Đoàn Lê đa tài, đa đoan

2025

22.01.2018-11:30

 Nhà văn Đoàn Lê (1943-2017)

 

Nhà văn Đoàn Lê: Đa tài, đa đoan

 

CẨM THUÝ

 

NVTPHCM- Bà Đoàn Lê vẽ rất nhiều, hàng trăm bức sơn dầu khổ lớn. Tranh bà được bán rất chạy, đúng ra, bà đã sống khoẻ bằng hội hoạ.

 

Sinh năm 1943 ở Hải Phòng, vừa mất ngày 6.11.2017, nhà văn Đoàn Lê nằm trong số không nhiều nữ sĩ tài sắc vẹn toàn, lại đa tài ở rất nhiều lĩnh vực, thơ văn, hội hoạ, điện ảnh… nơi nào bà cũng đạt được thành tựu đáng kể. Là con một cụ đồ nho có nghề thuốc gia truyền, năm 17 tuổi, Đoàn Lê trốn lên Hà Nội thi vào trường Điện ảnh, đã trúng tuyển khoá I (1959-1962). Là sinh viên trường điện ảnh, nhưng năm 18 tuổi, bà nổi tiếng với bài thơ “Bói hoa” đăng trên báo Văn Nghệ, được nhiều người chép chuyền tay nhau: Ngày xưa em thơ ngây/ Ngồi bói bông hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/ Vẹn tròn hay dang dở…

 

Tốt nghiệp Điện ảnh khoá I cùng với những Trà Giang, Lâm Tới, Đoàn Lê về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng sự nghiệp làm diễn viên của bà chỉ dừng lại ở một vai nữ chính duy nhất là cô giáo Hồng Vân trong bộ phim truyện “Quyển vở sang trang” (1975) của đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung. Sau đó, bà được giao làm thiết kế mỹ thuật cho phim và công việc ấy mở ra một khả năng sáng tạo vô tận của bà cho tới tận cuối đời là hội hoạ. Bà tự học, rồi được học với các danh hoạ Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… Thậm chí bà đã thi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam để học. Sau này, nhất là những năm sau khi đã nghỉ hưu, dựng một ngôi nhà ở Đồ Sơn để vẽ và viết văn, bà Đoàn Lê vẽ rất nhiều, hàng trăm bức sơn dầu khổ lớn. Tranh bà được bán rất chạy, đúng ra, bà đã sống khoẻ bằng hội hoạ.

 

Còn với điện ảnh, duyên với những vai diễn không còn, nhưng bà lại xuất hiện với vai trò một biên kịch xuất sắc, trong đó, nổi bật là kịch bản điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy” được viết chuyển thể từ các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Ngoài ra còn có các kịch bản khác như “Bình minh xôn xao”, “Cha và con”… Âm thầm chuẩn bị học cả nghề đạo diễn, bộ phim Con Vá do bà vừa viết kịch bản vừa đạo diễn đã đoạt giải Bông sen Bạc Liên hoan phim toàn quốc.

 

Mặc dầu vậy, sự nghiệp chói sáng nhất của Đoàn Lê lại phải kể đến văn xuôi. Bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay “Đôi mắt hoa nhài”, “Trương Viên”, “Cây xoan” từ năm 1963, đăng trên các báo Văn nghệ và Đại Đoàn kết. Nhưng thời kỳ viết văn rực rỡ nhất của bà là thập niên 1990. Mở đầu vào năm 1988, Đoàn Lê công bố tiểu thuyết “Cuốn gia phả để lại” gây chú ý với bạn đọc. Cuốn tiểu thuyết đầu tay ngay lập tức đã dành giải thưởng của Hội Nhà văn 1989-1990. Hàng loạt những tác phẩm của Đoàn Lê lần lượt ra đời: tiểu thuyết “Người đẹp và đức vua” (1991), tập truyện “Thành hoàng làng xổ số” (1992), tiểu thuyết “Lão già tâm thần” (1993). Đặc biệt là các truyện ngắn: “Đất xóm Chùa”, “Nghĩa địa xóm Chùa”, “Trinh tiết xóm Chùa”, “Người đẹp xóm Chùa”, “Giường đôi xóm Chùa”… được tập hợp trong tập “Trinh tiết xóm Chùa” được đánh giá cao và được dịch sang các nước.

 

Nữ sĩ Đoàn Lê có một đời tư nhiều sóng gió như những câu thơ em gái bà – nhà thơ Đoàn Thị Tảo đã tặng chị gái trong một lần sinh nhật: Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Cho nết buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm một câu hát cổ/ Để người lý lơi/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan. 

 

Theo ĐĐK

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…