Trịnh Công Sơn và bóng hồng ngoài biên giới

878

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong không khí kỷ niệm sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (29/2/1939 – 29/2/2020) dự án điện ảnh “Em và Trịnh” cũng tổ chức tuyển chọn diễn viên chính. Nhân vật mấu chốt của “Em và Trịnh” là một người phụ nữ Nhật có tên gọi Michiko Yoshii.

Ai cũng biết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 62, không có vợ con gì. Thế nhưng, xung quanh cuộc đời ông, có rất nhiều bóng hồng thấp thoáng. Có bóng hồng hiện diện trong ca khúc của ông, mà cũng có bóng hồng do công chúng thêu dệt. Vì sao chọn mối tình với người phụ nữ Nhật làm nét chủ đạo trong bộ phim mới về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giải thích: “Mọi người khi nhắc về chuyện tình cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn nhớ đến Dao Ánh, Khánh Ly… Trường hợp của Michiko không được nhiều người biết đến. Theo tôi, đây là câu chuyện đặc biệt thú vị, lạ và gây hứng thú, vì bà là người hiếm hoi sắp làm đám cưới với nhạc sĩ. Tôi tin câu chuyện có đủ yếu tố kịch tính và cả sự giao thoa văn hóa”.

Vậy Michiko Yoshii là ai? Là một nghiên cứu sinh của Đại học Paris từng sang Việt Nam để tìm tư liệu làm luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Michiko Yoshii sinh sau Trịnh Công Sơn hai thâp niên. Những năm cuối thập niên 80, người Sài Gòn thường thấy một phụ nữ Nhật thường xuyên lui tới căn hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch để thăm viếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đó chính là Michiko Yoshii.

Michiko Yoshii thời còn trẻ.

Cầu nối để Michiko Yoshii hạnh ngộ nhạc sĩ Trinh Công Sơn, chính là giáo sư Trần Văn Khê. Khi Michiko Yoshii muốn tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, thì giáo sư Trần Văn Khê đã tận tình hướng dẫn. Và khi Michiko Yoshii muốn làm luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn thì giáo sư Trần Văn Khê cũng ủng hộ hết mực. Vì vậy, để hiểu rõ thêm một chút về Michiko Yoshii, có lẽ không có tài liệu nào đáng tin cậy bằng những điều được giáo sư Trần Văn Khê viết ra. Trong một văn bản gửi cho những đồng nghiệp Việt Nam, giáo sư Trần Văn Khê tỉ mỉ và chi tiết về Michiko Yoshii: “Xin giới thiệu vài nét về thí sinh Michiko Yoshii, mà theo truyền thống các nước Đông Á phải để họ trước tên là Yoshii Michiko, viết theo chữ Hán đọc âm Việt là “Cát Tỉnh Mỹ Tri Tử”. Cát nghĩa là tốt, Tỉnh là giếng, Tử là chữ dành riêng cho phụ nữ Nhật (cũng tựa như chữ “Thị” của phụ nữ Việt Nam), Mỹ là đẹp và Tri là biết. Michiko là một thiếu nữ mảnh mai duyên dáng, tóc dài vừa phủ ót, miệng lúc nào cũng mỉm cười. Michiko đã có bằng Văn chương Pháp trước khi sang Paris vừa làm thông dịch viên vừa soạn luận án Cao học tại khoa Ngôn ngữ và Văn học Đông Á. Trước khi soạn luận án về Trịnh Công Sơn thì cô đã có bằng Cao học (Maitrise) về Văn học Nhựt Bổn với chủ đề về một ca sĩ Nhựt nổi tiếng đương thời là Miyuki Nakajima. Cô có giọng hát rất hay, biết đờn piano và lục huyền cầm. Cô có hai quyển sách viết bằng tiếng Nhật trong đó tác giả nhắc đến Trịnh Công Sơn. Và cô cũng tìm cách lý giải tại sao bên Nhật nhiều người thích nhạc Trịnh Công Sơn. Cô nhắc đến những buổi hòa nhạc trong đó Khánh Ly hát nhạc Trịnh và thái độ khác nhau của người Việt bên Mỹ đối với nhạc Trịnh và thừa nhận rằng nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được phổ biến mạnh mẽ trong giới người Việt ở nhiều nơi. Nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn sáng tác từ thời Việt Nam còn chìm trong khói lửa, đến nay tuy đã hòa bình mà những bài hát ấy vẫn còn trên môi của nhiều người. Nhạc Trịnh Công Sơn đã lan rộng trong không gian và dài theo thời gian. Cô kết luận về giá trị nghệ thuật của nhạc Trịnh và các đề tài rất phổ biến trong nhân loại. Michiko Yoshii trình bày mọi vấn đề rất rõ ràng, mạch lạc, không hấp tấp, không ấp úng. Thư mục đầy đủ, trình bày rất đẹp, có cả chân dung của Trịnh Công Sơn tự họa bằng mấy nét đơn sơ. Các vị giáo sư trong Ban Giám khảo đều khen sự sưu tầm và khảo cứu vấn đề rất công phu. Michiko Yoshii đã sang tận Việt Nam nhiều lần gặp Trịnh Công Sơn để được soi sáng về những điểm cô chưa rõ. Cô nhận xét rất tế nhị, tinh vi và kết luận rất dè dặt. Các vị giáo sư trong Ban giám khảo đều đánh giá cao luận án này. Giáo sư Đặng Tiến cho rằng đề tài Michiko Yoshii chọn lựa rất phức tạp do bối cảnh chánh trị, lời ca nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn rất khó hiểu và khó dịch ra tiếng Pháp, nhưng Michiko đã dày công phiên dịch và trình bày rất mạch lạc, nghiêm túc”.

Rõ ràng, Michiko Yoshii từ yêu nhạc mới yêu người. Ngược lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cảm tình với Michiko Yoshii. Dù từng nhủ không kết hôn, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi 50 đã từng chuẩn bị để cưới Michiko Yoshii làm vợ. Các em gái của Trịnh Công Sơn kể rằng, khi biết tin hai người chuẩn bị cho cuộc trăm năm vuông tròn, thì gia đình rất hân hoạn. Người nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ở Canada háo hức đi sắm đồ cưới cho anh trai. Còn tại Việt Nam, mẹ ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đặt mua cặp nhẫn cưới cho hỉ sự của con trai.

Trịnh Công Sơn vẽ Michiko Yoshii.

Vì sao đám cưới giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii không thành? Có nhiều lời giải thích khác nhau. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, ông chỉ cười lặng lẽ khi nhắc chuyện này. Tuy nhiên, theo những người quen biết thì lý do chia uyên rẽ thúy cũng hơi bất ngờ. Lúc đó, Michiko Yoshii cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau. Theo phong tục cưới của người Nhật, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật….

Hiện tại, Michiko Yoshii đã là một giáo sư và có mái ấm hạnh phúc ở Nhật. Thỉnh thoảng bà vẫn sang Việt Nam để thực hiện các chương trình từ thiện và không quên ghé lại thắp nhang cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong di cảo của ông có nhiều ca khúc và bài thơ viết tặng cho Michiko Yoshii chưa công bố bao giờ. Trong một đoản văn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bộc bạch: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thiệt, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩ bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu!”.

Đưa chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii lên màn ảnh, thì hấp dẫn đấy. Thế nhưng, tìm người đóng vai Trịnh Công Sơn không dễ chút nào. Đạo diễn Lê Dân (1928-2016) từng ấp ủ bộ phim “Trịnh Công Sơn – Sống và yêu” nhưng vẫn không tìm ra diễn viên phù hợp với vai Trịnh Công Sơn. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, có một bộ phim lấy cảm hứng từ chính cuộc đời ông là “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phân. Khi bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” ra mắt tại Sài Gòn, phóng viên hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Thưa nhạc sỹ, đây có phải là cuộc đời ông và xuất xứ những bài hát của ông không?”.  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời ngay: “Không, đấy là cuộc đời do ông Nguyễn Hữu Phần này bịa ra đấy chứ… Nhưng nó rất giống với cuộc đời tôi, ngay cả cái cậu Lê Công Tuấn Anh cũng giống hình dáng tôi ngày trước lắm…”

Tuy Hòa