Ký ức Sài Gòn… – Truyện ngắn của Châu La Việt

660

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Chị Hiền, chị đang ở đâu? Chị đang ở đâu?” – Cho đến mãi sau này, mỗi lần vào Sài Gòn công tác, câu hỏi ấy lại vẫn cứ vang lên trong tôi, một người chị Sài Gòn, với rất nhiều niềm vui, nỗi buồn, và có thể cả bi kịch nữa của một cuộc đời…                                    

Nhà văn Châu La Việt      

 Sau ngày miền Nam giải phóng, những thằng sinh viên khoác áo lính chúng tôi được trở về trường cũ học tập. Năm học đầu trôi qua, đến mùa hè, biết tôi được nghỉ ba tháng, mẹ tôi đưa cho một chỉ vàng và bảo tôi hãy đi Sài Gòn một chuyến. Mẹ tôi nói: Con phải vào gặp ông bà ngoại lấy một lần, ông bà ngoại đã già lắm rồi, hàng chục năm qua mong ngóng gặp mẹ con mình. Lần trước mẹ vào, chính bà đưa mẹ chỉ vàng này, nói để cho con lấy tiền tàu xe vào thăm ông bà. Tôi “Vâng ạ”, đi bán chỉ vàng được hai trăm đồng, đổi sang tiền giải phóng rồi đi mua vé tàu và một ít quà Hà Nội, bao gồm chè Thái Nguyên, ô mai mơ, ô mai mận… rồi lên đường.

Ngày thứ nhất đi tàu từ ga Hàng Cỏ đến Vinh. Ngày thứ hai đi xe đò từ Vinh đến Huế. Ngày thứ ba đi xe đò từ Huế ra Đà nẵng, rồi lại chuyển sang xe đò khác để chạy vào Sài Gòn. Cũng phải mất đến 5 ngày 5 đêm. Nhưng thế cũng là nhanh rồi, vì trước đó, tôi thầm nghĩ đất nước mình đã chẳng phải đi từ Hà Nội tới Sài Gòn mất những 21 năm còn gì…

Có thể nói với hành trình “tăng bo” liên tục, ai cũng mệt, chưa kể càng vào trong nắng càng như thiêu như đốt, rồi hơi người, hơi súc vật… bốc lên hầm hập.

Đến Đà nẵng, cô gái ngồi bên tôi xuống xe, chiếc ghế trống, ngay lập tức  có một người thiếu phụ đã ngoài ba mươi mới lên ngồi vào. Chiếc kính to che kín nửa gương mặt, chiếc áo cài khuy cổ kín mít, một mùi nước hoa thoang thoảng bay. Chị ngồi xuống ghế, không nhìn ai và cũng chẳng nói một lời nào. Chỉ có bác tài, bởi có người anh đi tập kết miền Bắc như bác giới thiệu, nên rất thích vọng xuống hỏi tôi về ngoài ấy ra sao…

– Này, miền Bắc giỏi đó chớ. Đánh được thằng Mỹ là giỏi lắm rồi. Nhưng nghe nói nghèo lắm phải không chú em?

– Vâng – Tôi đáp lại ngay không chút e ngại. Thì miền Bắc nghèo cứ nói là nghèo chứ sao?

– Vậy mà tôi nghe mấy anh bộ đội vô giải phóng Sài Gòn nói miền Bắc giàu lắm, ti vi tủ lạnh chạy đầy đường… Chị lấy tay bụm miệng cười.

– Vậy hả chị – Tự nhiên tôi cũng muồn cười vì mấy ông tướng lém lỉnh, ngộ nghĩnh ấy, rồi quay sang hỏi chị khi thấy chị nói giọng Bắc – Quê chị cũng ngoài Bắc à?

Chị gật đầu:

– Bố mẹ chị quê ở Hà Nam. Nhưng vào đây lâu rồi…

– Vậy hả chị… Thế thì chị còn lạ gì miền Bắc. Ngoài ấy hàng chục năm qua chiến tranh, ngoài một vài thành phố lớn có điện, chứ vùng nông thôn như quê chị hay quê em chỉ toàn dùng đèn dầu thôi. Bọn em đi học toàn dưới đèn dầu. Điện chẳng có thì làm sao chúng em biết được ti vi, tủ lạnh là thế nào…

– Ừ, thì cứ nói thiệt như em…

Tôi cười:

– Sài Gòn mới giải phóng, các bạn của em cũng e ngại bà con mình trong đó chưa hiểu miền Bắc lắm, rồi hoang mang không biết tương lai thế nào. Các bạn ấy cũng nói quá lên một chút cho bà con yên tâm thôi. Nhưng bây giờ hòa bình rồi, thế nào miền Bắc cũng sẽ đầy ti vi, tủ lạnh chị ạ.

Bác tài gật gù:

– Khó nhất là “chơi” nhau với thằng Mỹ, nó giàu tiền, giàu của như vậy mà miền Bắc họ còn dám, tui nghĩ chẳng có việc gì mà họ không làm được, chẳng có gì mà rồi họ không có đâu cô ạ…

Đến Nha Trang thì trời đã tối. Xe dừng lại trước một quán ăn đèn điện sáng trưng. Mọi người lục tục xuống rửa ráy, ăn uống, rồi thuê ghế bố nghỉ qua đêm để đến sáng mai lại lên đường. Tôi cũng xuống xe theo mọi người. Nhưng vừa bước xuống, chị kéo tay tôi ra một bãi cỏ, nơi có một lối mòn nhỏ tối lờ mờ, ngượng nghịu nói:

– Chị nhờ em một việc nhỏ nhé… Phụ nữ đi đường dơ lắm (Dơ nghĩa là bẩn). Trong kia có cái giếng, chị muốn vào tắm rửa một chút. Phiền em đứng đây coi chừng, nếu có ông đàn ông nào đi vô thì chặn lại, nói chờ chút vì trong kia có phụ nữ đang tắm…

Tôi gật đầu:

– Chị cứ yên tâm. Em sẽ đứng ở đây canh chừng cho chị….

Chị xách cái túi bước đi. Một lát nghe ào ào nước dội. Tất nhiên là tôi đứng quay lưng lại, vừa giữ ý với chị, vừa nhìn ra mặt đường xem có ai đi tới. Cũng có một vài ba người kéo nhau vào giếng, nhưng do đều là đàn bà nên tôi để họ vào. Như chị dặn thì chỉ chặn đàn ông lại thôi…

Một lát sau chị xách túi ra, đã thay một bộ đồ vải hoa mới. Tôi hơi bất ngờ vì gương mặt chị lúc thô mộc không còn son phấn lại như đẹp hơn, mặt trái xoan trắng trẻo, đặc biệt có đôi lúm đồng tiền. Chị nở một nụ cười rất tươi và rủ tôi vào quán ăn:

– Vào ăn đi em. Chị mời em…

Thú thật tôi hơi ngại, nhưng thấy chị nhiệt tình quá nên cũng ngồi vào bàn ăn, dù rất miễn cưỡng.

Tôi rụt rè nói với chị:

– Chị cho em trả tiền nhé.

Chị lại cười:

– Anh bộ đội này khách khí quá, chị mời mà…

Chị xới cơm cho tôi. Thú thật đi đường xa, lại đang sức trai, chưa kể thức ăn lại rất ngon, nên tôi tì tì làm mấy bát liền. Chị ngồi bên, đũa liên tục gắp cho tôi, chưa hết món này lại đã đến món kia…

Đêm hôm ấy, như mọi hành khách đi xe, hai chị em thuê hai ghế bố (mỗi ghế 6 hào) để nằm ngủ. Ghế chị kê sát ghế tôi, vừa đặt lưng xuống chưa kịp nói chuyện gì tôi đã ngủ. Phần vì mệt mỏi, mà phần cũng vì “căng cơ bụng thì chùng cơ mắt ” như các cụ ta thường nói…

Sáng sớm hôm sau tất cả lại lên xe, chỗ người nào người nấy ngồi, và bác tài lái vừa huýt sáo vừa lái xe đi. Khuya thì tới Sài Gòn. Khi sắp tới bến, chị hỏi nhỏ tôi về đâu, tôi thú thật với chị là em mới vào Sài Gòn lần đầu, vào thăm ông bà ngoại nhưng không biết đường, chỉ có tờ giấy ghi địa chỉ này thôi. Chị bảo đưa cho chị coi và sau đó chị nói sẽ chỉ đường đi cho tôi…

Khi xe tới bến, mọi người hớn hở xuống xe, bác tài cũng đã xăng xái đi dỡ hàng cho khách. Chị kéo tay tôi xuống, còn cẩn thận hỏi tôi có quên gì không, rồi gọi một xe xích lô máy. Chị bảo nhà tôi xa lắm, bây giờ khuya khoắt rồi, cứ tạm về nhà chị gần đây nghỉ đã. Thú thật tôi vừa ngại, mà cũng vừa sờ sợ… Nhưng đã lỡ ngồi lên xích lô máy rồi…

Xe đi qua mấy con đường và dãy phố, tới một biệt thự. Chị nhanh nhẹn nhảy xuống xe, trả tiền cho bác tài, rồi bấm chuông gọi cửa. Có một người đàn bà quãng hơn 50 tuổi nói giọng bắc chạy ra, tíu tít:

– Ơ, mợ Hiền đã về!

Bà xách vội túi cho chị Hiền vào nhà. Thấy tôi còn đứng ngây ra, chị lại kéo tay tôi: “Nhà chị đây, vào đi em”

Tôi bước vào và thú thật thấy choáng. Sang trọng quá, tôi chưa từng được ngồi ở một phòng khách nào rộng rãi, thơm tho và sang trọng thế này. Chị chỉ cho tôi ngồi ở bộ sa lông giữa nhà, ghế có đệm mút hết sức êm ái. Tôi thấy trên tường có treo nhiều bức ảnh, và bức ảnh to nhất là hình chị đang ngả đầu vào vai một người đàn ông cũng đã lớn tuổi, mặc đồ sỹ quan rất oai vệ. Có lẽ đấy là chồng chị. Tôi bắt đầu cảm thấy ngại quá, khi bỗng nhiên mình lại bước vào một ngôi nhà của sỹ quan chế độ cũ thế này…

– Đây là nhà chị, em cứ yên tâm – Chị từ bên dưới đi lên và giới thiệu với tôi – Bác gái vừa nãy là u già của con chị, cũng người Bắc di cư. Ông xã của chị kia – Chị chỉ lên bức ảnh – là một sỹ quan chế độ cũ đang đi học tập. Chị có hai con nhỏ và chúng nó đều đã ngủ. Chị đang bảo u già nấu ăn đêm cho hai chị em, ăn xong thì em đi ngủ ở căn phòng dưới kia. Sáng mai chị sẽ chở em về nhà ông bà, cũng khá xa đây…

Chị dẫn tôi xuống một căn phòng rất đẹp, giường có nệm và đã mắc sẵn màn, rồi chỉ tay vào buồng tắm trong phòng: “Em vào đây tắm rửa đi. Cứ tự nhiên”. Chị đi ra ngoài, còn tôi đứng lặng trong phòng. Một mùi hương phảng phất thật quyến rũ.

Tôi đang tắm thì bỗng nhiên có tiếng gõ cửa, hé ra thì thấy u già đưa vào cho tôi cái khăn tắm:

– Mợ Hiền nói đưa cái khăn tắm này cho chú.

Bà nói rồi đi ra rất nhanh. Tôi thở phào vì lúc ấy đang khỏa thân, chẳng mặc quần áo gì. Mùa hè trong này nóng quá, tôi cứ đứng dưới vòi sen mở nước xối xả, như được tắm dưới những cơn mưa mùa hạ ở quê nhà…

Khi lên nhà, trong khi tôi vẫn đánh bộ quân phục, thì hình như chị cũng vừa tắm, mặc một chiếc váy ngủ màu sữa, phô ra tấm thân đầy đặn và gợi cảm. Ở trên bàn u già đã bày sẵn hai bát cháo bồ câu, và cả hai ly rượu vang:

– Nào, nâng cốc nhé!

Chị chạm ly, và hai chị em cùng uống ngon lành.

– Cưng ăn đi – chị gọi tôi là Cưng ngọt ngào – Đây là nhà chị, cưng tha hồ tự do. Chị thấy cưng rất dễ thương, hơn nữa, lại cùng quê với chị, mảnh đất mà bao nhiêu năm thầy mẹ chị vẫn hướng về, bao nhiêu năm thầy mẹ chị cứ ao ước có ngày trở lại …

– Hai bác không ở đây với chị à?

Chị lắc đầu:

– Thầy chị mất rồi, không kịp thực hiện mong ước. Mẹ chị về Biên Hòa ở với cậu em trai chị. Còn đây là nhà chồng chị, trong khu cư xá của sỹ quan chế độ cũ. Nhưng chị chỉ là vợ bé của ông ấy thôi. Chị lấy vì một ân tình ông ấy đã giúp cho thầy chị thoát một tai họa năm ấy đi buôn gỗ bị vỡ nợ, bị chính quyền tống giam. Nhưng giờ ông ấy đang đi học tập, có lẽ phải rất lâu vì ổng là sỹ quan cao cấp…

… Chị lại rót một ly rượu nữa và nâng ly với tôi:

– Uống đi em. Chị nói thật là chị không cảm tình với cộng sản, nhưng chị mến em. Kể từ sau giải phóng, hôm nay chị mới có một người để có thể dốc bầu tâm sự. Chị cũng rất cô đơn và buồn tủi…

Nước mắt rưng rưng trên mắt chị. Chị xin lỗi lấy khăn lau. Bát cháo bồ câu ngon thế, nhưng nhìn đôi mắt chị đỏ hoe, thú thật tôi cảm thấy đắng ngắt. Đây quả là một người phụ nữ đáng thương. Tôi bỗng lờ mờ hiểu, Sài Gòn giải phóng, triệu con người hân hoan, nhưng cũng có những trái tim rớm lệ…

Như sực nhớ ra, tôi lặng lẽ đứng lên, đi xuống dưới nhà, lục ba lô lấy một gói ô mai sấu và một gói ô mai mơ đem lên tặng chị:

– Em có món quà nhỏ quê hương: ô mai sấu, ô mai mơ. Chị ăn thử nhé…

Tôi đưa cả gói cho chị. Chị nhón một quả ô mai sấu đưa lên miệng:

– Mẹ chị cũng hay nói về xíu muội – trong nam gọi ô mai là xíu muội em ạ –  của miền Bắc ngon lắm. Bây giờ chị mới được nếm…

Chị cho vào miệng nhấm nháp, rồi xuýt xoa:

– Đúng là ngon thiệt!

Được chị khen, tôi thấy hứng chí, lại nhón thêm một quả ô mai mơ, nói chị ơi nhắm mắt lại, rồi cho vào miệng chị. Chị vừa nhấm nháp, vừa nhắm nghiền đôi mắt, đầy vẻ hứng thú. Chỉ đến lúc vị ô mai, vị gừng như tan hết, chị mới mở mắt ra nhìn tôi thốt lên:

– Ngon hết xảy…

Và cũng ánh mắt ấy nhìn tôi có gì đó rất lung linh:

– Mà em cũng thật dễ thương. Chị bắt đầu cảm nhận hết vẻ đẹp của quê mình rồi đó…

Chị nhìn tôi, như chờ tôi tâm sự những điều gì đó, nhưng thấy tôi chỉ cười cười như cho qua chuyện, cho nên chị không nói gì thêm, và bảo tôi chắc mệt rồi, em xuống ngủ đi. Chị dẫn tôi xuống phòng, lịch thiệp hôn lên má tôi, chúc tôi ngủ ngon…

*

Ngày hôm sau, chị lấy honda chở tôi về nhà. Đường phố Sài Gòn ngang dọc, đặc biệt có rất nhiều ngõ hẻm. Ông bà tôi cũng ở trong một con hẻm nhỏ, tìm vào được cũng không phải dễ dàng. Khi tôi bấm chuông và có người nhà ra đón, cũng là lúc chị lặng lẽ nổ xe đi, không kịp để tôi mời vào nhà uống nước…

Tôi đã quá vô tâm khi chia tay chị, đã không hỏi để ghi lại số nhà của chị. Muốn tìm chị mà chẳng có một dấu tích gì, ngoài một cái tên của chị là chị Hiền. Sài Gòn thì mông mênh, biết tìm chị ở đâu?

Nhưng rồi có một hôm, khi tôi vừa đi chơi về, bà ngoại tôi đưa tôi một gói hàng, và nói có một chị nào đó đem đến gửi cho tôi. Ông ngoại tôi còn tủm tỉm: “Ông ở Sài Gòn mấy chế độ rồi, mà chưa từng thấy một người đàn bà nào đẹp như thế!” Tôi đoán ngay là chắc của chị Hiền. Niềm vui lớn nhất của tôi lúc ấy là hy vọng sẽ có được địa chỉ của chị.

“Em thân mến – Trên một tờ giấy xé từ một cuốn vở học trò, chị viết thư cho tôi – Chị biết ít ngày nữa em sẽ trở ra Hà Nội. Chị muốn tặng em nhiều thứ quà, nhưng chị biết em sẽ không nhận, vì em là một anh bộ đội rất tự trọng, rất đễ thương. Nhưng dù vậy, cũng cho chị gửi tặng em nửa cân bột ngọt, mong em nhận cho chị để lấy thơm lấy thảo…

Chị rất tiếc cuộc gặp gỡ của chị em mình quá ngắn ngủi. Tiếc hơn bởi nó là lần đầu tiên mà cũng sẽ là lần cuối cùng. Lần sau em vào, sẽ không còn gặp chị nữa. Nếu không phải đi kinh tế mới, bỏ xác trên rừng xanh, thì chị cũng sẽ vượt biên… Chị phải ra đi vì tương lai của các con chị.

Nhưng dù ở đâu, chị cũng nhớ tới em – đứa em thân thương chỉ gặp một lần trong đời, nhưng để lại cho chị rất nhiều ấn tượng chị chỉ có thể nói vắn tắt như vậy…”

Lá thư dừng ở đây. Chị ký tên, nhưng không có một dòng địa chỉ nào ghi bên dưới. Tôi nhói lòng, vậy là xa chị mãi mãi ư?

Đứng trên ban công nhìn ra đường phố ngoài kia đã sáng đèn, và dòng honda tấp nập chạy trên đường, tôi cứ thầm hỏi: Chị Hiền, chị đang ở đâu? Chị đang ở đâu?

Và không chỉ ngày ấy, mà cho đến mãi sau này, mỗi lần vào Sài Gòn công tác, câu hỏi ấy lại vẫn cứ vang lên trong tôi, một người chị Sài gòn, với rất nhiều niềm vui, nỗi buồn, và có thể cả bi kịch nữa của một cuộc đời…

Bao năm rồi, nhớ về chị, tôi vẫn thì thầm rằng: ước gì em được gặp chị như năm xưa, chị Hiền ạ…

C.L.V