Nhật Hồng
(Vanchuongphuongnam.vn) – Sống ở đất Cần Thơ vào thập niên 1960 của thế kỷ trước cho đến hôm nay nhiều người đều biết nhà giáo nặng tình thơ quê hương, đó là thầy Lê Phước Nghiệp, bút danh Lê Trúc Khanh.
Nhà thơ – nhà giáo Lê Trúc Khanh
Nhà thơ Lê Trúc Khanh tên thật là Lê Phước Nghiệp, sinh ngày 28/05/1949. Quê quán: Làng Tân Thạch, Huyện Trúc Giang, Tỉnh Kiến Hòa. (Nay là Huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre). Buổi thiếu thời học tại các trường Tiểu học Tân Thạch (Bến Tre), Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Tốt nghiệp ĐHSP Ban Việt Hán, sau đó ra trường dạy môn Văn tại các trường trung học công lập, tư thục ở Cần Thơ từ năm 1970. Ông sáng tác thơ từ những năm mười lăm tuổi, là người sáng lập viên Thi văn đoàn Về Nguồn (năm 1964), phụ trách Chương trình Thi văn VỀ NGUỒN trên đài Phát thanh CầnThơ (1968), Chủ trương Tạp chí Khơi Dòng – là nguyệt san sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Tây (1970). Sau năm 1975, ông tiếp tục dạy học tại Cần Thơ và sáng tác văn nghệ, là Hội viên Hội Văn Nghệ Tỉnh Hậu Giang (cũ), Hội viên Hội Văn Nghệ Thành phố Cần Thơ và hiện nay là Hội viên Hội Nhà Văn Thành phố CầnThơ.
Trước năm 1975 từng cộng tác với các nhật báo, tuần báo, tạp chí… ở miền Nam như: Khai Phá, Tiếng Động, Tin Văn, Văn Học, Tiếng Chuông,Tia Sáng, Điện Tín, Chính Luận, Miền Tây, Tiểu thuyết tuần san, Triều Sống Xanh, Tinh Hoa, Sáng, Văn nghệ Miền Tây, Khơi Dòng….
Đã in thơ chung với nhiều tác giả như: Viết cho những người còn ở lại, Gửi lại mùa đông và một tập thơ in riêng Quê hương – Tình yêu và Nỗi nhớ khôn cùng.
Sau năm 1975 cộng tác với các tạp chí, nhật báo như Lao Động, Tuổi Trẻ, Cần Thơ, Hậu Giang, Văn nghệ Cần Thơ và các tạp chí của các Hội Văn nghệ địa phương. Ông có một số tác phẩm tiêu biểu gây được dấu ấn trên văn đàn như: Gửi lại trường xưa (NXB- Hội Nhà Văn – 2027), 60 năm Chữ nghĩa và Nỗi niềm (NXB Đồng Nai -2022), Người đồng hành quanh tôi I ( Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2010), Chân dung văn nghệ sĩ qua góc nhìn Ngô Nguyên Nghiễm (quyển thượng, NXB Hội Nhà Văn 2016), 108 Nhà thơ Nhà văn Việt giữa thế kỷ XX (quyển hạ, NXB Hội Nhà Văn -2022)… và một số tác phẩm trong phần Văn học địa phương của chương trình học bậc THCS tại Cần Thơ (2017).
Từ năm 2010 đến nay, ông kết hợp với NXB Giáo Dục biên soạn các bộ sách tham khảo môn Ngữ Văn bậc THPT và Văn học địa phương.
Cái đáng trân trọng Lê Trúc Khanh là tâm hồn luôn gắn bó thuỷ chung với nghề giáo mà trong bài thơ ông đã thố lộ: “Gởi lại mai sau”. Bài thơ có 18 đoạn, gần như đây là lời tự sự tận đáy lòng của ông:
Hăm chín năm rồi – một giấc mơ
Cho thầy viết trọn những dòng thơ
Thanh minh – sáng đó – trời trong lắm
Như những lòng trong thuở học trò
Em đã về chưa nhẹ bước chân…
Đất trời một thoáng chợt bâng khuâng
Giữ yên cho trọn bao hoài niệm
Để ngậm ngùi khi nhớ cố nhân
Năm đó các em mười sáu tuổi
Thầy cũng vừa qua mức bốn mươi
Dẫu nợ áo cơm “ghì sát đất”
Làm sao ngăn được tiếng em cười?
…Các em lưu lạc trăm nghìn nẻo
Thầy cũng trầm luân giữa chợ đời
Hội ngộ đường quen bên quán cũ
Giọt cà phê đẫm tiếng mưa rơi…
…Nếu biết trăm năm là ảo mộng
Thì thôi vẫn hẹn kiếp lai sinh
Cùng trường – cùng lớp – cùng mơ ước
Bạn cũ – trường xưa – bát ngát tình
Rộn rã hồi chuông lần tới lớp
Hiên trường rơi giọt nắng long lanh…!
Tiếng lòng của ông đã vượt ra khỏi thời gian và không gian để cho người đọc phải nao nao trong lòng: Nếu biết trăm năm là ảo mộng/Thì thôi vẫn hẹn kiếp lai sinh. Một tiếng hẹn mà trời đất muốn dừng lại để lắng nghe, để chứng giám. Thế mới biết, trong cái tâm tư của nhà Thơ Lê Trúc Khanh đối với nghề nghiệp như thế nào?
Đới với cội nguồn, nhà thơ cũng đã gởi gắm hết cả chân tình trong bài “Trở lại Bến Tre”:
Anh về nhớ Ngoại thuở xưa
Nhớ hàng cau – nhớ tuổi thơ ngậm ngùi
Nhớ bao câu chuyện trên đời
Những lòng tham giết con người nghĩa nhân
…..
Anh về lắng khúc ca dao
Lời thơ xưa xé lòng nhau – u hoài
“Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”
Anh về đây – biết về đâu
Dòng sông – kỷ niệm – hàng cau – ngậm ngùi…
Cần Thơ là quê hương thứ hai cũng là nơi ông dạy học đã có rất nhiều những kỷ niệm khó quên trong đời, trong bài thơ: “Ô Môn những ngày xa”:
…Những tối lang thang buồng phố quận
Là mây lãng đãng cuối chân trời
Phải mắt em về sao lấp lánh
Hay mùa đom đóm nở hoa khôi?
…
Có một dòng sông một bến sông
Trăm năm hò hẹn chẳng chung dòng
Mới hay bèo nước là tan hợp
Là ngút ngàn xa nhưng ước mong.
Dòng sông và bến nước muôn đời vẫn trông ngóng nhau, nơi đây đã có biết bao tâm hồn của những đứa học trò sống và lớn lên rồi ra đi lập nghiệp đâu đó, để rồi nhớ về thời dưới mái trường mà uẩn khúc trong lòng. Còn tâm sự Thầy bèo nước hợp tan, là ngút ngàn xa để mỗi khi nhớ về chép miệng: “ước mong…”
Phong Điền là một địa danh nhiều cây trái của đất Cần Thơ, nơi lưu trữ bóng mát của tâm hồn nhiều thế hệ văn thơ. Đối với ông là một dấu ấm thật đậm nét đã ngổn ngang trong tâm tư tình cảm “Về quê hương ấy”:
Từ cát bụi bay thành phố cũ
dấu chân nào dẫm lạnh trong mưa
cầu vồng mọc giữa trời hoen nắng
đã sáng hồng lên em thấy chưa?
…
Sầu riêng thơm ngát miền quê nội
cam chín oằn cây – ổi trĩu cành
cau đã say duyên mùa đám cưới
cho niềm mơ ước dậy trong anh…
Phong Điền – vùng quê hương ấu thơ
tiền nhân yên nghỉ tự bao giờ
bảng vàng bia đá vùi cây cỏ
một nấm mồ tan những giấc mơ…
Phong Điền – Phong Điền với tình yêu
vào thu đã thấy lá rơi nhiều
dòng sông trôi tắp đời vô định
anh lắng thời gian dưới nhịp chèo
Cái Răng – Ba Láng nghìn tâm sự
con nước vời trông một bến bờ
mấy nhịp Trường Tiền lăng lắc ấy
mái trường dăm bóng trẻ ngây thơ.
Tình cảm là then chốt là chất liệu để dệt nên những vần thơ, nói lên những trắc ẩn trong lòng, mang tính nghệ thuật trong văn học. Ở đây, nhà thơ Lê Trúc Khanh đã thể hiện, ráp nối những tình cảm đời mình rất khéo léo và tài tình trong thơ. Thơ chừng như đã gom hết lòng mình, tuổi thơ của mình hoà cùng nhịp đập của trái tim quê hương, luân lưu như dòng máu trong cơ thể “Cho hết ngày thơ”:
Đã tới Phong Điền rồi hở em?/một dòng sông nhỏ một đường quen/lòng anh rộ nở ngàn lau trắng/cơn gió mùa đông lạnh nỗi niềm
Tím lục bình xa mặt nước đầy/nối vàm kinh Xáng những vầng mây/vàng bông điên điển trời quê nội/là lúc hiên trường hoa nắng bay
nhớ đến bao nhiêu thời trẻ dại/trường chung – lớp khác – mộng trong đời/ai biết anh buồn hơn Cái Khế/mơ chiều Vú Sữa mấy ngày vui?
anh muốn ngồi đây dưới hàng sao/thơm sầu riêng lắm thuở ban đầu/tứ thơ và nước trường giang ấy/còn chảy nghìn năm giữa nhịp cầu..
anh nhớ về đâu nhớ đến đâu/nắng lên hồng thắm má hoa đào/nghe như rộn rã lần thôi học/em cứ tan trường đi ngõ sau
Ngọt nước dừa môi em ngát xinh/Trà Niềng râm mát thuyền lênh đênh/ nghiêng nghiêng bãi vắng chèo lơi mái/là lúc đời trôi tắp lãng quên
Ba bốn năm rồi vẫn nhớ thương/anh vào nghề giáo dạy văn chương/đói nghèo – áo ránh – khô buồng phổi/và rã rời thân những đoạn đường
Ngồi xuống đi em – một phút này/ cho anh ngắm lại tóc thề bay/tròn trăng nét mặt tình nương cũ/vì đã qua rằm nên đổi thay
em cũng dầm thân giữa chợ chiều/vườn xuân xao xác tiếng chim kêu/sớm trưa hai buổi đường xuôi ngược/riêng chút tình anh nhớ thật nhiều
Anh muốn ngồi đây ngồi lại đây/biết mai còn thấy tóc em dài/ừ, thương em lắm từ năm cũ/kìa lá sầu riêng rụng xuống vai.
Chỉ trong một tập thơ “Gửi lại trương xưa” dầy 86 trang gồm 79 bài mà chất chứa tình quê hương lai láng: Cho bạn, cho trường, cho đời, cho những nỗi niềm hôm nay và mai sau.Trong khi đó, còn biết bao những bài thơ sáng tác từ năm 16 tuổi. Có thể nói ông là một kho tàng ký ức thơ vượt không gian và thời gian để cho vườn hoa văn học Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung ngát hương toả sáng.
Chắc không ai có thể quên chương trình “Cần Thơ Phố” trên đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ có ông tham gia, giọng đọc của ông truyền cảm, ấm áp khơi dậy nét văn hoá người Cần Thơ qua mấy trăm năm lập nghiệp. Con đường, bến nước, mái chèo, dòng sông, sợi khói lam chiều và bóng mẹ đi về những sớm những chiều của buổi chợ tan làm nao nao lòng người.
Giọng đọc của nhà thơ Lê Trúc Khanh cứ lan toả, lan toả mãi thấm vào lòng người và đất.
Con chữ nhập nhoà bụi phấn
Câu thơ gánh nặng kiếp người.
N.H