Đọc thơ Phan Thanh Bình

782

Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ý thức, băn khoăn và hiểu được độ chênh giữa văn chương với cuộc đời trong cái thời “chạm và vuốt” cũng là cách nhà thơ Phan Thanh Bình đánh thức lương tri của những người cầm bút chân chính và cả những người không cầm bút, là độc giả. 

Nhà thơ Phan Thanh Bình 

Biết anh qua một vài bài thơ anh đăng trên Facebook, những bài thơ được anh rút ra từ hai tập thơ Phẳng & Nghiêng; Chạm & Vuốt. Quen nhau trên facebook nhiều người nghĩ là ảo, nhưng với tôi thì rất thật, bởi anh đã yêu quý gửi tặng cho tôi cả hai tập thơ. Hai tập thơ gửi đến Huế vào tháng 5 năm 2017, nắng bỏng cháy, còn tôi thì đang thực hiện những chuyến dạy xa nhà, dạy ở trường Trung cấp Luật Đồng Hới, mỗi tuần về Huế lại lo chạy sấp chạy ngửa dạy bù cho những lớp ở Huế. Cảm thấy mình là bạn đọc vô tâm nhất khi nhận quà quý mà chưa gửi lời tri âm.

Nhân dịp xuân Mậu Tuất, cũng sắp đến ngày thơ Việt Nam, lại lần giở những trang thơ, tìm kiếm anh thi sĩ, tìm kiếm cảm xúc trữ tình trong trái tim người con gốc quê Bình Thuận, nay đã định cư trong Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà cuộc sống lúc nào cũng gấp gáp, vội vã, ai đã từng đến đây thì sẽ đọc được cái cảm nhận rất chính xác của nhà thơ: “Nhà bám theo đường, người bám phố/ Cộng sinh từ thuở lập đền/ Đất Sài Gòn không kiêu bạc/ Cho anh về bên em/ Đường là nơi kiếm sống/ Phố làm chỗ dung thân/ Ai cũng là quen biết/ Nhưng chẳng ai biết mình”. Phải nói là những câu thơ tự sự, tự tình của anh đã khiến cho nhiều người sống tha phương nhận ra có mình trong đó. Hàng năm có biết bao sinh viên của tôi đi tìm việc trong đó, rồi lọt thỏm vào một vị trí nào đó, không ai biết, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, các em trở về lại nhộn nhạo, tự tin hẳn lên, và đã vào đó thì chẳng ai nói sẽ quay về quê hương, cũng có lẽ “Người Sài Gòn thanh hậu/ Sống mãi trở nên quen”.

Thế giới phẳng”

Tâm hồn ta nghiêng

Làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?”

Lấy ý tưởng “thế giới phẳng” của nhà báo Thomas Friedman làm ý tưởng và tứ thơ “tâm hồn ta nghiêng” làm tiêu đề cho cả tập thơ, đã là sự gẫn gũi giữa cái tôi thi nhân vơi độc giả. Đối tượng trữ tình là em, là nơi để nhà thơ tự sự, giãi bày các cung bậc cảm xúc khi cái tôi thi nhân muốn “vượt qua vách đá cuộc đời”.

Từ em, anh có thể giãi bày về nỗi cô đơn, trằn trọc trong Đêm: “Đêm cô đơn…/ Đêm sợ hãi…/ Đêm trằn trọc”… và rồi “Tôi đánh vật với từng đêm/ Bằng những đòn cân não/ Tóc lại thêm sợi bạc trước bình minh”. Càng đọc thơ Phan Thanh Bình, tôi càng cảm thấy mình gần gũi hơn với một con người có những vùng kí ức mà khẽ chạm vào là thấy nhớ, có những nỗi niềm suy nghĩ và trăn trở của một người đàn ông chí khí, người đàn ông lãng mạn, người đàn ông đa tình… “Cõi riêng nơi anh đã chạm…/ Anh nghiêng bờ vai/ Em nghiêng mái đầu”… và “Chỉ sáng mai thôi/ Câu thơ anh hóa đá đợi em về” (Thơ cho em). Trong cái thành phố mà không một phút giây nào vắng người đi trên đường, không một ai có thể đi chầm chậm, không một ai không vội vã vẫn còn một anh lãng đãng, chầm chậm, mơ màng: “Hình như là giao cảm/ Trên đường phố đông người/ Đi chậm thôi em nhé/ Cho anh còn theo em” (Sài Gòn có em). Rất thật, tự sự thôi, không thi vị hóa cái tôi kiêu kì như kiểu Xuân Diệu thời kì 30 – 45: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh đi lãng đãng chẳng theo gần” (Xuân Diệu – Thơ duyên), bởi vì anh đang sống vào thế kỉ 21, thế kỉ mà con người hội nhập, con người toàn cầu hóa đang làm thay đổi cái cách con người sống từ bước đi, cách nghĩ cho đến mọi mối quan hệ. Anh lành hiền thế thôi, bất chợt gặp em trên đường, không biết “Phố nhà em ở đâu” mà đã nghĩ “Hình như là giao cảm”.

Thơ ca là vậy, là hình như, dường như, ngỡ như… mà đã xao xuyến, đã bâng khuâng, đã tìm cách chạm vào bờ vai, nhìn vào khóe mắt và rồi trăn trở “Biết đến bao giờ/ Mình sẽ lại tìm/ Được nhau?” Có vẻ như đã biết, đã nhận ra, đã mến thương đến độ lo lắng, đến mức si mê “Sẽ không là mùa thu/ Nếu không vàng hoa cúc/ Sẽ không là hoa hồng/ Trong đời anh không em” (Hoa hồng của một ngày). Chọn cách kết cấu tới hạn để khẳng định tình yêu vĩnh hằng cũng là cách viết của nhiều thi sĩ, với Phan Thanh Bình, điều này cũng không ngoại lệ. Với bài thơ Em đi về phía biển, nhà thơ sử dụng câu hỏi tu từ nhẹ nhàng dễ thương: “Em đi về phía biển/ Trời xanh có xanh hơn?”, âu đó cũng là lối suy nghĩ của thời kì hội nhập. Bởi trong những bài thơ Nhật ký ngày xa em, Vùng kỉ niệm, Người đàn bà kể… ta thấy trong trái tim thi nhân là một sự cảm thông, sẻ chia, chấp nhận… để em – người đàn bà không hạnh phúc, chưa hạnh phúc… tìm được bến đỗ bình yên, dù trong anh đã hình thành một vùng đau mới. Không lãng mạn như nhà thơ tình nổi tiếng thế giới Puskin: “Cầu cho em có người tình như tôi đã yêu em” (Puskin – Tôi yêu em), bởi vì anh nhận hết về anh mọi khổ đau, sầu muộn: “Anh trở về nơi anh thấy cô đơn/ Gọi mãi tên em, gọi nhầm tên bè bạn/ Sống cứ sống, chấp nhận dần số phận/ Rồi tháng, rồi năm, rồi cũng một đời người” (Vùng kỉ niệm).

Cách đây chừng 10 năm, đọc báo, người ta nói có nơi người ta không cần thơ, vì nói gì thì nói thẳng ra, chứ đọc thơ cứ mơ hồ, đa nghĩa, mệt quá. Lúc đó, tôi lo sợ, sợ một ngày nào đó mọi công dân Việt Nam cũng sẽ nói như thế, thì tâm hồn mình sẽ cằn cỗi biết chừng nào. Nhưng khi đọc Phẳng & Nghiêng của nhà thơ Phan Thanh Bình, tôi nhận ra, thơ với cuộc đời rất gần gũi, không mơ hồ, đa nghĩa kiểu như ca dao trước đây “Hôm nay là tám ngày mai là mười” nữa, mà nhà thơ đã nắm bắt được xu hướng thời đại, hơi thở, tâm lý của con người thời đại, nên anh đã “Chạm & Vuốt”:

Chạm và vuốt

thế giới ảo

thế giới thực

bàn tay kết nối bàn tay

Hiện đại thế đấy, gần gũi thế đấy, khoa học thế đấy. Chỉ bằng cái smartfone trong tay con người đã “ngược về kỷ Juna xem lại những địa tầng”, rồi “thử tìm mình ở tận mai sau”…

Có lẽ tứ thơ trong tập thơ Chạm & Vuốt là tứ của hơi thở thời đại, của cái thời mà mỗi một con người hễ ở đâu và làm gì cũng để “chạm và vuốt”, và thậm chí quên cả bữa cơm, quên cả bạn bè, quên cả giấc ngủ, quên cả hơi ấm bàn tay… vì mải “chạm và vuốt”. Và trái tim thi nhân vẫn âm thầm, rạo rực thu nhận những thay đổi của con người, cảnh vật, của mỗi nơi anh từng đặt dấu chân mình. Nếu ở “Phẳng & Nghiêng” anh viết những vần thơ da diết với Bình Thuận – cố hương, Sài Gòn – “Nhà bám theo đường, người bám phố” thì đến tập thơ “Chạm & Vuốt”, thế giới cảm xúc thơ mở rộng hơn “Em dẫn Huế vào anh hay dẫn anh vào Huế?/ Cơn mưa chiều bọc lót buổi hoàng hôn/ người thiếu nữ suốt đời ngôi thiếu nữ/ dù vị hoàng đế cuối cùng không phải là anh” (Zich zắc mùa thu); “Thức giấc đi em!/ Dẫu niềm tin trong đêm bị đánh cắp/ vẫn còn nhiều hi vọng buổi sớm mai/ tia nắng nhọn châm vào ta ánh sáng” (Thơ tình cho Alpha); “Trời vừa tối tôi theo trăng ra đảo/ tuổi cát Trường Sa bằng tuổi cát đất liền/ Mẹ Tổ Quốc phân thân mình giữ biển/ Người định bờ buộc con cháu ra khơi?” (Tình ca san hô)… Con người rong ruổi, con người kiếm tìm, con người trăn trở… đã bật thành những vần thơ giàu chất hiện thực, chất suy nghĩ trong tập thơ Chạm & Vuốt. Cũng có những câu thơ bạo liệt, mang hơi thở thời đại, của những khoảng thời gian mà mỗi công dân đều không thể giấu mình: “Buổi sáng tìm em/ Anh mở ngoặc tìm mình/ Con cá chết ngoài khơi/ đang phơi bầy trên cát/ biết ghi chú điều gì để không mắc tội với tiền nhân?” (Mở ngoặc và ghi chú)

Lời thơ của thi nhân nhiều khi nóng như ngọn lửa:

Ta cứ mãi với sắc huyền hỏi ngã

phóng to đêm

khuyếch đại chiều tà

Ta vẫn thấy cuộc đời vô căn cước

sáu nan đề

sáng đẹp sáu vầng trăng

Câu thơ số cuối ngày đang mã hóa

bàn phím văn chương

thiếu chữ em cần

(Thi sĩ)

Ý thức, băn khoăn và hiểu được độ chênh giữa văn chương với cuộc đời trong cái thời “chạm và vuốt” cũng là cách nhà thơ Phan Thanh Bình đánh thức lương tri của những người cầm bút chân chính và cả những người không cầm bút, là độc giả. Cũng như bao thi nhân khi cầm bút, viết về Tổ Quốc, về nhân dân trong những thời khắc đặc biệt, bài thơ cuối trong tập thơ “Chạm & Vuốt” đã lắng đọng từng câu chữ về sự hi sinh của những người lính bởi: “Em ơi/ Đất nước mình có lúc không may/ Đất nước mình có những lần lỡ nhịp/ anh có lỗi/ người hôm qua có lỗi/ không phải bao giờ chúng ta cũng thông minh”. Viết về Tổ Quốc không mới, nhưng cách nghĩ về Tổ quốc của anh rất mới, mang tính thời sự, cũng nhờ thông tin của cái thế giới phẳng, để thêm lửa cho ngòi bút của anh.

Quả thực, khi nhận món quà của anh, tôi rất xúc động, rồi khi đọc thơ anh, tôi giật mình, đọc lần thứ nhất thấy hơi ngại, vì có vẻ trái tim của thi nhân lãng mạn, sâu thẳm, cái nhìn của thi nhân bạo biệt. Từ mùa hè bận rộn, đến mùa thu cũng gấp gáp, và qua cả mùa đông rét tái tê tôi cũng không dám mở ra đọc lại. Bây giờ khi mùa xuân ấm áp đã về, có khoảng thời gian của Tết, tôi bắt đầu đọc kĩ thơ anh, nhận ra, anh xứng đáng là thi nhân của “thế giới phẳng”.

Mồng 8 Tết Mậu Tuất, 2018

H.T.T.T