Đổi đời – Truyện ngắn của Đặng Phúc Minh

1275


Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhung lặng lẽ dẫn chiếc xe đạp cũ rích, màu sơn phai loang lổ, vừa bị đứt dây sên dựa vào vách nhà, thầm nghĩ: may mà lần này, dây sên đứt khi xe chỉ còn cách nhà mấy trăm mét trên đường từ trường về. Còn mấy lần hư xe trước, mình phải dắt bộ cả mấy cây số mới về đến nhà, có khi mặt trời đã ngả bóng qua đầu, bụng thì đói, áo ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại.

Nhìn thấy ba với bộ đồ bạc màu vừa đi làm về, Nhung vội nói:

– Ba ơi! Chiều ba nối dây sên cho con nhé, để sáng mai con có xe đi học.

– Ồ! Con để đó, chiều ba sửa cho, con dọn cơm đi, muộn rồi!

– Vâng, con dọn cơm ngay đây, cám ơn ba. Ba nối dây sên lần này nữa thôi. Hôm nay, Hội Khuyến Học huyện đã thông báo cho trường con 10 xe đạp mới, con được một chiếc ba ạ. Cô giáo chủ nhiệm lớp con nói: Xe đạp của Nhung cũ quá rồi lại hay hư nữa, cô phân cho con một chiếc xe mới. Học lớp 12 cuối cấp rồi, mà cứ hư xe hoài, sao có giờ mà học!

– Ồ! Quí hóa quá! Từ khi có Hội Khuyến Học huyện đến giờ, nhiều cháu học sinh nghèo được giúp đỡ: nào tập vở, sách giáo khoa, học bổng, xe đạp, có khi cả gạo nữa… Nhờ thế mà các cháu ít bỏ học. Con cố mà học nhé! Ba Nhung nói.

– Vâng ạ!

Cả gia đình Nhung ngồi quây quần quanh mâm cơm trên một chiếc chiếu rách trải ở giữa nhà. Bữa cơm thật thanh đạm, chỉ có một chén nước mắm, đĩa tép rang, thứ tép mà người nông dân Nam Bộ có thể xúc được ở bờ ruộng, bờ mương và đĩa rau sống gồm nhiều loại tìm được ngay quanh nhà: cải trời, càng cua, chuối chát… Nhưng mọi người vẫn cảm thấy ăn thật ngon và cười nói vui vẻ…

Nhung đã mấy lần định đem câu chuyện du học Nhật Bản do Hội Khuyến Học huyện vừa phổ biến ở trường kể cho gia đình nghe, nhưng lại chần chừ không dám nói ra. Cuối cùng, Nhung lấy hết can đảm và liều thưa với ba má:

– Ba má ơi! Hội Khuyến Học huyện hôm nay còn phổ biến ở trường con là em nào sau khi tốt nghiệp lớp 12 muốn đi du học Nhật Bản thì nộp đơn, mà phải nộp đơn trước khi thi tốt nghiệp lớp 12 và Đại học. Con tính con nộp đơn ba má ạ.

Bữa cơm gia đình đang vui vẻ bỗng trở nên căng thẳng, mọi ánh mắt đều hướng về phía Nhung với vẻ đầy ngạc nhiên. Ông Phước, ba Nhung gắt:

– Trời ơi! Học ở Việt Nam, ba với má còn lo muốn hụt hơi rồi! Năm lớp 11, ba bị đau, nghỉ việc chút nữa con phải nghỉ học đó thôi! Lại còn đòi đi du học nữa, vậy con bán ba với má con đi xem ai mua không? Chứ nhà mình có cái gì đáng giá để bán đâu con? Con mơ mộng quá rồi!

– Con gái học ở gần nhà, mẹ coi còn chưa nổi… Bây giờ lại đi nước ngoài…! Bà Loan, mẹ Nhung nói lấp lửng không dứt câu.

Nhung hơi cúi đầu, vuốt mấy sợi tóc rũ xuống trước mặt rồi nhỏ nhẹ thưa với ba má:

– Chương trình đi du học Nhật Bản này là vừa làm vừa học, không đòi phải có tiền nhiều, mà đòi hỏi phải có ý chí, có nghị lực, có ước mơ, biết sống thật thà, đoàn kết giúp đỡ nhau là được. Sau nay, tốt nghiệp sẽ làm việc ở Nhật ít năm lấy kinh nghiệm rồi về làm việc ở Việt Nam. Con đường du học này phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình: nghèo chịu thương chịu khó ba má ạ. Còn tính con gái của má… Má đã biết rồi mà… Má đừng lo!…

Nói xong, Nhung ngước nhìn ba má với ánh mắt vừa thăm dò vừa cầu cứu…

Thế rồi, ba má Nhung cũng nhận ra và nguôi ngoai đi, không nóng giận như lúc đầu nữa.

– Thôi tùy con đấy, lớn rồi, con tính sao thì tính. Ông Phước nói.

– Chị Nhung đừng đi. Chị đi rồi ai dạy toán cho em? Út Phương, em Nhung mếu máo năn nỉ chị.

Nhung mỉm cười, xoa đầu em…

Gia đình Nhung không có “Cục đất để chọi chim, một tấc đất để cắm dùi”. Căn nhà tre lá xiêu vẹo của gia đình Nhung dựng nhờ trên phần đất ruộng của bà ngoại. Tứ phía là ruộng vườn lộng gió. Trời nắng thì còn đỡ, khi trời mưa thì phía nào cũng trống, che được chiều này thì mất chiêu kia. Căn nhà chỉ rộng chưa đầy ba mươi mét vuông. Ấy thế mà, nó đã là tổ ấm của gia đình, tạm che mưa nắng cho năm mạng người: Ba má và ba chị em Nhung trong nhiều năm qua.

Ba Nhung đi làm mướn cho một nhà máy nước đá nhỏ của tư nhân gần nhà nằm bên quốc lộ 80, ngày làm, ngày nghỉ, lương chẳng được là bao. Mẹ Nhung hay đau yếu, lúc khỏe thì sáng bán mớ rau, mớ cua để kiếm gạo ở cái chợ chồm hỗm chỉ họp được một lát buổi sáng rồi tan, nơi đầu cống 16 cũng bên quốc lộ 80, cách nhà Nhung không xa.

Tuy gia đình nghèo, nhưng Nhung vẫn cố gắng học tốt với hy vọng được đổi đời. Nhung nhớ mãi trong lần họp mặt sinh viên và học sinh ở huyện Vĩnh Thạnh hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, Nhung là một trong mười học sinh lớp 12 được trường chọn đi dự. Mấy bác trong Hội Khuyến Học huyện đã nói:

– Con đường học là con đường thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất. Không học thì làm sao thành người trí tuệ, năng động được? Thời buổi này mà không học thì không làm gì được đâu. Các cháu cố gắng mà học nhé!

Mấy bác còn đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể làm Nhung say mê lắng nghe và suy nghĩ mãi…. Nào là: Nước Nhật Bản không được thiên nhiên ưu đãi như nước ta, bị thua trận trong thế chiến thứ hai (1939-1945), thế mà nay lại là cường quốc về kinh tế, đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới… Singapore diện tích chỉ bằng cỡ đảo Phú Quốc của nước mình, mà dân trí và đời sống của mấy triệu người dân nơi đảo quốc Sư Tử này rất cao. Suy cho cùng là nhờ sự học. Đúng như nhà bác học Lê Quí Đôn của nước ta đã nói: “…Phi trí bất hưng”. Nhung nghĩ rằng đi du học Nhật Bản là cơ hội thật tốt để nhìn và học được những điều Hội Khuyến Học đã nói, vì: “Trăm nghe cũng không bằng một thấy”.

Sau lần ngỏ ý đi du học trong bữa cơm trưa nhiều kỷ niệm mấy tháng trước, ba má Nhung đã bằng lòng về việc đi du học Nhật Bản của Nhung. Từ ngày đó, Nhung càng nung nấu và thực hiện ý nguyện đi du học bằng cách miệt mài học tập, âm thầm rèn luyện các môn học theo yêu cầu của trường Nhật Ngữ Đông Du. Nhung thường thức khuya dậy sớm, có khi thức trắng cả đêm để học tập với ý định sau nay có thể thích nghi với công việc và hoàn cảnh khắc nghiệt nơi đất khách quê người.

Năm 2005 Nhung đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 và Đại học với kết quả tốt. Thế là Nhung đủ điều kiện bước vào cuộc thi viết và phỏng vấn trong chương trình du học Nhật Bản. Một buổi sáng vào trung tuần tháng 07 năm 2005, Nhung đã vượt qua các môn thi viết ở trường Nhật Ngữ Đông Du bên Bầu Cát, TP Hồ Chí Minh. Buổi chiều cùng ngày, Nhung hồi hộp chờ đợi thi phỏng vấn. Sau khi Nhung đã bình tĩnh, thật thà trả lời một cách rõ ràng suôn sẻ các câu hỏi về: gia cảnh, các môn học và sở thích của mình, cô Hiệu phó trường Đông Du hỏi Nhung một câu chót:

– Sao em lại chọn chương trình du học Nhật Bản này?

– Thưa cô, em chọn chương trình du học Nhật Bản do trường Nhật Ngữ Đông Du tổ chức là vì chương trình này tạo điều kiện cho sinh viên vừa học vừa làm, rất phù hợp với hoàn cảnh nghèo của gia đình em. Lại nữa, Nhật Bản là nước có nền giáo dục tốt, khoa học kỹ thuật cao, xã hội văn minh, tiến bộ. Em tin là nếu được học, em sẽ được đào tạo thành người có đủ tài đức, để sau này có điều kiện phục vụ quê hương, đất nước…

Nhung vui mừng, vì đã vượt qua cuộc phỏng vấn của trường.

Nhờ được chuẩn bị chu đáo để thực hiện ước mơ du học của mình đã ôm ấp từ lâu, nên Nhung mau chóng thích nghi với môi trường học tập mới ở trường Nhật ngữ Đông du tại Bầu Cát. Sau sáu tháng nỗ lực học tập, thực hiện những điều chỉ dạy căn kẽ của thầy cô, đặc biệt là của thầy Hiệu Trưởng cùng tuân thủ nội qui của trường và trải qua nhiều lần sát hạch, Nhung đã lọt vào tốp những em được sang Nhật sớm nhất. Nhung dành một ngày để gặp gỡ chào hỏi cùng đón nhận những lời khuyên bảo của: Thầy cô, bạn bè, người thân và các bác trong Hội Khuyến Học huyện. Trong buổi gặp gỡ tiễn đưa, các bác Hội Khuyến Học căn dặn:

– Trước khi du học Nhật các cháu cũng cần biết: Việt Nam đang có chủ trương hội nhập sâu với thế giới. Bộ giáo dục nước nhà đang vận dụng bốn cột trụ của việc học đang được cả thế giới cổ súy để đưa vào nhà trường. Đó là: Học để biết, học để làm, học để sống chung, học để làm người. Thành phố Cân Thơ đang hướng đến xây dựng những công dân: Trí tuệ, năng đông, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch. Vì thế, ở bất cứ đâu và học tới mức độ nào là người Việt Nam, các cháu phải giữ được lòng nhân ái, sự hào hiệp và phong cách thanh lịch nhé! Các cháu nhớ người Nhật rất coi trong danh dự và sự thật thà…

Bác chúc các cháu có một tương lai sáng ngời do chính khối óc, bàn tay và con tim của các cháu biết rộng mở đón nhận và làm nên.

Chúc các cháu thành công trong chuyến du học Đông du nhiều vui mừng và hy vọng, nhưng cũng không ít gian nan này. Đất nước kỳ vọng nơi các cháu!

Nhung cúi đầu cám ơn và rưng rưng nước mắt đón nhận những phần quà từ các thầy cô và Hội Khuyến Học cùng bao lời khuyên bảo sâu sắc thắm tình trong buổi tiễn đưa. Nhung thật cảm động trước những phần quà, vì nó giúp Nhung có được một tấm vé máy bay và sắm sửa được một ít đồ dùng cần thiết trước khi sang Nhật trong lúc gia đình Nhung đang khó khăn. Nhung thầm nghĩ mà trân quí lời dạy bảo của cha ông ta: “Miếng khi đói bằng gói khi no”. Sao lời dạy của cha ông đúng với hoàn cảnh gia đình Nhung lúc này thế!

Những ngày đầu ở Nhật, Nhung đã được trường Nhật Ngữ Đông Du giúp đỡ một cách chu đáo, gởi Nhung vào nơi vừa có việc làm vừa đi học. Lớp anh chị sang trước tận tình chỉ dẫn giúp đỡ, có khi nhường cả công việc đang làm cho Nhung. Tất cả coi nhau như anh em ruột thịt. Nhờ thế, Nhung vững tâm hơn, bớt đi sự bỡ ngỡ và nhớ nhà.

Tuy thế, nhiều bạn đã gọi Nhung là: “Hai lúa đi Nhật”, vì Nhung vẫn còn nguyên nét chân quê của cô gái quê miền sông nước Nam bộ. Ngoài ra, Nhung cũng gặp không ít khó khăn trở ngại trong một môi trường văn hóa mới từ giao tiếp, ngôn ngữ, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày quá đắt đỏ, rồi vừa học vừa làm. Có những đêm khuya thân gái phải cắn răng đi làm chịu lạnh thấu sương, tuyết phủ khắp nơi khi mùa đông đến, rồi sáng mai lại tới trường sớm…

Bốn năm học ở trường Gifu University của thành phố Gifu, ngoài kiến thức trong trường, Nhung con được chứng kiến bao nét văn hóa đặc sắc thu hút nhiều du khách trên thế giới đến với thành phố này nhờ có các cuộc dã ngoại do nhà trường và bạn bè tổ chức, hay những buổi đi tìm hiểu Trung Tâm Học Tập Cộng Đồng (Kominkan). Có những nét văn hóa đã được công nhận là phi vật thể của thành phố Gifu. Một trong những nét văn hóa phi vật thể của thành phố này làm Nhung nhớ mãi là: Ukai hay đánh bắt cá bằng chim cốc thường diễn ra ban đêm vào mùa nước nổi từ tháng năm đến háng mười hàng năm, trùng với mùa nước nổi của quê nhà đã gợi cho Nhung bao nhớ nhung!

Trong thời gian nước nổi, hai bên bờ sông Nagara của thành phố Gifu, dòng sông được chọn là biểu tượng của thành phố, tấp nập du khách trong và ngoài nước đến như lễ hội. Dưới dòng sông là những chiếc thuyền gỗ dài hơn mười mét, mỗi thuyền đều có ba ngư dân. Người nào như người nấy, được trang phục theo truyền thống, trên đầu quấn khăn vải kazaorieboshi, mình mặc váy rơm koshimino, chân đi dép rơm ashinaka. Họ đốt gùi lửa kagaribitreo ở phía mũi thuyền để thu hút cá. Những con chim cốc đã được các ngư dân huấn luyện thuần thục sẵn sàng biểu diễn. Chúng được thả ra đi bắt cá đem về thuyền. Mỗi con có thể bắt được từ 0,5kg đến 2 kg cá Ayu mỗi đêm. Ayu là loại cá thịt rất ngọt và có giá cao. Đánh bắt cá bằng chim cốc (Akai) là phương pháp truyền thống đã có ở Nhật Bản ngay từ cuối thế kỷ thứ I. Trước đây, Akai là nghề kiếm sống của người dân hai bên bờ sông Nagara; nay Akai phục vụ cho ngành du lịch của thành phố Gifu nhiều hơn.

Mỗi lần có cơ hội như tham quan dã ngoại, Nhung lại có dịp nói với các người bạn Nhật và các nước khác về đôi nét văn hóa của quê hương đất nước mình như để bớt đi nỗi nhớ nhà da diết.

Nhung có dịp nói về mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long.

– Miền Nam Việt Nam không làm hệ thống đê điều như ở miền Đồng Bằng Sông Hồng Bắc Việt. Vì thế, trong mùa nước nổi, nước sông Cửu Long từ thượng nguồn chảy về mang theo phù sa màu mỡ và cũng mang theo bao loại cá tôm tràn lên khắp ruộng đồng miền Nam. Đồng ruộng miền Nam lúc này rộ lên mùa đánh bắt tôm cá của người dân với phong phú loại hình từ: giăng câu, thả lưới, cất vó, đặt lọp, dãi chài, đóng đáy, kéo lưới, thả chà…

Khắp xóm thôn miền Nam thời gian này trở thành ngày hội ẩm thực, với các món ăn thật dân dã dễ kiếm, nhưng cũng rất bắt miệng như cá linh non tẩm bột chiên giòn, cá linh nấu mẻ, cá linh nấu chua với bông súng, bông điên điển vàng óng đang nở rộ trên cánh đồng miền Nam mùa nước nổi, cá linh nhúng dấm, cá linh kho lạt, cá linh kho me, cá linh kho mía… Rồi cá lóc hấp bầu, cá lóc nướng trui gói bánh tráng chấm nước mắm me, cá lóc chiên giòn, cá lóc rang muối, cá lóc kho lạt…

Với các món ăn dân dã, người dân Nam bộ có thể ăn trong nhà, ngoài sân, ngài ruộng, thậm chí có thể ăn trên những chiếc thuyền ba lá tròng trành giữa cánh đồng mênh mông nước trong mùa nước nổi khi đang đánh bắt cá. Người ta gọi người Nam bộ sống chung với lũ có lẽ một phần là như thế. Một nếp sống giản dị, hồn nhiên, thú vị hòa quyện với thiên nhiên đất trời thật lãng man, nên thơ đáng yêu biết bao…!


Minh họa (Ảnh Internet).

Nghe câu chuyện Nhung kể, nhiều người bạn nước ngoài bập bẹ:

– Nhung oi! Cho tui minh ve que cau mua nuoc noi đi! Bat ca, an ca ngoai dong thu vi qua!

– Khi nào chúng mình cùng tốt nghiệp, Nhung đưa về. Nhung mỉm cười nói.

– The thi lau qua! Con gai Viet Nam rat thong minh, dep lam va kheo qua! Các bạn Nhung nói.

– Con gái Việt Nam không đẹp lắm đâu! Con gái Việt Nam chịu khó, đảm đang và đặc biệt là chung thủy…Nhung nói.

– Chung thuy la gi? Ban nhung hỏi.

Nhung không trả lời… Rồi tất cả nắm tay nhau cười ồ vui vẻ…

Càng kể cho bạn bè nghe bao nhiêu về quê hương mình, nỗi nhớ nhà trong lòng Nhung lại dâng lên cao bấy nhiêu! Có cái gì nghẹn nghẹn nơi cổ, Nhung không thể kể tiếp được nữa. Những giọt nước mắt quê hương từ đâu bỗng dưng lăn dài xuống má, Nhung thấy mặn mặn trong miệng, thầm nghĩ hai câu thơ của Chế Lan Viên đã giúp Nhung lột tả hết tâm trạng lúc này:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn!”

Thế rồi, bốn năm học ở trường Đại học Gifu cũng trôi qua thật mau. Hai năm đầu Nhung nhận được học bổng Jasco với 500 USD/ tháng. Hai năm sau nhờ học tốt hơn, Nhung nhận học bổng Nitory trị giá 1500 USD/ tháng. Và bây giờ Nhung đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp Đại học. Một phần thưởng thật xứng đáng cho Nhung với bao công sức đã đổ ra trong gần bảy năm học tập, ba năm học Nhật ngữ và bốn năm học Đại học. Tháng 03 năm 2013, Nhung đã tốt nghiệp Đại học ngành xây dựng loại giỏi của trường Gifu University. Tốt nghiệp Đại học loại giỏi, Nhung được ưu tiên học lên Cao học không phải qua thi tuyển. Nhưng cũng chính lúc này công ty xây dựng Tokyo Construction trả lời nhận Nhung làm việc, vì Nhung đã nạp đơn xin việc mấy tháng trước. Đây là một công ty xây dựng lớn, hầu hết là người Nhật làm việc. Nhận người nước ngoài như Nhung là rất hiếm. Vì thế, Nhung quyết định nhận làm việc cho công ty Tokyo Construction để có cơ hội thực hành bao điều đã học, rồi sẽ học Cao học tiếp sau, khi đó đã có kinh nghiệm thực tế sẽ tốt hơn.

Nhung vội báo tin vui về Việt Nam để gia đình mừng:

– Ba má khỏe không? Con đã đậu Đại học loại giỏi, con được đi làm rồi!

– Ồ! Nhung đấy hả con! Con đậu và đi làm rồi, mừng quá! Con khỏe không? Bao giờ con về? Má nhớ con quá! Bà Loan nghẹn ngào không nói được nữa.

– Con khỏe! Con sẽ về, nhưng chưa biết được ngày nào má ạ! Nhung cũng nghẹn ngào không nói lên lời…

Nhung âm thầm dự định sẽ đưa mấy người bạn, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng lớp đã nhiều lần nài nỉ Nhung đưa về Việt Nam trong mùa nước nổi. Nhung cũng muốn tạo niềm vui bất ngờ cho ba má và gia đình trong chuyến về thăm nhà lần này.

Một buổi sáng tinh mơ vào mùa nước nổi tháng tám năm 2013, trên bầu trời còn lác đác những vì sao chưa kịp tắt như còn lưu luyến màn đêm, mấy cánh cò trắng đi kiếm ăn sớm vội bay từ phía Bắc sang phía Nam quốc lộ 80 kêu oác oác, cái chợ chồm hỗm ở cống 16 đã chộn rộn khi trời còn chạng vạng, xua đi cái yên tĩnh vốn có của miền quê yên lành.

Mấy mớ cá linh còn nhảy tong tong trong những cái chậu nhôm, vài sâu ếch, mấy mớ cua đồng còn bò ngổn ngang quanh vài cái thau nhựa cũ bể miệng. Bên nay mấy cái bắp chuối, một đống bầu bí để ngay mé đường trên cái bao đựng lúa cũ, bên kia là rổ bông điên điển, bông súng, rọc mùng, cù nèo, tai tượng… Có lẽ người bán nhiều hơn người mua trong cái chợ quê chồm hỗm xa xôi này.

Chiếc xe đò hiệu Phương Trang từ Cần Thơ về Kiên Giang đã ngừng lại ngay cống 16 trên quốc lộ 80. Bốn người trên xe bước xuống. Mọi người trong chợ đều ngước nhìn và cùng nhận ra Nhung.

– Con Nhung về đấy hở con? Khỏe không?

– Vâng! Con mới về, con khỏe. Nhung đáp.

– Ai mà đông vui thế. Bà Tèo bên nhà Nhung hỏi.

– Dạ! Mấy người bạn cùng lớp với con.

– Nghe má con nói con đậu gì bên Nhật rồi phải không? Mừng quá! Bác Mến hỏi.

– Dạ con đậu Đại học dì ạ. Nhung thưa.

– Thôi con đưa bạn về nhà đi, để ba má con mừng.

– Vâng! Con xin phép đưa mấy bạn con về nhà.

– Nhung, ca linh phai khong? Người bạn Nhật hỏi

– Nhung, bong dien dien phai khong? Người bạn Hàn Quốc hỏi.

– Ồ! Đúng rồi, các bạn chỉ nghe Nhung kể, chưa nhìn thấy bao giờ mà biết, tài quá!

Tất cả lại nắm tay nhau cười vang… Họ thả bộ về nhà Nhung cách đó chưa tới nửa cây số. Mười năm trước, đây là con đường đất lầy lội khó đi lại trong mùa mưa thì nay đường đã được đổ bê tông rộng cả ba mét, đi lại thuận tiện không lầy lội như xưa nữa. Ban đêm còn có đèn đường chiếu sáng, xóm nghèo nay hết tăm tối rồi…!

Tới nhà, vừa giới thiệu xong mấy người bạn với ba, Nhung đã ôm lấy má, không nói nên lời. Hai má con cứ ôm nhau mãi…

– Em chào chị Nhung, hai đứa em cám ơn chị nhiều, mùa khai giảng năm nay, chị đã gởi tiền về mua cho mỗi đưa em một chiếc xe đạp mới đẹp ghê! Nhờ thế, đường đến trường của chúng em ngắn lại nhiều chị ạ! Chúng em có thời giờ học, cám ơn chị nhiều lắm…! Trường và Yến hai em ở lối xóm, gia đình nghèo mà ham học cám ơn Nhung.

– Ồ! Trường và Yến đấy hả! Sao biết chị về mà sang?

– Em đi học qua, thấy nhà đông người, lại ồn ào, em ghé xem, gặp chị về, mừng quá! Chị về được lâu không? À! Em quên, chị Nghi nhờ em cám ơn chị đã gởi tiền về cho chị đi thi ở trường Nhật Ngữ Đông du, chị ấy đậu và đi học rồi chị ạ.

– Trời! Nghi đậu rồi hở em, vui quá, thế chị có bạn lối xóm ở Nhật rồi, mừng ghê!

– Thôi chào chị chúng em đi học đây kẻo trễ, chiều em ghé chị nhé!

– Các em đi học đi, chị còn ở nhà lâu mà, lúc nào sang chị cũng được.

Hôm qua ở Cần Thơ, Nhung đã đặt một tour du lịch tham quan Đồng Bằng Sông Cửu Long trong mùa nước nổi một tuần cho bảy người là ba người bạn, ba má, em Nhung và Nhung. Chị Nhung đã lấy chồng mới có em nhỏ nên không tham dự được.

Nhung suy nghĩ: trước khi làm những việc lớn, hãy làm những việc trong tầm tay cho mình và mọi người, ai cũng có cơ hội, thời gian không đợi một ai!

Đ.P.M