Hồ Xuân Đà
(Vanchuongphuongnam.vn) – Để nhằm giúp trẻ giảm bớt thời gian tiếp xúc với công nghệ, với những thiết bị thông minh, xem giải trí – học tập trong chừng mực, trong giới hạn cho phép, nhằm không gây tác hại đến sức khoẻ của các em, thì sự đồng hành của gia đình và nhà trường là việc làm cần thiết, nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ tương lai mai sau.
Một giờ đọc sách cùng trẻ của giáo viên mầm non
Thời đại của công nghệ số, mở mắt ra là từ người lớn đến trẻ em đều đi tìm thiết bị công nghệ, người lớn thì smatphone, trẻ em thì tivi, ipad, với bao chương trình thu hút. Một số phụ huynh làm công việc như bán hàng, công nghệ thông tin, truyền thông, cần đến việc sử dụng điện thoại máy tính là không thể tránh khỏi. Những giá trị lợi ích từ việc chia sẻ tin tức, kết nối trên mạng xã hội, cho tới những hiệu quả kinh doanh trên các trang bán hàng online mang về những giá trị nhất định không nhỏ cho người dùng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, đó cũng là những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình, đến sự phát triển thể chất và sức khoẻ tinh thần của trẻ em, khi cả gia đình cùng sống vớ công nghệ số, khi cha mẹ bận, giao cho con bất kỳ thiết bị công nghệ nào con thích. Chính vì những điều đó, mà trẻ em của thời đại 4.0, bệnh về mắt nhiều hơn, với con số những con số đáng báo động, khi nhìn các em học sinh hiện nay với cặp mắt kính cận dày cộm. Chưa kể, việc tiếp xúc với màn hình điện thoại, tivi, máy tính nhiều, trẻ sẽ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh như tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, và vô số những ảnh hưởng tâm sinh lý lên trẻ em nhất định, với nguồn thông tin trên Youtube mà người lớn không thể nào kiểm soát, hoặc bảo vệ con mình kịp thời được, khi trẻ vô tình chạm vào những video phản cảm, tiêu cực.
Là một cô giáo mầm non, và cũng là một người mẹ, tôi và các bậc phụ huynh trong lớp đều cảm nhận được những điều đó và thật sự rất lo lắng, khi ai cũng nhận ra, nhưng giải quyết, khắc phục những vấn đề này, là cả một quá trình. Quá trình đó cần sự thấu hiểu tầm quan trọng của việc thay đổi những thói quen, đề ra những phương pháp, những quy định, giới hạn, cho mỗi gia đình, để sống trong thời đại của công nghệ, nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống an toàn cho trẻ em.
Trong chương trình giáo dục mầm non, có những giờ cô giáo đọc sách cho trẻ nghe, cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, tăng cường vận động cơ thể, trải nghiệm với thiên nhiên, trò chuyện với bạn bè. Tôi đem những điều đó để chia sẻ với phụ huynh, và đặc biệt là việc cho trẻ mầm non làm quen với những trang sách từ sớm, có thể trẻ chưa biết đọc chữ phụ huynh và cô giáo sẽ có một vai trò rất lớn trong việc giúp trẻ làm quen với trang sách. Trẻ chưa biết đọc chữ, sẽ tư duy qua hình ảnh minh hoạ, cảm nhận qua giọng đọc của cha mẹ, của cô giáo, từ đó sẽ phát triển rất nhiều mặt cho trẻ như nhận thức- ngôn ngữ- tình cảm xã hội – lẫn thể chất. Bởi đó là một quá trình giao tiếp của cha mẹ dành cho con, của tình yêu thương, sự giáo dục từ gia đình rất quan trọng, và sự giáo dục ngay từ những ngày đầu tiên của cha mẹ lại vô cùng ý nghĩa hơn, mang lại thói quen tốt, những kỹ năng xã hội chuẩn mực của người Việt, thì khi đến trường – trên nền tảng đã được cha mẹ xây dựng từ khi ở nhà, trẻ sẽ hợp tác với thầy cô giáo, trở nên tự tin khi đến trường.
Để nhằm giúp trẻ giảm bớt thời gian tiếp xúc với công nghệ, với những thiết bị thông minh, xem giải trí – học tập trong chừng mực, trong giới hạn cho phép, nhằm không gây tác hại đến sức khoẻ của các em, thì sự đồng hành của gia đình và nhà trường là việc làm cần thiết, nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ tương lai mai sau.
Ở trường, các thầy cô giáo có những giờ cho các em đọc sách, từ mầm non cho tới các bậc học lớn hơn, thì khi về nhà mỗi ngày phụ huynh nên dành những khung giờ nhất định cho trẻ em trải nghiệm với những cuốn sách. Muốn làm được những điều đó, thì cha mẹ phải là người nói không với thiết bị công nghệ số trong những bữa cơm gia đình, giờ dạy con học, giờ lao động dọn dẹp nhà cửa, có như vậy thì chúng ta mới hướng trẻ em đến với được những trang sách, với những cảm nhận từ cuộc sống thật, của tình cảm gia đình, của những điều thú vị trong cuộc sống qua giao tiếp bằng lời nói, lắng nghe được những âm thanh từ cuộc sống xung quanh, nhất là tạo nên thói quen mở trang sách ra mỗi ngày.
H.X.Đ