Diễn văn khai mạc Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất của Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều

256

Sáng 30.9.2023, Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra tại Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng với sự tham dự của hơn 300 nhà văn và khách mời, do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Hội nghị vinh dự đón ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Khánh Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Lê Tiến Châu – Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Thành ủy Hải Phòng; cùng nhiều vị lãnh đạo của Trung ương và thành phố Hải Phòng đến tham dự.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc Diễn văn khai mạc Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thay mặt Ban Chấp hành Hội đọc diễn văn khai mạc hội nghị:

Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Kính thưa đồng chí Lê Tiến Châu – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Kính thưa các nhà văn lão thành,

Kính thưa các quý khách,

Được sự cho phép và chỉ đạo của thường trực Ban Bí thư, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng đoàn và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành tổ chức Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tại Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng, thành phố Hải Phòng.

Thay mặt Đảng đoàn và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các nhà văn và quí khách về tham dự hội nghị này.

300 đại biểu nhà văn của nhiều thế hệ nhà văn từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến những năm tháng hoà bình và xây dựng đất nước đã hiện diện tại đây. Hội nghị vô cùng xúc động và vinh dự được đón đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Sự hiện diện của các đồng chí chính là sự khẳng định và tôn vinh của Đảng, của Nhà nước đối với sứ mệnh quan trọng của văn học Việt Nam trong toàn bộ lịch sử đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc cũng như trong sứ mệnh làm ra phẩm giá con người Việt Nam, mà các nhà văn đang có mặt tại đây là các nhà văn trong trùng điệp đội ngũ các nhà văn Việt Nam đã làm ra nền văn học  đó.

Trong thời khắc ý nghĩa và xúc động này, ký ức đưa tôi trở về những năm tháng xa xưa ở một vùng quê đói rét đầy bóng tối chiến tranh. Có những cô bé cậu bé như tôi đêm đêm trú bom trong những căn hầm chữ A. Và từ trong bóng tối của đói rét và tiếng gầm rú của chiến tranh những trang sách mở ra, ánh sáng của những giấc mơ đẹp đẽ và lớn lao tràn ngập tâm hồn những đứa trẻ đó. Chúng đã lớn lên và đã sống, đã làm người trong ánh sáng tinh thần của những cuốn sách.

Cho đến lúc này, tôi vẫn không tưởng tượng được rằng: Có một ngày, tôi đã được gặp những nhà văn, nhà thơ, những người đã làm ra những cuốn sách kỳ diệu đó. Và càng không thể tưởng tượng được rằng: có những cô bé, cậu bé như tôi từ trong bóng tối của đói rét và chiến tranh lại trở thành những người được trao sứ mệnh viết tiếp những cuốn sách ấy cho con người và cho dân tộc của mình.

Nhiều nhà văn tham dự hội nghị này đã bước vào cuộc chiến tranh khi còn rất trẻ. Họ cầm súng và sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho sự tồn vong của dân tộc, họ cầm bút để bảo vệ lương tri và phẩm giá con người Việt Nam trước mọi đe doạ, mọi thách thức.

Cách đây mấy tháng, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi dã dự lễ ra mắt tuyển thơ của nhà thơ Hoài Vũ, người đã đi qua hai cuộc chiến tranh với sứ mệnh của một người lính và của một nhà thơ. Khi tôi là cậu bé lên 10 thì những câu thơ trong Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông, em cuối sông, Đi trong hương tràm với tình yêu con người, tình yêu tổ quốc bất diệt đã vang lên trên những cánh đồng, những dòng sông, những thôn ấp miền Nam ngày đêm bị hàng triệu tấn bom Mỹ dội xuống. Và cho đến tận lúc này, trong tôi vẫn luôn vang lên một câu hỏi: nếu không có những câu thơ như của Hoài Vũ, của Giang Nam, Lê Anh Xuân, của Nguyễn Mỹ, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm,… và những áng văn như của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu,… thì liệu chúng ta có đi qua được những năm tháng vô cùng tàn khốc ấy không để được sống, được làm người chân chính và kiêu hãnh. Câu hỏi này không phải câu hỏi của bất cứ cá nhân nào mà phải là câu hỏi của một nền văn học, của một nền văn hoá và của một lịch sử.

Kể từ thế hệ nhà văn đầu tiên đi theo tiếng gọi của non sông cho độc lập, tự do của tổ quốc cho đến bây giờ, có biết bao nhà văn của từng thế hệ đã ra đi. Chúng ta không còn được gặp họ nhưng chúng ta gặp họ trong giấc mơ làm người cao cả và trong khát vọng sống bất diệt của một dân tộc. Và những gì họ sống, những gì họ viết đã hoá thành trầm tích trong dòng chảy vô tận của văn hoá dân tộc.

Tôi nghĩ về nền văn học Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Một dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn, thế hệ nước hôm nay tiếp thế hệ nước trước đó để tạo ra vẻ đẹp huy hoàng của dòng sông. Cũng như thế hệ nhà văn này tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học. Mỗi thế hệ nhà văn luôn tiếp nhận giá trị và sự truyền cảm của thế hệ nhà văn đi trước.

Chúng ta không thể tách rời con nước hôm qua với con nước hôm nay. Không thể tách rời các thế hệ nước ra khỏi con sông. Mọi sự gắn kết đều làm nên sức mạnh, mọi sự chia tách đều dẫn tới suy tàn. Khi tôi chạm tay vào con sông, tôi thấy vẻ đẹp và sức  mạnh của nước. Trong vẻ đẹp và sức mạnh của nước hôm nay có vẻ đẹp và sức mạnh của nước hôm qua và của ngàn năm trước. Trong mỗi thế hệ nhà văn hôm nay đều hiện diện tinh thần của các nhà văn ở từng thế hệ trước đó. Trong dòng sông kỳ vĩ có những con nước nhỏ và mỗi con nước nhỏ hòa vào nhau đã làm nên dòng sông kỳ vĩ. Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam cũng giống mỗi thế hệ nước của một dòng sông đã làm nên dòng chảy kỳ vĩ của nền văn học Việt Nam.

Thay mặt Đảng đoàn, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin kính chúc các nhà văn lão thành mạnh khỏe, tràn ngập cảm hứng sáng tạo, tiếp tục cùng các nhà văn của các thế hệ tiếp theo làm đầy thêm di sản của nền văn học Việt Nam, một nền văn học luôn luôn vì Cái Đẹp, vì con người và vì dân tộc.

Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã dành cho các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn lão thành những tình cảm chân thành và đẹp đẽ nhất. Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tạo mọi điều kiện cho Hội Nhà văn tổ chức Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất trong không khí ấm áp và ý nghĩa.

Xin trân trọng cám ơn!

NGUYỄN QUANG THIỀU

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Theo Vanvn