Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26.4 đến 30.4.1975) với cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng, non sông thu về một mối; đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “một ngày bằng 20 năm”. Bộ Chính trị xác định: “từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”. Chấp hành chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chính Minh đã xác định: “đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, dành thắng lợi triệt để”. Hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch: Bắc và Tây Bắc. Trong đó hướng Tây Bắc là chủ yếu nhất. Hướng đông và Tây Nam và hướng hiểm yếu và quan trọng. 05 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: (Bộ Tổng Tham Mưu ngụy; sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ Tư Lệnh biệt khu Thủ Đô; Tổng Nha Cảnh Sát; Dinh Độc Lập).
Hai đồng chí Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân Trung đoàn 28 cắm cờ chiến thắng trên tầng thượng Trung tâm chỉ huy Bộ·Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn (Ảnh tư liệu Quân đoàn 3)
Quân đoàn 3 vinh dự được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu Tây Bắc Sài Gòn. Đảm nhiệm 2 trong 5 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh: (sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu ngụy. Sau khi sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy và cụm lực lượng Bộ Binh, Xe Tăng – Thiết Giáp, Pháo Binh của địch; đánh chiếm Hóc Môn; mở tung cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn sáng 29.4.1975. Sư đoàn 10 được lệnh nhanh chóng thọc sâu, tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu ngụy. Đêm 29.4.1975 sư đoàn 10 đã chiếm xong ngã 3 Bà Quẹo và đề nghị cho đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trong đêm. 23 giờ, Bộ Tư Lệnh Quân đoàn nhận được chỉ thị của Bộ Tư Lệnh chiến dịch: Quân đoàn 3 sử dụng lực lượng nhanh chóng đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu ngụy. Coi đó là nhiệm vụ chính thức của Quân đoàn. Trung đoàn 28/ Sư Đoàn 10 được giao nhiệm vụ trọng trách này. 04.00 – 30.4.1975, pháo binh chiến dịch và pháo binh sư đoàn 10 tập trung chế áp, sát thương, tiêu diệt Bộ Tư Lệnh dù, Bộ Tư Lệnh không quân, Bộ Tư Lệnh thiết giáp và Sư đoàn 5 không quân ngụy trong sân bay. Trung đoàn 24/ Sư đoàn10 bắt đầu tiến công địch ở Ngã Tư Bảy Hiền. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, cùng lúc đối phó với lực lượng phản kích của địch từ hướng Dinh Độc Lập ra. 09 giờ 45 phút được chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường. Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 1 xe tăng Trung đoàn 273 đã liên tục đột phá đánh chiếm tất cả các mục tiêu, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự 2 bên của ta tại trại Đa Vít. 11 giờ 30 phút – Trung đoàn 24 làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất và kéo lá cờ chiến thắng lên đỉnh cột cờ trong sân bay.
Đại tá Trần Xuân Thống nguyên Tham mưu trưởng trung đoàn 28, người thu giữ thước chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng tại Bộ Tổng Tham mưu ngụy 11.30 ngày 30.4.1975
Cùng với Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28/ Sư đoàn 10 và Tiểu đoàn 2 xe tăng Trung đoàn 273 tận dụng kết quả hỏa lực pháo binh chiến dịch và của Sư đoàn 10 nhanh chóng nổ súng đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu ngụy; 10 giờ Trung đoàn 28 đột phá vào cổng chính. Địch sử dụng bộ binh và xe tăng cơ động ra phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Vượt qua cổng chính, chiếc xe tăng mang biển hiệu số 001 do Nguyễn Bá Lưu chỉ huy, cùng tổ cắm cờ Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân đại đội 10 anh hùng tiến thẳng vào tổng hành dinh quân ngụy. Xe tăng 001 đã lăn vết xích đầu tiên lên thềm nhà Bộ Tổng Tham Mưu ngụy. Trung đội phó Trần Lựu, dùng AK yểm hộ cho tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Tân, mang lá cờ của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam theo cầu thang leo lên tầng thượng. Hai người hạ cờ địch, rồi cắm lá cờ giải phóng vào cột cờ chính giữa tầng thượng, ngôi nhà sở chỉ huy “Bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hòa”. Lá cờ rực rỡ tung bay trên tổng hành dinh quân ngụy. Báo tin, toàn thắng đã về ta lúc 11.30 – 30.4.1975. Lúc này các lực lượng Trung đoàn 28 tiến vào các phòng làm việc; trong gian phòng trung tâm chỉ huy, tấm bản đồ tác chiến to rộng treo trên tường, với những mũi tên đỏ chằng chịt bao quanh hướng về Sài Gòn. Trên chiếc bàn rộng, các loại sổ sách, tài liệu, cờ hiệu bày la liệt; những chiếc vô tuyến điện, tăng âm vẫn phát ra lời kêu gọi cầu cứu của đồng bọn… các chiến sĩ ta nhanh chóng thu gậy chỉ huy, giấy thông hành, lon “Trung tướng” và lon dấu “Tổng thống” của Nguyễn Văn Thiệu, thanh kiếm chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên, cùng nhiều tài liệu quan trọng của bộ máy chỉ huy quân sự đầu não địch. Cựu chiến binh Đại tá Trần Xuân Thống, sau gần 50 năm lưu giữ cây chỉ bản đồ của Tướng ngụy Cao Văn Viên; nhớ lại: Lúc đó, ông là tham mưu trưởng Trung đoàn 28 trực tiếp chỉ huy và thu giữ. Ông để sử dụng chỉ huy đơn vị chiến đấu trên các chiến trường trong nước và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia với các cương vị tham mưu trưởng, Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Sau này, do điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nên nay mới trao tặng lại cho đơn vị được. Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tổ chức tiếp nhận kỷ vật, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bảo tàng Quân đoàn bảo quản, gìn giữ, trưng bày, để phát huy giá trị to lớn của kỷ vật trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, nhiều kỷ vật chiến tranh đang được lưu giữ, trưng bày, quản lý tại bảo tàng Quân đoàn 3. Đó là, cả một chặng đường chiến đấu, hy sinh đầy gian khổ; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc của các thế hệ Quân đoàn 3 Anh hùng.
TP. Hồ Chí Minh, Tháng 11/ 2024
Trung tướng PGS, TS Nguyễn Đức Hải
Nguyên viện trưởng viện chiến lược quốc phòng/ BQP