nồng như thuở mới tròn trăng?/ Khi tình không mùi, màu, vị/ Ảo ảnh đời nhau// Có chăng tình yêu vĩnh cửu?/ Nếu mặt trời mọc hướng tây/ Tình không là ảo ảnh/ Trong khoảnh khắc mây hồng, phút vĩnh cửu được lồn vào trang kỷ niệm./ Lộng kính một tình yêu (Ảo ảnh).

Trước những thua thiệt của bản thân, nhà thơ đã tự tìm cho mình chốn bình yên trong thơ. Đặng Tường Vy từng chia sẻ: “Hiện hữu với đời với người đã là điều đáng quý, mọi thứ xảy ra với bản thân chính là liều thuốc, là bài học bổ ích để tôi sống tiếp quãng đời còn lại ở phía trước”. Dù biết rằng chặng đường ở phía trước cũng lắm gập ghềnh, chông gai nhất là với tấm thân yếu mềm, bệnh tật như chị.

Vì thế người đọc nhận thấy trong thơ Đặng Tường Vy thường hướng về không gian đời tư. Ở đó, nhà thơ tự lắng lòng mình, tự đối diện và chất vấn chính mình về những việc đã xảy ra trong quá khứ, hiện thực của thực tại và cả những dự cảm về tương lai. Hướng cuộc hành trình thơ ca vào những vấn đề như thế để khẳng định cái tôi buồn, cô đơn của thi nhân. Khi niềm đau đã dày, nhân vật trữ tình “xin sám hối thành tâm sửa mình” để “trả nghiệp cho bình tâm an”. Bởi nhà thơ nhận ra rằng: Trăm năm một kiếp qua nhanh/ Trở về tay trắng tranh giành mà chi/ Trăm năm như một chuyến đi/ Người mù thắp đuốc cười gì mà vui (Nạn gì rồi cũng hóa không).

Quá khứ đau thương, hiện tại buồn, tương lai không mấy sáng sủa nên đôi lúc nhà thơ tìm đến thế giới những giấc mơ hay tìm đến đức tin tôn giáo. Bao nhiêu tâm sự, nỗi ẩn ức không được chia sẻ với ai thì đây là dịp để nhà thơ trải lòng ra tất cả… Thật – ảo, hiện tại – quá khứ – tương lai… bàng bạc một trời ảo mộng. Thất bại dồn dập, mái tóc đã nhuộm màu sương gió. Điều đáng buồn hơn ở Đặng Tường Vy là di chứng sau cuộc đại phẫu thuật: mắt yếu hẳn và trí nhớ giảm; đôi lúc như một đứa trẻ. Tôi là trẻ nhỏ mau quên/ Hai vai tôi gánh đời mênh mang buồn/ Tôi giờ làm bạn chim muông/ Mượn hoa cỏ dại gởi hồn tìm an// Tôi là trẻ nhỏ đa mang/ Thèm quăng đôi gánh say nàng trăng thanh/ Bao nhiêu mộng ước tan tành/ Tôi là trẻ nhỏ bên cành hoa rơi. Bản thân buồn đau vì bệnh tật, thèm lắm được nghỉ ngơi, được yêu thương và có người quan tâm chăm sóc. Nhưng không, “đứa trẻ” ấy phải bôn ba xứ người, phải oằn mình, cố gắng hết sức để làm mọi việc, kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài. Lắm lúc hồn phách chưa kịp tỉnh, chị vẫn phải “dắt xác” đi làm. Với bản năng của một người mẹ hết mực thương con, lo cho con nên Đặng Tường Vy đã vắt kiệt sức mình, sẵn sàng hi sinh vì tương lai của con. Để rồi đằng sau đó là lời tâm tình tha thiết: Có thương tôi hãy dìu tôi cho cùng/ Nắm tay tôi với, xin đừng… ngãi nhân (Tôi là trẻ nhỏ ai ơi!).

Nỗi buồn và sự cô đơn trong thơ Đặng Tường Vy trở thành nỗi ám ảnh. Những giọt buồn xốn xang đầy chắt lắng về con người, cuộc đời lần lượt được chị đưa vào thơ.

Không chọn được ngày hạnh phúc/ Không chọn được lúc yêu anh/ Hồng gai bên nhành củi mục/ Tứa tay chảy máu ngọt lành// Cơn mưa ướt mèm thân phận/ Dột đời dột cả ước mơ/ Sét tình đi vào ngõ tận/ Bài thơ nét chữ tình cờ (Tựa sông non khúc).

Nói gì với trăm năm là một bài thơ ấn tượng, chị đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật linh hoạt, lắng kết những cảm xúc chân thực: tâm tình, thủ thỉ, nấc nghẹn, xót xa…

Lời sám hối muộn màng như ngọn roi quất/ tím vào chùm mây vỡ/ Mây đau đớn, trách hờn, lang thang/ Mây thương đời phiêu lãng// Mây về đâu gió làm sao biết vết tím tâm hồn/ sao chữa thuốc thời gian/ Mây ra đi có bao giờ trở lại/ Cuối chân trời còn đó bước hôm qua/ Gió đừng cười mây tím rịm thịt da/ Hái một chút tâm linh hằn che mắt phố/ Vắt cạn lòng mình sám hối bên tiếng Đại hồng chung/ Giác ngộ, thức tỉnh…// Mây đứng dậy, cởi phăng lớp áo nhu mì, ủy mị/ Chờ gió quất thêm vài roi nữa/ Mặt trời thấy/ Cao xanh thấy/ Xóa nợ// Mây về với bản thể, mặc chiếc áo mình yêu thích/ Là chính mình, hồn mây trong trẻo, rong chơi/ Bụi trần không vướng/ Mây hồn nhiên trôi!

Đặng Tường Vy tìm đến những góc khuất của tâm hồn. Bao giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn vì những dằn vặt, khắc khoải, lo âu trước ranh giới mong manh giữa hạnh phúc và khổ đau. Có bàn tay lạnh hơ mùa/ Quờ trong sương trắng gió lùa khô môi/ Chăn không đủ ấm mùa trôi/ Ngồi hơ lửa đỏ một tôi cháy bừng/ Đàn bà xếp nhớ người dưng/ Chưa mùa chín đỏ đã bùng tàn tro/ Ga chiều một bóng ngồi co/ Gió hôn rát mặt tơ vò rối tơi (Níu mùa).

Nhìn lại những gì đã qua với đời chị, đôi lúc Đặng Tường Vy không khỏi bàng hoàng trước những sự thật chua chát ấy. “Nấm mộ tình yêu” là hình tượng đầy ám ảnh. Ở đó là cuộc hôn nhân đổ vỡ, đầy bi kịch. Tổ ấm hay là nơi nước mắt chan canh/ Là nơi trái tim bay biết bay, bay ra khỏi lồng ngực, chạy trốn cơn sợ hãi nén dồn// Tiếng trẻ thơ nài nỉ. Mẹ ơi, ly hôn đi!/ Tiếc gì viên đá treo nơi lồng ngực?/ Tiếc gì hai từ hôn nhân?… Vì đâu nên nỗi? Hay phiên bản lỗi tình yêu?/ Bởi người đàn ông cho mình quá nhiều quyền… hành. Nhưng không vì thế mà làm cho chị gục ngã, Đặng Tường Vy đã sống, yêu thương bằng chính trái tim hồn hậu của người đàn bà đi qua giông bão và những bất trắc của đời mình. Nhà thơ chiêm cảm: Vận hạn mỗi người theo năm tháng cứ tuần tự đi qua theo sự sắp đặt của bàn tay Thượng đế/ Con người là con cờ cứ thế mà đi/ Biết nhưng không xây được nhà chống bão/ Biết để thu mình ẩn nhẫn… (Nghiệp phải trả).

Chị sâu sắc nhận ra những ấm lạnh của cuộc người. Và khi “gia tài” đã thừa thải nỗi đau, Đặng Tường Vy tếu táo chủ động đem “rao bán nỗi cô đơn”: Cô đơn quy đổi ra tiền/ Em đây tỉ phú bậc trên thượng thừa/ Cô đơn rao bán ai mua/ Thôi đem cất giữ vun mùa an yên// Cô đơn đã đổi thành tiền/ Em đem mua hết cảnh tiên hồng trần/ Đời người sống có bao lần/ Thoát y ý muốn thật chân chính mình// Cô đơn quy đổi ra tình/ Em người hạnh phúc đợi nghìn thu qua/ Cô đơn rất đỗi xa hoa/ Ngàn năm lá biếc sương nhòa vẫn kiêu.

 Nhà thơ lấy hết tất cả sức mạnh từ tâm hồn, trái tim để chống lại những va đập của cuộc đời. Khát vọng được yêu đương, bình yên và hạnh phúc luôn hiện hữu trong tâm hồn của chị! Vì thế, khao khát được yêu vẫn luôn thường trực trong huyết mạch và nhà thơ đã không hề giấu giếm điều này: Đôi khi muốn ôm đại một ai đó cho sông đời ngừng chảy/ Cho nhánh buồn bớt ngập mặn bởi mùa trôi/ Con sông cô đơn bởi tình không bến đậu// Cô đơn trong tình yêu, cô đơn trong chính mình/ Quăng chiếc lưới tình yêu bao phủ lấy dòng sông/ Bất ngờ thu về con tép bạc// Đôi khi muốn nắm bàn tay ai đó, để thấy tim mình còn ấm, tình này còn xanh/ Tựa vào vai ai chia nhánh sông đời buồn lưng sóng mắt/ Đi tìm, mãi đi tìm// Côn sông đời không ngừng chảy/ Cô đơn đầy ắp phù sa/ Con đò vô tình hay hữu ý, để lòng sông tím biếc nỗi chờ mong? (Tím biếc một dòng sông).

Thơ tình Đặng Tường Vy là tiếng lòng và sự sẻ chia chân thành. Sự chân thành ấy, làm rung động biết bao con tim, lấy đi những giọt nước mắt nhất là những người đồng cảnh ngộ. Cực chẳng đã con người ta phải đi về những ngã rẽ, nhất là cuộc sống gia đình chồng vợ. Khi mọi thứ không mấy tốt đẹp, đành phải chọn giải pháp là tự giải phóng cho nhau. Đối diện nhau nơi phiên tòa, mặt trái cuộc đời đem phơi/ Từ cái chén đôi đũa đến cái nhà hay sổ ngân hàng, tự dưng biết nói… phân chia/ Sự tệ bạc nhất phóng rõ tại đây/ Vết sẹo lộng kính/ Vứt nhau ra khỏi cuộc đời. Con cái về đâu? Khôn lớn thế nào/ Có lẽ trời sanh voi sanh cỏ. Nếu quan tâm, phiên tòa không in bóng/ Mẹ muôn đời là con cá chuối, ôm con đi về cuối nẻo/ Lặng lẽ hi sinh. Dường như ông trời không mấy công bằng với Đặng Tường Vy, để rồi chị phải nhận về mình bao thua thiệt. Con người trong thơ Đặng Tường Vy luôn mang trong mình nỗi buồn và cô đơn với cảm giác mệt mỏi, đau đớn. Nhưng không vì thế mà đầu hàng số phận, chị đã sống và luôn hướng về tương lai. Đó là điều đáng trân trọng đối với một người phụ nữ bản lĩnh và giàu đức tin như Đặng Tường Vy.

Thơ Đặng Tường Vy với giọng trầm buồn, quặn thắt nhưng giàu khát vọng yêu thương. Nhà thơ đã tự vấn chính mình, rồi nhìn ra xung quanh, nhìn ra mọi hướng, mọi chiều. Thơ tình Đặng Tường Vy chính là cuộc hành trình về với bản thể, về với những gì gần gũi nhất, thành thực nhất, bản năng nhất… Vì thế tiếng thơ của chị trở nên da diết và lắng đọng hơn.

N.V.H