Thái Hải Đăng
(Vanchuongphuongnam.vn) – Bác sĩ Phùng Văn Cung sinh ngày 15 tháng 5 năm 1909 tại làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là khóm 1, phường 9, thành phố Vĩnh Long). Ông được người đời biết đến với danh tiếng là một y sĩ tài ba, đức độ đáng mến, luôn tận tâm phụng sự cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đất nước bị chia cắt bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo ký ức của những người thân kể lại, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ đức tính siêng năng mẫn tiệp, chịu khó mày mò học hỏi và là một người con hiếu thảo, biết thương người. Tư chất hiếu học và ý chí phấn đấu trong đạo đức, lối sống đã trở thành kim chỉ nam giúp ông giành được học bổng từ bậc trung học đến đại học, sau đó ông theo học tại Đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp năm 1937.
Khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, ông về quê vợ ở Sa Đéc để hành nghề y, chữa bệnh và giúp đỡ người dân. Tiếng tăm về tài năng và lòng nhân ái của ông nhanh chóng lan rộng, được mọi người xa gần biết đến như một danh y tài ba, luôn sẵn lòng giúp đỡ và chữa trị tận tình cho người bệnh.
Tổng khởi nghĩa tháng Tám nổ ra khắp toàn cõi Việt Nam, ông tham gia giành chính quyền ở Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Sau khởi nghĩa, trước khi dấn thân sâu hơn vào con đường cách mạng, ông vẫn tiếp tục tận tụy với nghề y, chăm sóc bệnh nhân một cách hết lòng. Với lòng thương người vô hạn, nhiều lúc ông không nhận tiền chữa bệnh mà còn giúp tiền về xe cho dân nghèo từ khắp nơi kéo đến tìm ông chữa trị. Tấm lòng của bác sĩ Phùng Văn Cung đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân, ông dần trở thành biểu tượng của y đức và lòng từ bi trong thời kỳ khó khăn ấy.
Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam tạm chia thành hai miền Nam – Bắc ở vĩ tuyến 17. Trong bối cảnh đó, ông bí mật cho hai con trai là Phùng Ngọc Thạch và Phùng Ngọc Ẩn ra Bắc tiếp tục học tập. Năm 1957, với tài năng và đức độ lan xa, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Y tế ở các tỉnh Châu Đốc (An Giang ngày nay) và Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). Sau đó, ông làm bác sĩ tại Y viện Phước Kiến ở Chợ Lớn (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi).
Năm 1956, sau khi Mỹ – Diệm ban hành chính sách “tố cộng diệt cộng”, mà đỉnh điểm là Luật 10-59 nhằm ra sức răn đe, đàn áp và thảm cảnh lê máy chém khắp miền Nam công khai giết hại những người yêu nước, tàn sát đồng bào man rợn với nhiều khẩu hiệu phản động như “đồng tâm diệt cộng”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “tiêu diệt cán bộ nằm vùng”… Trong bối cảnh đó, bác sĩ Phùng Văn Cung luôn có thái độ chống lại chính sách man rợn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sống trong lòng giặc nhưng ông vẫn mưu trí qua mắt được chúng, giúp đỡ chiến sĩ cách mạng ngay trong bệnh viện, bí mật ra bưng biền điều trị thương binh, vận động tiền bạc, thuốc men gửi vào chiến trận. Có lần bị địch phát hiện, chúng đã gọi ông đến tra hỏi và ra sức răn đe, ông trả lời: “Tôi vị Việt Minh bắt vào bưng chữa trị cho thương binh rồi thả về. Các ông không bảo vệ được tôi tại sao còn tra hỏi…”. Khi Tổng nha cảnh sát đô thành Sài Gòn đe doạ đòi “ném ông xuống hầm axít nếu còn hoạt động dính líu đến cộng sản!”, ông vẫn bình thản tiếp tục thực hiện nghĩa cử mà con tim giao phó.
Trong con mắt của những kẻ ngày đêm soi xét, chú tâm dòm ngó, chúng thừa biết và không thiếu lý do để đưa ông vào “máy chém” nhưng vì ông là một nhà trí thức có y đức vượt trội nên chúng không dám động đến. Ông trở thành một biểu tượng mà ngay cả những kẻ khát máu cũng phải e dè và kính trọng.
Tháng 1/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 quyết định để nhân dân miền Nam sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ Mĩ – Diệm, xác định phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân bằng con đường đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh vũ trang, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Đồng thời, Hội nghị cũng chủ trương nhân dân miền Nam cần có một Mặt trận dân tộc thống nhất riêng với tính chất, nhiệm vụ và thành phần thích hợp. Lúc bấy giờ yêu cầu tổ chức, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng gia đình đã để lại sau lưng cơ nghiệp đồ sộ để ra đi cùng cách mạng. Đó là quyết định vô cùng dũng cảm. Sự ra đi này không chỉ thể hiện lòng yêu nước sâu sắc mà còn khẳng định sự kiên định và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng. Sự lựa chọn và hành động dứt khoát này đã để lại một di sản tinh thần vô giá, như một người đốt đuốc dẫn đường cho những ai còn lung lay ý chí lúc bấy giờ.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, với uy tín của mình, bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhà phê bình Thái Hải Đăng
Vào năm 1969, một bước ngoặt quan trọng diễn ra khi bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm trưởng Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để thăm Bác Hồ và nhân dân miền Bắc. Trong buổi tiếp đón trọng thể, để động viên đồng bào miền Nam, Bác Hồ đã phát biểu đầy xúc động: “Hôm nay, đồng chí Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép nói một câu thôi: Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”[1].
Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ giữa hai cá nhân, mà là một sự kiện trọng đại của dân tộc. Bác Hồ, đại diện cho Đảng và nhân dân miền Bắc, và bác sĩ Phùng Văn Cung, đại diện cho miền Nam, đã gặp nhau trong bối cảnh đặc biệt, tạo nên hình ảnh mạnh mẽ của sức mạnh đoàn kết và thống nhất dân tộc.
Tháng 6/1969, tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đến khi cách mạng thắng lợi, đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bác sĩ Phùng Văn Cung trở lại Sài Gòn sinh sống và làm việc.
Ngày 7/11/1987, ông từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian lâm bệnh và do tuổi cao, sức yếu. Cả cuộc đời ông, từ lúc sinh ra đến lúc thác đi quả là một huyền thoại sống.
Ở địa vị là một người chồng, ông Sáu Cung luôn nhớ tới công lao phò trợ phu quân của vợ mình, khi được Chính phủ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, ông khiêm tốn trả lời: “Lẽ ra phần thưởng cao quý này phải được trao tặng cho vợ tôi (Bà Lê Thoại Chi) thì mới đúng hơn”. Ở địa vị là một thầy thuốc, bác sĩ Phùng Văn Cung đã làm tròn bổn phận của một lương y, một bác sĩ tài ba, tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân, không phân biệt sang hèn nghèo khó. Đến vai trò là một người cha, ông đã tính sẵn đường hướng học tập của các con trong thời loạn lạc. Đến khi là một nhà cách mạng, bác sĩ Phùng Văn Cung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, từ bỏ cuộc sống an nhàn để tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, cống hiến cả một phần đời cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.
Bác sĩ, nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung là hình mẫu tiêu biểu cho người con hào hùng của mảnh đất Vĩnh Long nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Cuộc đời ông là minh chứng cho sự kết hợp giữa trí tuệ, lòng yêu nước và tinh thần hy sinh của dân tộc. Những cống hiến to lớn của ông luôn là nguồn cảm hứng, là tấm gương lớn lao cho các thế hệ mai sau mỗi khi nhắc nhở về giá trị của lòng yêu nước và về trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và dân tộc.
T.H.Đ
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 12, tr. 447.