Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng – Kỳ 1

1016

17.8.2016-19:35

 Nhà văn Đỗ Kim Cuông

>> Viết để nhớ những người hy sinh

TRANG TRẠI HOA HỒNG

(Kỳ 1)

 

TIỂU THUYẾT CỦA ĐỖ KIM CUÔNG

 

Tưởng nhớ những người bạn của tôi

đã hy sinh trên chiến trường Trị Thiên – Huế

 

I

TRẠI ĐẦM VỊT

 

1

NVTPHCM- Chuyến hàng sang Singapore đã xuất xong từ ngày hôm qua. Tôi còn nấn ná chơi với Vân, nhỏ bạn cùng học từ thời đại học. Nó rủ rê: “- Hai đứa mình về miền Tây chơi thăm vợ chồng Cư – Thơm. Nó cứ nhắc mi hoài”. Không một giây lưỡng lự, tôi ừ liền. Vân giao cửa hàng cho chồng, giao con cho chị giúp việc. Hai đứa leo lên chiếc xe Camry đời mới hướng ra đường cao tốc về miền Tây. Tôi không chút âu lo. Còn những hơn hai tháng nữa mới đến ngày đại giỗ của nhà tôi. Mọi việc chuẩn bị cho ngày trọng đại này tôi đã bàn bạc với chị Thoa cách nay cả tháng.

 

Con lộ mới mở về đến ngã ba Trung Lương, đường rộng, sáu làn xe hai chiều, đi thật mát ga. Xe mới. Cô bạn tôi lại là tay lái bạo, chỉ hơn một giờ cả người và xe đã chìm đắm trong cái màu xanh miên man của dừa, của những vườn cây trái bên bờ sông Tiền, sông Hậu.

 

Thơm thoáng nhìn thấy tôi và Vân đã kêu ré lên: “- Chu cha! Mắt tao có nhìn nhầm không đấy? Hai đứa bay sao lại xuất hiện ở xứ này? Đang định tính chuyện chi ở đây?”.

 

Tôi cười cười. Vân đáp tỉnh queo: “- Tụi tao nhớ mày xuống chơi. Mai về. Có xin nghỉ được lấy một ngày tiếp tụi tao không?”.

 

Thơm nói không đắn đo: “- Giám đốc là tao. Nhân viên văn phòng cũng là tao. Có lúc còn kiêm cả chân bảo vệ. Lo gì? Tiếp tụi bay còn khoái hơn là ngồi với mấy ổng trên thành phố xuống. Mấy cha chưa tan việc đã lo mời đi nhậu. Mệt thấy bà… Hai đứa chờ tao vài phút, tao dặn dò văn phòng. Ta đi uống cà phê. Để tao gọi chồng về, bắt cá đãi tụi bay trưa nay”.

 

Mấy năm không gặp Thơm, tôi không còn nhận ra cô bạn nữ sinh ở chung phòng trong ký túc xá ngày nào. Không nhí nhảnh, vui tươi. Dáng người cũng không còn nhỏ nhắn. Ăn mặc xuyềnh xoàng giản tiện giống như một công chức chỉnh chu ở tỉnh lẻ. Gương mặt không son phấn trang điểm, lộ rõ vẻ lo toan, tất bật. Tôi không tin rằng, chỉ vì lấy chồng, Thơm mới đổi thay nhanh chóng như vậy. Anh Ba Cư vợ mất, nuôi con một mình. Nhìn cảnh ấy, cô kỹ sư nông nghiệp miệt vườn thương. Ngày cưới Thơm, cả tôi và Vân không ai về Bến Tre ăn cưới được. Quà cưới gửi bạn bè. Có chồng, Thơm cũng khỏi phải bám cơ sở. Cô về Ủy ban Nhân dân Tỉnh, làm chuyên viên theo dõi mảng nông nghiệp. Thi thoảng, Thơm cắp cặp đi theo lãnh đạo tỉnh ra Trung ương họp, hoặc về cơ sở đi kiểm tra. Làm chuyên viên, rồi làm trưởng phòng được vài năm, Thơm chán cảnh ôm cặp đi theo sếp, làm bông hoa đẹp giữa bàn nhậu, rót rượu bia và nhận những lời tán dương, trêu ghẹo buông ra những câu đùa thô lỗ, tục tằn của mấy anh cán bộ hàng tỉnh sau vài chén rượu đã ngà say, thích dùng quyền uy để lòe thiên hạ. Khi cơ chế bao cấp bị phá bung, Thơm nghỉ một cục bỏ ra lập công ty riêng, thu mua hải sản xuất khẩu. Ba Cư – chồng Thơm, nghỉ hưu sớm. Anh chồng hơn vợ hai mươi nhăm tuổi. Vợ chồng Cư – Thơm lấy nhau được dăm năm, mới phát hiện ra Thơm không có khả năng sinh con. Cả hai không lấy vậy làm buồn. Rượu là bạn với họ hằng ngày. Như thể trời đất sinh ra họ để kết bạn với nhau và có chung một người tình là rượu. Họ chỉ uống rặt một loại rượu đế cất bằng gạo nếp thơm Bến Tre. Trên bàn nhậu sau những lời giao đãi, chồng một ly, vợ một ly. Có khách hoặc không có khách cũng vậy. Đôi bạn tình ngồi bên nhau cho đến phút chót. Uống không biết say. Vừa uống rượu, vừa nói chuyện khan, nhấm nháp đĩa mồi nhậu là vài dẻ cá khô nướng chấm muối ớt và ngắm trăng suông.

 

Vài năm trở lại đây, trong nhà đã có tiếng trẻ con. Chuyện kể rằng, anh con trai với chị vợ trước của Ba Cư chỉ thua Thơm dăm tuổi, được cha cho học nghề ở thành phố. Chẳng hiểu yêu đương ra sao, cô cậu ăn cơm trước kẻng. Khi có bầu đôi trẻ giấu biệt vợ chồng Cư – Thơm. Ngày cô gái ở cữ, anh con trai nhà Cư mới hốt hoảng báo tin cho cha và bà mẹ kế. Ba Cư và Thơm lên thành phố tìm gặp cho được con trai ở trong một dãy nhà trọ ngoài Thủ Đức. Đến bệnh viện, thì hỡi ôi! Cô gái sau lúc sinh nở lừa khi vắng người đã lẳng lặng bỏ anh người yêu và bỏ cả đứa con đỏ mới hơn một ngày tuổi đi biệt. Ba Cư nhìn con, nhìn cháu không hề lộ vẻ bực tức và cáu giận. Ngồi thừ ra một lát, Ba Cư ôm đứa trẻ trên tay, nhìn kỹ. Rồi cười lớn: “- Đích thị cháu ta đây rồi. Mặt giống ông nội như tạc”.

 

Một tay Ba Cư và Thơm nuôi lớn đứa cháu nội từ ngày ấy. Tiếng nói đầu tiên của một đứa cháu đích tôn dòng họ Phạm ở miệt vườn Rồng Chôm, vốn nổi tiếng nghề võ là tiếng “bà” chứ không phải tiếng “mẹ”. Nó như đoạn dây nối dài cuộc sống của vợ chồng Cư Thơm rút ngắn những đêm dài, phập phềnh giống những bông bần, bông súng mùa nước nổi.

 

Lúc tụi tôi về đến nhà, Ba Cư đang mặc quần xà lỏn, cởi trần cầm nơm úp cá ở dưới lạch nước nhỏ trong vườn. Ba bốn con cá tra, cá chép, cá trắm nặng vài cân đang dãy đành đạch trên vạt cỏ, nát cả khóm khoai nước. Vườn rộng vài công đất, nằm ngay bên bờ sông Hậu, đất đỏ phù sa phủ rợp bóng dừa, bưởi da xanh, nhãn da vàng quả sai la đà đang chờ khách buôn đưa ghe vào tận vườn thu hái.

 

Chỉ chưa đầy một giờ, chúng tôi đã có một bàn nhậu. Cả Thơm, Vân và tôi mỗi người một chân một tay vào bếp làm cơm. Món chính là cá. Cá nướng, cá nấu canh chua ăn bún, cá hấp quấn bánh tráng dừa. Và rượu cả can. Thêm hai anh bạn ở hội văn nghệ vốn là đệ tử rượu của vợ chồng Cư Thơm được gọi tới tiếp rượu khách cho bàn tiệc đông vui. Những câu chuyện không đầu, không cuối. Rồi hồi ức, kỷ niệm của những ngày tháng sinh viên trong kí túc xá đại học. Ba bốn chị em rủ nhau bớt phần cơm, lấy gạo đem bán có chút tiền ăn quà sáng, sắm áo quần, mua son phấn. Điểm mặt qua vài gương mặt ông thầy, đám bạn bè cùng khóa tứ tán mỗi người một phương. Có người thành danh. Có đứa sạt nghiệp trên thị trường chứng khoán, nhà đất, buôn lâụ hàng qua biên giới. Một vài cô bạn theo chồng sang Nga, Úc, Canada… lập nghiệp.

 

Xế trưa, tôi nhận được một cú điện thoại: “Mời cô về trại gấp. Có chủ hàng đến xin gặp cô để ký hợp đồng”. Tôi chỉ bảo Vân và Thơm: “- Tao phải về. Nhà có chuyện. Còn hơn hai tháng nữa tới ngày giỗ ba mẹ tao. Tụi bay cố gắng sắp xếp công chuyện lên cao nguyên chơi”. Nói vậy thôi, chứ tôi thừa hiểu, Vân và Thơm cũng bận tối ngày với công việc và đám con cái quá nặng nề.

 

Hơn một giờ bay, tôi đã có mặt ở sân bay Liên Khương. Máy bay cất cánh cũng là lúc tôi vừa nghe nhạc và ngủ. Khi những làn gió lạnh phả ra từ dãy Lang Biang và những cánh rừng thông trong tiếng xe chạy êm ái, tôi mới thực sự hết buồn ngủ. Mệt mỏi cũng tan biến. Tôi bảo cậu lái taxi dừng xe giữa một khoảng rừng vắng. Tôi hít một hơi dài điếu thuốc Salem. Cảm giác sảng khoái tự do, thoải mái ngập tràn.

 

2

Trong gia đình tôi, một năm có hai ngày quan trọng. Ngày cúng tất niên và ngày đại giỗ. Nếp sống ấy có từ ngày cha tôi còn sống.

 

Cuối năm, từ hai mươi ba tháng Chạp, ngoài trại hoa có hàng chục người làm lo cắt hoa, đóng gói và chở đi cho các bạn hàng. Còn ở nhà chị Thoa gọi thợ lo quét dọn, trang trí lại nhà cửa. Ngày 28 tháng Chạp, nhà tôi cúng tất niên, mời các cụ tổ tiên, người quá cố về chung vui cùng gia đình, con cháu. Ngày cúng Tất niên, nhà tôi làm cỗ mặn, năm nào cũng phải mất trên dưới hai chục nâm. Ngoài người ăn cỗ trong gia đình, tôi còn mời những người làm công cho gia đình trong năm. Một số người làng Lôi theo lời khuyên của cha tôi từ những năm chín mươi vào xây dựng làng kinh tế mới ở một vùng đất tốt cách trại Đầm Vịt chừng bảy cây số. Mười mấy gia đình làng Lôi vào đây, họ cũng được chính quyền sở tại cho thành lập chi bộ đảng, xây dựng ấp kinh tế mới lấy tên đất quê lập tên làng. Gọi là làng Đồng Tiến trên đất Lâm Đồng. Người làng Lôi vốn chăm chỉ, cần cù chỉ vài năm khai hoang, mở đất, nhà nào cũng có một vài hecta đất trồng cà phê, chè, hồ tiêu, rau màu… Các rẻo đất ven suối Lau, suối Lươn bà con khai phá thành những ruộng lúa nước. Bà con Brâu ở bản ở gần đấy thấy bà con làng Lôi làm ruông, làm rẫy giỏi, học cách làm theo.

 

Cha tôi còn truyền dậy cho bà con làng Đồng Tiến và người Brâu ở buôn Bo cách trồng hoa. Từ ngày mẹ và bà nội tôi còn sống mỗi mùa hoa đã vào làng, vào buôn mua hoa của họ gom lại bán buôn cho chủ hàng. Nhớ ơn cha mẹ tôi, năm nào người làng Lôi ở thôn Đồng Tiến cũng mang lễ đến thắp hương trên bàn thờ gia tiên.

 

Đại giỗ của gia đình tôi nhằm vào ngày Vu Lan. Giỗ ông, giỗ bà, giỗ cha, giỗ mẹ được làm trọn trong ba ngày. Có ngày giỗ chay, có ngày giỗ mặn. Khách đến ăn cỗ vẫn là người trong gia đình và bạn bè của cha tôi, của tôi. Ngày đại giỗ được chuẩn bị chu đáo trước cả tháng.

 

Trong ngày giỗ nhân dịp lễ Vu Lan, nhiều năm nay luôn có mặt những người bạn thân thiết của gia định tôi là Thầy Năm Bê. Thầy là bạn của cha tôi, là thầy dạy của tôi ở đại học. Người thứ hai là chị Thi.

 

Chị là người chị kết nghĩa của tôi. Những ngày mẹ con tôi sống ở Nha Trang, tôi là ”cái đuôi” của chị, lúc mẹ tôi phải sống nhờ trong ngôi nhà của gia đình chị ở núi Đá Chẹt. Ngày giỗ cha mẹ tôi, bận mấy chị cũng thu xếp công việc để lên với tôi. Người thứ ba ít vắng mặt ngày đại giỗ là chú Hoài, một người cùng đơn vị với cha tôi ở chiến trường Trị Thiên. Chú Hoài nhiều lần tự nhận là ”lính” đi bảo vệ ”cho đại đội phó Đệ”.

 

Chuyện quản gia trong nhà, kể cả chuyện cúng giỗ, tôi giao cả cho Thoa. Nhiều năm nay, Thoa đã là một thành viên quan trọng trong gia đình tôi. Thoa ít hơn tôi ba tuổi, là đứa con ngoài giá thú của lão Ca với một người đàn bà chuyên đi cất vó tôm và đặt ống lươn ở làng Vàng. Trong những năm làm quản trang ở nghĩa địa làng Lôi, lão Ca quan hệ vụng trộm với người đàn bà này. Nghe người làng Lôi kháo nhau, chị ta ngớ ngẩn. Nói năng ngọng nghịu, ngoài ba mươi tuổi vẫn chẳng ai chịu lấy. Trong những đêm mưa gió, ở căn nhà nhỏ ngoài cánh đồng, lão Ca đã lừa được người đàn bà cô đơn. Ai ngờ chị đã sinh cho lão một đứa con gái. Lúc còn nhỏ, Thoa học cũng không được, thi mấy lần không qua khỏi cấp I, nhưng trời phú cho cố bé có bàn tay khéo léo, đan lát giỏi.

 

Sau ngày lão Ca và mẹ chết, Thoa phải đi làm thuê cho người làng. Một lần, tôi về vùng quê Đồng Tiến, nghiên cứu mặt hàng mây tre xuất khẩu, tôi đã phát hiện ra Thoa và đưa cô bé về trại Đầm Vịt để giúp việc cho gia đình.

 

Những ngày gia đình có việc cúng giỗ, có hai việc tự tay tôi làm là chăm sóc, thắp hương năm ngôi mộ ở một khoảng rừng phía sườn đồi và lau chùi bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Mỗi lần ra mộ thắp nhang, ngồi tha thẩn quanh những ngôi một xây bằng đá xanh tôi có cảm giác như thể bà nội tôi, cha tôi, mẹ tôi và ông bà ngoại đang lẩn khuất đâu đó sau những tán cây rừng. Tháng bảy, vùng Đầm Vịt hay có những trận mưa rào. Trên các triền đồi, khe suối dọc theo con đường đất đỏ, hoa dã quỳ nở vàng rực. Thung lũng mọc đầy cỏ lau, đang trổ bông như ngàn vạn ngọn cờ phấp phới theo gió. Những cánh rừng thông, những vườn cao su , hồ tiêu, cà phê, những đồi chè no nước, xanh ngằn ngặt. Không gian tĩnh lặng. Vẳng lên tiếng chim chích chòe, tiếng chim “bắt cô trói cột” đâu đó ở phía lèn đá, dưới bờ khe. Bãi Đầm Vịt mùa khô cạn nước, trông như cái ao nhỏ lọt thỏm giữa núi đồi cao nguyên điệp trùng. Đến mùa mưa, nước từ các khe suối chảy về, Đầm Vịt biến thành một hồ nước mênh mang.

 

Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được cha đưa đi theo xem ông đặt bẫy nhím, bẫy thỏ, đi đào dúi trong rừng, lội dọc theo các con đường mòn ven hồ rình bắn vịt trời, le le…Ông kể cho tôi nghe những chuyện ngày nhỏ ông đi theo mẹ mót khoai mùa nước, đi tát nước, nhổ mạ. Ngày cha tôi học cấp 2, cấp 3 ông cùng bạn bè đi trồng cây, ngày mùa thầy trò đi xếp ải. Mỗi tuần học trò phải có một buổi lao động tay chân. Khi máy bay Mỹ bỏ bom quê tôi, cha tôi đã từng phải đi đào hầm để tránh máy bay. Có lần, cha tôi quên đội mũ rơm đến trường, ông bị thầy giáo phạt. “- Mũ rơm là chi cha?”. Tôi không hiểu hỏi lại ông. Cha tôi cười rồi trả lời: “- Là cái mũ như con đội trên đầu bây giờ nhưng được tết bằng rơm lúa để che mảnh bom, mảnh đạn khi máy bay Mỹ ném bom! Ngày ấy khổ lắm con à. Cả nhà vừa đói, lại còn bị bom Mỹ đánh phá đêm ngày”. “- Vậy sao cha vẫn được đi học?”. Tôi ngây ngô không hiểu. “ – Đói khổ, bom đạn vẫn phải học. Có học mới hết khổ…!”. Về sau tôi mới biết cha tôi đã từng tốt nghiệp hết cấp 3, rồi mới đi bộ đội. Tôi sinh ra ở Nha Trang, không biết mặt ông nội, ông bà ngoại. Chỉ nghe cha, mẹ tôi kể về họ. Dù đầu óc tôi cố mường tượng nhưng không bao giờ hình dung ra họ. Còn hình ảnh về bà nội, về mẹ, về cha luôn hiện về trong những giấc mơ và trong suy nghĩ của tôi. Trong ngôi nhà này mỗi khi chạm vào một đồ vật thân thuộc, hay đi trên những lối mòn trong vườn, ngoài ruộng trồng hoa…tôi đều nghĩ tới họ. Gương mặt bà nội tôi già nua, da nhăn nheo, đôi mắt hiền hậu. Gương mặt mẹ đẹp nhưng rắn rỏi, quyết liệt. Gương mặt cha với vết sẹo trên trán, đôi mắt buồn buồn, sâu lắng… Ba gương mặt ấy luôn hiện hình rõ nét mỗi khi tiềm thức trong tôi động vào quá khứ sâu thẳm. Tôi kinh hãi nhất mỗi khi bất chợt nghe một tiếng động lớn. Một tiếng sét chẳng hạn. Một tiếng mìn phá đá vang lên bất ngờ giữa lưng đèo. Thậm chí tiếng cánh cửa sổ bằng gỗ cô Thoa quên cài chặt bị gió giật giữa đêm khuya thanh vắng luôn khiến cho tôi bị bất ngờ, rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tôi cứ tưởng đấy là tiếng trái lựu đạn phát nổ năm nào ở dưới chân bờ rào gần con mương nước. Trái lựu đạn US hẳn đã nằm từ lâu chìm sâu trong đất bị cỏ lấp đầy. Trái lựu đạn mỏ vịt US của Mỹ đã giết chết bà nội và mẹ tôi. Ai gài? Có thể họ là những người lính Mỹ, lính Ngụy, ngày xưa đóng quân ở vùng này đi càn rừng. Mà cũng có thể trái lựu đạn ấy là của cán bộ du kích làng Bo gài quanh hậu cứ. Ngày mới mua mảnh đất này, cha tôi đã thuê máy cày về cày ủi, đào xới tung cả một góc đồi. Chỉ gặp dây thép gai, miểng pháo, vỏ trái bom bi. Cha tôi đã cho thu gom lại để bán cho những người thu mua sắt vụn… Không ai nghĩ vạt cây rừng gần với ruộng trồng hoa sát nhà tôi mìn vẫn còn sót lại. Ngày xẩy ra tai họa, bà nội và mẹ tôi đang dọn đống cành cây, cỏ khô ngay sát chân hàng rào chờ đốt. Gặp lửa nóng, trái lựu đạn nổ tức thì đã mang bà nội và mẹ tôi ra đi. Ấy là năm tôi tròn 13 tuổi, đang theo học lớp năm trường của xã. Tan học về tôi còn đang mải ngắm mấy con cào cào ngô bà nội bắt được nhốt vào trong vỏ chai nhựa dành cho tôi chơi. Cha tôi từ sáng đã cùng với mấy người hàng xóm đi xe đò mua đọt mía về trồng, lúc ấy không có nhà. Tiếng lựu đạn nổ đanh váng óc. Tôi ngã soài xuống sân, nhìn thấy một đám khói bụi bốc cao dưới chân hàng rào. Lúc những người đang làm cỏ ở rẫy kế bên nghe tiếng nổ chạy sang, bà nội tôi, mẹ tôi đã nằm im bất động. Máu thấm đỏ vạt áo ngực mẹ, mặt bà nội bị một mảnh lựu đạn găm vào bay một con mắt. Cả hai đã chết. Không một lời trăng trối. Cha tôi về đến nhà chết lặng nhìn xác mẹ và vợ đang đắp chiếu. Mắt mẹ tôi vẫn mở nhìn lên bầu trời xám xịt. Cha ôm tôi vào lòng. Tôi khóc nức nở.

 

Đã bao năm giấu sau tấm ảnh thờ của mẹ, tôi vẫn còn giữ cái khuy tròn của trái lựu đạn US – loại lựu đạn mỏ vịt của Mỹ.

 

3

Ngôi nhà xây nơi tôi đang ở rộng hơn hai trăm mét vuông, được xây cất từ ngày cha tôi còn sống. Sau mấy vụ trồng hoa trúng lớn, cha tôi dành tiền làm lại ngôi nhà mới. Ngôi nhà gỗ ba gian, nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của cha mẹ tôi, của bà nội tôi và tôi ngày thơ trẻ ông không phá đi, biến thành ngôi nhà sau liền kề bên ngôi nhà mới. Sau này tôi cho sửa sang lại, thay những tấm gỗ đã bị mục nát, láng nền, mở thêm cửa sổ dùng làm phòng đọc sách, nghỉ ngơi. Ở ngôi nhà lớn, tôi cho xây thêm tầng 2, dành hẳn một phòng rộng sáu mươi mét vuông làm phòng thờ. Gian phòng ấy chỉ có tôi và cô Thoa có chìa khóa. Tôi là chân chạy, có công chuyện hay đi nay đây, mai đó, có khi vắng nhà cả tuần lễ. Gian phòng thờ hàng ngày Thoa lên lau chùi thắp nhang, trưng hoa trái. Cả không gian tầng hai được che phủ dưới tán cây vú sữa và dây leo. Đến mùa cây dây leo nở đầy những chùm hoa màu tím.

 

Trên ban thờ sau bức tượng Phật được chạm khắc tinh xảo bằng gỗ mít là bàn thờ bà nội, ông bà ngoại và cha mẹ tôi. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao cha tôi lại chọn tấm ảnh thờ của mẹ từ thời bà còn trẻ. Có lần tôi đã hỏi, ông chỉ cười. “- Cha thích tấm ảnh ấy, khi nào có thời gian cha sẽ kể cho con nghe chuyện của cha mẹ!”.

 

Thực tình giữa cha và mẹ, tôi yêu cha hơn. Không hẳn tôi được sống với cha tôi lâu hơn, những hai mươi tám năm. Cha tôi mất vào năm 2000. Tôi đã trưởng thành và khôn lớn. Còn một lý do, ngày bé và những ngày đi học tôi hay bị mẹ mắng. Thậm chí mẹ tôi còn quất roi vào đít mỗi khi cuốn vở tập của tôi hoen ố mực hay bị điểm kém. Vào những lúc ấy, tôi chạy đến với cha. Ông ôm tôi vào lòng, xoa lưng, dỗ tôi đừng khóc… Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ngày tôi gặp lại cha tôi ở trại Ngân Điền. Tối ấy, đã khuya, cha tôi đi làm ở trại cải tạo mới về. Tôi nhìn thấy ông, trong bộ quần áo kẻ sọc, đẫm mồ hôi. Tôi nhào chạy tới phía ông, òa khóc. Cha bế bổng tôi lên, đi tới bên bà nội và mẹ tôi…

 

Chuyện mẹ tôi đánh đòn, ấy là trận đòn năm tôi học lớp 2. Mùa xuân thống nhất thứ sáu đã đi qua. Gia đình tôi đã về sống ở vùng Đầm Vịt. Với mấy chỉ vàng của mẹ tôi còn cất giữ lại được sau hơn hai năm phải vất vả nuôi con, chăm sóc bà nội, buôn bán, năm vài bận đi thăm nuôi chồng ở trại cải tạo Ngân Điền.

 

Ngày được trở về đoàn tụ với gia đình cũng là lúc cha tôi quyết định đưa cả gia đình đi kinh tế mới. Bà nội tôi sau những ngày tháng lang thang, theo như lời nội kể đã có lúc phải đi ăn xin, may nhờ được các chú bộ đội và những người dân tốt bụng dọc đường, bà đã tìm được vào đến Huế… Chuyến vô Nam của bà nội tôi là cả một câu chuyện dài đầy bí ẩn, đau thương.

 

Đất rừng Tây Nguyên hoang dã, người thưa vắng, bị cày nát bởi bom đạn nhưng lại hào phóng, đãi người. Không hiểu ai xui và mách bảo, cha tôi dắt díu vợ con về vùng Đầm Vịt. Những lúc cực nhọc, vất vả thiếu thốn, mẹ tôi có than phiền, trách móc cha đưa vợ con vào vùng rừng thiêng, nước độc. Cha cười động viên: “- Này em, hơn nửa thế kỷ trước cụ Yessin đã từng đặt chân đến nơi này. Đất vàng đấy em ạ”. Mẹ tôi vặc lại: “- Yessin là ai? Anh khùng à?”. Cha tôi bình thản trả lời: “- Một ông bác sĩ người Tây dám bỏ cả phồn hoa đô hội của Paris, Thụy Sĩ chọn Việt Nam làm quê hương. Người Tây họ còn dũng cảm vậy, huống chi ta. Em coi thử ruộng rẫy nhà ta có rộng gấp mấy trăm lần căn phòng thuê ở Nha Trang không nào?” Mẹ tôi vẫn không tha: “- Đúng là khùng”.

 

Như thể trời đất thương, chỉ vài ba vụ thu hoạch sắn mía, cha mẹ tôi đã có của ăn của để, dựng được căn nhà gỗ nhỏ. Mẹ tôi lại có nghề may, ngoài công việc trông nom vườn tược, bà may áo quần cho các cô chú cán bộ làm việc ở thị trấn, may áo quần cho mấy cô giáo. Tôi đi học mẹ mua vải mới may áo quần cho tôi đến trường. Ngay từ khi đi học tiểu học, tôi đã là một đứa trẻ nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè, đám con trai nhiều khi còn bị tôi bắt nạt. Trận đòn của mẹ tôi là kết quả của một cuộc cãi lộn với mấy đứa con trai trong lớp. Tôi đã cầm cây bút bi đâm nát cuốn vở tập của thằng Bin. Giận quá tôi còn xông vào ôm nó vật lộn. Thầy giáo phạt tôi, đưa lên văn phòng. Ông cho người về tận nhà bắt mẹ tôi lên nhận con và viết bản kiểm điểm. Suốt chặng đường từ trường về nhà, bao nhiêu tội lỗi, những lời quở mắng mẹ trút lên đầu tôi. Cây roi tre mẹ tôi tuốt được ở dọc đường, quất cho tôi đỏ đít. Ban đầu tôi còn khóc mếu. Sau giận mẹ quá, tôi im lặng.

 

Buổi tối nhân lúc mẹ tôi đi họp tổ phụ nữ ở xóm Đầm Vịt, cha tôi mới ôm tôi vào lòng. Và hỏi: “- Chiều nay có chuyện chi ở trường mà con để thầy phạt, mẹ đánh? Nói cho cha nghe coi!”. Bà nội thương cháu, nghe cha tôi hỏi, có ý giận con dâu, chửi: “- Tiên nhân bố nó, chả hiểu chuyện gì, đánh con bé lằn lươn”. Như thể nỗi uất hận bị kìm nén trong lòng bây giờ mới trào ra, tôi mếu máo: “- Thằng Bin chửi con là con lính ngụy…!”. Cha tôi nghe xong ắng lặng, rồi cười khùng khục, xoa đầu tôi. Ông lấy chiếc khăn lau mặt cho tôi rồi nói: “- Thằng Bin nói vậy mặc nó con… Cha là ai, con vẫn là con ngoan của cha”.

 

Bà nội tôi ngồi giấu mình trong khoảng tối bên thềm hè bỏm bẻm nhai trầu. Đột nhiên, bà tôi lấy miếng trầu ra khỏi miệng, gầm lên như một con mèo già hung dữ: “ – Lần sau đứa nào nói vậy con tát vào mặt nó và bảo: Bố tao là bộ đội cụ Hồ, bố tao đi đánh Mỹ… nghe chưa cháu!”.

 

Tôi mở to đôi mắt thỏ non nhìn bà nội rồi nhìn sang cha tôi. Không hiểu… Không thể hiểu. Phải nhiều năm sau nữa khi tôi đã làm chủ một gia đình. Tôi sống đơn độc trong căn phòng ấm áp đầy đủ tiện nghi mới vỡ ra nhiều điều mà ngày còn nhỏ không biết, không hiểu.

 

Có những ngày tôi đi lang thang trong những cánh rừng đại ngàn của cao nguyên, miên man giữa những thảm hoa hồng, hoa ly, thược dược, cúc vàng, cúc tím…vào mùa thu hái. Những ngày tôi lần mò tìm đường về với làng Lôi, làng Vàng, Đông Xá, làng Mây… heo hút nằm lọt thỏm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú. Những chiều nắng ngả vàng trên các triền núi phía Tây kinh thành Huế, tôi đứng ngơ ngẩn bên bụi tre ngà ở làng Dương, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên âm vang khắp mặt sông Bồ, rồi lần mò chui xuống căn hầm trú pháo của ông ngoại tôi được xây cất kín đáo dưới ban thờ, ẩn nấp “Việt cộng” mỗi khi về đánh đồn Từ Hạ. Suy ngẫm và tìm câu trả lời, tôi mới vỡ dần ra những bí ẩn về những người thân xung quanh tôi. Hệt như con lật đật của dân Nga. Cứ mở… cứ mở. Hết con này lại đến con khác xuất hiện. Đi tìm những lời giải về người thân, tôi đi hết chặng này sang chặng khác, gặp hết bất ngờ này sáng cảnh huống khác. Chỉ khác một điều, những hình hài những câu chuyện không giống nhau bao giờ. Công việc tôi làm hệt như một điều tra viên hình sự, mầy mò kết nối xâu chuỗi từng sự kiện để khám phá bức tranh gia đình vốn mờ mịt, đầy uẩn khúc.

 

>> Xem tiếp kỳ 2

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC