Đọc bài thơ “Đừng nhìn em như thế” của Lê Thị Kim

1452

Tuệ Mỹ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bài thơ là lời em thầm nhủ khi đứng bên bờ ánh sáng của tình yêu. Hân hoan đón nhận món quà quý báu mà Thượng đế ban cho loài người: tình yêu đôi lứa nhưng đừng quá lụy tình, đừng biến mình thành con thiêu thân. Yêu là để sống thêm mãnh liệt, để có động lực dấn thân vào cuộc đời, trả nợ đời vì đời đã cho ta nhiều ơn huệ. 

Nhà thơ Lê Thị Kim  

Nhiều người thường nói: “Yêu… từ cái nhìn đầu tiên”. Nói như thế cũng có nghĩa cái nhìn là tiếng tình yêu không lời. Có lẽ vì thế mà ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng “Hôn cái nhìn” (tên bài thơ của Xuân Diệu). Em (nhân vật trữ tình – nhà thơ) trong bài thơ “Đừng nhìn em như thế” của nữ thi sĩ Lê Thị Kim cũng đã có cảm xúc đặc biệt khi được anh nhìn. Em đã cảm nhận được điều gì từ cái nhìn của anh mà lại van “Đừng nhìn em như thế”. Một khi đã van như vậy chắc hẳn em đang rơi vào trạng thái sợ hãi. Đúng, em sợ. Sợ cái nhìn anh làm “cháy lòng em”. Nói đến “cháy”, người đọc lại nhớ đến chàng trai trong thơ Vũ Quần Phương đã say đắm, ngất ngây khi nhìn em áo đỏ “Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không”. Diễn tả tình yêu mãnh liệt, đắm say, Lê Thị Kim có cách tạo nên trường liên khác. Nhà thơ không hề nói đến lửa nhưng qua “cháy lòng” là đã khẳng định mắt anh có lửa rồi – lửa tình, lửa đắm say. Cái nhìn anh “như thế” bảo sao Em không “cháy lòng” cho được. Bởi có lửa nên cái nhìn anh “nồng nàn”. Ngòi bút bút tài hoa của thi sĩ đã mang sự “nồng nàn” trong cái nhìn anh đến mênh mông- cái mênh mông của bể “Sự nồng nàn của bể”. Mà nói đến bể thì đương nhiên phải có sóng. Sóng đã “cuốn mất hồn em đi”. Sóng mà cuốn mất hồn thì chỉ có sóng mắt, sóng tình thôi. Phải, cái nhìn anh đã làm em say đắm, hút hồn, khiến em sợ không làm chủ được trái tim mình. Nói như thế nghĩa là em đã yêu và được yêu. Mà yêu và được yêu là điều kỳ diệu, thế tại sao em lại tiếp tục van “Đừng nhìn em như thế”. Có phải vì em sợ “Khắc giờ thành thiên thu”. Tình yêu chợt đến (khắc giờ) rồi sẽ vĩnh viễn ra đi (thành thiên thu). Câu thơ mang đậm chất triết lý sâu sắc về “luật vô thường” của cuộc sống. Nhưng điều khiến Em sợ nhất vẫn là “Mắc nợ đời dâu bể/ Mắc nợ tình thơ si”. “Mắc nợ” ai mà không sợ. Lại sợ hơn khi mắc những món nợ lớn: Nợ đời, nợ tình thơ. Trả món “nợ đời dâu bể” chắc phải bằng một đời đa đoan của phận người. Còn “Mắc nợ tình thơ si”? Đã là thi sĩ mà mắc nợ tình thơ thì cũng xem như… mình đã đánh mất mình. Vì với em, thơ là hơi thở nhịp tim, là phần đời của em đó. Không phải vô cớ mà tiếng vọng thiết tha “Thơ ơi – Kim ơi”* lại vang lên trong thơ Lê Thị Kim như một lời khẳng định Thơ và Kim như một cặp song sinh, đời Kim đã vận vào đời Thơ rồi. Bởi thế mà tình thơ của nữ thi sĩ đã vượt lên mức bình thường để thành “tình thơ si”.  Nếu vì yêu anh mà em phải “mắc nợ” như vậy thì “Đừng nhìn em như thế”!

Sợ mắc nợ nên “Em đành làm chim nhỏ/ Đứng hót chơi trong chiều/ Thả đôi lời hoa cỏ/ Cho đời bớt tịch liêu”. Sống hồn nhiên yêu đời, vui hát, ca xang, giúp “Cho đời bớt tịch liêu” đó mới chính là em, một thi sĩ, nghệ sĩ. Vậy sao Em bảo là “đành”? Tiếng “đành” buông chùng nặng trĩu tựa như cánh cửa đóng sầm mà vẫn hé lộ khe bi kịch. Là bi kịch gì? Hãy lắng nghe Em lý giải “Bởi tình yêu có thật/ Vĩnh cửu trong cuộc đời/ Bởi ghen tuông có thật/ Xuống mồ biết có thôi”. “Tình yêu” và “ghen tuông”  vốn là chuyện của đời, của cõi người. Mà đã là đời, là cõi người thì đương nhiên phải “có thật”. Một sự thật nghiệt ngã của cuộc đời là sự tương đố giữa tình yêu và bi kịch, hạnh phúc và khổ đau… Chắc gì tình yêu đang nắm giữ trong tay lại không có mầm bi kịch. Ai chắc hạnh phúc luôn mang màu hồng khi cuộc sống có nhiều bóng đen. Một khi đã dấn thân vào đời ai có thể thoát được cái “luật đời” đó. Những điều luận giải của em cũng rất thật, rất có lý. Bởi thế mà “Đừng nhìn em như thế” lại tiếp tục vang lên ở khổ thơ cuối. Lần này thi sĩ nói rõ cái nhìn “như thế” của anh là “Sự dịu dàng nhường kia”. Cái nhìn “dịu dàng” chỉ có thể là cái nhìn của tình yêu. “Dịu dàng” nhưng lại có sức mạnh làm em “chết ngạt”. Có phải lúc này em đang bơi trong bể mắt anh? Vì chỉ có lặn ngụp trong bể tình sâu rộng mới có thể làm Em “chết ngạt” thôi. Một khi  tình yêu làm em “chết ngạt” thì cũng “Hết một đời thơ si”. “Thơ si” một lần nữa lại xuất hiện nơi tận cùng của bài thơ như tiếng vọng về của niềm đam mê không dứt. Mà dứt sao được khi “tình thơ” đã hóa thành “đời thơ”. Đã bảo “đời Kim” đã vận vào “đời Thơ” kia mà. Vì yêu mà giết chết đam mê, đó là điều Em sợ lắm!”

Vậy là từ “cháy lòng”, “cuốn mất hồn” đến “chết ngạt”, cung bậc tình yêu và sự đắm say trong Em cứ tăng dần. Vậy là em không thể cưỡng được sức hút của cái nhìn anh, em đã rơi vào bể tình khi nhìn vào mắt anh. Hóa ra “Đừng nhìn em như thế” chỉ là cách nói “chống chế” theo kiểu “là con gái mà!”. Con gái dù có yêu mãnh liệt đến đâu cũng phải kín đáo chứ! Cũng phải biết ngượng ngùng trước cái nhìn đắm say của người khác giới chứ! Những dòng thơ “Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì”, “Đừng nhìn em như thếSự dịu dàng nhường kia/ Sẽ làm em chết ngạt” đã làm hiển hiện hình ảnh em, người con gái cúi đầu e lệ không dám nhìn vào mắt anh dù tình yêu đã dậy sóng trong lòng. Rất nữ tính! Rất dễ thương! Là con gái khi đã yêu thường mơ mộng nhiều nhưng cũng lắm lo âu. Những nỗi sợ lo về “luật vô thường”, “luật đời”, “mắc nợ”… len vào lòng em khi tình yêu đến cũng là lẽ tự nhiên. Nỗi lo sợ hiện về lúc đó tựa như cơn mưa phùn làm dịu đi ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy trong Em. Chính nó đã “níu” Em lại để Em vẫn là Em chứ không phải là con thiêu thân lao vào ngọn lửa tình. Không lạ gì khi một nhà thơ nữ thể hiện tâm lý của giới mình tinh tế đến vậy.

Bài thơ là lời em thầm nhủ khi đứng bên bờ ánh sáng của tình yêu. Hân hoan đón nhận món quà quý báu mà Thượng đế ban cho loài người: tình yêu đôi lứa nhưng đừng quá lụy tình, đừng biến mình thành con thiêu thân. Yêu là để sống thêm mãnh liệt, để có động lực dấn thân vào cuộc đời, trả nợ đời vì đời đã cho ta nhiều ơn huệ. Lửa tình sẽ thắp sáng thêm lửa đam mê. Điều tự nhủ của Em cũng là nỗi niềm của bao người con gái khi yêu. Và đó cũng là đề tài được nhiều thế hệ nhà thơ thể hiện nhưng “Đừng nhìn em như thế”của Lê Thị Kim đã thu hút người đọc bởi tứ thơ lạ; thi ảnh đẹp, giàu sức gợi với một giọng thơ nhẹ nhàng, trẻ trung của một hồn thơ đã chín.

11/2019

T.M

 

 

(*) là câu thơ trong bài “Thơ ơi-Kim ơi. Niềm tin sau cái chết của con thiên nga” của Lê Thị Kim.

 

ĐỪNG NHÌN EM NHƯ THẾ

Đừng nhìn em như thế

Cháy lòng em còn gì

Sự nồng nàn của bể

Cuốn mất hồn em đi

 

Đừng nhìn em như thế

Khắc giờ thành thiên thu

Mắc nợ đời dâu bể

Mắc nợ tình thơ si

 

Em đành làm chim nhỏ

Đứng hót chơi trong chiều

Thả đôi lời hoa cỏ

Cho đời bớt tịch liêu

 

Bởi tình yêu có thật

Vĩnh cửu trong cuộc đời

Bởi ghen tuông có thật

Xuống mồ biết có thôi

 

Đừng nhìn em như thế

Sự dịu dàng nhường kia

Sẽ làm em chết ngạt

Hết một đời thơ si

Lê Thị Kim

(Rút trong “Nắng thu màu hổ phách” Nxb Hội Nhà văn, 2018)